Đức Phanxicô: Giải quyết những sai trái của người khác ‘nhưng không có thái độ hiềm thù’ đòi hỏi lòng tốt và sự can đảm

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào những người hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để cùng tham dự buổi suy niệm trong giờ Kinh Truyền Tin vào ngày 10 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào những người hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để cùng tham dự buổi suy niệm trong giờ Kinh Truyền Tin vào ngày 10 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đối thoại với người đã phạm lỗi với chúng ta là một quá trình đòi hỏi “sự can đảm thực sự”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm Chúa nhật khi suy tư về chủ đề “sự sửa sai mang tinh thần huynh đệ”.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật (Mt 18:15-20), Chúa Giêsu nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”.

Sự sửa lỗi mang tinh thần huynh đệ là “một trong những biểu hiện cao nhất của tình yêu, và cũng là sự đòi hỏi khắt khe nhất, bởi vì quả không dễ để sửa sai người khác”, Đức Thánh Cha nhận xét khi phát biểu từ cửa sổ Điện Tông Tòa với những người hành hương tụ tập ở Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 10 tháng 9. “Khi một người anh em trong đức tin phạm lỗi với anh chị em, không chút hiềm thù, hãy giúp đỡ anh ta, sửa lỗi anh ta: Hãy giúp đỡ bằng cách sửa lỗi”.

Đức Thánh Cha tiếp tục lên án việc nói hành, hay “nói huyên thuyên”, là điều “không đúng đắn” và “không đẹp lòng Chúa”. Ngài gọi chuyện ngồi lê đôi mách là “một tai họa đối với cuộc sống của con người và cộng đồng vì nó gây chia rẽ, mang lại sự đau khổ, mang lại sự tai tiếng và không bao giờ giúp cải thiện cũng như không bao giờ giúp trưởng thành”.

Mặt khác, việc sửa lỗi mang tính huynh đệ là một quá trình cho phép chúng ta giúp người khác “hiểu được họ sai ở đâu. Và hãy làm điều này vì lợi ích của người đó, vượt qua sự hổ thẹn và tìm thấy lòng can đảm thực sự, đó là không nói xấu, nhưng nói mọi sự trước mặt họ với sự hiền lành và tử tế”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Nhưng ngài cảnh báo rằng việc “chỉ tay” vào lỗi của người khác “chẳng tốt đẹp chút nào, trên thực tế, nó thường khiến người mắc lỗi khó nhận ra lỗi của họ hơn”.

“Nhưng chúng ta có thể hỏi, nếu như thế vẫn chưa đủ thì sao? Lỡ như người ấy không hiểu thì sao?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi.

“Vậy thì chúng ta phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, hãy cẩn thận: không phải từ nhóm buôn chuyện! Chúa Giêsu nói: ‘Hãy đem theo một hay hai người nữa’, nghĩa là những người thực sự muốn giúp đỡ người anh em lầm lạc này”, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi.

“Và nếu người ấy vẫn không hiểu thì sao? Sau đó, Chúa Giêsu nói, hãy đưa họ ra cộng đoàn. Nhưng ở đây cũng vậy, điều này không có nghĩa là bêu rếu một người, khiến họ phải xấu hổ một cách công khai, mà đúng hơn là kết hợp những nỗ lực của mọi người để giúp họ thay đổi”, Đức Thánh Cha nói.

“Và vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi nên cư xử thế nào với một người đã đối xử tệ với tôi? Tôi có giữ nó trong lòng và tích lũy sự oán giận không?”, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi. “Tôi có nói chuyện đó sau lưng họ không? ‘Bạn có biết anh ấy đã làm gì không?’, và vân vân. Hay tôi bất chấp, can đảm và tôi cố gắng nói về điều đó với họ. Tôi có cầu nguyện cho người đó, xin ơn trợ giúp để làm điều tốt không? Và cộng đoàn của chúng ta có quan tâm đến những người vấp ngã để họ có thể đứng dậy và bắt đầu cuộc sống mới không? Họ có chỉ tay hay dang rộng vòng tay?”.

Đức Thánh Cha hỏi lại: “Anh chị em làm gì: anh chị em chỉ tay hay dang rộng vòng tay?”.

Những người hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi suy niệm trong giờ Kinh Truyền Tin hàng tuần của Đức Thánh Cha vào ngày 10 tháng 9 năm 2023  (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Những người hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi suy niệm trong giờ Kinh Truyền Tin hàng tuần của Đức Thánh Cha vào ngày 10 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Sau suy tư của mình, Đức Thánh Cha bày tỏ “sự gần gũi với người dân Morocco thân yêu” sau trận động đất mạnh 6,8 độ richter vào tối ngày 8 tháng 9 khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương tính đến ngày 10 tháng 9.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chia sẻ ngắn gọn về lễ tuyên phong Chân Phước cho gia đình Ulma ở Markowa, Ba Lan. Đức Quốc xã đã hành quyết dã man gia đình Công giáo sùng đạo của ông bà Józef và Wiktoria Ulma cùng 7 người con của họ vào năm 1944 vì đã giấu 8 người Do Thái trong nhà của họ bên ngoài làng Markowa ở phía đông nam Ba Lan. Đây là lần đầu tiên cả một gia đình cùng được tuyên phong Chân Phước.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự can trường và lòng yêu mến Tin Mừng của gia đình này, vì họ “đại diện cho một tia sáng trong bóng tối của Thế chiến thứ hai, trở thành mẫu mực cho tất cả chúng ta noi gương trong ước muốn làm điều thiện và phục vụ những người đang cần được giúp đỡ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dung mẫu gương của gia đình Ulma để kêu gọi các hành động bác ái nhằm chống lại bạo lực, cũng như cầu nguyện; đặc biệt là “cho nhiều quốc gia đang phải gánh chịu chiến tranh; theo cách đặc biệt”, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta hãy gia tăng cầu nguyện cho Ukraine đang chịu giày vò khốn khổ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết