Hôm nay, thứ Tư 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi sự liên đới với những người di dân và tị nạn.
Phát biểu trước đông đảo các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về hai mối thương thân xác trong ’14 mối thương người’ – đó là ‘cho khách đỗ nhà’ và ‘cho kẻ rách rưới ăn mặc’. Đức Thánh Cha cho biết ngày càng có nhiều người tị nạn phải chạy trốn cảnh chiến tranh, cảnh đói kém và nghèo khổ mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp đón và chăm sóc cho những anh chị em khốn khổ này.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ nhiều câu chuyện về những người di dân được tìm thấy trong Kinh Thánh qua nhiều thế kỷ, chính vì vậy, nhiều Kitô hữu tận tâm đã quảng đại đáp ứng những nhu cầu của những người dân phải chạy trốn cảnh bạo lực và bất công.
“Ngày nay – Đức Thánh Cha nói – cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại chẳng may đã nuôi dưỡng những thái độ của việc tự khép kín thay vì rộng mở vòng tay chào đón”.
“Tại một số nơi trên thế giới, nhiều bức tường cũng như hàng rào ngăn cách đang được dựng nên. Nó chứng tỏ rằng công việc thầm lặng của những người có tinh thần thiện chí, theo những cách thức khác nhau, đã nỗ lực hết sức có thể để giúp đỡ cũng như hỗ trợ cho những người tị nạn và những người di cư vốn đang bị lấn át bởi những kẻ quyền lực đầy ích kỷ”, Đức Thánh Cha cho biết.
Đức Thánh Cha cho biết việc đóng cửa không bao giờ là một giải pháp, Ngài nói điều này thực sự chỉ có thể chấm dứt bọn tội phạm buôn lậu. Giải pháp duy nhất – Đức Thánh Cha cho biết – đó chính là sự liên đới: “Liên đới với những người di dân, liên đới với những người ngoại kiều…”
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng đây chính là một cam kết mà tất cả chúng ta phải thực hiện: “Không một người nào bị loại trừ”.
“Các giáo phận, các giáo xứ, các cơ sở tôn giáo, các tổ chức cũng như mọi Kitô hữu: hết thảy chúng ta được mời gọi để đón tiếp những anh chị em chúng ta đang phải chạy trốn khỏi cảnh chiến tranh, nạn đói kém, cảnh bạo lực cũng như đang phải đối diện với những điều kiện vô cùng tàn bạo”, Đức Thánh Cha nói.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha Phanxicô kể một câu chuyện về một người phụ nữ đã gặp một người tị nạn xin chỉ đường đến Cửa Thánh. Người đàn ông trên – Đức Thánh Cha nói – với vẻ bề ngoài trông có vẻ bẩn thỉu với đôi chân trần nhưng rất ước ao được đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để có thể bước qua Cửa Thánh. Người phụ nữ thấy người đàn ông với đôi chân trần bèn tội nghiệp và gọi một chiếc taxi, nhưng ban đầu tài xế taxi không muốn người đàn ông ấy lên xe vì cơ thể ông ‘bốc mùi khó chịu’. Thế nhưng cuối cùng, tài xế đành đồng ý để hai người lên xe. Trong suốt hành trình, người đàn ông khốn khổ đã thổ lộ về hoàn cảnh bi đát của mình với việc phải trải qua những đau khổ, chiến tranh loạn lạc, cảnh đói kém khiến anh phải di cư.
Khi đến nơi – Đức Thánh Cha kể lại rằng người tài xế taxi – người ban đầu đã tỏ ý không muốn người tị nạn khốn khổ kia lên xe của mình vì cơ thể người đàn ông này ‘bốc mùi khó chịu’ – đã từ chối nhận tiền thanh toán cước phí từ người phụ nữ vì anh ta cho biết: “Chính tôi mới là người phải thanh toán cho chị vì nhờ chị tôi đã có cơ hội được nghe một câu chuyện hết sức cảm động khiến tôi phải ngậm ngùi”.
Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng người phụ nữ trên cũng nhận thức được nỗi đau của một người nhập cư vì chị ta cùng mang trong mình dòng máu Armenia, vì thế, chị thấu hiểu nỗi đau khổ của đồng bào mình.
“Khi chúng ta làm một điều gì đó mà ban đầu chúng ta có vẻ không thoải mái – cũng giống như ‘mùi khó chịu’ – nhưng cuối cùng, một câu chuyện như vậy sẽ mang lại hương thơm nơi tâm hồn mỗi người chúng ta, và biến đổi chúng ta. Hãy suy nghĩ thêm về câu chuyện này và hãy nghĩ về những điều mà chúng ta có thể làm đối với những người tị nạn”, Đức Thánh Cha nói.
Cũng vậy, “Cho kẻ rách rưới ăn mặc” – Đức Thánh Cha cho biết – ngày càng mang một ý nghĩa đặc biệt hơn đó là việc chăm sóc cho những người có phẩm giá đã bị tước đoạt, chúng ta có nhiệm vụ phải nỗ lực nhằm đảm bảo rằng phẩm giá của họ phải được tôn trọng và bảo đảm.
Và điều này – Đức Thánh Cha giải thích – theo nghĩa đen có nghĩa là đem quần áo cho những kẻ thiếu mặc, nó còn mang một ý nghĩa đặc biệt hơn đó là hãy suy nghĩ để có thể tìm ra những giải pháp đối với những người phụ nữ mà cơ thể họ đang bị bị lạm dụng bởi những tay buôn người cũng như nhiều hình thức khác của con người – kể cả trẻ vị thành niên – vốn được sử dụng như hình thức của những mặt hàng hóa.
“Thất nghiệp, không nhà không cửa, ngay cả tiền lương cũng không có chính là những hình thức của ‘sự rách rưới không mảnh vải che thân’, cũng như việc bị phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc hay tín ngưỡng. Đây là tất cả những hình thức của ‘sự rách rưới không mảnh vải che thân’ mà chúng ta được mời gọi để hành động “, Đức Thánh Cha cho biết.
Là những môn đệ Chúa Kitô – Đức Thánh Cha kết luận – xin cho mỗi người chúng ta đừng bao giờ khép kín trước những người đang túng thiếu cần được giúp đỡ. Bằng việc rộng mở tâm hồn trước những người khác, đời sống của chúng ta sẽ trở nên dồi dào phong phú, xã hội chúng ta có thể tận hưởng một nền hòa bình đích thực và tất cả mọi người có thể được sống theo đúng phẩm giá của mình.
Minh Tuệ