Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ với năm vị Tân Hồng Y mà ngài vừa bổ nhiệm hôm 28/6 rằng Chúa Giêsu “đã không mời gọi anh em để trở thành ‘những hoàng tử’ trong lòng Giáo hội” nhưng là “để phục vụ theo gương Ngài và với Ngài” và để “đối diện với tội lỗi của thế giới cũng như những hệ lụy đối với nhân loại ngày nay như chính Ngài đã làm”.
Hôm Thứ Tư, ngày 28 tháng 6, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã nhắn nhủ với các Tân Hồng Y đừng để cho mình “bị xao nhãng bởi những lợi ích hoặc những triển vọng khác” mà phải đối diện với thực tế như chính Chúa Giêsu đã đối diện với nó. Thực tế đó chính là thập giá, ĐTC Phanxicô nói. “Đó chính là tội lỗi của thế giới mà Ngài đã đến để tự mình đón lấy và tận diệt nó khỏi nhân loại”.
ĐTC Phanxicô giải thích rằng thực tại này tồn tại nơi “người vô tội đang đau khổ và chết như những nạn nhân của chiến tranh và khủng bố” và nơi “những hình thức của sự nô lệ vốn tiếp tục xâm hại phẩm giá con người thậm chí ngay cả trong thời đại của nhân quyền”. “Những trại tị nạn, đôi khi có vẻ giống như địa ngục hơn là nơi luyện tội”, và nơi “việc loại bỏ đi một cách có hệ thống đối với tất cả những người bị cho là không còn hữu ích, những người bị loại trừ”.
ĐTC Phanxicô cũng mời gọi các vị Tân Hồng Y đối diện với thực tại của tội lỗi và sự dữ trên thế giới như chính Chúa Giêsu đã làm khi Ngài bước đến thập giá. ĐTC Phanxicô nhắc nhở họ rằng trong sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu “đã tỏ lộ tình thương thương của Chúa Cha bằng cách chữa lành tất cả những ai bị áp bức bởi sự ác”, và tại Giêrusalem, “Ngài đã nhận ra rằng thời khắc đã đến rất cận kề để tiêu diệt sự dữ tận gốc rễ của nó. Và như vậy, Chúa Giêsu đã kiên quyết hướng tới thập giá”.
ĐTC Phanxicô đã mời gọi năm vị Tân Hồng Y – đến từ Mali, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Lào và El Salvador – “theo gương Chúa Giêsu và bước đi trước dân thánh của Thiên Chúa, với ánh nhìn kiên định hướng tới thập gia và sự phục sinh của Chúa Giêsu”.
Khi kết thúc bài giảng Thánh lễ, ĐTC Phanxicô trao cho mỗi Tân Hồng Y một chiếc mũ đỏ, một chiếc nhẫn và một tước hiệu Thánh đường tại Rôma. Mỗi vị Hồng Y giờ đây cũng trở thành một vị Mục tử của Giáo phận Rôma, phục vụ cùng với vị Giám mục Roma và Đấng kế vị Thánh Phêrô.
ĐTC Phanxicô đã trao chiếc mũ đỏ đầu tiên cho vị Tổng Giám mục 74 tuổi Jean Zerbo, Giáo phận Bamako, ở Mali, vào tuần trước Ngài đã lâm bệnh và dự định sẽ không thể tham dự buổi lễ hôm 28/6. Ngài xuất thân từ một cộng đồng Công giáo nhỏ bé nơi một đất nước với 14,5 triệu người, khoảng 90% dân số là người Hồi giáo và một nửa trong số đó sống dưới mức nghèo khổ. Đã xảy ra xung đột trong những năm gần đây, ở đó vị Tân Hồng Y này đóng một vai trò mạnh mẽ như một người cổ võ cho hòa bình.
Tuy nhiên, sau khi Đức TGM Zerbo được đề cử làm Hồng Y vào ngày 21 tháng 5 vừa qua, các phương tiện truyền thông ở Pháp và các nơi khác cáo buộc Ngài cùng với các Giám mục khác ở Mali đã gửi hơn 13,5 triệu USD vào ngân hàng Thụy Sĩ. Các Giám mục này tuyên bố việc sắp xếp tài chính đã được thực hiện đúng cách và vì những mục đích tốt lành. Các nguồn tin của Vatican nói với tờ America rằng Toà Thánh đã có thể khẳng định điều này.
