Đức Phanxicô: Thế giới tục hóa là ‘lời mời gọi truyền đạt niềm vui Tin Mừng’

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào đám đông trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 8 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào đám đông trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 8 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Hôm thứ Tư, trong loạt bài chia sẻ Giáo lý đang diễn ra về lòng nhiệt thành tông đồ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy gương của Đấng Đáng Kính Madeleine Delbrêl như một minh chứng cho sự hoán cải và phục vụ trong một thế giới tục hóa.

Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 8 tháng 11, của Đức Thánh Cha đã mở đầu bằng đoạn “so sánh muối và ánh sáng” từ Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, trong đó Chúa Giêsu nói với đám đông: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà”.

Đức Thánh Cha đã lấy mẫu gương của Đấng Đáng Kính Madeleine Delbrêl làm minh chứng cho lệnh truyền Tin Mừng này. Chị Delbrêl đã sống cuộc sống bên lề cùng với những người nghèo, minh họa cho mệnh lệnh phải loan báo Tin Mừng trong một thế giới đang xa rời sứ điệp Tin Mừng.

Đức Giáo hoàng Phanxicô xuất hiện tại buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 8 tháng 11 năm 2023 (Anh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Giáo hoàng Phanxicô xuất hiện tại buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 8 tháng 11 năm 2023 (Anh: Daniel Ibañez/CNA)

Sinh năm 1904 ở Tây Nam nước Pháp, Delbrêl là một nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận, nhân viên xã hội và một nhà thần bí.

Lớn lên trong một gia đình không theo tôn giáo, Delbrêl trải qua thời niên thiếu với tư cách là một người theo thuyết bất khả tri, nhưng bị ấn tượng bởi “chứng tá của một số bạn bè”, chị tiếp tục “tìm kiếm Thiên Chúa, nói lên nỗi khao khát sâu sắc mà chị cảm thấy nơi nội tâm của mình và đã học được rằng ‘sự trống rỗng đang kêu lên nỗi thống khổ trong chị’ đó là Thiên Chúa đã tìm kiếm chị”, Đức Thánh Cha nói.

Sau đó, Delbrêl đã cùng gia đình chuyển đến vùng ngoại vi của Paris. Chính ở đó, trong bối cảnh phong trào công nhân Pháp và một Đảng Cộng sản cố thủ, nơi chị đã gặp gỡ người nghèo và phát triển ý thức xã hội.

Giữa những biến động xã hội sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc và sức khỏe yếu kém của cha của mình, Delbrêl đã có một cuộc hoán cải mãnh liệt vào năm 1924 và cuộc đời chị mang một ý nghĩa mới.

Delbrêl đã cống hiến hết mình cho đời sống cầu nguyện. Trong khi Delbrêl muốn vào Dòng Cát Minh, sức khỏe của cha của chị đã ngăn cản chị làm điều đó. Thay vào đó, Delbrêl đã tận tâm gặp gỡ “những người sống trên đường phố”, và sứ mệnh truyền giáo của chị do đó tập trung vào việc chăm sóc người nghèo thành thị và bị gạt ra bên lề xã hội, đặc biệt là ở những không gian bị thế tục hóa.

Delbrêl đã viết một số cuốn sách bao gồm “Thành phố Marxist”, “Vùng đất truyền giáo”, “Chúng tôi, những con người bình thường trên đường phố”, và “Niềm vui của đức tin”. Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh tuyên bố rằng chị Delbrêl đã sống một cuộc đời đầy những nhân đức anh hùng.

Các Nữ tu tham dự buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 8 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Các Nữ tu tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Tư, ngày 8 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Thánh Cha đã trích lời của Đấng Đáng Kính Delbrêl khi chị so sánh đức tin với việc đi xe đạp: “Thiên Chúa đã chọn chúng ta để ở trong một sự cân bằng kỳ lạ, một sự cân bằng chỉ có thể đạt được và duy trì trong chuyển động, chỉ trong động lượng. Hơi giống một chiếc xe đạp, không thể đứng thẳng nếu bánh xe không quay… Chúng ta chỉ có thể đứng thẳng bằng cách tiến về phía trước, di chuyển, trong lòng bác ái dâng trào”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Đấng Đnags Kính Debrêl là một ví dụ về việc truyền giáo như một quá trình hỗ tương trong đó “bằng cách truyền giáo, một người được Phúc Âm hóa”.

“Khi nhìn vào chứng tá Tin Mừng này, chúng ta cũng biết rằng trong mọi tình huống hoặc hoàn cảnh cá nhân hay xã hội của cuộc sống chúng ta, Thiên Chúa hiện diện và mời gọi chúng ta sống trong thời đại của chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta với người khác, hòa mình vào những niềm vui và nỗi buồn của thế giới”, Đức Thánh Cha nói.

Đây là một chứng tá mạnh mẽ và là thời điểm đối thoại trong đó trong “môi trường thế tục hóa”, “việc tiếp xúc với những người không có đức tin sẽ thúc giục người tín hữu liên tục xem xét lại đức tin của mình và tái khám phá đức tin trong tính thiết yếu của nó”.

Trong lời chào những người hành hương Pháp, Đức Thánh Cha lặp lại quan điểm này: “Đối mặt với thế giới tục hóa của chúng ta, chúng ta đừng phàn nàn, nhưng hãy xem đó là lời mời gọi thử thách đức tin của chúng ta và lời mời gọi truyền đạt niềm vui Tin Mừng”.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha một lần nữa kêu gọi thế giới cầu nguyện cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh, đồng thời lặp lại điệp khúc của ngài rằng chiến tranh luôn luôn là một sự thất bại.

“Chúng ta hãy đến và cầu nguyện cho những người đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta đừng quên Ukraine bị dày vò khốn khổ và nghĩ đến người dân Palestine và Israel: Nguyện xin Thiên Chúa dẫn chúng ta đến một nền hòa bình công bằng”, Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta đau khổ rất nhiều: Trẻ em đau khổ, người bệnh, người già đau khổ và nhiều người trẻ thiệt mạng. Chiến tranh luôn luôn là một sự thất bại: Chúng ta đừng quên. Đó luôn là một sự thất bại”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết