Đức Phanxicô giải quyết những vấn đề của thế giới như thế nào

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ ‘Register’, Đức TGM Paul Gallagher – ‘Ngoại Trưởng’ Tòa Thánh – đã bàn về phương pháp tiếp cận đặc biệt của ĐTC Phanxicô đối với những vấn đề quốc tế.

Archbishop_Paul_Gallagher_youtube_screenshot

Trong “cuộc khảo sát thế giới” thường niên với các ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm thứ hai tuần trước, ĐTC Phanxicô đã dứt khoát khẳng định rằng con người “không bao giờ được phép giết hại nhau nhân danh Thiên Chúa”, đồng thời Ngài cũng nhấn mạnh thêm rằng thế giới đang “phải đương đầu với một sự điên rồ chết chóc [là] đã lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc sự chết trong trận đấu vì sự thống trị và quyền lực”. Phát biểu với đại diện của 182 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa khủng bố cực đoan là kết quả của sự nghèo nàn sâu xa về mặt tâm linh, và nó thường được liên kết với sự nghèo nàn nghiêm trọng về mặt xã hội”, và nó chỉ có thể “bị đánh bại hoàn toàn bằng sự đóng góp chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị”.

Trong bài diễn văn khá dài với chủ đề là những nỗ lực trong năm nay để cổ võ cho hòa bình và an ninh, Ngài cũng đề cập đến tất cả những vấn đề khó khăn của thế giới, đồng thời cũng nhắc lại rằng hiện nay nhiều Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng hòa bình phụ thuộc vào công lý, đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng “hòa bình là một món quà, một thách đố và một sự cam kết”, và điều này chỉ có thể “xảy ra trên cơ sở của một tầm nhìn của nhân loại có khả năng thúc đẩy sự phát triển toàn diện việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của họ”.

Ngồi bên trái ĐTC Phanxicô tại Điện Tông Tòa Sala Regia là Đức TGM Paul Gallagher, Thư ký Phủ Quốc vụ khanh đặc trách quan hệ với các quốc gia –  ‘Ngoại trưởng’ Tòa Thánh. Trong trả lời phỏng vấn qua email hôm 12/1 với tờ Register, Đức TGM Gallagher đã chia sẻ dựa trên những điểm nổi bật của bài phát biểu của ĐTC Phanxicô về việc ĐTC suy nghĩ thế nào về việc có thể loại bỏ quá trình cực đoan hóa con người, và cách Ngài ‘minh bạch’ trong các vấn đề ngoại giao giúp nâng cao vị thế Tòa Thánh ở nước ngoài. Vị TGM người Anh cũng đã nói về những mối bận tâm gây ra bởi cách tiếp cận của ĐTC Phanxicô với các mối quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Nga và Trung Quốc, có thể là quá giáo điều, phải trả giá bằng việc tôn trọng quyền lợi của người Công giáo tại các nước này.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến nhiều điểm quan trọng trong bài phát biểu của mình, nhưng đâu là những lĩnh vực quan trọng nhất trong mối bận tâm của Ngài đối với thế giới hiện nay?

Tôi nghĩ rằng mối bận tâm chính của Đức Thánh Cha chính là hòa bình. Chúng ta sống trong một thế giới có vẻ như hòa bình hiện hữu khắp nơi, nhưng mọi người thường phải sợ hãi và sống trong sự khiếp đảm, họ lo ngại về tương lai của chính mình. Hơn nữa, có rất nhiều “cuộc xung đột vô nghĩa” hợp lại với nhau cái mà Đức Thánh Cha gọi  là ” cuộc chiến tranh thế giới phân mảnh”. Syria thực sự là bi kịch nhất. Nhưng cuộc xung đột tại nhiều nơi khác cũng chính là mối bận tâm lớn đối với Đức Thánh Cha. Một trong những hậu quả của các cuộc xung đột là nhiều người tị nạn tìm cách thoát khỏi cảnh chiến tranh và tìm kiếm sự bảo vệ tại các quốc gia an toàn hơn. Đức Thánh Cha khuyến khích các cơ quan công quyền chớ quên rằng di dân cũng chính là những con người. Vì vậy, họ cần phải sử dụng trí tuệ và tầm nhìn xa trông rộng của mình, để không loại trừ những người đang tìm kiếm sự hỗ trợ, đặc biệt là những người thực sự cần được bảo vệ, và không ảnh hưởng đến lợi ích chung đối với các công dân của mình.

Một lĩnh vực quan tâm khác của ĐTC Phanxicô, dĩ nhiên đó chính là trào lưu lấy cảm hứng từ chủ nghĩa khủng bố, mà Đức Thánh Cha gọi đó là “việc giết hại điên rồ đã lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc sự chết trong một trận đấu vì sự thống trị và quyền lực”. Cội rễ của tất cả những tình huống đầy kịch tính này chính là điều mà ĐTC Phanxicô gọi là một “tầm nhìn thu nhỏ” của nhân loại, đã mở đường cho sự lây lan của sự bất công, bất bình đẳng xã hội cũng như tham nhũng.

Làm thế nào để Tòa Thánh có thể giúp đỡ trong việc giải quyết các cuộc xung đột và chấm dứt các cuộc khủng bố cực đoan tại nhiều nơi trên toàn thế giới?

Chỉ với một từ thôi, tôi sẽ nói rằng đó chính là “việc đối thoại”. ĐTC Phanxicô đã xác quyết điều này trong bài phát biểu của mình khi Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại ở tất cả các cấp độ: ngoại giao, liên tôn và liên văn hóa. Tôi thiết nghĩ ĐTC Phanxicô, qua nhiều cử chỉ dũng cảm của mình, đã thể hiện cách rõ ràng với chúng ta rằng đối thoại không chỉ cần thiết và hiệu quả, thế nhưng, đầu tiên và trước hết, đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện! Với quan điểm này, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội cũng như sự đóng góp của những nỗ lực lấy cảm hứng từ tôn giáo nhằm theo đuổi công ích thông qua việc giáo dục và hỗ trợ xã hội, đặc biệt là tại các khu vực nghèo nàn nhất cũng như những nơi đang xảy ra các cuộc xung đột. Giáo dục là điều cần thiết trong việc phòng chống cực đoan.

Trong thông điệp của mình, ĐTC Phanxicô đã nói về một số thỏa thuận đã được ký kết hoặc phê chuẩn. Có bao nhiêu mối quan hệ của Tòa Thánh với các quốc gia khác có dấu hiệu cụ thể của sự cải thiện, đặc biệt là với những quốc gia vẫn chưa có mối quan hệ bang giao chính thức với Tòa Thánh?

Số lượng các quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, hoặc đã ký kết thỏa thuận với Tòa Thánh đang tiếp tục gia tăng, cũng như số lượng các đại sứ tại Rome cũng ngày càng nhiều. Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đến Vatican. Bên cạnh các mối quan hệ ngoại giao đã được chính thức thành lập, có một “đại diện không thường trú” tại Việt Nam, và có những mối liên hệ liên tục nhưng thường là không chính thức với nhiều quốc gia khác, mà qua đó chúng tôi thảo luận về nhiều chủ đề, chủ yếu liên quan đến sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo tại các lãnh thổ của họ. Đó là một cuộc đối thoại liên tục và hầu hết là tích cực vốn rất hữu ích trong việc tăng sự hiểu biết, thông cảm, và tin tưởng lẫn nhau.

Đâu là sức mạnh lớn lao của ĐTC Phanxicô khi nói đến chính sách đối ngoại, cả về quan điểm của Ngài cũng như từ những phản ứng mà Ngài có thể lắng nghe từ khắp nơi trên thế giới?

Trước hết, tôi nghĩ rằng bằng sự sáng suốt trong những phán quyết của ĐTC khi Ngài nói về những vấn đề của thế giới, và sự sáng suốt này xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã gọi tất cả mọi thứ theo tên của chúng. ĐTC đã không lo ngại về những hậu quả chính trị. Ngài quan tâm về con người cũng như những đau khổ của họ. Kế đến, Ngài cũng đã có sự làm chứng bởi chính những kinh nghiệm cá nhân của Ngài. Đơn cử như trong vài năm qua, Ngài đã không chỉ nói về lòng hiếu khách đối với những người tị nạn. ĐTC đã khuyến khích các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới cũng hãy làm như vậy, và khi Ngài đến thăm Lesbos, Ngài đã đem một số người tị nạn cùng trở về Vatican với mình. Mọi người có thể nhận thấy rõ ràng rằng lời nói và cử chỉ của ĐTC Phanxicô hết sức chân thành và thực tế. 

Đó là sức mạnh lớn nhất của ĐTC Phanxicô.

Một số người đã chỉ trích Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô liên quan đến chính sách “ostpolitik” (chính sách bình thường hoá quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô) – đã quá giáo điều không quan tâm đến lợi ích của những người cảm thấy mình là nạn nhân của các chế độ tàn bạo và toàn trị (chẳng hạn như người Công giáo Trung Quốc và Ukraine). Vậy sự thực có đúng thế không?

Tôi cho rằng không phải tất cả đều đúng. Đó không phải là một vấn đề của chủ nghĩa giáo điều như việc bảo vệ một lý tưởng. Như tôi đã nói trước đây, Đức Thánh Cha đã tìm cách đối thoại ở mọi cấp độ, nhưng điều đó không có nghĩa là vì lợi ích của chính việc đối thoại mà Ngài sẵn sàng từ bỏ sự thật, lợi ích của người dân hoặc của Giáo Hội. Trong vấn đề ngoại giao, đối thoại là tất cả đối với việc tìm kiếm một con đường phía trước để những người đau khổ sẽ không còn phải khổ đau nữa. Nhưng điều đó chỉ khả thi nếu không có những thành kiến giữa những người thực hiện việc đối thoại và nếu chúng ta không quên rằng việc đối thoại cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn, trong khi hầu hết chúng ta đã mất kiên nhẫn và chúng ta chỉ muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức.

Minh Tuệ và P.B. chuyển ngữ 

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết