
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh lễ hôm thứ Ba 21/4 tại nhà nguyện Casa Santa Marta
Trong bài giảng Thánh lễ hôm thứ Ba 21/4 của mình tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi các tín hữu lắng nghe khi thế giới đang chìm trong sự thinh lặng và để cho Chúa Thánh Thần chấm dứt sự chia rẽ mà chúng ta thường thấy trong các cộng đồng của chúng ta.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở đầu Thánh lễ bằng cách cầu nguyện để mỗi người chúng ta có được khả năng biết lắng nghe, khi thế giới phải đối mặt với sự thinh lặng “lạc lõng” do đại dịch coronavirus, và vào ngày thời tiết mưa gió tại Rome.
“Trời đất trở nên tĩnh mịch hơn trong cảnh thời tiết này. Chúng ta thậm chí còn có thể nghe thấy sự im lặng. Chớ gì sự thinh lặng này, có đôi chút mới mẻ với những gì chúng ta đã quen thuộc, dạy chúng ta cách lắng nghe, để chúng ta có thể phát triển khả năng lắng nghe của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện để có được khả năng này”.
Trong bài giảng của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bình luận về Bài đọc của ngày thứ Ba 21/4 trích Sách Công vụ Tông đồ (Cv 4: 32-37). Nó mô tả cuộc sống của các thành viên của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. “Họ đồng tâm nhất trí với nhau và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng mọi thứ đều là của chung”. Mọi thứ đều mang tính cộng đồng và đều là của chung, và không ai túng thiếu.
Được tái sinh bởi trời
Cách diễn tả “Được tái sinh bởi trời” được lấy từ Tin Mừng, có nghĩa là được sinh ra với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. Chúng ta không thể giữ Chúa Thánh Thần cho chính mình, nhưng chúng ta có thể để Ngài bước vào và cho phép Ngài “thay đổi chúng ta, thực hiện sự biến đổi trong chúng ta, đây chính là sự tái sinh bởi trời”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. Một ví dụ về điều này đó là cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên này, Đức Giáo hoàng tiếp tục. Cộng đoàn này là “một mô hình, một lý tưởng, một dấu hiệu cho thấy Chúa Thánh Thần có thể làm gì nếu chúng ta vâng phục Ngài”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục giải thích rằng trong cộng đoàn này có sự hòa hợp, bởi vì Chúa Thánh Thần chính là “Đấng Hòa Giải” và có thể mang lại sự hài hòa trong tất cả mọi thứ.
Tuy nhiên, ngay cả trong cộng đồng Kitô giáo cũng có sự chia rẽ, Đức Giáo hoàng nói. “Lý tưởng” được trình bày phải đạt được, nhưng không hề dễ dàng: “Có rất nhiều thứ gây chia rẽ một cộng đồng, tất cả các cộng đồng. Có ba thứ, tôi nhận thấy, gây chia rẽ một cộng đồng”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.
Tiền bạc gây chia rẽ
“Đầu tiên đó chính là tiền bạc”, Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu. Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say” (1 Cr 11:21). Chúng ta để họ ở đó như thể muốn nói với họ: “Hãy tự giải quyết vấn đề của các bạn”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. Thông thường tiền bạc đứng sau những sai lệch về Giáo lý trong lịch sử của Giáo hội, Đức Phanxicô tiếp tục. “Tiền bạc chia rẽ cộng đồng. Vì lý do này, nghèo đói chính là mẹ của cộng đồng. Nghèo đói chính là bức tường bảo vệ cộng đồng”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. Tiền bạc gây chia rẽ, việc yêu thích tiền của chia rẽ cộng đồng, chia rẽ Giáo hội. Thậm chí ngay cả các gia đình cũng bị chia rẽ bởi tiền bạc, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.
Sự phù phiếm gây chia rẽ
Điều thứ hai gây chia rẽ một cộng đồng đó là sự phù phiếm, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. Đó là “ước muốn cảm thấy tốt hơn những người khác”, Đức Phanxicô nói. “Thường thì việc tham dự cử hành Bí tích là một ví dụ về sự phù phiếm: ai diện quần áo đẹp nhất, ai làm việc này, và việc nọ..”. Sự phù phiếm gây chia rẽ, Đức Giáo hoàng nói, “bởi vì sự phù phiếm khiến bạn trông giống như một con công thích khoe mẽ và ở đâu có con công, ở đó có sự chia rẽ, luôn luôn là như vậy”.
Thói ngồi lê đôi mách gây chia rẽ
Đức Giáo hoàng Phanxicô kế đến nói rằng điều thứ ba gây chia rẽ cộng đồng đó là thói ngồi lê đôi mách. “Điều đó do ma quỷ đặt vào chúng ta, giống như một nhu cầu phải nói về những người khác”, Đức Phanxicô giải thích. “Nhưng Chúa Thánh Thần luôn đi kèm với sức mạnh của Ngài để cứu chúng ta khỏi thế giới của tiền bạc, sự phù phiếm và thói ngồi lê đôi mách này”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, bởi vì Chúa Thánh Thần có thể thực hiện những phép lạ này.
Cầu nguyện để luôn biết vâng phục Chúa Thánh Thần
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết “vâng phục” Chúa Thánh Thần “để Ngài có thể biến đổi chúng ta” và biến đổi các cộng đồng của chúng ta, để chúng ta luôn tiến về phía trước trong “sự hòa hợp mà Chúa Giêsu mong muốn đối với cộng đồng Kitô giáo”.
Tuệ Tâm (theo Vatican News)