Đức Phanxicô: Đức tin Kitô giáo ở Châu Âu đang bị nhạt nhòa bởi chủ nghĩa tiêu thụ

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 22 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Truyền Vatican)

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 22 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Tư ngày 22 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng đức tin Kitô giáo ở châu Âu đang bị phai nhạt bởi chủ nghĩa tiêu thụ và ý thức hệ, khiến cho việc cầu nguyện và làm chứng cho tình yêu khiêm hạ ngày nay trở nên đặc biệt cần thiết.

“Hãy cầu nguyện, vì đây là điều mà Dân Chúa được mời gọi trước hết: thờ phượng, cầu nguyện, thực hiện cuộc hành trình, sám hối, và qua những điều này chúng ta có thể cảm nhận sự bình an và niềm vui mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican hôm 22 tháng 9.

“Và điều này có tầm quan trọng đặc biệt ở lục địa Châu Âu, nơi mà sự hiện diện của Thiên Chúa … đang bị phai nhạt bởi chủ nghĩa tiêu thụ và ‘sự hư ảo’ của một lối tư duy nhất thể … vốn là kết quả của sự pha trộn giữa những ý thức hệ cũ và mới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành buổi tiếp kiến chung được phát trực tiếp trong tuần này để chia sẻ và suy tư về chuyến viếng thăm gần đây của ngài đến Hungary và Slovakia, mà ngài gọi là “một cuộc hành hương trong tâm tình cầu nguyện ở trung tâm châu Âu”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng chuyến Tông du của ngài từ ngày 12-15 tháng 9 bắt đầu ở Budapest với việc tôn thờ Thánh Thể và kết thúc với “lòng đạo đức bình dân” ở Slovakia khi ngài cử hành Lễ Đức Mẹ Sầu Bi của quốc gia này tại Đền thờ Đức Mẹ Bảy Sự ở Šaštín.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng câu trả lời cho đức tin đang xuống dốc của châu Âu đó là “sự chữa lành xuất phát từ lời cầu nguyện, đời sống chứng tá và tình yêu thương khiêm hạ”.

“Đây là những gì tôi nhìn thấy trong cuộc gặp gỡ với dân thánh của Thiên Chúa. Tôi đã thấy gì? Một dân tộc trung thành đã phải chịu đựng cuộc bách hại của chủ nghĩa vô thần. Tôi cũng nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của những anh chị em người Do Thái của chúng ta, những người mà qua đó chúng ta đã tưởng nhớ đến sự kiện thảm sát Holocaust. Bởi vì không có lời cầu nguyện nào mà không có sự hồi tưởng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các cộng đồng Do Thái ở Hungary và Slovakia. Ngài nhắc lại những đau khổ của họ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và đồng thời lên án chủ nghĩa bài Do Thái đương thời.

“Không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Cầu nguyện, ký ức về cuộc đời của một người, về lịch sử của một người: tạo ra những ký ức và sự hồi tưởng. Điều này quả là hết sức tốt đẹp và giúp ích cho việc cầu nguyện”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng trong các cuộc gặp gỡ với các Giám mục Công giáo ở Budapest và Bratislava, ngài đã trực tiếp chứng kiến sự hồi tưởng đầy biết ơn về cội nguồn sâu xa của đức tin Kitô giáo ở Trung Âu.

“Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng những cội nguồn này luôn luôn sống động, tràn đầy huyết mạch là Chúa Thánh Thần, và phải được bảo tồn như vậy: không giống như các cuộc trưng bày trong bảo tàng, không bị ý thức hệ hóa và bị lợi dụng vì uy tín và quyền lực, để củng cố một bản sắc khép kín”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Không. Điều này đồng nghĩa với việc phản bội những cội nguồn ấy và khiến chúng trở nên cằn cỗi”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Chuyến Tông du châu Âu của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu bằng chuyến viếng thăm kéo dài bảy tiếng đồng hồ tới Budapest, nơi Đức Thánh Cha đã gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu với các nhà báo trong một cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rome rằng ngài đã thảo luận về sinh thái học và mối bận tâm của mình về “mùa đông nhân khẩu học” ở châu Âu với Thủ tướng Orbán, nhưng không đề cập đến vấn đề nhập cư, một chủ đề mà hai nhà lãnh đạo có quan điểm khác biệt sâu sắc.

“Trong cuộc hành trình đến trung tâm châu Âu này, tôi thường nghĩ về những người khai sáng ra Liên minh châu Âu, như họ đã tưởng tượng, không phải như một cơ quan phân phối các thuộc địa theo ý thức hệ thời thượng… Được hiểu và trải nghiệm theo cách này, những cội nguồn này chính là sự bảo đảm cho tương lai: từ đó, những nhánh hy vọng phát triển mạnh mẽ có thể vươn lên”, Đức Thánh Cha chia sẻ trong buổi buổi tiếp kiến chung của mình.

“Anh chị em có thể phát triển đến mức anh chị em được kết hợp với cội nguồn: sức mạnh đến với anh chị em từ đó. Nếu anh chị em cắt đứt cội nguồn với tất cả mọi thứ mới mẻ, những hệ tư tưởng mới, điều này sẽ chẳng giúp anh chị em đi đến đâu cả. Nó sẽ không làm cho anh chị em phát triển. Anh chị em sẽ kết thúc chẳng mấy tốt đẹp”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Một nhóm người tị nạn được hỗ trợ bởi Centro Mondo Migliore (Trung tâm Thế giới Tốt đẹp hơn) đã có mặt trong buổi tiếp kiến hàng tuần của Đức Thánh Cha. Họ reo hò cổ vũ và tung những chiếc mũ lên không trung khi Đức Thánh Cha dành cho họ một lời chào đặc biệt và đảm bảo với họ về những lời cầu nguyện của ngài.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong bài phát biểu chia sẻ của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hai Thánh Cyril và Methodius, đồng bảo trợ châu Âu, không phải là “những nhân vật để tưởng nhớ, mà là những mẫu gương để chúng ta noi gương bắt chước”.

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả các vị Thánh ở thế kỷ thứ IX, những người đã rao giảng tin Mừng ở Đông Âu là “những bậc thầy mà từ đó chúng ta luôn có thể học hỏi tinh thần và phương pháp truyền giáo, cũng như cam kết dân sự”.

Tại Budapest, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế kể từ năm 2000.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng đã có sự “tham gia đông đảo” trong Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh thể Quốc tế kéo dài một tuần lễ, ước tính có khoảng 100.000 người tham dự, theo chính quyền địa phương.

“Dân Thánh của Thiên Chúa, hôm Chúa nhật, đã cùng nhau quy tụ trước Mầu nhiệm Thánh Thể, mà nhờ đó họ liên tục được sinh ra và được tái sinh”, Đức Thánh Cha nói.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Họ được cây Thánh giá phía trên bàn thờ bao trùm lấy, cho thấy cùng một đường hướng được biểu lộ bởi Bí tích Thánh Thể, cụ thể là con đường của tình yêu khiêm hạ và vị tha, của tình yêu quảng đại và tôn trọng đối với tất cả mọi người, của đức tin vốn được thanh tẩy khỏi sự trần tục và dẫn đến sự đơn sơ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy một lần nữa tiếp thu ý tưởng này: đó là việc trở nên một Kitô hữu là để phục vụ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube