
Đức Hồng Y Giorgio Marengo người Ý trong Thánh lễ tiếp nhận Giáo xứ Hiệu tòa của ngài ở Rôma vào tháng 5 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)
Khi Đức Hồng Y Giorgio Marengo người Ý lần đầu tiên đến Mông Cổ với tư cách là một Linh mục truyền giáo cách đây 20 năm, phái đoàn của ngài đã dựng hai yurt (lều tròn) ở thảo nguyên — một dành cho các hoạt động và một dành cho việc dâng Thánh lễ.
“Chúng tôi được gửi đến một vùng xa xôi mà trước đây Giáo hội chưa từng đặt chân đến”, Đức Hồng y Marengo nhớ lại. “Sau một quá trình dài để có được những giấy phép cần thiết, cuối cùng chúng tôi cũng có được một mảnh đất — trống rỗng, chẳng có gì cả”.
Các nhà truyền giáo Công giáo, mỗi người đã phải mất 3 năm học tiếng Mông Cổ để chuẩn bị, đã tự vấn bản thân: “Chúng ta bắt đầu từ đâu?”. Họ đã quyết định bắt đầu bằng việc cầu nguyện.
“Chúng tôi cầu nguyện, cử hành Thánh Thể bằng tiếng Mông Cổ, vì vậy những người trong khu phố bắt đầu bước vào ger [từ tiếng Mông Cổ có nghĩa là yurt] và xem những người nước ngoài hài hước này đang cầu nguyện”, Đức Hồng Y Marengo nói.
“Họ nói với chúng tôi: ‘Chúng tôi cảm thấy có điều gì đó đặc biệt trong chiếc ger này, trong yurt này’”.
Truyền giáo bắt đầu bằng cầu nguyện, Đức Hồng Y Marengo giải thích trong một bài giảng ở Rôma vào tuần trước do Trung tâm Giáo dân tổ chức, và Mông Cổ, nơi có một số địa điểm xa xôi nhất trên thế giới, thích việc cầu nguyện chiêm niệm.

Chỉ với 1.450 tín hữu Công giáo, Mông Cổ có “một trong những cộng đồng Công giáo nhỏ bé nhất trên thế giới”, theo Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar của Mông Cổ (Hình ảnh được cung cấp bởi Cecilia Zolo / Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar)
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Mông Cổ khi ngài thực hiện chuyến Tông du thủ đô Ulaanbaatar của quốc gia châu Á này từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9.
Theo Đức Hồng Y Marengo, chỉ với 1.450 tín hữu Công giáo, Mông Cổ có “một trong những cộng đồng Công giáo nhỏ bé nhất trên thế giới”.
Đức Hồng Y Marengo, Phủ Doãn Tông Tòa của Mông Cổ, nói với các nhà báo sau bài giảng của mình rằng việc Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn đến thăm một cộng đồng Công giáo nhỏ bé như vậy cho thấy rằng “trái tim của Đức Thánh Cha bừng cháy lửa yêu mến đối với Giáo hội hoàn vũ, và đặc biệt là Giáo hội trong một bối cảnh thiểu số”.
Ước mơ về một Tu viện Công giáo
Bối cảnh tôn giáo của Mông Cổ – từng là trung tâm của Phật giáo Tây Tạng – đã bị thay đổi đáng kể bởi sự cai trị của Cộng sản.
Vào đầu thế kỷ này, ước tính có khoảng 110.000 tu sĩ Phật giáo và 700 tu viện ở Mông Cổ.
Đức Hồng Y Marengo kể lại việc một nhà truyền giáo Công giáo người Pháp đến thăm Mông Cổ ngày nay vào cuối thế kỷ 19 đã chứng kiến sự kế thừa của các tu viện Phật giáo ở Mông Cổ và nói: “’Một ngày nào đó đất nước này sẽ phải có một Tu viện Công giáo ở đây’”.
Dưới chế độ độc đảng của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, nhiều tu viện đã bị phá hủy và bị đóng cửa, khoảng 17.000 tu sĩ Phật giáo đã bị giết hại, trong khi nhiều người khác từ bỏ đời sống tu hành.
Mặc dù một phong trào sau sự sụp đổ của Liên Xô tìm cách xây dựng lại các tu viện bị phá hủy, khoảng 40% dân số Mông Cổ vẫn theo chủ nghĩa vô thần hoặc không có tôn giáo.

Chỉ với 1.450 tín hữu Công giáo, Mông Cổ có “một trong những cộng đồng Công giáo nhỏ bé nhất trên thế giới”, theo Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar của Mông Cổ (Hình ảnh được cung cấp bởi Cecilia Zolo / Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar)
Trong bối cảnh của sự phục hưng tôn giáo khiêm tốn của đất nước, Đức Hồng Y Marengo chia sẻ giấc mơ của người tiền nhiệm truyền giáo của mình và nghĩ rằng việc thành lập một Tu viện Công giáo chiêm niệm đầu tiên ở Mông Cổ “sẽ là cách thức truyền giáo hiệu quả hơn”.
“Và đây là một trong những lời cầu nguyện mà chúng tôi hằng tha thiết để một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ có một Tu viện Công giáo, nơi lời cầu nguyện chiêm niệm Công giáo được nhìn thấy, được cảm nghiệm, được dâng lên. Và tôi thiết nghĩ nó sẽ tạo ra sự khác biệt trong việc rao giảng Tin Mừng”, Đức Hồng Y Marengo nói.
‘Thầm thì Tin Mừng’
Đức Hồng Y Marengo, 49 tuổi, là vị Hồng y trẻ tuổi nhất thế giới, đã nỗ lực hết mình để hòa mình vào nền văn hóa Mông Cổ, bao gồm nhiều năm học hỏi ngôn ngữ chuyên sâu, trước khi bắt đầu sứ mệnh của mình.
Giờ đây, sau hơn 20 năm với tư cách là một nhà truyền giáo ở Mông Cổ và là Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar, nơi có thẩm quyền trên toàn bộ đất nước, Đức Hồng Y Marengo có thể nói về những khía cạnh độc đáo của nền văn hóa Mông Cổ vốn ảnh hưởng đến cách thức các nhà truyền giáo Công giáo tiếp cận việc truyền giáo.

