Đức Phanxicô: ‘Con đường dẫn đến hòa bình nằm ở chân lý và bác ái’

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp đến Hội nghị Quốc tế “Khoa học vì Hòa bình” lần II tại Giáo phận Teramo-Atri của Ý, và đồng thời nhắc lại rằng việc tìm kiếm chân lý trong tinh thần bác ái là nền tảng cho việc xây dựng một xã hội hòa bình.

“Con đường dẫn đến hòa bình nằm ở chân lý và bác ái”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một thông điệp bằng văn bản hôm thứ Sáu được gửi tới các tham dự viên tham gia Hội nghị Quốc tế lần II có tựa đề: “Khoa học vì Hòa bình – Những môn sinh mới của Tri thức: Phương pháp Khoa học trong Kỷ nguyên Thay đổi” được tổ chức tại thành phố Teramo miền trung nước Ý.

“Việc tìm kiếm chân lý một cách sáng suốt trong tinh thần bác ái sẽ đặt những nền tảng vững chắc hơn bao giờ hết cho việc xây dựng một xã hội hòa bình bởi vì xã hội này được sắp xếp hài hòa cho đến cùng, với sự tôn trọng con người và tương ứng với lòng biết ơn đối với những món quà của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha ngỏ lời với các tham dự viên tham gia hội nghị.

Sự kiện này được tổ chức từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 bởi Giáo phận Teramo-Atri, phối hợp với Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, nhân dịp kỷ niệm 900 năm ngày mất của Thánh Bổn mạng Berard.

Hội nghị thảo luận về sự đóng góp của các nhà khoa học cho hòa bình, với bài phát biểu quan trọng của phó Hiệu trưởng Học viện, Đức Ông Dario Edoardo Viganò.

Tờ rơi quảng bá Hội nghị Quốc tế “Khoa học vì Hòa bình”

Tờ rơi quảng bá Hội nghị Quốc tế “Khoa học vì Hòa bình”

Trở thành những người dấn thân trong lĩnh vực khoa học là một hình thức bác ái

Thật vậy, “việc trở thành những người dấn thân trong lĩnh vực khoa học là một ơn gọi, đồng thời, là một sứ mệnh, một hình thức cụ thể của đức ái: một hình thức trí tuệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp gửi đến Đức Giám mục Lorenzo Leuzzi Địa phận Teramo-Atri.

Đức Thánh Cha nhắc lại những lời của Chân Phước Antonio Rosmini, linh mục Công giáo và trí thức người Ý thế kỷ 19, người đã khẳng định rằng “chân lý và lòng bác ái được liên kết với nhau bằng mối dây liên kết nền tảng”.

“Việc tìm kiếm và nghiên cứu chân lý là một phần thiết yếu của việc phục vụ bác ái đích thực và, tự nó, bác ái được sống và thực thi dẫn con người đến sự hiểu biết ngày càng đầy đủ hơn về chân lý”.

Dám nghĩ lớn trong thời đại thay đổi

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lưu ý, trước “sự thay đổi của thời đại” mà thế giới hiện đang trải qua, lòng bác ái tri thức không thể bị giới hạn trong khuôn khổ của các trung tâm nghiên cứu hoặc chỉ dành riêng cho “những người trong cuộc”, nhưng phải cổ vũ và hỗ trợ việc xây dựng một sự gần gũi được đổi mới, như được chỉ ra trong Thông điệp Fratelli Tutti.

“Do đó, điều cấp bách là những người tham gia nghiên cứu khoa học phải khám phá trách nhiệm lịch sử của cam kết của họ trong các lĩnh vực tri thức khác nhau, vượt qua sự cám dỗ để tự cô lập mình trong các lĩnh vực cụ thể nhằm thúc đẩy một nền văn hóa tri thức mới”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Trích dẫn những lời của Thánh Phaolô VI khi bắt đầu sứ mệnh của mình với tư cách là Tổng Giám mục Địa phận Milan vào năm 1954, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “lòng bác ái tri thức phải truyền cảm hứng để ‘dám nghĩ lớn’”.

Tìm kiếm chân lý tinh thần trong bác ái là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng hòa bình

Kết thúc thông điệp của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi mà Đức Phaolô VI đã ngỏ lời với các nhà khoa học và trí thức vào năm 1965 khi bế mạc Công đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục họ “tiếp tục tìm kiếm, không mệt mỏi, không bao giờ thất vọng về chân lý” như lời kêu gọi của Thánh Augustinô, đồng thời nhấn mạnh rằng “việc tìm kiếm chân lý được soi sáng trong đức ái” sẽ đặt “những nền tảng vững chắc hơn bao giờ hết cho việc xây dựng một xã hội hòa bình”.

Bài phát biểu của của Đức Ông Viganò

Trong bài phát biểu quan trọng của mình vào sáng thứ Sáu, Đức Ông Viganò đã tập trung vào những thách thức và rủi ro nghiêm trọng đối với nhân loại liên quan đến những phát triển khoa học kỹ thuật mới nhất: Anthropocene – Kỷ nguyên Nhân sinh mới (một thuật ngữ hiện được sử dụng để chỉ một kỷ nguyên địa chất mới bị đánh dấu bởi tác động của hoạt động con người đối với các hệ sinh thái của Trái đất, bao gồm khí hậu do con người tạo ra và mất đa dạng sinh học) và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI).

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết