Đức Phanxicô với Phái đoàn Đại kết: ‘Chúng ta được kêu gọi để phân biệt, biện phân và xem xét’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón Đức Tổng Giám mục Emmanuel của Chính thống

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón Đức Tổng Giám mục Emmanuel của Giáo hội Chính thống

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn của Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople Bartholomew và nói về tầm quan trọng của sự hiệp thông Kitô giáo như một ví dụ khi chúng ta nỗ lực tìm kiếm sự hiệp thông toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.

Phát biểu trước phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople tại Vatican hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “cuộc thăm viếng qua lại thường niên này giữa Giáo hội Rôma và Giáo hội Constantinople” nhân dịp lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ “là dấu chỉ của sự hiệp thông – dù chưa đầy đủ – mà trên thực tế chúng ta đã chia sẻ”.

Mừng lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ trong thời kỳ khủng hoảng

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ diễn ra “trong một thế giới vẫn đang vật lộn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch gây ra”. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng chỉ có một thứ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng này, “và đó là nguy cơ chúng ta sẽ lãng phí nó, và không học được bài học mà nó để lại”. Đây là bài học về sự khiêm tốn, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, cho chúng ta thấy rằng “không thể sống lành mạnh trong một thế giới không lành mạnh, hoặc cứ tiếp tục như chúng ta vốn có, mà không nhận ra điều gì đã xảy ra”.

Thông điệp cho các Kitô hữu

Kế đến, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục đặt câu hỏi rằng điều này có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu. “Chúng ta cũng được mời gọi để suy nghĩ nghiêm túc về việc liệu chúng ta có muốn quay lại làm những gì chúng ta đã làm trước đây hay không”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Liệu chúng ta có hành động như thể không có gì xảy ra, hay “chấp nhận thách thức của cuộc khủng hoảng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Cuộc khủng hoảng, như nghĩa gốc của từ này, luôn bao hàm sự suy xét, phân biệt giữa điều tốt và điều xấu. “Cuộc khủng hoảng hiện nay kêu gọi chúng ta phân biệt, biện phân và xem xét đánh giá, trong mọi việc chúng ta làm, giữa những gì đang tồn tại và những gì đã qua”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đối với chúng ta, những người Kitô hữu đang trên con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, có nghĩa là “tự hỏi bản thân xem chúng ta muốn tiến về phía trước như thế nào”, Đức Thánh Cha lưu ý. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng mọi cuộc khủng hoảng đều đại diện cho một ngã rẽ mà qua đó chúng ta có thể “rút lui vào chính mình, tìm kiếm sự an toàn cá nhân và tính có lợi cho chính mình”, hoặc qua đó “chúng ta có thể cởi mở với tha nhân, vốn kéo theo những rủi ro nhưng cũng là hoa quả của ân sủng đã hứa của Thiên Chúa”. “Nếu không bỏ qua những khác biệt vốn cần được giải quyết thông qua cuộc đối thoại bác ái và trung thực, chúng ta không thể bắt đầu một giai đoạn mới của mối quan hệ giữa các Giáo hội của chúng ta, được đánh dấu bằng cách tiến lại gần nhau hơn, bằng cách mong muốn thực hiện những bước tiến thực sự tiến về phía trước, bằng cách sẵn sàng trở nên thực sự có trách nhiệm với nhau?”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng “nếu chúng ta sẵn lòng mở lòng ra với tình yêu thương, sẵn sàng mở lòng mình ra với Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và là Đấng mang lại sự hài hòa cho sự đa dạng, thì Người sẽ mở ra con đường dẫn đến tinh thần huynh đệ đổi mới”.

Chứng từ về sự hiệp thông

Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “chứng từ về sự hiệp thông ngày càng gia tăng giữa các Kitô hữu chúng ta cũng sẽ là dấu chỉ của niềm hy vọng cho nhiều người, bất kể nam và nữ, những người sẽ cảm thấy được khuyến khích để thúc đẩy tinh thần huynh đệ phổ quát hơn và một sự hòa giải có khả năng hàn gắn những sai lầm trong quá khứ”. Đây chính là cách thức duy nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, dẫn đến bình minh của một tương lai hòa bình.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn tất cả những người hiện diện và đề nghị họ chuyển đến Đức Thượng phụ Bartholomew, người không thể đến Roma, lời chào thân ái và đầy kính trọng: “Nhờ sự chuyển cầu của hai Thánh Phêrô và Phaolô, các vị Tông đồ trưởng, và Thánh Anrê, vị Tông đồ được gọi đầu tiên, nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng nơi Lòng thương xót của Người chúc lành cho chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiệp nhất của chính Người”.

Cuộc thăm viếng qua lại truyền thống của các phái đoàn

Thông cáo của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh giải thích rằng phù hợp với cuộc thăm viếng qua lại theo truyền thống của các phái đoàn giữa Rome và Istanbul, phái đoàn của Tòa Thượng phụ Đại kết do Đức Tổng Giám mục Emmanuel của Chalcedon dẫn đầu đã đến Rome hôm Chúa nhật. Thông cáo lưu ý rằng Đức Giám mục Iosif, Tổng giám mục Chính thống giáo Hy Lạp của Buenos Aires, và Phó tế Barnabas Grigoriadis đã tháp tùng phái đoàn.

Cuộc thăm viếng diễn ra hàng năm đánh dấu các dịp lễ tương ứng mừng các vị Thánh Bảo trợ của hhai Giáo hội: lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ của Giáo hội Roma; và ngày 30 tháng 11, lễ Thánh Anrê của Giáo hội Istanbul.

Thông cáo cũng cho biết thêm rằng phái đoàn đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến và sau đó, phái đoàn đã gặp gỡ Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo. Thứ Ba, ngày 29 tháng Sáu, phái đoàn sẽ tham dự Thánh lễ trọng thể do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết