Đức Phanxicô: Noi gương Chúa Giêsu không chỉ là 'tuân giữ nghiêm ngặt” những luật lệ

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ mừng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vào ngày 29 tháng 6 năm 2023, trong đó Đức Thánh Cha làm phép và trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám mục (Ảnh: Daniel Ibanez)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ mừng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vào ngày 29 tháng 6 năm 2023, trong đó Đức Thánh Cha làm phép và trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám mục (Ảnh: Daniel Ibanez)

Tôn vinh các Thánh Phêrô và Phaolô, Bổn mạng của Rôma, nhân ngày đại lễ mừng kính các ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng việc hiểu và noi gương Chúa Giêsu không phải là vấn đề của việc tuân theo các công thức giáo lý hay “tuân thủ cứng nhắc” các quy tắc và chuẩn mực.

Thay vào đó, điều đó có nghĩa là buông bỏ những xác tín định sẵn và hằng ngày được biến đổi bởi tình yêu của Chúa Giêsu để truyền bá Tin Mừng cho người khác, Đức Thánh Cha nói.

Phát biểu trong Thánh lễ mừng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vào ngày 29 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hai vị Tông đồ đã trả lời câu hỏi thiết yếu nhất đối với một Kitô hữu: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” một cách rất cụ thể: “Bằng cách đi theo Người với tư cách là những môn đệ của Người và bằng cách loan báo Tin Mừng”.

“Thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta phát triển với tư cách là một Giáo hội theo cách tương tự, bằng cách đi theo Chúa Giêsu, liên tục và khiêm tốn tìm kiếm Ngài. Thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta trở thành một Giáo hội cũng hướng ngoại, tìm niềm vui không phải nơi những thứ thuộc về thế gian, nhưng nơi việc rao giảng Tin Mừng trước thế giới và mở rộng tâm hồn mọi người với sự hiện diện của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu mang Chúa Giêsu đến bất cứ nơi đâu họ đến “với sự khiêm tốn và niềm vui: trong thành phố Rôma của chúng ta, trong các gia đình của chúng ta, trong các mối tương quan của chúng ta và các khu phố của chúng ta, trong xã hội dân sự, trong Giáo hội và đời sống chính trị, trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nơi mà sự nghèo đói, suy tàn và bị gạt ra ngoài lề xã hội đã ăn sâu bám rễ”.

Một ngày nghỉ lễ của cả thành phố Rôma lẫn Thành quốc Vatican, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, được cử hành hàng năm vào ngày 29 tháng 6 và thường đi kèm với màn bắn pháo hoa buổi tối do chính quyền dân sự tổ chức.

Theo thuật ngữ Công giáo, đó cũng là ngày lễ mà Đức Giáo hoàng làm phép Pallium – một dây stole bằng len màu trắng với những hình Thánh giá màu đen mà các nhà lãnh đạo của các Tổng Giáo phận đeo quanh vai trên lễ phục của họ khi cử hành Thánh lễ – cho tất cả các Tổng Giám mục mới được bổ nhiệm trong năm trước.

Sau khi được Đức Thánh Cha ban phép lành, dây Pallium được trao cho các tân Tổng Giám mục, người sẽ mang dây Pallium đó về Tổng Giáo phận và sẽ chính thức đeo nó lần đầu tiên trong Thánh lễ đặc biệt tại Tổng Giáo phận của họ.

Hiện diện trong Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự vào ngày 29 tháng 6, theo truyền thống, là một phái đoàn đến từ Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, do Đức Tổng Giám mục Job, Tổng Giám mục Địa phận Pissidia dẫn đầu, cũng như Metropolitan Athenagoras, thư ký của Thượng hội đồng của Tổng Giáo phận Hoa Kỳ, cùng những người khác.

Trong số các tân Tổng Giám mục Công giáo hiện diện là Đức Tổng Giám mục George Leo Thomas Địa phận Las Vegas, được Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tổng Giám mục vào ngày 30 tháng Ba.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý việc Chúa Giêsu trong bài đọc Tin Mừng theo Thánh Mátthêu hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?”.

Câu trả lời của Phêrô cho câu hỏi này, “Thầy là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa hằng sống”, không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là “Một câu trả lời hoàn hảo, chắc chắn, chính xác và thậm chí chúng ta có thể nói, câu trả lời ‘giáo lý’ hoàn hảo”.

Tuy nhiên, câu trả lời này là “kết quả của một cuộc hành trình”, Đức Thánh Cha nói, lưu ý rằng Phêrô chỉ đi đến câu trả lời này sau “kinh nghiệm ly kỳ khi đi theo Chúa, bước đi với Ngài và đi sau Ngài” trong suốt một khoảng thời gian.

Phêrô, Đức Thánh Cha nói, đã không ngần ngại khi Chúa Giêsu mời gọi và yêu cầu ông đi theo, nhưng theo Chúa Giêsu “ngay lập tức”, bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau.

“Phêrô không nói với Chúa Giêsu rằng ông sẽ suy nghĩ kỹ càng; ông đã không tính toán những ưu và nhược điểm; ông đã không đưa ra những bằng chứng ngoại phạm để hoãn quyết định. Thay vào đó, Phêrô đã bỏ lưới và đi theo Chúa Giêsu, mà không đòi hỏi bất kỳ hình thức bảo đảm nào trước”, Đức Thánh Cha nói.

Bằng cách làm như vậy, Đức Thánh Cha nói, Phêrô minh họa rằng “chỉ trả lời câu hỏi – ‘Chúa Giêsu là ai đối với tôi?’ – bằng một công thức giáo lý hoàn hảo hoặc một tập hợp các quan niệm có sẵn. Không phải vậy”.

“Chỉ bằng cách theo Chúa Giêsu chúng ta mới biết được Ngài mỗi ngày, chỉ bằng cách trở thành môn đệ của Ngài và lắng nghe những lời của Ngài, chúng ta mới trở thành bạn của Ngài và cảm nghiệm được tình yêu biến đổi của Ngài”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại cám dỗ của việc tìm ra những cái cớ để không theo Chúa Giêsu, kể cả những lời bào chữa như “Tôi không xứng đáng”, “Tôi không có điều đó trong tôi”, hoặc “Tôi có thể làm gì đây?”.

“Đây là một trong những mánh khóe của ma quỷ: nó cướp đi sự xác tín của chúng ta vào ân sủng của Thiên Chúa bằng cách khiến chúng ta nghĩ rằng mọi thứ đều tùy thuộc vào khả năng của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cho biết Thánh Phêrô khuyến khích Giáo hội trở thành một người khiêm tốn bước theo Chúa Giêsu.

“Chỉ bằng cách này, những người ở xa chúng ta nhất, những người thường nhìn chúng ta với sự thờ ơ, mới nhận ra, theo lời của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI rằng ‘Giáo hội là nơi chúng ta gặp gỡ Con Thiên Chúa hằng sống và do đó là nơi để chúng ta gặp gỡ nhau’”, Đức Thánh Cha nói.

Quay sang hình ảnh của Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết phản ứng của Thánh Phaolô đối với đức tin và đối với sự can thiệp của Thiên Chúa trên đường đến Đa-mát là để “rao giảng”, loan báo Tin Mừng trên khắp thế giới.

Trước khi trở lại, trong khi lãnh đạo một cuộc đàn áp khốc liệt các Kitô hữu, Phaolô đã “tự hào về sự tuân giữ nghiêm ngặt của mình”, nhưng nhờ ánh sáng chói lòa của Chúa Giêsu, “Phaolô đã nhận ra mình đã mù quáng như thế nào” và cống hiến cuộc đời mình để rao giảng sứ điệp của Đức Giêsu Kitô.

“Nếu chúng ta nhìn vào cuộc đời của Phaolô, dường như càng rao giảng Tin Mừng, ông càng hiểu biết Chúa Giêsu nhiều hơn. Bằng cách rao giảng Lời Chúa cho người khác, Phaolô có thể nhìn sâu hơn vào chiều sâu của Mầu nhiệm của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói.

Câu trả lời của Phaolô cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với ông không phải là kết quả của “sự mộ đạo tư hữu hóa khiến chúng ta bình thản và không quan tâm đến việc đem Tin Mừng đến cho người khác”, nhưng đúng hơn là nó chứng tỏ rằng với tư cách là người Kitô hữu, “chúng ta lớn lên trong đức tin và trong sự hiểu biết về Mầu nhiệm của Chúa Kitô khi chúng ta rao giảng và làm chứng cho Người trước những người khác”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đây cũng là điều cần thiết đối với Giáo hội trong thời đại của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cho biết Giáo hội cần rao giảng “thậm chí như chúng ta cần oxy để thở. Một Giáo hội không thể tồn tại nếu không chia sẻ với người khác vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và niềm vui của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của mình bằng cách ngỏ lời với các tân Tổng Giám mục nhận dây Pallium hãy noi gương bắt chước cả hai Thánh Phêrô và Phaolô trong việc trở thành “những môn đệ đi theo và làm trở thành Tông đồ rao giảng. Mang nét đẹp Tin Mừng đến mọi nơi, cùng với toàn thể Dân Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gửi lời chào đặc biệt đến phái đoàn đại kết hiện diện, và đồng thời gửi lời chào riêng tới Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew, cầu nguyện để “chúng ta cùng nhau thăng tiến, trong việc bước theo và rao giảng Lời Chúa, khi chúng ta lớn lên trong tình huynh đệ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết