Đức Phanxicô: ‘Chớ gì những khó khăn chung sẽ dẫn đến sự đoàn kết lớn hơn’

Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảng đạo trong Thánh lễ tại Casa Santa Marta

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta hôm thứ Ba 14/4

Trong Thánh lễ hôm thứ Ba 14/4, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi chúng ta khám phá ra rằng sự hiệp nhất thì lớn hơn bất kỳ sự chia rẽ nào, và đồng thời thúc giục chúng ta tìm kiếm sự an toàn chỉ nơi duy nhất một mình Thiên Chúa.

Mở đầu Thánh lễ hôm Thứ Ba 14/4 trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện để Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta ân sủng của sự hiệp nhất.

“Trong những thời điểm khó khăn này, chớ gì Ngài cho phép chúng ta khám phá sự hiệp thông vốn ràng buộc chúng ta và tinh thần hiệp nhất luôn lớn hơn bất kỳ sự chia rẽ nào”.

Ăn năn hối tiếc vì sự ảo tưởng

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chú ý đến lời mời gọi hoán cải của Thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2: 36-41). Thánh Phêrô nhắn nhủ với những người quy tụ tại Giêrusalem để ăn năn và trở về với Thiên Chúa.

“Ăn năn có nghĩa là trở về với lòng trung thành”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. “Luôn luôn có những sự ảo tưởng thu hút sự chú ý của chúng ta và chúng ta thường bước theo những ảo tưởng đó”. Nhưng theo Đức Phanxicô, chúng ta được mời gọi để trở nên trung thành “trong những thời điểm thuận lợi cũng như những khoảnh khắc tồi tệ”.

Sự tự tin dẫn đến việc không chung thủy

Đức Giáo hoàng Phanxicô sau đó đã nhắc lại một tình tiết từ Chương 12 của Sách Biên Niên Sử quyển thứ hai.

Rơ-kháp-am, vị vua đầu tiên của nhà Giu-đa, sau khi đã củng cố được vương quốc và trở nên hùng mạnh rồi, “đã bỏ Lề Luật của ĐỨC CHÚA, khiến toàn thể Ít-ra-en cũng theo gương” (2 Sb 12: 1).

Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết đây là một sự kiện lịch sử, vốn cũng có giá trị phổ quát.

“Nhiều khi chúng ta cảm thấy được an toàn rồi, chúng ta bắt đầu lập kế hoạch và chúng ta dần dần rời xa Thiên Chúa. Chúng ta chẳng còn trung thành nữa. Sự an toàn của tôi không còn là thứ mà Thiên Chúa ban cho tôi nữa. Đó là một hành động tôn sùng ngẫu tượng. Đây là những gì đã xảy ra với vua Rơ-kháp-am và dân Israel. Ông cảm thấy an tâm – một vương quốc hợp nhất – và đã từ bỏ lề luật và bắt đầu tôn thờ các ngẫu tượng”.

Tôn thờ ngẫu tượng

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng chúng ta có thể phản đối rằng chúng ta chưa bao giờ quỳ xuống trước các ngẫu tượng. “Không”, Đức Phanxicô nói, “có lẽ bạn không quỳ gối nhưng thật sự là bạn tìm kiếm ngẫu tượng và thường các tôn ngẫu tượng ấy trong lòng. Sự tự tin mở ra cánh cửa cho việc sùng bái ngẫu tượng”.

Việc cảm thấy được an toàn không phải là một điều xấu, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. “Đây là một ân sủng: được an toàn với sự nhận thức rõ ràng rằng Thiên Chúa ở cùng tôi”.

Thay vào đó, sự an toàn trở thành một cái nạng và dẫn đến tội lỗi khi tôi tự đặt mình làm trung tâm và không còn trung thành.

“Toàn bộ lịch sử của Israel và toàn bộ lịch sử của Giáo hội, đầy rẫy sự không chung thủy. Nó chứa đầy những hành vi tự cao tự đại và sự tự tin khiến giáo dân từ bỏ Thiên Chúa. Ngay cả trong chúng ta, giữa mọi người, lòng trung thành không phải là một đức tính được đánh giá cao”.

Biểu tượng của lòng trung thành

 Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết bà Maria Mađalêna cung cấp chìa khóa để hiểu về lòng trung thành, khi bà chờ đợi và khóc bên ngoài ngôi mộ của Chúa Giêsu (Ga 21: 11-18).

Một biểu tượng của lòng trung thành: người phụ nữ trung thành đó đã không quên tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho mình. đã ở đó, trung thành trước điều không thể – một bi kịch. Tấm lòng của bà là một sự trung thành khiến nghĩ rằng mình có thể mang xác Người đi”.

Sự an toàn thực sự xuất phát từ Thiên Chúa

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta cầu nguyện để được ơn luôn biết trung thành.

“Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban ơn để chúng ta biết luôn trung thành, và cảm tạ Ngài khi Ngài ban cho chúng ta sự an toàn… Chúng ta cũng hãy cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta biết luôn trung thành thậm chí ngay cả khi đứng trước nấm mồ và sự sụp đổ của rất nhiều ảo tưởng”.

Tuệ Tâm (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết