Đức Phanxicô: "Luôn luôn có những người nghèo cần đến tôi, tôi không thể thoái thác nhiệm vụ này"

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 19/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra: “Đã bao lần chúng ta đọc kinh Lạy Cha nhưng không thực sự chú ý đến ý nghĩa của những từ ngữ: ‘Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày'”.

“Sẽ luôn luôn có những người đói khát cần đến tôi. Tôi không thể thoái thác nhiệm vụ này cho bất cứ ai khác. Những người nghèo khổ này thực sự cần đến tôi, họ cần sự giúp đỡ, những lời ủi an cũng như sự chăm sóc của tôi”. Đức Thánh Cha đã dành riêng buổi tiếp kiến chung hôm nay với một sứ điệp Kitô giáo về nạn đói khát hiện nay: “Đã bao lần” – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – “chúng ta đọc kinh Lạy Cha nhưng không thực sự chú ý đến ý nghĩa của những từ ngữ: ‘Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày’”.

“Một trong những hệ lụy của điều gọi là ‘hạnh phúc’” – Đức Thánh Cha  nhấn mạnh – “đó là việc nó khiến cho người ta rút lui vào vỏ ốc của bản thân, nó khiến chúng ta không còn nhạy cảm trước những nhu cầu của đồng loại. Nó làm mọi thứ có thể để đánh lừa họ, nó đưa ra những kiểu mẫu chóng qua về cuộc đời vốn sẽ biến mất chỉ sau một vài năm, như thể đời sống chúng ta như một kiểu mốt để chạy theo, để rồi sau đó nó luôn luôn thay đổi theo từng thời kì. Không chỉ có như thế. Thực tế phải được chấp nhận và giải quyết và chúng ta thường phải đối diện với những tình huống quan trọng. Đây là lý do tại sao -trong mười bốn mối thương người – chúng ta được mời gọi để giúp đỡ cho những người lâm cảnh đói khát: cho kẻ đói ăn, và cho kẻ khát uống”.

Chúng ta thường thấy trên các phương tiện truyền thông về những người đang đau khổ vì cảnh thiếu thốn lương thực và nước uống, với những hậu quả nghiêm trọng đặc biệt đối với trẻ em”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh. “Đối diện với một số loại tin tức cũng như những hình ảnh đặc biệt nào đó, chúng ta cảm thấy xúc động và điều này có thể làm gia tăng các chiến dịch thể hiện sự liên đới. Những đóng góp hào phóng đã được thực hiện và điều này có thể giúp làm xoa dịu những đau khổ của rất nhiều người. Hình thức bác ái như vậy quả thực hết sức quan trọng, thế nhưng có lẽ nó không liên quan đến chúng ta cách trực tiếp”.

“Nhưng khi chúng ta lướt qua một ai đó đang cần chúng ta giúp đỡ trên đường phố, hoặc khi một người nghèo khổ đến gõ cửa nhà chúng ta, đây là một điều hoàn toàn khác, bởi vì chúng ta không phải thấy cảnh đau khổ qua một hình ảnh nào đó nữa, nhưng chúng ta đang trực tiếp đối diện với một người đau khổ đang thực sự cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Cảnh nghèo nàn” – Đức Thánh Cha cho biết – “Sự trừu tượng không thách thức chúng ta, mà nó khiến chúng ta phải suy nghĩ; nhưng khi chúng ta nhìn thấy cảnh nghèo đói nơi một người đàn ông, một người phụ nữ, hay một đứa trẻ, đây chính là điều thách thức chúng ta” khi đối mặt với sự lan rộng “của thói quen trốn chạy khỏi những người nghèo khổ, không tiếp cận họ hoặc cố gắng che đậy thực tế nơi khuôn mặt của những người nghèo khổ”.

Chúng ta nên phản ứng thế nào trong những trường hợp như vậy? “Liệu tôi có thể quay lưng và bước đi? Hay tôi dừng lại để nói chuyện với họ và tỏ sự quan tâm của tôi đối với họ? Và nếu chúng ta làm điều này, sẽ luôn có ai đó sẽ nói, ‘thật là điên rồ khi nói chuyện với một kẻ khố rách áo ôm như thế’. Liệu chúng ta có tìm cách để trốn chạy và bỏ mặc họ không? Nhưng có lẽ tất cả những điều họ mong mỏi lúc này đó là có chút gì đó để ăn và chút nước để uống”.

“Chúng ta hãy thử ngẫm xem: Đã bao lần chúng ta đọc kinh Lạy Cha nhưng không thực sự chú ý đến ý nghĩa của những từ ngữ: ‘Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày’”, Đức Thánh Cha cho biết.

“Kinh nghiệm về sự đói khổ quả là hết sức khắc nghiệt”, Đức Thánh Cha nói thêm. “Bất cứ ai trải qua thời chiến tranh hay nạn đói đều hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, kinh nghiệm này vẫn luôn xảy ra hàng ngày và cùng tồn tại với sự giàu có dư dật và sự phung phí vô độ. Những lời của Thánh Giacôbê Tông Đồ vẫn còn nguyên giá trị với mỗi người chúng ta ngày hôm nay (“Ích gì, hỡi anh em, khi ai rêu rao mình có đức tin, mà việc làm lại không có?”). “Vẫn luôn có một người đang đói khát và cần đến tôi. Tôi không thể thoái thác trách nhiệm này cho bất cứ ai khác. Những người nghèo khổ này rất cần đến tôi, họ cần sự giúp đỡ, những lời động viên cũng như sự chăm sóc của tôi. Và mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải giúp đỡ họ”. 

Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều “là một bài học rất quan trọng đối với chúng ta. Phép lạ này nhắn nhủ mỗi người chúng ta rằng nếu chúng ta biết tin tưởng phó thác những điều nhỏ nhoi mà chúng ta có trong bàn tay quyền năng của Chúa Giêsu và biết chia sẻ với anh em đồng loại trong đức tin thì chính những điều nhỏ nhoi ấy sẽ trở thành sự phong phú dồi dào”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn Thông điệp “Caritas in Veritate” của Nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI: “Cho kẻ đói ăn chính là một mệnh lệnh đạo đức đối với Giáo Hội hoàn vũ. Quyền được có lương thực, như quyền được cung cấp nước sạch để uống, giữ một vị trí quan trọng trong việc theo đuổi các quyền lợi khác … Đừng quên những lời của Chúa Giêsu: ‘Ta là Bánh Hằng Sống’ và ‘Những kẻ đói khát hãy đến với tôi’. Những lời này mời gọi mỗi người chúng ta là những tín hữu, những lời ấy mời gọi mỗi người chúng ta nhận ra rằng mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta hãy cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống, một Thiên Chúa, Đấng đã biểu lộ diện mạo Lòng Thương Xót của Ngài nơi Chúa Giêsu”.

Cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phép một mặt nhật được làm bằng các tấm kim loại từ các khu ổ chuột Kibera ở Nairobi, Kenya – một khu ổ chuột lớn nhất tại châu Phi cận Sahara. Sau khi được Đức Thánh Cha làm phép, mặt nhật được làm từ sắt phế liệu (một sáng kiến của ‘Fondazione Casa dello Spirito e delle Arti’ – một tổ chức phi lợi nhuận Italia) sẽ được chuyển đến các Giáo phận trên khắp Italy cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, như một biểu tượng của tình yêu Chúa Kitô đối với những người nghèo khổ cũng như những người thiệt thòi trong xã hội.

 Minh Tuệ  (chuyển ngữ)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết