
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các sinh viên tại Đại học Công giáo Bồ Đào Nha ở Lisbon, Bồ Đào Nha, vào ngày 3 tháng 8 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibáñez/CNA)
Hôm thứ Năm, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với những người trẻ tuổi trước khi đến với Đại hội Giới trẻ Thế giới vào cuối ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các khán giả của mình tận dụng kiến thức và kỹ năng của họ để quan tâm đến hành tinh và người nghèo.
Đức Thánh Cha bắt đầu ngày thứ hai tại Bồ Đào Nha bằng cuộc gặp gỡ với các sinh viên tại Đại học Công giáo Bồ Đào Nha ở Lisbon, sau đó là chuyến viếng thăm các tình nguyện viên trẻ ở một thị trấn ven biển bên ngoài thành phố, những người thúc đẩy giáo dục trong các cộng đồng nghèo.
Tại trường đại học, lần đầu tiên Đức Thánh Cha nghe lời chứng của bốn sinh viên đã chia sẻ kinh nghiệm học tập và hy vọng cho tương lai. Chủ đề ở đó là “hệ sinh thái toàn diện”, một quan điểm về bản chất liên kết với nhau của các vấn đề của thế giới mà Đức Phanxicô đã khai triển trong Laudato Si’, Thông điệp năm 2015 của ngài về môi trường.
“Đối với tôi, dường như thế hệ của tôi đang được yêu cầu đừng bỏ qua những hiểu biết sâu sắc mà Laudato Si’ đề nghị với chúng ta”, Tomás Virtuoso, 29 tuổi, sinh viên thần học năm thứ hai với bằng đại học và thạc sĩ kinh tế, cho biết.
“Đầu tiên, khi Thông điệp này khuyến khích chúng ta tận dụng những điều tốt nhất của khoa học, tin tưởng vào món quà thiêng liêng là lý trí, để tiếp tục tìm ra giải pháp hiệu quả cho những thách thức mà chúng ta gặp phải”, Virtuoso giải thích.
“Thứ hai, khi Thông điệp này yêu cầu chúng ta từ chối tiến bộ công nghệ không có nguồn gốc luân lý và tinh thần mạnh mẽ, vốn không đảm bảo sự tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người và của mọi tạo vật”, Virtuoso tiếp tục.
“Thứ ba, khi Thông điệp này dẫn chúng ta đến quyết định kiên quyết để sống theo những đòi hỏi của công ích, nguyên tắc cấu trúc của Học thuyết Xã hội của Giáo hội” vốn “đặt lựa chọn ưu tiên người nghèo ở trung tâm”, Virtuoso nói.
“Cuối cùng, khi Thông điệp này khuyến khích những người Công giáo trẻ thuộc thế hệ của tôi truyền giáo, mạnh dạn khẳng định rằng không thể có một hệ sinh thái toàn diện đích thực nếu không có Thiên Chúa, không thể có tương lai trong một thế giới không có Thiên Chúa”.
Làm việc vì một xã hội công bằng
Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các sinh viên “tìm kiếm và mạo hiểm”, đồng thời nhắc nhở họ rằng một nền giáo dục như nền giáo dục mà họ được nhận vừa là một món quà vừa là một trách nhiệm.
“Một trường đại học sẽ chẳng có ích lợi gì nếu nó chỉ đơn giản là đào tạo thế hệ tiếp theo nhằm duy trì hệ thống tinh hoa và bất bình đẳng toàn cầu hiện nay, trong đó giáo dục đại học là đặc quyền của một số ít người may mắn. Nếu kiến thức không được đón nhận như một trách nhiệm, nó sẽ mang lại rất ít kết quả”, Đức Thánh Cha nói.
“Bằng cấp học thuật không chỉ được coi là giấy phép để theo đuổi hạnh phúc cá nhân mà còn là nhiệm vụ phải làm việc vì một xã hội công bằng và toàn diện hơn — nghĩa là thực sự tiến bộ”.
Nói về trách nhiệm quản lý môi trường, Đức Thánh Cha khuyến khích các sinh viên đừng bằng lòng với những “biện pháp xoa dịu” hay “những biện pháp nửa vời” vốn “chỉ đơn thuần trì hoãn thảm họa không thể tránh khỏi”, như ngài nhận xét trong Thông điệp Laudato Si’.
“Thay vào đó, đó là vấn đề của việc đối đầu trực diện với điều đáng buồn vẫn tiếp tục bị trì hoãn: sự cần thiết phải xác định lại ý nghĩa của sự tiến bộ và sự phát triển”, Đức Thánh Cha giải thích.
“Nhân danh sự tiến bộ, chúng ta thường thụt lùi. Các con có thể là thế hệ đương đầu với thách thức to lớn này. Các con có những công cụ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, nhưng xin đừng để mình rơi vào cái bẫy của những cách tiếp cận thiển cận và cục bộ”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
“Hãy nhớ rằng chúng ta cần một hệ sinh thái toàn diện, chú ý đến những đau khổ của cả hành tinh lẫn người nghèo. Chúng ta cần phải liên kết thảm kịch của sự sa mạc hóa với thảm kịch của những người tị nạn, vấn đề gia tăng di cư với vấn đề tỷ lệ sinh giảm, và nhìn nhận khía cạnh vật chất của cuộc sống trong tầm nhìn lớn hơn của tinh thần”, Đức Thánh Cha nói.
“Thay vì những cách tiếp cận phân cực”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “chúng ta cần một tầm nhìn thống nhất, một tầm nhìn có khả năng bao trùm toàn bộ”.
Sự trật tự từ ‘sự hỗn loạn’
Sau đó tại Cascais, một thị trấn thời trung cổ đẹp như tranh vẽ và khu nghỉ mát ven biển nổi tiếng ở phía tây Lisbon, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên trẻ của chi nhánh Scholas Occurrentes của Bồ Đào Nha, một phong trào thanh niên quốc tế. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô, với tư cách là Tổng Giám mục Địa phận Buenos Aires, là người đã thành lập nhóm nhằm thúc đẩy giáo dục ở các cộng đồng nghèo trên khắp thế giới.
Tại đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được trao một cây cọ vẽ mà ngài dùng để hoàn thiện bức tranh tường công phu “Sự sống giữa Thế giới” trang trí tường và trần trụ sở của nhóm. “Người già và thanh thiếu niên, người giàu và người nghèo, trẻ em thuộc các tôn giáo khác nhau và những người không có đức tin, và những người trẻ thuộc các quốc tịch khác nhau đã tham gia vào tác phẩm nghệ thuật này”, nhóm cho biết trong một tuyên bố.
Trong những lời phát biểu nhận xét không được viết sẵn của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập đến “sự hỗn loạn” mà một số tình nguyện viên đã nhắc đến khi mô tả những thách thức mà họ phải đối mặt trong cuộc sống.
Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa luôn mang lại những điều tốt đẹp từ sự hỗn loạn, bắt đầu từ những khoảnh khắc đầu tiên của công trình sáng tạo.
“Trong ngôn ngữ thơ ca, Thiên Chúa dành một ngày tạo ra ánh sáng từ sự hỗn loạn, ngày khác Ngài tạo dựng con người và tiếp tục tạo dựng mọi thứ và biến sự hỗn loạn thành sự trật tự”, Đức Thánh Cha lưu ý.
“Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Có những thời điểm khủng hoảng… hỗn loạn… thì công việc của những người đồng hành cùng chúng ta, của một nhóm như thế này, là biến tình huống đó thành một sự trật tự”, Đức Thánh Cha nói.
Sau khoảng thời gian ăn uống và nghỉ ngơi, Đức Thánh Cha chuẩn bị đến địa điểm của Đại hội Giới trẻ Thế giới để tham dự nghi lễ chào mừng vào tối thứ Năm.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Minh Tuệ (theo CNA)