Trong bài diễn từ chính thức đầu tiên trước Hồng y Đoàn, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đã nhắc đến di sản của cả Đức Giáo hoàng Phanxicô lẫn Đức Giáo hoàng Lêô XIII, đồng thời khẳng định mong muốn Giáo hội “ứng phó với một cuộc cách mạng công nghiệp mới và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”.
Trong bài diễn từ chính thức đầu tiên trước Hồng y Đoàn sau khi đắc cử Giáo hoàng, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đã tiết lộ nguồn cảm hứng đằng sau Tông Hiệu mà ngài đã chọn — một Tông Hiệu, mà theo ngài, phản ánh cam kết lâu dài của Giáo hội đối với phẩm giá con người và công lý xã hội.
“Đức Giáo hoàng Lêô XIII, với Tông Thư lịch sử Rerum Novarum, đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên”, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV nhắc lại. “Ngày nay, Giáo hội trao tặng cho toàn thể nhân loại kho tàng Giáo huấn xã hội của mình để ứng phó một cuộc cách mạng công nghiệp mới cũng như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”.
Tông Hiệu Lêô, như vậy, không chỉ bén rễ trong truyền thống, nhưng còn hướng nhìn vững chắc về phía trước, đối diện với những thách đố của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và lời mời gọi muôn thuở của Tin Mừng trong việc bảo vệ những người yếu thế nhất trong xã hội.
Phát biểu trước các Hồng y, những người mà ngài gọi là “những cộng sự thân cận nhất của Đức Giáo hoàng” vào thứ Bảy, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đã trình bày bài diễn từ chính thức đầu tiên của mình với tư cách là Đấng Kế vị Thánh Phêrô, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và ý thức về trọng trách to lớn hiện đang được trao phó cho ngài. “Cái ách này”, ngài nói, “rõ ràng vượt quá sức của tôi — cũng như đối với bất kỳ ai khác”.
Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV lưu ý rằng những ngày trước khi ngài được bầu chọn đã được bao trùm bởi tâm tình thương tiếc, khi Giáo hội tiễn biệt Đức cố Giáo hoàng Phanxicô. Nhận thức được sức nặng cảm xúc của thời khắc đó, ngài mô tả sự qua đời của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô và Mật nghị bầu Giáo hoàng diễn ra sau đó như “một biến cố Vượt Qua”, được bao phủ trong ánh sáng Phục Sinh.
Đức tân Giám mục của Giáo phận Rôma đã tri ân vị tiền nhiệm, hồi tưởng sự dung dị của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, lòng tận tụy triệt để của ngài với sứ vụ phục vụ, và sự trở về bình an của ngài trong Nhà Cha Trên Trời. “Chúng ta hãy trân trọng di sản quý báu này và tiếp tục hành trình của mình”, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV nói, “được thúc đẩy bởi niềm hy vọng xuất phát từ đức tin”.
Đức tân Giáo hoàng hoàng Lêô XIV nhắc nhở cộng đoàn hiện diện về sự hiện diện âm thầm nhưng đầy quyền năng của Đức Kitô Phục Sinh — “không phải trong tiếng sấm rền và động đất” nhưng trong “tiếng thì thầm của làn gió nhẹ”. Chính trong sự tĩnh lặng ấy, ngài nói, con người gặp gỡ Thiên Chúa một cách thân mật nhất, và chính cuộc gặp gỡ đó phải định hướng cho sứ mạng của Giáo hội ngày hôm nay.
Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV tiếp tục mô tả Giáo hội như “dạ mẹ” và “đoàn chiên”, như “cánh đồng” và “đền thờ,” và ngài ca ngợi sự hiệp nhất mà cộng đoàn tín hữu thể hiện trong những ngày diễn ra tang lễ, coi đó như là sự biểu lộ “sự vĩ đại đích thực của Giáo hội”.
Hướng về tương lai, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV nhấn mạnh con đường đã được khai mở bởi Công đồng Vaticanô II, một con đường được canh tân và giải thích lại dưới thời Đức cố Giáo hoàng Phanxicô. Ngài nhấn mạnh những điểm then chốt từ Tông Huấn Evangelii Gaudium của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: quyền tối thượng của Đức Kitô, tính hiệp hành, cảm thức đức tin (Sensus Fidei), lòng đạo đức bình dân, sự quan tâm đến người nghèo, và sự dấn thân can đảm với thế giới.
“Đó là những nguyên lý Tin Mừng nhờ đó dung mạo thương xót của Chúa Cha đã được mạc khải và tiếp tục được mạc khải nơi Chúa Con đã làm người”, Đức tân Giáo hoàng khẳng định.
Kết thúc bài diễn từ, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV mời gọi các Hồng y huynh đệ và toàn thể Giáo hội tiếp tục tiến bước trên hành trình ấy với “tâm tình cầu nguyện và sự dấn thân”. Cuối cùng, ngài trích dẫn lời cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong ngày khai mạc Triều đại Giáo hoàng của ngài, khẩn xin cho “một ngọn lửa lớn của đức tin và tình yêu” một lần nữa bừng sáng trên khắp thế giới, soi đường cho tất cả những người có tinh thần thiện chí.
Thiên Ân (theo Vatican News)