Chỉ với 1.450 tín hữu Công giáo, Mông Cổ có “một trong những cộng đồng Công giáo nhỏ bé nhất trên thế giới”, theo Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar của Mông Cổ (Hình ảnh được cung cấp bởi Cecilia Zolo / Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar)
“Rõ ràng là trong bối cảnh Mông Cổ, việc thì thầm và nói chung là nói với giọng trầm đặc biệt quan trọng, không chỉ như một phần của nghi thức địa phương mà thậm chí còn là một cách thức truyền tải các giá trị riêng biệt — và hãy tưởng tượng việc một người Ý nói với cung giọng trầm hơn và không sử dụng tay sẽ khó khăn như thế nào”, Đức Hồng Y Marengo nói bông đùa.
Đức Hồng Y Marengo cũng cho biết thêm rằng khi một đứa trẻ được sinh ra ở Mông Cổ, có một nghi thức đặt tên đặc biệt, trong đó đứa trẻ sơ sinh vài tuần tuổi được tắm rửa bằng nước luộc thịt cừu bên trong lều và người mẹ sẽ ôm đứa bé vào lòng và thì thầm tên của đứa trẻ ba lần đầu tiên.
“Tôi đã tham dự nghi lễ này nhiều lần và nó rất cảm động”, Đức Hồng Y Marengo nói.
Qua cuộc sống và công việc của mình ở Mông Cổ, Đức Hồng Y Marengo đã hiểu được “thì thầm Tin Mừng” là một kiểu giao tiếp chỉ diễn ra trong bối cảnh của một mối quan hệ hoặc tình thân hữu và với sự thân tín và thận trọng.
“Cần rất nhiều thời gian để thâm nhập vào một nền văn hóa đến mức mà mối quan hệ thiết yếu này đã được xây dựng. Hiện đã có một kênh mở mà qua đó bạn có thể chia sẻ điều quan trọng và quý giá nhất đối với mình, đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu”, Đức Hồng Y Marengo nói.
Đức Hồng Y Marengo lưu ý rằng quá trình hội nhập văn hóa của Tin Mừng phải mất nhiều thế kỷ và là một quá trình được dẫn dắt bởi những người dân địa phương “những người đã đón nhận đức tin vào Chúa Kitô và những người đã diễn giải lại cuộc sống của họ dưới ánh sáng của Tin Mừng”.
“Tin Mừng phải được loan báo vì đó là một yếu tố nâng cao sức mạnh cho các nền văn hóa và giúp các nền văn hóa đó mở ra những chiều kích mới. Và nếu truyền giáo không chạm đến trung tâm của nền văn hóa, thì nó sẽ giống như lớp sơn bề mặt dễ rạn nứt và phai màu”, Đức Hồng Y Marengo nói.
Trong bài giảng của mình tại Rôma, vị Hồng y thừa sai đã nhấn mạnh rằng “điều cơ bản là Tin Mừng phải được loan báo” ngày nay.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắc lại sự cấp thiết này trong Thông điệp về truyền giáo, Evangelii Nuntiandi, vào năm 1975 để đáp lại “một số trường phái tư duy nổi bật dựa trên thuyết tương đối, theo đó bất kỳ nỗ lực nào đề xuất Tin Mừng đều có thể bị coi là có khả năng gây xáo trộn”, Đức Hồng Y Marengo giải thích. Ngài cũng lưu ý rằng cuộc nổi loạn của giới trí thức vào thế kỷ trước chống lại ý tưởng Phúc Âm hóa bằng việc truyền giáo “ngày nay đã nhường chỗ cho một cuộc tìm kiếm khiêm tốn hơn về tính xác thực và chiều sâu”.
Đức Hồng Y Marengo đã đề cập mẫu gương của Thánh Phaolô, người là hiện thân của việc “làm thế nào một người môn đệ có thể trở thành một nhà truyền giáo đích thực, vì toàn bộ cuộc đời của người ấy đã được biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”.
“Tin Mừng, vốn là trung tâm của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, không thể bị che giấu”, Đức Hồng Y Marengo nói. “Tin Mừng phải được rao giảng một cách tự do, thậm chí có tính đến việc nó có thể bị hiểu lầm, có tính đến việc điều đó có thể tạo ra một số vấn đề”.
“Tin Mừng phải được sống và được thể hiện qua chứng tá của những người sống điều đó”, Đức Hồng Y Marengo nói.
Minh Tuệ (theo CNA)