Cho dù với tất cả những khác biệt đáng kể giữa ĐTC Phanxicô và Donald Trump, có một lĩnh vực mà cả hai nhà lãnh đạo đều có chung một quan điểm. Cả hai đều miễn cưỡng lên án Nga vì những hành động của họ tại Syria và Ukraine.
Quan điểm tích cực của Tổng thống Trump về Tổng thống Nga Vladimir Putin là chủ đề chú ý của nhiều phương tiện truyền thông, và động lực cơ bản của họ sẽ là chủ đề của cuộc điều tra của Quốc hội trong những tháng tới. Nhưng tại sao ĐTC Phanxicô lại miễn cưỡng phát biểu về vấn đề này?
Mặc dù ĐTC Phanxicô thường cẩn thận khi phát biểu về những vấn đề mang tính quốc tế, thế nhưng Ngài đã không miễn cưỡng để mạnh mẽ lên án ngành thương mại vũ khí, việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, cũng như việc đối xử tàn nhẫn đối với những người tị nạn và những người di cư. ĐTC Phanxicô cũng đã nói về nhu cầu cấp thiết phải đối phó với vấn đề thay đổi khí hậu và ủng hộ hiệp định Paris về khí hậu. ĐTC Phanxicô thậm chí còn bày tỏ lo ngại đối với việc gia tăng chủ nghĩa dân túy dân tộc ở Châu Âu. Đáng chú ý nhất, ĐTC Phanxicô đã có một cuộc tranh luận cá nhân với Trump về vấn đề nhập cư.
Mặc dù Vatican không thường lên án các quốc gia hoặc các nhà lãnh đạo cụ thể nào, khi nói đến Syria và Ukraine, Vatican đã đặc biệt thận trọng. Tòa Thánh kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến mà không lên án bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột. Chẳng hạn như, ĐTC Phanxicô đã lên án “cuộc tàn sát không thể chấp nhận được” vốn đang diễn ra tại Syria mà không chỉ ra bất kỳ một đối tượng nào.
Không phải là ĐTC Phanxicô không muốn nói bất cứ điều gì về Syria. Ngay từ đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi một ngày thế giới cầu nguyện và ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình tại Syria. Ngày 7/9/2013, sự kiện này nhằm mục đích ngăn chặn kế hoạch của Tổng thống Barack Obama để đánh bom Syria nhằm đáp trả việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã vượt qua lằn ranh đỏ bằng cách sử dụng vũ khí hoá học chống lại chính thường dân của ông ta.
Obama đã quyết định không sử dụng vũ lực và đàm phán thành công với Syria và Nga bằng một thỏa thuận để loại bỏ kho dự trữ vũ khí hóa học của Syria. Trong năm nay, khi Tổng thống Assad lại một lần nữa sử dụng vũ khí hoá học chống lại thường dân của mình, Trump đã trả đũa bằng một cuộc không kích vào căn cứ không quân bằng những chiếc phi cơ sử dụng vũ khí bị cấm.
ĐTC Phanxicô và Vatican đã nhiều lần kêu gọi ngoại giao quốc tế ủng hộ ngừng bắn và cuối cùng chấm dứt chiến tranh tại Syria. Vatican đã kêu gọi trợ giúp nhân đạo cho những người tị nạn người Syria cũng như những người vẫn còn bị mắc kẹt trong các khu vực chiến tranh. Tòa Thánh cũng rất quan ngại đến số phận của các Kitô hữu Syria nếu như chế độ Assad sụp đổ.
Sự im lặng có liên quan đến cuộc xâm lăng của Ukraine vào năm 2014 thậm chí còn đáng chú ý hơn, nơi mà Nga hầu như bị xem là một kẻ xâm lăng.
Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước Đông Âu đã thúc giục Vatican lên án cuộc xâm lược Crimea của Nga. Những người dân Lithuanian, Estonians và Ba Lan đặc biệt quan tâm, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Trong khi đó, Aleksandr Avdeyev – Đại sứ Nga tại Toà Thánh, người đến từ Ukraina, đã vận động không chỉ cho chính phủ của ông mà còn cho Đức Thượng Phụ Moscow. Đại sứ Nga thậm chí đã dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với các Giám mục Ý. Mối quan ngại đối với những mối đe doạ gây nguy hiểm với Đức Thượng Phụ Nga đã làm lung lay chính sách ngoại giao của Vatican đối với Syria và Ukraine.
“ĐTC Phanxicô không muốn gây phiền lụy tới Đức Thượng Phụ Kirill”, Ken Hackett, Đại sứ Hoa Kỳ tại Toà Thánh từ năm 2013 cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ của chính quyền Obama, giải thích. ĐTC Phanxicô muốn tiến tới một cuộc đối thoại gần gũi hơn với Giáo Hội Chính Thống Nga, và Ngài e rằng nếu như lên án Nga trong hành động này, thì lúc ấy cuộc đối thoại này có thể sẽ tiêu tan.
Vatican không chỉ lo ngại về Đức Thượng Phụ Kirill mà còn cả về Tổng thống Putin, bởi vì ông ta cũng có thể xóa sổ bất kỳ những nỗ lực nào nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai Giáo Hội.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy cho đến khi cuối cùng ĐHY Pietro Parolin lên đường sang Lithuania, Latvia và Estonia”, ông Hackett nói.
Vậy cuối cùng ĐTC Phanxicô đã nói gì?
“Trước tiên, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi một phản ứng nhân đạo đối với những tình cảnh này, vì vậy đã có một sự thừa nhận rằng tình hình thực sự đã trở nên tồi tệ”, ông Hackett trả lời. “Thứ hai, có một sự tuyên bố mạnh mẽ hơn về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Nhưng họ đã không bao giờ lên án việc tiếp quản Crimea”.
Phản ứng của Vatican đối với hoạt động của Nga tại Syria đã trở nên yên lặng bởi những lý do tương tự.
Nhưng việc không muốn khiến cho Đức Thượng Phụ Moscow tức giận không phải là lý do duy nhất đối với việc Vatican đã không lên án Nga. Vatican cũng hy vọng rằng nó có thể đóng một vai trò trung gian đối với các cuộc tranh chấp, điều đó sẽ không thể xảy ra nếu Vatican được coi là bên cạnh một phe trong cuộc tranh chấp.
Ngoài ra, khi nói đến Syria, Vatican đã phản ánh mối bận tâm đối với các Kitô hữu Syria về những gì sẽ xảy ra với họ nếu như các phiến quân lật đổ chế độ Assad. Một số giải pháp thương lượng sẽ là điều tốt nhất cho các Kitô hữu, và Vatican đủ thực dụng để hiểu rằng một giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột sẽ phải liên quan đến sự ủng hộ của Nga, nơi mà Putin tự giới thiệu mình với người dân của mình như là người bảo vệ các Kitô hữu Chính Thống tại Trung Đông.
Liệu có phải chiến lược này đã chứng minh cách thành công đối với Vatican?
Lập trường của Vatican đã không làm hài lòng chính quyền Obama hay các chính phủ Tây Âu. Nó chắc chắn đã không làm hài lòng Ukraine cũng như các quốc gia Đông Âu khác, những người vẫn luôn lo lắng đối với Nga. Những người Công Giáo ở những quốc gia này muốn ĐTC Phanxicô có thể lên án Nga nhiều hơn. Chắc chắn họ mong đợi điều này hơn từ Đức Gioan Phaolô II hơn là Đức Phanxicô, người đã có thể nhắc nhở họ về ‘Ostpolitik’ (những nỗ lực của Vatican nhằm lôi kéo các nước cộng sản) của Đức Phaolô VI.
Mặt khác, nó đã được chứng tỏ để trở thành một chiến lược thành công nhằm thương thảo với Giáo hội Chính Thống Nga.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Giáo Hoàng đã gặp gỡ một vị Thượng Phụ Nga vào năm 2016. Cuộc gặp gỡ, diễn ra tại Cuba, đã được hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của Ngài hướng tới nhưng không thành công.
Liệu cuộc gặp gỡ này có phải là một sự tưởng thưởng từ Putin dành cho Đức Phanxicô vì phản ứng ôn hòa của Ngài về vấn đề Syria và Ukraine? Có lẽ vậy. Chẳng còn nghi ngờ gì về việc Putin ủng hộ cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng Phụ Kirill và ĐTC Phanxicô, nếu không thì nó đã không bao giờ xảy ra. Nếu Vatican đã chống lại các hành động của Nga tại Syria và Ukraine thì cuộc gỡ này đã không bao giờ xảy ra.
Tuyên bố chung giữa cuộc gặp giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill quả thực là hết sức khéo léo. Nó không gọi hành động của Nga là một cuộc xâm lược (theo lập trường của phương Tây) và cũng không đề cập đến xung đột như một cuộc nội chiến (lập trường của Nga). Thay vào đó, tuyên bố cho biết:
Chúng tôi lấy làm tiếc vì sự thù hằn tại Ukraine đã khiến cho rất nhiều người trở thành nạn nhân của nó, đã gây ra vô số vết thương đối với cuộc sống bình yên của người dân và đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu sắc. Chúng tôi mời gọi tất cả mọi thành phần có liên quan đến xung đột cần phải hành động khôn ngoan, kêu gọi tinh thần liên đới xã hội và hành động nhằm xây dựng hòa bình. Chúng tôi mời gọi các Giáo hội của chúng ta tại Ukraine cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm hướng tới sự hòa hợp xã hội, kiềm chế việc tham gia vào cuộc đối đầu, và đồng thời không ủng hộ bất kỳ sự phát triển nào thêm nữa đối với cuộc xung đột.
Đối với cả Syria và Iraq, ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill đã cùng nhau kêu gọi “cộng đồng quốc tế tìm kiếm việc chấm dứt bạo lực và khủng bố, đồng thời, góp phần thông qua việc đối thoại để nhanh chóng trả lại một xã hội dân sự yên ổn cho người dân”.
Cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Kirill chính là một thắng lợi lớn đối với ĐTC Phanxicô. Nó đã đề khởi cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống lớn nhất đến một cấp độ mới. Tất cả các vị Giáo Hoàng kể từ Công đồng Vatican II đều mong muốn có một cuộc gặp gỡ như thế, nhưng các Thượng Phụ Nga đã phản đối vì một lý do nào đó trong quá khứ. Trong bản tuyên bố chung, cả hai bên đều nhấn mạnh, “Chúng ta hết sức đau khổ vì đã đánh mất tinh thần hiệp nhất”, và đồng thời nói về “quyết tâm để thực hiện tất cả những gì cần thiết để vượt qua những sự khác biệt lịch sử mà chúng ta được thừa hưởng”.
Bởi vì cuộc gặp gỡ này đã diễn ra, sẽ dễ dàng hơn nhiều để sắp xếp các cuộc gặp gỡ như thế trong tương lai. Đối với tương lai của các mối quan hệ đại kết giữa Giáo hội Công Giáo và Giáo hội Chính Thống, cuộc gặp gỡ này hết sức quan trọng.
Tình hình của các Giáo hội Công giáo Đông Phương và Hy Lạp cũng đã được làm rõ trong tuyên bố chung.
Các Giáo hội này hiệp thông với Rôma nhưng lại có các giáo sĩ kết hôn và các nghi lễ phụng vụ cũng như truyền thống tương tự như Chính Thống Giáo. Các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính Thống, bao gồm cả Đức Thượng Phụ Moscow, đã không hài lòng với sự tồn tại của các Giáo Hội này, mà họ đã cáo buộc nhiều tín hữu Chính Thống cải đạo. Hoạt động mục vụ của các Giáo hội này là một trong những lý do khiến Đức Thượng Phụ Nga đã từ chối gặp gỡ các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm trong quá khứ.
Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Công Giáo nhận ra rằng sự hiệp nhất với Giáo hội Chính Thống cần được thực hiện qua việc đối thoại, chứ không phải qua việc cải đạo của các cá nhân hoặc các cộng đồng của các tín hữu từ các Giáo hội Chính Thống sang các Giáo hội Công giáo Đông Phương. Điều này được khẳng định rõ ràng trong bản tuyên bố chung, vốn đã làm hài lòng Giáo Hội Chính Thống. “Ngày nay, rõ ràng rằng phương pháp quá khứ về ‘chủ nghĩa duy nhất’, được hiểu như là sự hiệp nhất của một cộng đồng với các cộng đồng khác, khi tách nó ra khỏi Giáo Hội, không phải là phương pháp để tái lập tinh thần hiệp nhất”.
Nhưng quan trọng không kém đối với Vatican cũng như với cả các tín hữu Công giáo Hy Lạp chính là sự thừa nhận của Đức Thượng Phụ về quyền lợi của các Giáo hội này “để tồn tại cũng như thực hiện tất cả những gì cần thiết để đáp ứng những nhu cầu về tâm linh của các tín hữu của họ”.
Tuyên bố này được trích từ Tuyên ngôn Balamand năm 1993 về đối thoại quốc tế, vì vậy nó dường như đại diện cho sự chấp thuận của Giáo hội Chính Thống Nga đối với sự đẩy mạnh của văn bản đó.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã “bày tỏ hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của chúng ta cũng có thể góp phần giải quyết bất cứ những căng thẳng nào giữa những người Công giáo Hy Lạp và Chính Thống”. Nó cũng đặt ra nhiều phương thế để Giáo hội Chính Thống Giáo và Giáo hội Công Giáo có cùng cộng tác với nhau vì lợi ích của cả nhân loại.
Nếu như mối quan hệ giữa Rome và Moscow tiếp tục được cải thiện, thì chiến lược của Vatican đã thành công. Nó dường như là một ví dụ về lối tư duy của Vatican trong nhiều thế kỷ chứ không phải là phản ứng đối với các sự kiện trước mắt. Nhưng đừng mong đợi một con đường nhanh chóng và dễ dàng để hướng tới việc tái hiệp nhất. Chỉ có 17% tín đồ Chính thống Nga quan tâm đến sự hiệp thông với Rôma.
Mặc dù chiến lược của Vatican đã trở nên tốt đẹp đối với các mối quan hệ Công giáo – Chính Thống, liệu điều này có thành công không? Vatican đã không trở thành một trung gian hòa giải đối với các cuộc tranh chấp tại Ukraina hoặc Syria. Tuy nhiên, vị thế của Vatican đã không phù hợp với chính sách của Hoa Kỳ hiện nay mà chính quyền Trump đang làm tốt với Nga. Liệu Trump và Putin có nhận thấy Đức Phanxicô như một đồng minh của họ đối với những nỗ lực nhằm giải quyết những mâu thuẫn này giống như chính quyền Obama đã nhận thấy Đức Phanxicô như một đồng minh trong việc nối lại mối quan hệ với Cuba?
Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với những nhà lãnh đạo này.
Minh Tuệ chuyển ngữ