Giáo hội Công giáo đang phải đối mặt với hai “cám dỗ thường xuyên” trong thế kỷ 21: cám dỗ “tìm kiếm sự đa dạng mà không có sự hiệp nhất”, và cám dỗ “tìm kiếm sự hiệp nhất mà không có sự đa dạng.”
Trong bài giảng sâu sắc của mình hôm Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, ĐTC Phanxicô đã tuyên bố rằng Giáo hội Công giáo đang phải đối diện với hai “cám dỗ thường xuyên hiện diện” trong thế kỷ 21. Ngài giải thích rằng cả hai đều trái ngược với Thần Khí của Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng vẫn luôn hiện diện trong Giáo hội hoàn vũ để thiết lập nên “một dân mới” thoát ra khỏi nhiều quốc gia và ban cho họ “một quả tim mới”.
ĐTC Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Quảng trường Thánh Phêrô, với sự tham dự của 80.000 tín hữu từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm hàng chục ngàn thành viên của Phong trào Ân Tứ. Hôm 3/6 vừa qua, ĐTC Phanxicô tham dự kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào này tại Circus Maximus.
Trong phẩm phục đỏ của ngày lễ trọng hôm nay, ĐTC Phanxicô giải thích rằng Giáo Hội cử hành Lễ Ngũ Tuần 50 ngày sau khi Chúa Giêsu phục sinh vì trong ngày này, cách đây hơn 2.000 năm, Chúa Thánh Thần, “món quà đầu tiên của Đấng Phục Sinh”, đã xuất hiện “từ trời xuống” trên các môn đệ dưới hình thức “như những hình lưỡi, giống như lưỡi lửa ‘đậu’ trên mỗi người” và họ “bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau”.
ĐTC Phanxicô nhắc nhở các đoàn khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô – cũng như hàng trăm triệu khán giả toàn cầu đang theo dõi qua màn ảnh truyền hình, đài phát thanh hay các phương tiện truyền thông xã hội – rằng Chúa Thánh Thần là “Thần Khí Sáng Tạo”, Đấng luôn luôn mang lại những điều mới mẻ”.
Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay nhấn mạnh hai trong số những điều mới mẻ đó. ĐTC Phanxicô nói: “Thần Khí biến các môn đệ trở nên “những con người mới” và tạo ra trong họ “quả tim mới”; Chúa Thánh Thần “quy tụ tất cả các môn đệ lại với nhau trong tình huynh đệ” và “trao ban cho mỗi người một món quà, và quy tụ tất cả trong sự hiệp nhất”. Nói cách khác – ĐTC Phanxicô nói – “cũng cùng một Thần Khí đã tạo ra sự đa dạng và hiệp nhất”, và theo cách này, Thánh Thần đã hình thành nên “một dân tộc mới, đa dạng và thống nhất: Giáo Hội phổ quát”.
ĐTC Phanxicô giải thích rằng với cả hai cách thế “sáng tạo và bất ngờ”, Chúa Thánh Thần đã tạo ra sự đa dạng, và “trong mỗi thời đại, Ngài làm cho những đặc sủng mới và đa dạng được nảy nở. Kế đến, Chúa Thánh Thần mang lại sự hiệp nhất: Ngài liên kết, quy tụ và khôi phục sự hòa hợp”. Chúa Thánh Thần “làm như vậy theo một cách thế vốn tác động đến sự hiệp nhất đích thực, theo Thánh ý Thiên Chúa, một sự hiệp nhất nhưng không phải là đồng nhất, mà là sự hiệp nhất trong sự khác biệt”.
Trong suốt Triều đại Giáo Hoàng của mình, ĐTC Phanxicô đã liên tục nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và nhiều lần nhắc nhở các vị lãnh đạo Giáo Hội – đặc biệt là các Hồng Y, các Giám mục và Linh mục trong Giáo triều Rôma cũng như trong các Giáo phận trên toàn thế giới – chống lại việc nhắm mắt, vờ như không nghe thấy và đóng cửa tâm hồn của mình trước những điều mà Chúa Thánh Thần đã nói với Giáo Hội ngày hôm nay. Trong bài giảng của mình, ĐTC Phanxicô đã cảnh báo họ một lần nữa, cũng như lãnh đạo của các phong trào mới (kể cả những thành viên thuộc Phong trào Ân Tứ hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô), “phải tránh xa hai cám dỗ lặp đi lặp lại này”.
ĐTC Phanxicô giải thích rằng cám dỗ đầu tiên đó là: “tìm kiếm sự đa dạng mà không có sự hiệp nhất”. Điều này xảy ra – ĐTC Phanxicô nói – “khi chúng ta muốn gây chia rẽ, khi chúng ta muốn tách biệt và hình thành các đảng phái, khi chúng ta áp dụng những lập trường cứng nhắc, khi chúng ta khép mình bởi những ý tưởng và những cách làm việc riêng của chúng ta, thậm chí khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta tốt hơn những người khác, hoặc luôn luôn thuộc cánh hữu”. Điều này xảy ra khi “chúng ta chỉ chọn một phần trong toàn thể, thuộc về nhóm này hoặc nhóm kia trước khi thuộc về Giáo hội”. Điều này xảy ra khi “chúng ta trở thành những người ủng hộ tích cực cho một bên nào đó, hơn là trở thành anh chị em với trong cùng một Thần Khí duy nhất. Chúng ta trở thành những Kitô hữu thuộc về ‘cánh hữu’ hay ‘cánh tả’, trước khi đứng về cùng một phía với Chúa Giêsu, những người luôn khăng khăng bám lấy quá khứ hay những người đi tiên phong của tương lai trước khi trở thành những người con khiêm tốn và biết ơn của Giáo hội. Điều này dẫn đến kết quả là sự đa dạng chứ không phải sự hiệp nhất”.
ĐTC Phanxicô mô tả cám dỗ thứ hai đó là: “tìm kiếm sự hiệp nhất mà không có sự đa dạng”. Khi điều này xảy ra, “sự hiệp nhất trở nên đồng nhất, nơi mọi người phải cùng nhau làm mọi thứ theo cùng một thể thức, luôn luôn phải suy nghĩ giống nhau. Sự hiệp nhất chấm dứt bằng việc trở nên thuần nhất và không còn tự do. Thế nhưng, như Thánh Phaolô nói, “nơi đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, nơi đó có tự do”.
ĐTC Phanxicô thúc giục các tín hữu cầu nguyện với Chúa Thánh Thần “để Ngài ban ân sủng giúp chúng ta có thể đón nhận sự hiệp nhất của Ngài” theo cách “bỏ những sở thích cá nhân sang một bên, để rồi đón nhận và yêu mến Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội của chúng ta”. Điều này cũng có nghĩa là “đảm nhận trách nhiệm hiệp nhất tất cả mọi người, để tiêu diệt những tin đồn hay những thói ngồi lê đôi mách vốn gieo mầm mống của sự bất hòa cũng như sự độc hại của thói ghen tị, bởi vì con cái Giáo Hội có nghĩa là con cái của tinh thần hiệp thông”.
ĐTC Phanxicô khuyến khích các tín hữu “hãy xin cho mình một quả tim biết cảm nhận được rằng Giáo Hội chính là Mẹ và cũng là ngôi nhà của chúng ta, một ngôi nhà luôn luôn rộng mở và chào đón, nơi mà niềm vui của Chúa Thánh Thần luôn luôn được lan tỏa”.
Sau khi cảnh báo về những cám dỗ này và nhắc lại rằng Thần Khí của Chúa Giêsu mong muốn cả sự đa dạng lẫn tinh thần hiệp nhất trong Giáo Hội, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu này, Chúa Thánh Thần đã trao ban cho chúng ta “một quả tim mới”.
ĐTC Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng khi Chúa Giêsu hiện ra với môn đệ lần đầu tiên sau khi sống lại, Ngài đã phán với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “Chúa Giêsu không lên án họ vì đã chối bỏ và bỏ rơi Ngài trong suốt hành trình Cuộc Khổ nạn, nhưng thay vào đó Ngài ban cho họ tinh thần tha thứ”.
Trong bài giảng của mình, ĐTC Phanxicô nhắc nhở các linh mục cũng như mọi tín hữu rằng “Chúa Thánh Thần chính là món quà đầu tiên của Đấng Phục Sinh, và được trao ban trước hết vì ơn tha thứ tội lỗi”. Trong suốt bốn năm Triều đại Giáo Hoàng của mình, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tha thứ, và một lần nữa trong bài giảng Thánh lễ Ngài nhắc nhở các tín hữu rằng Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần “trên hết là vì ơn tha thứ tội lỗi”. Ở đây – ĐTC Phanxicô nói – “chúng ta có thể nhìn thấy sự khởi đầu của Giáo Hội”, bởi vì ơn tha thứ chính là “một loại keo dính chặt chúng ta lại với nhau, là xi măng liên kết những viên gạch trong một ngôi nhà”. ĐTC Phanxicô mô tả “ơn tha thứ” như là một “món quà quý giá nhất; đó là tình yêu vĩ đại nhất. Nó duy trì sự hiệp nhất bất chấp tất cả mọi thứ, ngăn ngừa sự sụp đổ, củng cố và làm cho trở nên vững mạnh. Sự tha thứ khiến cho tâm hồn mỗi người chúng ta được tự do và cho phép chúng ta bắt đầu lại mọi thứ”.
ĐTC Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng “sự tha thứ mang lại hy vọng; nếu không có sự tha thứ, Giáo Hội đã không được thành lập. Tinh thần tha thứ giải quyết mọi sự trong sự hòa hợp, và hướng dẫn chúng ta từ chối tất cả những con đường khác: con đường của những phán xét vội vàng, con đường của việc khép kín mọi cánh cửa, con đường một chiều luôn luôn chỉ trích người khác. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta chọn lấy con đường hai chiều của sự tha thứ luôn luôn biết đón nhận và trao ban”.
Cuối Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ĐTC Phanxicô cầu nguyện rằng “nguyện xin Chúa Thánh Thần duy trì sứ mạng của Giáo Hội trên toàn thế giới và đồng thời xin Ngài cũng gia tăng sức mạnh cho tất cả các nhà truyền giáo nam nữ”.
“Nguyện xin Chúa Thánh Thần mang lại hòa bình cho toàn thế giới, và chữa lành những vết thương của chiến tranh và khủng bố, đặc biệt là những nạn nhân vô tội trong vụ tấn công đêm hôm 3/6 tại London”. ĐTC Phanxicô mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố mới nhất này.
Minh Tuệ chuyển ngữ