
Một phụ nữ đeo trang đang đẩy xe hàng qua các tòa nhà bị hư hại ở Beirut ngày 26 tháng 1 năm 2021, trong đại dịch COVID-19. Hơn một nửa dân số Lebanon sống trong cảnh nghèo đói (Ảnh: CNS / Mohamed Azakir, Reuters)
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo chính đến từ Lebanon vào ngày 1 tháng 7 trong một ngày suy tư và cầu nguyện tại Rome cho đất nước có khoảng 5 triệu dân này. Lebanon hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị, tài chính và nhân đạo hết sức nghiêm trọng và đã không có chính phủ trong nhiều tháng trời.
“Tòa Thánh lo ngại sự sụp đổ của đất nước này”, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Vatican, đã thẳng thắn tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Vatican vào ngày 25 tháng 6, trình bày chi tiết về sự kiện này. Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết Tòa Thánh lo ngại rằng sự sụp đổ của Lebanon, nền dân chủ cuối cùng trong thế giới Ả Rập, sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho các Kitô hữu ở quốc gia đó.
Đã có một cuộc di cư ồ ạt của các Kitô hữu, đặc biệt là những người trẻ tuổi khỏi đất nước này. Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh một cách rõ rằng nếu cuộc di cư tiếp tục, “nó có nguy cơ phá hủy sự cân bằng nội bộ” ở Lebanon.
Theo hệ thống chia sẻ quyền lực của đất nước, Tổng thống Lebanon phải là một Kitô hữu nghi lễ Maronite, Thủ tướng phải là người Hồi giáo dòng Sunni và diễn giả của quốc hội phải là một người Hồi giáo dòng Shiite. Ghế trong nội các và quốc hội được chia đều cho các tín đồ Hồi giáo và các Kitô hữu. Không có nhà lãnh đạo chính trị Kitô giáo nào đến từ Lebanon được mời tham dự ngày suy tư này.
Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đến thăm Lebanon sau vụ nổ xảy ra tại cảng Beirut gây ra thảm họa như vậy cho thành phố. Đức Tổng Giám mục Gallagher cho Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gửi hỗ trợ đến các trường học Công giáo của Lebanon và sắp xếp để Vatican, cùng với Ủy ban Giám mục của Liên minh châu Âu, gửi trợ giúp dược phẩm để khắc phục hậu quả của vụ tai nạn kinh hoàng đó. Kể từ đó, các nguyên thủ quốc gia đến thăm Vatican đã được đề nghị xem xét đất nước của họ có thể làm gì để trợ giúp Lebanon.
Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên công bố sự kiện cầu nguyện này vào ngày 30 tháng 5, chấp nhận lời đề nghị từ các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo tại Vùng đất của những cây tuyết tùng, nơi các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo đã chung sống cạnh nhau trong nhiều thế kỷ.
Trong cuộc họp báo vào ngày 25 tháng 6, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ các Giáo hội Đông Phương, nhắc lại rằng hơn nửa thế kỷ qua, các Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô đương nhiệm đã dành sự quan tâm thường xuyên đến vùng đất này, điều mà họ đã mô tả như một “thông điệp” cho thế giới về cách các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo có thể cùng nhau chung sống trong hòa bình. Đức Hồng y Sandri đã nhắc lại việc Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt về Lebanon vào ngày 12 tháng 6 năm 1991, khi tình hình đã thực sự trở nên vô cùng “bi đát” ở đất nước này sau cuộc nội chiến kéo dài và mời gọi các tín hữu Công giáo Lebanon tham gia vào cuộc hành trình cầu nguyện, sám hối và hoán cải.
Thượng Hội đồng Giám mục đó diễn ra vào năm 1995. Vị Giáo hoàng người Ba Lan đã đến thăm đất nước này vào tháng 5 năm 1997 và đã công bố Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng của mình. Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã viếng thăm nước này vào tháng 9 năm 2012, sau Thượng Hội đồng đặc biệt về Trung Đông.
“Cách đây 30 năm trước, tình hình quả thực hết sức gay cấn”, nhưng những tường thuật từ thời kỳ đó “có vẻ như là một biên niên sử của thời đại chúng ta”, Đức Hồng y Sandri nhận xét, đồng thời giải thích nhu cầu to lớn của ngày suy tư và cầu nguyện này, khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chào đón các nhà lãnh đạo Kitô giáo quy tụ tại Santa Marta – nhà khách của Vatican nơi Đức Giáo hoàng sinh sống và nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng sẽ cư trú – sau đó tất cả sẽ “cùng nhau tản bộ” đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô khai mạc buổi cầu nguyện.
Đức Hồng y Sandri giải thích rằng ngày suy tư sẽ bao gồm việc Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo Kitô giáo cùng ngồi lại với nhau trong Hội trường Clementine tại Vatican, nơi họ sẽ chia sẻ những quan điểm cá nhân của mình tại ba phiên họp riêng biệt đằng sau cánh cửa đóng kín vào buổi sáng và buổi chiều. Sứ Thần của Đức Giáo hoàng tại Liban, Đức Tổng Giám mục Joseph Spiteri, sẽ đóng vai trò là người điều hành tại các phiên họp này. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phát biểu vào cuối ngày, và sẽ có nhiều sự quan tâm đến những gì ngài sẽ phát biểu sau đó.
Đức Hồng y Sandri đã liệt kê các nhà lãnh đạo Công giáo sẽ có mặt tại sự kiện ngày 1 tháng Bảy sắp tới. Họ bao gồm Đức Thượng phụ Maronite, Đức Hồng y Bechara Boutros Rai; Đức Thượng phụ Công giáo Syro Ignace Youssif III Younan; Đức Giám mục Michel Kassarji nghi lễ Chaldean; và Đại diện Tông Tòa của Giáo hội Công giáo nghi lễ latinh, Đức Giám mục César Essayan.
Đức Giám mục Brian Farrell, Thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, phát biểu với các nhà báo tại cuộc họp báo rằng “hầu hết tất cả các Giáo hội Chính thống và Công giáo phương Đông đều có mặt tại Lebanon với sự đa dạng tuyệt vời về các nghi thức và truyền thống, cũng như các các cộng đồng Giáo hội được sinh ra từ cuộc Cải cách”, và có sự đan xen của sự cộng tác và cùng nhau chung sống, cũng như nhiều cuộc hôn nhân dị chủng.
Đức Giám mục Farrell liệt kê các Giáo hội ngoài Công giáo sẽ tham dự sự kiện này: Giáo hội Chính thống-Hy Lạp thuộc Tòa Thượng phụ Antioch, thuộc truyền thống Byzantine, do Đức Thượng phụ Youhanna X Yazigi lãnh đạo; Giáo hội Công giáo Armenia Tông truyền của Cilicia, do Đức Thượng phụ Aram I lãnh đạo; Giáo hội Chính thống Siriac, do Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem II lãnh đạo; và Hội đồng Tối cao của Cộng đồng Tin lành ở Syria và Lebanon.
Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết ngài hy vọng tất cả họ sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn nhiều về tình hình tại Lebanon và những con đường khả thi phía trước vào cuối ngày suy tư.
Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất mong muốn được đến thăm đất nước này và đã nói rõ với Thủ tướng được chỉ định, Saad Hariri, khi họ gặp nhau vào tháng 4 năm ngoái, rằng ngài sẽ đến Lebanon sau khi họ thành lập chính phủ. Lúc đó Đức Tổng Giám mục Gallagher đã khuyến khích các lực lượng chính trị cộng tác vì lợi ích chung của cả quốc gia.
Khi được một nhà báo Mỹ đặt câu hỏi tại sao Vatican lại dành nhiều sự quan tâm cho Lebanon mà không quan tâm đến Hồng Kông, Đức Tổng Giám mục Gallagher trả lời: “Hồng Kông là một nguyên nhân khiến Tòa Thánh hết sức bận tâm. Nhưng trong khi Lebanon là nơi mà chúng tôi cho rằng chúng tôi có thể tạo ra sự đóng góp, chúng tôi không nhận thấy điều này ở Hồng Kông. Chúng tôi vẫn chưa tin chắc rằng chúng tôi có thể tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào tại Hồng Kông”.
Minh Tuệ (theo America)