ĐTC Phanxicô đã trao chiếc mũ đỏ thứ hai cho vị Tổng Giám mục Juan Jose Omella của Barcelona, 71 tuổi, một người gần gũi với người nghèo và là một Mục tử có phong cách rất tương đồng với ĐTC Phanxicô. ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm ngài vào Bộ Giám mục như một phần nỗ lực của Ngài nhằm đưa ra đường hướng mới cho Giáo hội Tây Ban Nha.
Chiếc mũ đỏ thứ ba được trao cho Đức Giám mục Anders Arborelius đến từ Stockholm, 68 tuổi, một người đã trở lại đạo Công giáo, là một tu sĩ Dòng Camêlô Đi Chân Đất. Ngài là Hồng Y đầu tiên của Thụy Điển và đứng đầu một cộng đồng Công giáo nhỏ bé nơi đất nước đã bị tục hóa này.
ĐTC Phanxicô tiếp tục trao chiếc mũ đỏ tiếp theo cho Đức Giám mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, 73 tuổi, Đại diện Tông Tòa tại Pakse, Lào. ĐTC Phanxicô đã gặp ngài tại Vatican một vài tháng trước và biết được ngài là lãnh đạo của cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở Lào, nơi đã sản sinh ra một số anh hùng tử đạo trong thế kỷ vừa qua. Bằng cách bổ nhiệm Ngài trở thành Hồng Y, vị Giáo Hoàng người Argentina đang tôn vinh một Giáo hội đau khổ nằm ở vùng ngoại vi của thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao chiếc mũ đỏ cuối cùng cho vị Giám mục người El Salvador, một người được biết đến với sự cống hiến hoàn toàn cho người nghèo, Đức Cha Gregorio Rosa Chavez, Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận San Salvador. Như vậy, ĐTC Phanxicô đã thể hiện sự tưởng nhớ đến Chân Phước Óscar Romero, vị Tổng Giám mục đã chịu phúc tử đạo, người mà Đức Tân Hồng Y rất gần gũi. Ngay từ khi mới nhận được tin ĐTC Phanxicô bổ nhiệm mình làm Hồng Y, Đức Cha Rosa Chavez cho biết: “Điều này được thực hiện để tưởng nhớ cố Tổng Giám mục Romero”. Bằng cách bổ nhiệm ngài trở thành một Hồng Y, ĐTC Phanxicô cũng muốn tôn vinh Giáo hội Công giáo đã phải trải qua đau khổ rất nhiều tại El Salvador.
Trước khi các Hồng Y được trao chiếc mũ đỏ, họ đã tuyên thệ vâng phục ĐTC Phanxicô và sau đó tuyên xưng đức tin. Theo truyền thống, vị Hồng Y đầu tiên trong danh sách, Đức Tổng Giám mục Zerbo, sẽ hướng dẫn các vị khác trong các cử chỉ trang nghiêm này, nhưng vì sức khoẻ yếu ớt, Đức Tổng Giám mục Omella của Tây Ban Nha đã thay thế Ngài trong vai trò này.
Sau Thánh lễ, ĐTC Phanxicô đã đưa năm vị Tân Hồng Y đến thăm Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại dinh thự của Ngài ở Vatican.
Công nghị Hồng Y hôm 28/6 là Công nghị lần thứ tư được tổ chức bởi ĐTC Phanxicô kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013. Bằng bổ nhiệm thêm năm vị Tân Hồng Y này, Ngài đã đưa tổng số cử tri trong Hồng Y Đoàn lên 121. Trong tổng số 121, các vị Hồng Y dưới 80 tuổi, những vị có quyền bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện tiếp theo để bầu chọn người kế nhiệm, ĐTC Phanxicô đã bổm nhiệm 49 vị.
121 đại cử tri gồm 53 vị đến từ châu Âu, 17 vị đến từ Bắc Mỹ (bao gồm 4 vị đến từ Mexico, 10 vị đến từ Hoa Kỳ và 3 vị đến từ Canada), 17 vị đến từ Trung và Nam Mỹ, 15 vị đến từ châu Á, 15 vị châu Phi và 4 vị đến từ châu Đại Dương. Các đại cử tri châu Âu không còn chiếm đa số như họ đã từng có được trong các Cơ Mật Viện trước đây – một trong những thay đổi lớn do vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Nam bán cầu đưa ra.
Minh Tuệ (theo Americamagazine)