“Anh chị em có biết tại sao Gia đình Nazareth lại là một mẫu gương không? Bởi vì đó là một gia đình biết trò chuyện, biết lắng nghe, biết nói chuyện”.
Đây là điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ sáng hôm Chúa nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin nhân dịp Lễ Thánh Gia. Bình luận về đoạn Tin Mừng Chúa nhật, kể về việc Chúa Giêsu, lúc 12 tuổi, vào cuối cuộc hành hương thường niên đến Giêrusalem, đã bị lạc Mẹ Maria và Thánh Giuse, sau đó họ tìm thấy Người trong Đền thờ đang trò chuyện với các bậc thầy, Đức Thánh Cha lưu ý rằng tình tiết này xuất hiện như “một trải nghiệm gần như bình thường của một gia đình xen kẽ giữa những khoảnh khắc bình lặng và những khoảnh khắc kịch tính. Có vẻ như đó là câu chuyện về một cuộc khủng hoảng gia đình, một cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta, của một thiếu niên khó tính và hai bậc cha mẹ không thể hiểu được con mình”.
Nhưng sau đó “tại sao Gia đình Nazareth lại là một mẫu gương?”, vị Giám mục Rôma hỏi. “Bởi vì đó là một gia đình biết đối thoại, lắng nghe, trò chuyện. Đối thoại là một yếu tố quan trọng đối với một gia đình! Một gia đình không giao tiếp với nhau không thể là một gia đình hạnh phúc”.
Khi Đức Maria và Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu – Phúc Âm Luca kể cho chúng ta – Đức Maria hỏi Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!”. Và Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
“Thật tốt dẹp biết bao khi một người mẹ không bắt đầu bằng lời khiển trách, mà bằng một câu hỏi”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài chia sẻ Giáo lý ngắn gọn của mình, trước khi đọc Kinh Truyền Tin. “Đức Maria không buộc tội và không phán xét, nhưng cố gắng hiểu cách đón nhận Người Con rất khác biệt này bằng cách lắng nghe”, Đức Thánh Cha tiếp tục. Mặc dù vậy, Phúc Âm nói rằng Đức Maria và Thánh Giuse “không hiểu những gì Chúa Giêsu nói với họ”, điều này, Đức Thánh Cha giải thích, “cho thấy rằng trong gia đình, lắng nghe quan trọng hơn là hiểu. Lắng nghe là coi trọng người khác, công nhận quyền tồn tại và suy nghĩ độc lập của họ. Con cái cần điều này. Hãy suy nghĩ cẩn trọng, các bậc cha mẹ thân mến: hãy lắng nghe con cái, vốn rất cần điều này!”.
“Giờ dung bữa là thời điểm đặc biệt để đối thoại trong gia đình”, Đức Thánh Cha tiếp tục. “Thật tốt đẹp biết bao khi được quay quần với nhau quanh bàn ăn và trò chuyện. Điều này có thể giải quyết được nhiều vấn đề, và trước hết là đoàn kết các thế hệ: con cái trò chuyện với cha mẹ, cháu chắt trò chuyện với ông bà… Đừng bao giờ tự khép mình hoặc tệ hơn là chỉ cắm đầu vào chiếc điện thoại di động. Điều này sẽ không hiệu quả, đừng bao giờ, chớ bao giờ như thế. Hãy trò chuyện, lắng nghe lẫn nhau, đây là cuộc đối thoại tốt cho anh chị em và giúp anh chị em trưởng thành! Điều chúng ta có thể học được từ Thánh Gia hôm nay là lắng nghe lẫn nhau”, Đức Thánh Cha kết luận.
Sau khi ban phép lành, vị Giám mục Rôma tái khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là kho tàng quý giá cần được hỗ trợ và bảo vệ!”. Sau đó là lời kêu gọi hòa bình: Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những gia đình đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh: tại những quốc gia đau khổ như Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar, Sudan, Bắc Kivu: chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những gia đình đang bị cuốn vào chiến tranh”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng đến “nhiều gia đình ở Hàn Quốc đang đau buồn sau vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Tôi cùng hiệp ý cầu nguyện cho những người sống sót và những người đã khuất”.
Minh Tuệ (theo Fides)