
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, ngày 22 tháng 10, với khoảng 20.000 tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Trong bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với các tín hữu về tầm quan trọng của mối tương quan đúng đắn giữa Giáo hội và nhà nước.
Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu bài chia sẻ bằng một suy tư về những lời trong Tin Mừng Mát-thêu trong đó Chúa Giêsu nói: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22:21).
Đức Thánh Cha chỉ trích cách hiểu sai về những lời này. “Những lời này của Chúa Giêsu đã trở nên chuyện cũ rích, nhưng đôi khi chúng được sử dụng một cách không chính xác – hoặc ít nhất là bị giản lược – để nói về mối tương quan giữa Giáo hội và nhà nước, giữa Kitô hữu và chính trị”, Đức Thánh Cha nói. “Thường chúng được giải thích như thể Chúa Giêsu muốn tách ‘Xê-da’ khỏi ‘Thiên Chúa’, nghĩa là, tách biệt trần thế khỏi thực tại tâm linh. Đôi khi chúng ta cũng nghĩ như thế này: Đức tin với những thực hành của nó là một chuyện, còn cuộc sống hàng ngày lại là một chuyện khác”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại khuynh hướng coi hai lĩnh vực này thuộc về những lĩnh vực riêng biệt và loại trừ lẫn nhau. “Đây là một dạng ‘tâm thần phân liệt’”, Đức Thánh Cha nói, “như thể đức tin không liên quan gì đến cuộc sống thực, với những thách thức của xã hội, với công bằng xã hội, với chính trị, v.v..”
Thay vào đó, “Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta đặt ‘Xê-da’ và ‘Thiên Chúa’ vào đúng vị trí”, Đức Thánh Cha giải thích. “Chúng ta là của Chúa và chúng ta không được làm nô lệ cho bất kỳ quyền lực trần thế nào”, Đức Thánh Cha tiếp tục.
“Những gì ở thế gian này thuộc về Xê-da, nhưng con người và thế giới thuộc về Thiên Chúa: Đừng quên điều này”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Theo Cảnh sát Vatican, đã có hơn 20.000 tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong bài diễn văn hôm Chúa nhật, ngày 22 tháng 10.
Sau khi kết thúc việc đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha một lần nữa kêu gọi hòa bình trong cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra, đang bước vào tuần thứ ba.
“Một lần nữa suy nghĩ của tôi lại hướng về những sự việc đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi hết sức lo lắng, buồn bã; tôi cầu nguyện và gần gũi với tất cả những người đau khổ, các con tin, những người bị thương, các nạn nhân và gia đình của họ”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha cũng đã than phiền về các cuộc không kích gần đây tại Bệnh viện Ả Rập Al-Ahli và Nhà thờ Thánh Porphyrius ở Thành phố Gaza.
“Tôi đau lòng khi bệnh viện Anh giáo và Giáo xứ Chính thống giáo Hy Lạp cũng đã bị tấn công trong những ngày gần đây”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha cũng tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi của ngài để các nỗ lực nhân đạo không bị cản trở và trả tự cho các con tin.
“Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình để mở ra các không gian, tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo và trả tự do cho các con tin”, Đức Thánh Cha nói.
Khu phức hợp của Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Porphyrius, được sử dụng làm nơi ẩn náu cho hàng trăm Kitô hữu và người Hồi giáo Palestine, đã bị trúng một tên lửa vào ngày 20 tháng 10. Hơn chục người đã bị thiệt mạng. Ngôi thánh đường thế kỷ 12 là nhà thờ cổ kính nhất ở Gaza.
“Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Giêrusalem đã bày tỏ sự lên án mạnh mẽ nhất đối với cuộc không kích của Israel nhằm vào khu nhà thờ của họ ở thành phố Gaza”, Giáo hội Chính thống cho biết trong một tuyên bố sau vụ nổ.
Đức Thánh Cha cũng dành một chút thời gian để tưởng nhớ những người tiếp tục phải chịu đau khổ ở Ukraine.
“Chiến tranh, mọi cuộc chiến trên thế giới – tôi cũng đang nghĩ đến Ukraine đang bị dày vò khốn khổ – đều là một sự thất bại”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Chiến tranh luôn là một sựi thất bại, đó là sự hủy diệt tình huynh đệ giữa con người với nhau. Hỡi những người anh em, xin hãy dừng lại! Xin hãy dừng lại!”.
Vào cuối giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng Thứ Sáu tới, ngày 27 tháng 10, sẽ là ngày cầu nguyện và ăn chay, và sẽ có buổi cầu nguyện kéo dài một giờ được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Buổi cầu nguyện sẽ bắt đầu lúc 6 giờ chiều theo giờ Rôma.
Đức Thánh Cha cũng đã đề cập ngắn gọn về Ngày Thế giới Truyền giáo hôm Chúa nhật, với chủ đề là “Lòng bừng cháy, chân tiến bước” – “Hai hình ảnh nói lên tất cả!”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói – lấy cảm hứng từ câu chuyện về các môn đệ trên đường Emmaus trong Tin Mừng Luca 24.
Minh Tuệ (theo CNA)