Đức Phanxicô với các nhà chức trách Síp: Tôi cầu nguyện cho 'hòa bình của toàn bộ đảo quốc'

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước các nhà chức trách, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Phủ Tổng thống ở Nicosia, Síp, ngày 2 tháng 12 năm 2021. | Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Phủ Tổng thống ở Nicosia, Síp, ngày 2 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo chính trị, đại diện của xã hội dân sự và các thành viên của ngoại giao đoàn tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Nicosia, vào ngày 2 tháng 12, vài giờ sau khi đặt chân đến hòn đảo bị chia cắt bởi một vùng đệm của Liên Hợp Quốc.

Đức Thánh Cha đã mô tả sự chia cắt trên thực tế của hòn đảo là “vết thương nghiêm trọng nhất mà vùng đất này phải gánh chịu”.

“Tôi cầu nguyện cho hòa bình của các bạn, cho hòa bình của toàn bộ hòn đảo, và tôi biến nó thành niềm hy vọng sôi sục của mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Tổng thống Síp Nicos Anastasiades tại Phủ Tổng thống ở Nicosia, Síp, ngày 2 tháng 12 năm 2021. Vatican Media.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Tổng thống Síp Nicos Anastasiades tại Phủ Tổng thống ở Nicosia, Síp, ngày 2 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Con đường hòa bình, vốn giải hòa những xung đột và tái tạo vẻ đẹp của tình huynh đệ, chỉ có một từ duy nhất như là biển chỉ dẫn của nó. Từ đó là đối thoại”.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Cộng hòa Síp sau khi Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI thực hiện chuyến Tông du kéo dài 3 ngày đến đảo Địa Trung Hải vào năm 2010. Đức Thánh Cha đang bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày vốn cũng sẽ đưa ngài đến Hy Lạp, một quốc gia đa số là các Kitô hữu Chính thống giáo khác.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong bài phát biểu được phát trực tiếp của mình, Đức Thánh Cha đã mô tả Cộng hòa Síp, một hòn đảo ở phía đông Biển Địa Trung Hải với dân số 1,2 triệu người, là “một quốc gia nhỏ về mặt địa lý, nhưng vĩ đại về mặt lịch sử”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng quốc gia này đã đóng vai trò như là “cánh cổng phía đông của châu Âu và cánh cổng phía tây của Trung Đông”, mang đến “một cánh cửa rộng mở, một bến cảng hợp nhất”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Síp, nơi giao thoa của các nền văn minh, có ơn gọi thiên phú đối với sự gặp gỡ, được ủng hộ bởi tính cách chào đón của người dân đảo Síp”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Quốc đảo Síp cũng bao gồm Bắc Síp, một lãnh thổ chủ yếu là các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni nằm ở phía đông bắc của hòn đảo.

Bắc Síp chỉ được công nhận bởi quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã xâm lược Síp vào năm 1974 và được tất cả các quốc gia khác coi là một phần của Cộng hòa Síp.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Rôma lúc 11 giờ sáng theo giờ địa phương hôm thứ Năm. Sau khi đáp xuống Phi trường Quốc tế Larnaca, Đức Thánh Cha đã đến thành phố thủ đô bị chia cắt, nơi ngài trò chuyện với các thành viên của cộng đồng Công giáo thiểu số của đất nước tại Nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn theo nghi lễ Maronite ở Nicosia.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa đến Phủ Tổng thống, nơi ngài thăm xã giao Tổng thống Síp Nicos Anastasiades, người sau đó đã có bài phát biểu ca ngợi việc tiếp cận người nghèo và bảo vệ môi trường của Đức Thánh Cha.

Ông Anastasiades cho biết rằng Síp đã tiếp nhận một tỷ lệ lớn người di cư so với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu khác và đồng thời cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về vai trò của ngài trong việc đưa 50 người di cư từ Síp đến Ý.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Sáng kiến mang tính biểu tượng của ngài, trước hết, là một thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết cần phải tái xem xét chính sách nhập cư của EU, để một mặt, có sự phân chia công bằng hơn trong việc xử trí  các vấn đề, và mặt khác, một cuộc sống nhân đạo hơn cho những người di cư đến các quốc gia thành viên”, ông Anastasiades nói.

Được tháp tùng bởi Tổng thống Anastasiades, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm bức tượng của Tổng thống Makarios III, Tổng thống tiên khởi của Síp, trong khu vườn của Phủ Tổng thống. Được coi là vị “Cha già của dân tộc”, Tổng thống Makarios cũng là Tổng giám mục Chính thống giáo của đảo Síp. Ngài đã sống sót sau bốn cuộc tấn công và một cuộc đảo chính trong ba nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự tôn kính đối với Tổng thống Makarios trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo của đất nước, đồng thời chỉ ra rằng tên của ngài có nghĩa là “được chúc phúc” trong tiếng Hy Lạp, mà theo Đức Thánh Cha, điều này gợi lên Bát Phúc do Chúa Giêsu trình bày trong Bài giảng trên núi.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Síp đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Kitô giáo sơ khai.

“Chính từ nơi này, nơi Châu Âu và Phương Đông gặp nhau, đã bắt đầu sự hội nhập văn hóa vĩ đại đầu tiên của Tin Mừng trên lục địa này”, Đức Thánh Cha nói.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Tôi vô cùng xúc động khi có thể nhắc lại những bước đi của các nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo hội sơ khai, đặc biệt là các Thánh Phao-lô, Ba-na-ba và Mác-cô”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh hòn đảo, với vẻ đẹp tự nhiên và những kho báu nhân tạo, với “một viên ngọc trai có giá trị cực kỳ cao ở trung tâm Địa Trung Hải”, ám chỉ đến Dụ ngôn về viên ngọc quý của Chúa Giêsu, được kể lại trong Phúc âm Thánh Mát-thêu.

“Một viên ngọc quý trên thực tế trở thành như vậy bởi vì nó hình thành theo thời gian. Phải mất nhiều năm để các lớp khác nhau của nó trở nên nhỏ gọn và có độ sáng bóng”.

“Vì vậy, vẻ đẹp của vùng đất này xuất phát từ các nền văn hóa qua nhiều thế kỷ đã gặp gỡ và hòa quyện ở đây. Ngày nay, ánh sáng của Síp cũng rất đa dạng”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Nhiều dân tộc và quốc gia đã đóng góp những sắc thái khác nhau cho dân tộc này. Tôi cũng nghĩ đến sự hiện diện của nhiều người nhập cư: theo tỷ lệ phần trăm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác của Liên minh châu Âu”.

“Để lưu giữ vẻ đẹp đa sắc, đa diện của tổng thể không phải là điều dễ dàng. Như trong quá trình hình thành một viên ngọc quý, cần có thời gian và sự kiên nhẫn; nó đòi hỏi một tầm nhìn rộng có khả năng tiếp nhận nhiều nền văn hóa khác nhau và nhìn về tương lai với tầm nhìn xa”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Tôi nghĩ về tầm quan trọng của việc bảo vệ và hỗ trợ tất cả các thành viên trong xã hội, đặc biệt là những người thuộc nhóm thiểu số về mặt thống kê này”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng một viên ngọc trai được tạo ra khi một con hàu phải đối mặt với “mối đe dọa bất ngờ đối với sự an toàn của nó”, chẳng hạn như một hạt cát.

“Để tự bảo vệ mình, nó phản ứng bằng cách đồng hóa thứ đã làm nó bị thương: nó bao bọc lấy vật thể lạ gây nguy hiểm cho nó và biến nó trở thành một thứ gì đó đẹp đẽ: một viên ngọc trai”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Viên ngọc trai của đảo Síp đã bị thâm đen bởi đại dịch, điều này đã cản trở nhiều du khách đến thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó; ở đây, cũng như ở những nơi khác, điều này đã làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính”.

“Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hồi này, đó không phải là những nỗ lực không yên để khôi phục những gì đã mất nhằm đảm bảo và củng cố sự tăng trưởng, mà là cam kết thúc đẩy sự phục hồi của xã hội, đặc biệt là thông qua một cuộc chiến kiên quyết chống vấn nạn tham nhũng và tất cả mọi thứ vi phạm phẩm giácon người; ở đây tôi nghĩ, ví dụ, đến tai họa của nạn buôn người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà chức trách Síp thực hiện những cử chỉ táo bạo để cố gắng đạt được sự hòa giải giữa các dân tộc bị chia rẽ trên hòn đảo.

“Không phải là những cử chỉ quyền lực, đe dọa trả đũa và thể hiện vũ lực, mà là những cử chỉ của việc làm xoa dịu tình hình và các bước cụ thể hướng tới đối thoại”, Đức Thánh Cha gợi ý.

“Ví dụ, tôi nghĩ rằng sự cởi mở đối với các cuộc thảo luận chân thành sẽ ưu tiên cho nhu cầu của người dân, sự tham gia ngày càng hiệu quả hơn về phía cộng đồng quốc tế, sự cần thiết cần phải bảo vệ các di sản văn hóa và tôn giáo, và hoàn trả tất cả những gì quý giá nhất về phương diện đó vốn thuộc về người dân, chẳng hạn như những địa điểm hoặc ít nhất là những vật phẩm thiêng liêng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi một sáng kiến xây dựng hòa bình có tên là ‘Dấu vết Tôn giáo của Dự án Hòa bình Síp’, quy tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo của hòn đảo dưới sự bảo trợ của đại sứ quán Thụy Điển.

“Những thời điểm có vẻ kém thuận lợi nhất, khi cuộc đối thoại diễn ra chậm chạp, lại có thể là những thời điểm chuẩn bị cho hòa bình”, Đức Thánh Cha nói.

“Viên ngọc trai cũng nhắc nhở chúng ta về điều này, vì nó hình thành trong sự kiên nhẫn, ẩn chứa quá trình đan kết các chất mới cùng với tác nhân gây ra vết thương”.

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo đã đánh mất nhuệ khí nghĩ về những thế hệ trẻ khao khát một “thế giới hòa bình”, thay vì “một thế hệ bị tàn phá bởi những đối thủ lâu năm và bị đầu độc bởi những tranh chấp vẫn chưa có hồi kết”.

Đức Thánh Cha Phanxicô với Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades trước bức tượng Tổng thống tiên khởi Makarios III tại Phủ Tổng thống ở Nicosia, Cyprus, ngày 2 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô với Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades trước bức tượng Tổng thống tiên khởi Makarios III tại Phủ Tổng thống ở Nicosia, Cyprus, ngày 2 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Síp, với tư cách là điểm giao thoa về địa lý, lịch sử, văn hóa và tôn giáo, có vị thế là một trung gian hòa bình. Chớ gì nó trở thành một địa điểm hòa bình ở Địa Trung Hải”, Đức Thánh Cha nói.

“Hòa bình thường không đạt được bởi những nhân cách vĩ đại, mà bởi sự quyết tâm hàng ngày của những người đàn ông và phụ nữ bình thường. Lục địa châu Âu cần sự hòa giải và thống nhất; nó cần sự can đảm và tinh thần nhiệt huyết, nếu nó muốn tiến về phía trước”.

“Bởi vì nó sẽ không phải là những bức tường của sự sợ hãi và những quyền phủ quyết do những lợi ích của dân tộc chủ nghĩa sai khiến vốn đảm bảo tiến trình của nó, cũng như chỉ sự phục hồi kinh tế mà thôi cũng sẽ không phục vụ để đảm bảo an ninh và sự ổn định của nó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha kết luận: “Chớ gì chúng ta nhìn lại lịch sử của đảo Síp để xem sự gặp gỡ và chào đón đã mang lại những hoa trái tốt đẹp bền lâu như thế nào. Không chỉ trong lịch sử của Kitô giáo, nơi mà Síp là một ‘bàn đạp’ trên lục địa này, mà còn cho việc xây dựng một xã hội giàu mạnh trong sự hội nhập”.

“Tinh thần của sự khuếch trương này, khả năng nhìn ra ngoài biên giới của chính mình, mang lại sự trẻ hóa và có thể tái khám phá vẻ rực rỡ đã đánh mất”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube