Sáng tạo “những mô hình kinh tế công bằng và mang tính bao gồm hơn” để trả lời cho “thách thức lớn lao” của sự toàn cầu hóa bất công trong thế giới hiện đại “là đối phó với những cấp độ khác nhau của sự bất công đang diễn ra trên toàn thế giới bằng việc thúc đẩy cảm thức về trách nhiệm tại địa phương và thậm chí ở cấp độ cá nhân, qua đó, không ai bị loại trừ khỏi việc tham gia vào đời sống xã hội”.
Đó là lời kêu gọi Đức Thánh Cha đã đưa ra trong cuộc tiếp kiến Diễn đàn Toàn cầu Cơ hội – Thời gian (Fortune-Time Global Forum) hôm thứ Bảy vừa qua, được tổ chức tại Rôma với chủ đề “Thách thức trong thế kỷ XXI: Hình thành một Hiệp ước Xã hội”. “Sự đổi mới, thanh lọc và thúc đẩy những mô hình kinh tế bền vững – Đức Thánh Cha nói – phụ thuộc vào sự hoán cải của mỗi chúng ta và sự quảng đại dành cho những người cần đến chúng ta”.
Đối với Đức Thánh Cha, “sự đổi mới hoàn toàn như thế không chỉ diễn ra trong các nền kinh tế thị trường, các chỉ số cần được cân bằng, sự phát triển của các vật liệu thô hay các tiến bộ cơ sở hạ tầng. Không, điều chúng ta đang nói đến là lợi ích chung của nhân loại, là quyền của mỗi người trong việc chia sẻ các nguồn tài nguyên của thế giới này cũng như có cơ hội ngang nhau trong việc được nhìn nhận”.
Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng “Thế giới của chúng ta ngày hôm nay đang ở trong tình trạng rất bất ổn. Sự bất bình đằng giữa các dân tộc tiếp tục gia tăng, và nhiều cộng đồng đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh và nghèo đói”. Những người nghèo và những người tị nạn, những người thường bị xã hội lãng quên – lời Đức Thánh Cha – “muốn được đóng góp phần chính đáng của mình vào cộng đồng địa phương và cả xã hội rộng lớn hơn, và cũng hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên hay sự phát triển thường chỉ được trao cho một số ít”.
Đức Thánh Cha cũng nói rõ: “Trong khi tình trạng này có thể dẫn đến xung đột và bóc trần rất nhiều nỗi buồn đau của thế giới chúng ta, nó cũng giúp chúng ta nhận thức rằng chúng ta đang sống trong thời gian của hi vọng. Chỉ khi chúng ta nhận ra rằng sự dữ ở giữa chúng ta, chúng ta mới có thể tìm kiếm sự chữa lành bằng những phương pháp nào đó”.
Tân Thanh