Đức Phanxicô: Thánh Anphongsô, bậc thầy về lòng thương xót trong sứ vụ Phúc Âm hóa những người thấp kém nhất

Thánh Anphongsô Maria de Liguori

Thánh Anphongsô Maria de Liguori

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp nhân dịp kỷ niệm 150 năm Thánh Anphongsô Maria de Liguori được tôn phong lên bậc Tiến sĩ Giáo hội.

Trong một thông điệp gửi Cha Michael Brehl, C.S.R., Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế Chí Thánh (Dòng Chúa Cứu Thế) và Tổng Điều hành Học viện Thánh Alphongsô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng 150 năm kể từ “sự kiện kỷ niệm vui mừng” này, mẫu gương của Thánh Alphongsô “chỉ ra một cách hùng hồn con đường chính để đưa mọi lương tâm đến gần dung mạo nhân lành của Chúa Cha, bởi vì ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta chính là công trình của Lòng thương xót của Ngài”.

Bênh vực những người dễ bị tổn thương nhất

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng vị Thánh Tiến sĩ Giáo hội này là một “con người lắng nghe”, một bậc thầy về lòng thương xót, và một người đón nhận “sự mong manh của những người bị bỏ rơi nhất về mặt thiêng liêng”.

Chính bản thân đã trải qua những thách thức lớn lao trong cuộc sống- Đức Thánh Cha Phanxicô nói – Thánh Anphongsô cũng là một “người bênh vực cho những người thấp kém nhất, mong manh nhất và những người bị xã hội thời đại mình loại bỏ”.

Con đường mà Thánh Anphongsô đã chọn – Đức Thánh Cha Phanxicô viết – đã thúc giục Ngài đặt mình vào việc phục vụ những lương tâm đang tìm kiếm con đường hướng tới Chân, Thiện, Mỹ vì trung thành đáp lại lời mời gọi nên Thánh của Thiên Chúa.

Các nhà thần học luân lý

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các nhà thần học luân lý, các nhà truyền giáo và các Cha giải tội hãy theo gương Thánh Anphongsô, bước vào mối tương quan sống động với dân Chúa, đồng thời nhìn cuộc sống từ góc độ của họ “để hiểu được những khó khăn thực sự mà họ gặp phải và giúp chữa lành những vết thương của họ”.

Nhìn lại mẫu gương của Thánh Anphongsô, người canh tân nền thần học luân lý, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng cần phải “đồng hành và nâng đỡ những người bị thiếu thốn nhất với sự giúp đỡ tinh thần trên con đường hướng đến ơn cứu độ”.

“Chủ nghĩa cực đoan nhân danh Tin mừng không nên được đặt ra để chống lại sự yếu đuối của con người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng“ luôn luôn cần phải tìm ra một đường hướng không xa lánh, nhưng quy tụ mọi tâm hồn đến gần với Thiên Chúa hơn, giống như Thánh Anphongsô đã làm với giáo huấn luân lý của Ngài”.

Thúc đẩy sự trưởng thành về mặt luân lý

Như vị Thánh vĩ đại này, Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “chúng ta được mời gọi bước ra bên ngoài để gặp gỡ mọi người như một cộng đoàn tông đồ theo gương Chúa Cứu Thế giữa những người bị bỏ rơi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cho biết rằng “việc bước ra bên ngoài để gặp gỡ những người thiếu sự trợ giúp về tinh thần, giúp vượt qua đạo đức chủ nghĩa cá nhân và thúc đẩy sự trưởng thành về mặt luân lý có khả năng lựa chọn điều tốt thực sự”.

Bằng cách hình thành nên những lương tâm có trách nhiệm và giàu lòng nhân ái, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “chúng ta sẽ có được một Giáo hội trưởng thành có khả năng phản ứng mang tính chất xây dựng với những yếu kém của xã hội, theo quan điểm của Triều đại của Thiên Chúa”.

Những thách thức trong xã hội ngày nay

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vô số những thách thức mà xã hội phải đối mặt, bao gồm: đại dịch và công ăn việc làm trong thế giới hậu Covid, sự chăm sóc được cung cấp cho tất cả mọi người, việc bảo vệ sự sống, những yếu tố đầu vào đến với chúng ta từ trí tuệ nhân tạo, việc bảo vệ công trình sáng tạo, mối đe dọa phản dân chủ và sự cấp bách của tinh thần huynh đệ.

 “Khốn cho chúng ta nếu trong nỗ lực truyền giáo này, chúng ta tách rời “tiếng kêu của người nghèo” với “tiếng kêu của trái đất”.

Suy tư về thần học luân lý và hành động mục vụ

Kết thúc thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời mời gọi “hãy bước ra bên ngoài để gặp gỡ những anh chị em mong manh yếu đuối nhất trong xã hội của chúng ta”.

“Điều này liên quan đến sự phát triển của suy tư thần học luân lý và hành động mục vụ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “có khả năng dấn thân vì công ích, phát xuất từ việc công bố ‘Kerygma’, cam kết bảo vệ sự sống, hướng tới công trình sáng tạo và hướng tới tinh thần thần huynh đệ”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết