Với chuyến thăm sắp tới đến Lund, Cha Ulf Jonsson đã có buổi phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài cho biết rằng tại Thụy Điển, “Tôi muốn được gần gũi hơn với những người anh em tôi”. Cuộc phỏng vấn được công bố bởi tạp chí “La Civiltà Cattolica” thuộc Dòng Tên Italia.
“Một ý niệm chợt lóe lên trong tôi lúc này đó là: được trở nên gần gũi hơn. Sự kì vọng và mong đợi của tôi đó là được trở nên gần gũi với anh chị em của tôi hơn. Sự gần gũi quả thực cần thiết đối với tất cả mọi người. Trái lại, khoảng cách khiến cho chúng ta trở nên tệ hại biết bao”. Đây chính là câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trước câu hỏi về kỳ vọng của Ngài về chuyến thăm Thụy Điển sắp tới, bắt đầu vào ngày thứ hai 31/10 đánh dấu kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther. Đức Thánh Cha đã có buổi trả lời phỏng vấn của Cha Ulf Jonsson – chủ bút một tạp chí của Dòng Tên Thụy Điển mang tên ‘Signum’; cuộc phỏng vấn được công bố bởi tạp chí “La Civiltà Cattolica” thuộc Dòng Tên Italia. Đức Jorge Mario Bergoglio cũng có những chia sẻ về Luther – một tác giả đã đạt được “bước tiến lớn” của việc “đặt Lời của Thiên Chúa trong bàn tay của con người”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại lần đầu tiên Ngài đặt chân vào bên trong một ngôi Thánh đường Lutheran tại Argentina, Calle Esmeralda, Buenos Aires, khi Ngài mới 17 tuổi. Đức Thánh Cha tiếp tục nhắc đến. Lúc đó, Đức Bergoglio đang dạy Thần học tại Colegio de San José, San Miguel. “Tôi nhớ rằng đó là một thời khắc quả là vô cùng khó khăn đối với tâm hồn tôi. Tôi vô cùng tin tưởng Ngài và tôi đã mở lòng mình với Ngài. Ngài thực sự đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời điểm đó”.
Cải cách và Kinh Thánh
Để trả lời cho câu hỏi về điều gì mà Giáo Hội Công Giáo có thể học hỏi từ truyền thống Lutheran, Đức Thánh Cha cho biết: “Tôi muốn tóm tắt trong hai từ, đó là: “cải cách” và “Kinh Thánh”. Tôi sẽ cố gắng giải thích để mọi người có thể hiểu rõ ý tôi. Từ đâu tiên đó là “cải cách”.
Trước hết, hành động của Luther là hành động cải cách tại một thời điểm khó khăn đối với Giáo Hội. Luther muốn đưa ra một giải pháp cho những tình huống phức tạp. Sau đó, hành động này – một phần do tình hình chính trị, tôi cũng đang nghĩ đến nguyên tắc ‘cuius region eius religio’ có thể được hiểu là ‘đạo của vua là đạo của quốc gia đó’ – đã trở thành một “Giáo Hội” tách biệt chứ không phải là một “quá trình” cải cách toàn thể Giáo Hội vốn là nền tảng cho rằng Giáo Hội phải là ‘sempre reformanda’ nghĩa là ‘phải luôn canh tân chính mình’. Từ thứ hai đó là “Kinh Thánh” – Lời của Thiên Chúa. Luther đã tiến một bước lớn để có thể đặt Lời Chúa trong bàn tay con người. Cải cách và Kinh Thánh là hai khía cạnh quan trọng mà chúng ta có thể mở rộng khi nhìn vào truyền thống Lutheran. Điều nảy sinh trong tâm trí tôi lúc này đó là Hội nghị Toàn thể trước Cơ Mật Viện, lời kêu gọi cải cách lúc này mới thật sống động làm sao và các chủ đề được bàn luận mới thiết thực biết bao”.
Cầu nguyện chung và những cử chỉ của Lòng Thương Xót
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi nói đến phong trào đại kết – một đòi buộc bên cạnh việc đối thoại mang tính thần học – đó là việc “cầu nguyện chung và dấn thân trong các công việc thể hiện Lòng thương xót, đó là, cùng cộng tác với nhau vì lợi ích của những người bệnh tật, những người nghèo khổ cũng như những người đang phải sống trong cảnh tù đày. Cùng cộng tác với nhau trong một hành động cụ thể nào đó chính là một hình thức mang tính hiệu quả của việc đối thoại. Tôi cũng đang nghĩ đến việc giáo dục. Quả thực rất quan trọng để chúng ta cùng cộng tác với nhau, chứ không phải như những bè phái chia rẽ”.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Ngài đã không hề có ý định muốn lôi kéo ai đó theo đạo: “Chúng ta cần nhận thức rõ một điều rằng: việc lôi kéo một ai đó theo đạo trong Giáo hội là một hành động tội lỗi. Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói với chúng ta rằng Giáo Hội không lớn mạnh thông qua việc lôi kéo ai đó theo đạo nhưng Giáo Hội chỉ lớn mạnh qua sức cuốn hút riêng của mình. Dụ dỗ người khác theo đạo là một hành động tội lỗi. Điều đó cũng giống như việc biến Giáo Hội thành một tổ chức không hơn không kém. Chia sẻ, cầu nguyện và cùng cộng tác với nhau: đây chính là con đường mà chúng ta cần phải bước theo. Chúng ta có thể thấy, bằng sự hiệp nhất – vốn là kẻ thù của ma quỷ – khiến chúng không bao giờ có thể phá hoại Giáo Hội được. Khi các Kitô hữu bị bách hại và bị giết hại, điều này xảy ra với họ bởi vì họ là Kitô hữu chứ không phải vì họ thuộc Giáo Hội Lutheran, Calvin, Anh giáo, Công giáo hay Chính Thống. Đó chính là tinh thần đại kết bằng máu”.
Một kẻ tâm thần đã thực hiện vụ thảm sát tại Nice
Về cuộc gặp gỡ gần đây tại Assisi, đó là một cuộc gặp gỡ “mang đậm tinh thần tôn trọng lẫn nhau chứ không có chủ nghĩa hỗn tạp”, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Tất cả chúng ta phải cùng nhau chia sẻ về hòa bình và yêu cầu hòa bình. Chúng ta phải cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ vì hòa bình mà các tôn giáo thực sự muốn. Không thể tiến hành chiến tranh nhân danh tôn giáo hay nhân danh Thiên Chúa: đây quả là một hành động phạm thượng, đó là hành động của Satan”. Đức Thánh Cha đã đề cập đến vụ thảm sát tại Nice: “Kẻ tâm thần đã thực hiện vụ thảm sát nhưng tin rằng mình đã hành động nhân danh Thiên Chúa. Thật đáng thương cho anh ta, anh ta quả là tinh thần không ổn định! Tử tế mà nói anh ta là một kẻ tâm thần đã cố gắng biện minh cho hành động của mình thông qua Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao cuộc gặp gỡ tại Assisi là hết sức quan trọng”.
Đức Thánh Cha cũng không quên đề cập đến “chủ nghĩa khủng bố bằng thói ngồi lê đôi mách”: “Bất cứ ai cũng có thể trở thành một kẻ khủng bố, đơn thuần chỉ bằng cách dùng chính miệng lưỡi của mình. Tôi không có ý nói về những vụ đôi co diễn ra công khai, giống như những cuộc chiến tranh. Tôi đang có ý nói về một kiểu khủng bố ngấm ngầm và vô cùng ám muội vốn dùng lời nói như những “quả bom nổ chậm” và gây ra rất nhiều tác hại khôn lường. Cội rễ của kiểu khủng bố này chính là nguồn gốc của tội lỗi và là một hình thức của tội ác. Đây là cách để giành lấy không gian cho bản thân mình nhưng lại hủy hoại người khác. Vì vậy, chúng ta cần phải biến đổi tâm hồn để có thể vượt qua sự cám dỗ này”.
Sự siêu việt không đồng nghĩa với chủ nghĩa khủng bố
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài xác tín rằng sự cởi mở thực sự đến siêu việt không thể dẫn tới chủ nghĩa khủng bố. “Có nhiều hình thức tôn thờ ngẫu tượng có liên kết với tôn giáo. Có một kiểu tôn thờ ngẫu tượng bằng việc chinh phục không gian hoặc yêu thích quyền lực đã tấn công các tôn giáo như một loại virus cực kì nguy hiểm. Việc tôn thờ ngẫu tượng đã len lỏi vào tôn giáo, và đó là một sự sùng mộ sai lệch. Tôi gọi nó là “một siêu việt nội tại”, hay nói cách khác nó là một sự mâu thuẫn. Trong khi đó, các tôn giáo thực sự, là sự phát triển về khả năng của một con người để biết vượt qua chính mình hướng tới sự tuyệt đối. Hiện tượng tôn giáo thì siêu việt và đó chính là chân, thiện, mỹ, lòng nhân hậu và sự liên đới. Nếu thiếu đi sự cởi mở như thế, sẽ không thể có tính siêu việt, không có tôn giáo đích thực, không có chuyện thờ ngẫu tượng. Việc mở ra với siêu việt không thể đặt dưới bất kỳ tình huống nào là nguyên nhân của khủng bố, bởi vì việc mở ra này luôn gắn liền với việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ, lòng nhân hậu và sự hiệp nhất”.
Một người mẹ đã bị sát hại ngay trước mắt những đứa con vì bà nhất quyết không chịu bỏ Thánh Giá
Về tình hình mà các Kitô hữu tại Trung Đông đang phải đối diện – Đức Thánh Cha nói: “Tôi xác tín rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi Dân của Người. Khi chúng ta tìm hiểu về những thử thách mà dân Israel đã phải trải qua trong Kinh Thánh hay khi chúng ta nhớ đến những thử thách mà các anh hùng tử đạo phải trải qua, chúng ta có thể thấy rằng Thiên Chúa luôn ra tay cứu giúp Dân Người”. Giờ đây, Trung Đông “trở thành một vùng đất của các anh hùng tử đạo. Chúng ta chắc chắn có thể nói về một vị tử đạo và một đất nước Syria đang bị tàn phá. Tôi muốn đề cập đến một kí ức vẫn luôn khắc sâu trong tâm hồn tôi: trên hòn đảo Lesbos, tôi đã gặp một người cha cùng với hai đứa con. Ông ta nói ông ta rất yêu quý người vợ của mình. Ông là một người Hồi giáo và cô ấy là một Kitô hữu. Khi những tay khủng bố kéo đến, bọn chúng muốn cô tháo bỏ Thánh giá đang mang trên cổ, nhưng cô từ chối, thế rồi bọn chúng cắt cổ cô trước mặt chồng cùng với những đứa con cô. Ông ta cứ luôn miệng nói với tôi: “Tôi yêu cô ấy rất nhiều, tôi yêu cô ấy rất nhiều”. Vâng, bà vợ này chính là một anh hùng tử đạo. Nhưng người Kitô hữu biết chúng ta luôn có một niềm hy vọng. Máu của các anh hùng tử đạo đổ ra chính là hạt giống làm trổ sinh các Kitô hữu. Chúng ta vẫn luôn xác tín điều này”.
Đối với Giáo hội, thách đố hiện nay chính là sự hiệp nhất giữa thế hệ cao tuổi với các thế hệ trẻ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời bằng một câu hỏi về Giáo Hội tại những vùng ngoại vi. “Sự thực là những Giáo Hội trẻ mang một tinh thần hoạt bát hơn, mặt khác lại có những Giáo Hội đã già cỗi, những Giáo Hội khiến cho người ta cảm thấy buồn ngủ đôi chút, những Giáo Hội dường như chỉ quan tâm đến việc giữ những khoảng cách riêng của mình. Tôi không hề có ý muốn nói rằng những Giáo Hội đó thiếu tinh thần: mà ở đó, Giáo Hội có vẻ như đang bị tù túng bên trong những cơ cấu, với những lập trường cứng nhắc. Tại một số Giáo Hội ở một số quốc gia, có một thực tế hiển nhiên rằng những Giáo Hội ấy đang thiếu đi những viễn cảnh tươi sáng. Như vậy, sự mới mẻ nơi những vùng ngoại vi đã đem lại tinh thần tươi mới cho những Giáo Hội này. Chúng ta cần tránh những ảnh hưởng từ những Giáo Hội vốn đã trở nên già cỗi. Quả là hữu ích khi đọc lại chương thứ ba sách Tiên tri Giô-en cho biết người lớn tuổi sẽ chiêm bao và những người trẻ sẽ thấy được nhiều viễn cảnh. Những thế hệ lớn tuổi sẽ mơ về khả năng của những người trẻ có được những tầm nhìn mới để lại một lần nữa làm lại tương lai đã qua của mình. Nhưng đôi khi Giáo Hội lại quá sa lầy trong việc luôn luôn có những chương trình, sa lầy vào việc hoạch định chương trình. Tôi phải thừa nhận rằng: Tôi biết những chương trình ấy luôn luôn là cần thiết, nhưng tôi nhận thấy quả là rất khó để đặt niềm hy vọng vào những cơ cấu tổ chức. Lòng hăng hái sẽ sẵn sàng đưa chúng ta tiến về phía trước. Và lòng hăng hái có thể được nhận thấy nơi khả năng dám ước mơ cũng như khả năng tiên liệu trước mọi việc. Tôi nhận thấy đây chính là một thách đố đối với toàn thể Giáo Hội. Và theo như cách tôi nhận định, sự dung hòa giữa các thế hệ lớn tuổi với các thế hệ trẻ chính là một thách đố mà Giáo Hội hiện đang phải đối diện, một thách đố đối với khả năng biết làm cho mọi việc được trở nên mới mẻ”.
Việc cầu nguyện và đời sống chứng tá chống lại chủ nghĩa vô thần
Khi được hỏi về việc “một người sẽ mất đi điều gì nếu như họ không tin vào Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha trả lời: “Đó không phải là chuyện mất đi một thứ gì đó. Nhưng đó chính là việc con người ta không thể phát triển cách tương xứng khả năng để đạt đến sự siêu việt. Đường lối của sự siêu việt là nhường chỗ cho Thiên Chúa và những bước tiến nhỏ là hết sức quan trọng trong việc này, ngay cả bước đi từ vô thần đến thuyết bất khả tri. Vấn đề – theo quan điểm của tôi – đó là khi một người trở nên khép kín và tự xem đời sống của mình là hoàn hảo và do đó họ chỉ hướng về mình, chứ không cần đến sự siêu việt tận gốc rễ. Nhưng để có thể khiến cho những người khác mở ra với sự siêu việt, không cần phải nói dông dài hay có những bài diễn thuyết lê thê bất tận. Khi một ai đó sống với sự siêu việt, chúng ta có thể nói rằng: họ đã trở thành những chứng tá sống động. Trong bữa ăn trưa cùng với các bạn trẻ tại Krakow, một trong số các bạn trẻ đã hỏi tôi: ‘Thưa Đức Thánh Cha, con nên nói gì với những người không tin vào Thiên Chúa? Làm thế nào để con có thể cải hóa họ?”. Tôi đã trả lời: “Việc cuối cùng mà con phải làm đó là con phải nói một điều gì đó. Hãy hành động! Hãy can đảm sống chứng tá cho Thiên Chúa. Chính vì thế, khi người khác nhìn vào đời sống chứng tá của chúng ta, có thể họ sẽ thắc mắc tại sao chúng ta lại phải sống theo cách như vậy”. Tôi chắc chắn rằng những ai không tin đã không tìm kiếm Thiên Chúa, có thể họ không cảm thấy sự thao thức bồn chồn của việc trở nên những chứng tá cho Thiên Chúa. Và điều này gắn chặt với sự an nhàn. Có lẽ chúng ta sẽ không thể tìm thấy sự thao thức bồn chồn khi chúng ta thoải mái. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng thứ vũ khí duy nhất chống lại chủ nghĩa vô thần, chống lại việc khép kín trước việc mở ra với siêu việt, đó chính là lời cầu nguyện và đời sống chứng tá”.
“Đây là lý do tại sao tôi sẽ cử hành Thánh Lễ tại Thụy Điển, bất chấp những vấn đề liên quan đến việc tổ chức”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã gửi đến các tín hữu Công giáo Thụy Điển một lời khuyên, Ngài mời gọi họ hãy thể hiện “một sự chung sống lành mạnh, qua đó mỗi tín hữu có thể sống đức tin của mình đồng thời mạnh dạn diễn tả đức tin ấy, sống với một tinh thần cởi mở và đại kết”, bởi vì “chúng ta không thể là những người Công giáo sống theo kiểu bè phái . Chúng ta phải cố gắng sống hài hòa với những người khác”. “’Công Giáo’ và ‘bè phái “là hai từ mâu thuẫn với nhau. Đây là lý do tại sao – Đức Thánh Cha kết luận – ban đầu tôi đã không định cử hành Thánh lễ cho các tín hữu Công giáo trong chuyến viếng thăm này: Tôi muốn đặt sự nhấn mạnh đến vấn đề đại kết. Sau đó, tôi sẽ chia sẻ thêm về vai trò của tôi với cương vị là một Mục tử của đông đảo các tín hữu Công Giáo đến từ các quốc gia láng giềng như Na Uy và Đan Mạch. Để đáp ứng yêu cầu tha thiết của cộng đồng Công giáo, tôi quyết định sẽ cử hành Thánh Lễ, vì thế sẽ kéo dài chuyến viếng thăm của tôi thêm một ngày. Thực vậy, tôi muốn Thánh Lễ phải được cử hành cùng ngày nhưng khác địa điểm với cuộc gặp gỡ đại kết đã lên kế hoạch để tránh việc làm ảnh hưởng đến mọi dự kiến ban đầu. Cuộc gặp gỡ đại kết giữ một ý nghĩa sâu xa theo tinh thần của sự hiệp nhất. Điều này sẽ gây ra một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức, tôi biết như vậy, bởi vì tôi sẽ ở Thụy Điển vào ngày lễ các Thánh, đó là một dịp lễ quan trọng tại Rôma. Nhưng tôi muốn như thế này, để ngăn những hiểu lầm đáng tiếc.
Ơn biết tự hổ thẹn
Một trong những câu hỏi được đề cập đến đó là về Chúa Giêsu và về việc Ngài được đại diện như thế nào nơi một vị Giáo Hoàng: “Đối với tôi, Chúa Giêsu là Đấng đã nhìn đến tôi với ánh mắt đầy xót thương và là Đấng cứu độ. Mối tương quan của tôi với Ngài sẽ luôn luôn được dựa trên nguyên tắc và nền tảng này. Chúa Giêsu đã mang đến ý nghĩa cho đời sống của tôi ở trần gian này và niềm hy vọng về cuộc sống mai hậu. Ngài âu yếm nhìn tôi với ánh mắt đầy thương xót, Ngài dắt tôi đi theo đường lối của Ngài… Và Ngài đã ban cho tôi một ơn rất quan trọng: ơn biết tự hổ thẹn… Tự hổ thẹn là một điều tích cực: nó không những khơi gợi trong chúng ta để hành động mà còn dạy chúng ta có thể nhận biết mình đang ở vị trí nào, mình là ai, đồng thời ngăn chặn bất kỳ hình thức nào của sự kiêu ngạo và tự phụ”.
Minh Tuệ