Đức Phanxicô: "Giáo hội Công giáo cam kết bảo vệ những người nhập cư"

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới Chủ tịch Nghị Viện Châu Mỹ La tinh và Caribbean nhân dịp Đại Hội Đồng lần thứ 33 của Nghị viện. Ngài hết sức ủng hộ và tán thành nhiệm vụ mà họ đang thực hiện và nhắc lại cam kết của Giáo hội toàn cầu luôn sẵn sàng ứng đáp mọi nhu cầu cần thiết để xoa dịu nỗi đau của người tỵ nạn nhập cư.

ĐTC Phanxico

Phát biểu trong bức thư gửi tới bà Blanca Alcalá, Chủ tịch Nghị Viện, ĐTC Phanxicô đã phản ánh về vấn đề di dân Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, chủ đề của Đại Hội Đồng.

Ngài cũng nhắc đến sáng kiến “nhằm mục đích giúp đỡ và làm cho cuộc sống trở nên xứng đáng với phẩm giá con người hơn đối với những người có quê hương tổ quốc nhưng đáng tiếc là đã không tìm thấy nơi các quốc gia của mình những điều kiện an sinh xã hội cần thiết, và buộc phải di cư đến những nơi khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh ba từ liên quan đến vấn đề di cư: thực tế, đối thoại và cam kết.

Liên quan đến vấn đề thực tế, ĐTC Phanxicô cho biết rằng đằng sau mỗi người nhập cư là “một con người với một lịch sử của riêng mình, với một nền văn hoá cũng như những lý tưởng”.

“Đối thoại” – ĐTC Phanxicô nói – “là hết sức điều cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần liên đới với những người đã bị tước đoạt các quyền cơ bản của họ, cũng như tăng khả năng sẵn lòng giúp đỡ đối với những người đã phải chạy trốn khỏi những tình huống đầy kịch tính và vô nhân đạo”.

Trở lại với vấn đề cam kết, ĐTC Phanxicô đã nhắc lại lời kêu gọi của Ngài trong việc “ngăn chặn nạn buôn người, vốn là một thảm họa. Con người không thể bị đối xử như những đồ vật hay hàng hóa, bởi vì mỗi con người đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa”.

Tóm lại, ĐTC Phanxicô kêu gọi các Chính phủ bảo vệ tất cả những người hiện đang cư trú trên lãnh thổ của họ, bất chấp nguồn gốc lai lịch của họ là gì.

“Tôi nhắc lại cam kết của Giáo hội Công giáo, thông qua sự hiện diện của các Giáo hội địa phương và khu vực, để đáp lại trước vết thương mà nhiều anh chị em của chúng ta đang phải mang theo với họ”.

Dưới đây là nội dung bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Kính gửi bà Blanca Alcalá,

Chủ tịch Nghị Viện Châu Mỹ Latinh và Caribbean

Thưa bà Chủ tịch,

Nhân dịp Diễn đàn “Đối thoại Nghị Viện cấp cao về vấn đề Di dân tại Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê: Những thực tiễn cũng như cam kết đối với Hiệp ước Toàn cầu”, tôi chào mừng Bà Chủ tịch, cũng như tất cả quý vị, những người tham dự sự kiện này. Tôi chúc mừng quý vị về sáng kiến này nhằm giúp đỡ và làm cho cuộc sống trở nên xứng hợp với phẩm giá con người hơn đối với những người có quê hương tổ quốc nhưng đáng tiếc là đã không tìm thấy nơi các quốc gia của mình những điều kiện an ninh và sinh kế cần thiết, và buộc phải di cư đến những nơi khác.

Từ chủ đề của Diễn đàn của quý vị, tôi muốn nhấn mạnh ba từ, vốn mời gọi việc suy tư và hành động: thực tế, đối thoại và cam kết.

Thứ nhất: thực tế. Điều quan trọng là cần phải nhận biết lý do của vấn đề di cư và những đặc điểm mà nó đặt ra nơi lục địa của chúng ta. Điều này không chỉ đòi hỏi việc phân tích đối với tình hình này từ “bàn nghiên cứu” mà còn trong việc liên hệ với người dân, với những khuôn mặt thực tế. Đằng sau mỗi người nhập cư là một con người với một lịch sử của riêng mình, với một nền văn hoá cũng như những lý tưởng. Những phân tích khô khan vô vị sẽ tạo ra các biện pháp chẳng mấy kết quả; mặt khác, mối tương quan với một con người trong cùng một thân thể giúp chúng ta nhận thức được những vết sẹo sâu hoắm mà họ đang phải mang lấy, gây ra bởi những lý do, hay thậm chí chẳng có lý do, về việc vì sao họ lại phải di cư. Hội nghị này sẽ giúp đưa ra những câu trả lời xác đáng đối với những người di cư và quốc gia tiếp nhận, đồng thời đảm bảo rằng các thỏa thuận và các biện pháp an ninh cần phải được xem xét từ kinh nghiệm trực tiếp, quan sát xem liệu chúng có phù hợp với thực tế hay không. Là thành viên của một đại gia đình, chúng ta phải nỗ lực không ngừng để đặt “con người” trở thành trung tâm (xem Bài phát biểu với các Ngoại giao đoàn đã được công nhận tại Tòa thánh, ngày 9 tháng 1 năm 2017); đây không phải chỉ là những con số hay những thực thể trừu tượng mà là những người anh chị em đang cần được giúp đỡ và cần đến một bàn tay thân thiện.

Đối thoại là không thể thiếu trong công việc này. Một người không thể làm việc đơn độc một mình; tất cả chúng ta đều phải cần đến nhau. Chúng ta phải trở nên “có khả năng bỏ lại đằng sau nền văn hoá thải loại và đón lấy một nền văn hóa của sự gặp gỡ và đón nhận” (Thông điệp nhân Ngày Tị nạn và Di dân Thế giới năm 2014). Việc hợp tác chung là cần thiết để phát triển các chiến lược hiệu quả và công bằng đối với việc tiếp nhận những người tị nạn. Việc đạt được một sự đồng thuận giữa các bên chính là một “sự khéo léo”; một nhiệm vụ đòi hỏi sự thận trọng, gần như không thể nhận biết nhưng rất cần thiết đối với việc định hình các thoả thuận cũng như các quy định. Tất cả các yếu tố cần phải được cung cấp cho các chính quyền địa phương cũng như cộng đồng quốc tế để phát triển các hiệp ước tốt nhất đối với lợi ích của nhiều người, đặc biệt là những người dân đau khổ nơi những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh của chúng ta cũng như tại nhiều nơi tại Châu Mỹ Latinh và Caribê. Đối thoại là điều cần thiết để có thể thúc đẩy tinh thần liên đới với những người đã bị tước mất các quyền lợi cơ bản của họ cũng như tăng khả năng sẵn sàng giúp đỡ đối với những người đã phải chạy trốn khỏi những tình huống đầy kịch tính và vô nhân đạo.

Để đáp ứng đối với những nhu cầu của những người di dân, cần phải có sự cam kết từ tất cả các bên. Chúng ta không thể dựa vào những phân tích chi tiết cũng như việc tranh luận về những ý tưởng, nhưng chúng ta buộc phải đưa ra một giải pháp đối với vấn đề này. Châu Mỹ Latinh và Caribê có một vai trò quốc tế quan trọng và cơ hội để trở thành những người chủ chốt trong tình huống phức tạp này. Đối với nỗ lực này, “cần phải có kế hoạch trung hạn và dài hạn vốn không chỉ dừng lại ở những phản ứng khẩn cấp” (Phát biểu với các Ngoại giao đoàn được công nhận tại Tòa thánh, ngày 11 tháng 1 năm 2016). Điều này nhằm tạo ra những ưu tiên trong khu vực cũng như với một tầm nhìn về tương lai, chẳng hạn như việc hội nhập của những người di cư ở các quốc gia tiếp nhận và việc hỗ trợ phát triển các quốc gia xuất xứ. Đối với những vấn đề này, tất cả đã được bổ sung thêm nhiều hành động khẩn cấp khác, chẳng hạn như việc chăm sóc trẻ vị thành niên: “Tất cả mọi trẻ em … đều có quyền phải được giải trí; hay nói cách khác, chúng phải có quyền để là những đứa trẻ thực thụ” (Thông điệp nhân Ngày Tị nạn và Di dân Thế giới năm 2017). Chúng cần nhận được sự chăm sóc và giúp đỡ của chúng ta, cũng như đối với gia đình chúng. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi của tôi trong việc ngăn chặn nạn buôn người, vốn là một thảm họa. Con người không thể bị đối xử như những thứ đồ vật hay hàng hóa, vì mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa (xem Tông Huấn ‘Evangelii Gaudium’, số 197-201).

Khối lượng công việc rất lớn và chúng ta cần đến tất cả những con người thành tâm thiện chí, với những cam kết cụ thể, có thể đáp ứng với “tiếng kêu gào” xuất ra tự đáy lòng của những người di cư. Chúng ta không thể vờ như không nghe thấy trước những tiếng kêu gào của họ. Tôi kêu gọi các chính phủ quốc gia hãy gánh vác trách nhiệm đối với tất cả những người cư trú trên lãnh thổ của mình; và đồng thời tôi nhắc lại cam kết của Giáo hội Công giáo, thông qua sự hiện diện của các Giáo hội địa phương và khu vực, luôn ứng đáp những vết thương mà nhiều anh chị em của chúng ta đang phải mang theo với họ.

Cuối cùng, tôi hết sức ủng hộ quý vị và tán thành nhiệm vụ quý vị đang thực hiện, và tôi nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp cho quý vị. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng cũng đã từng phải trải qua việc di cư khi cùng với Thánh Giuse và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập (Mt 2, 13), gìn giữ hộ phù và duy trì quý vị với một sự quan tâm chăm sóc của tình mẫu tử.

Xin quý vị cũng hãy cầu nguyện cho tôi; và nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý vị.

Vatican, ngày 7 tháng 6 năm 2017

Giáo Hoàng Phanxicô

 Minh Tuệ chuyển ngữ

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết