Đức Phanxicô: ‘Các Kitô hữu hãy loại bỏ thói đố kị, những xung đột để dấn thân cho việc kiến tạo sự hiệp nhất’

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sự khiêm nhu, hiền hòa và khoan dung là ba thái độ quan trọng để có thể xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội đồng thời kêu gọi các Kitô hữu hãy loại bỏ thói đố kị, ghen ghét cũng như những cuộc xung đột.

22-10-2016 LaStampa.it

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sự khiêm nhu, hiền hòa và khoan dung là ba thái độ quan trọng để có thể xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội đồng thời kêu gọi các Kitô hữu hãy loại bỏ thói đố kị, ghen ghét cũng như những cuộc xung đột. Đức Thánh Cha đã chỉa sẻ như vậy trong Thánh lễ sáng nay, thứ Sáu 21/10 tại nhà nguyện Thánh Marta.

Lấy cảm hứng từ lời chào trong Thánh Lễ “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, bài giảng của Đức Thánh Cha đề cập đến những yếu tố cần thiết để có thể nuôi dưỡng hòa bình và sự hiệp nhất đồng thời loại bỏ những cuộc chiến tranh và xung đột. Đức Thánh Cha cho biết lời chào như vậy sẽ “tạo ra một mối dây liên kết” hòa bình và hiệp nhất chúng ta để có thể tạo ra một sự hiệp nhất về tinh thần đồng thời cảnh báo rằng nếu không có hòa bình và nếu chúng ta không thể chào hỏi nhau theo một ý nghĩa rộng nhất của lời chào này, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ có thể có được sự hiệp nhất. Đức Thánh Cha giải thích rằng khái niệm này có thể áp dụng đối với sự hiệp nhất của cả thế giới, sự hiệp nhất trong một thị trấn, trong các huyện thị và ngay cả trong các gia đình.

Ma quỷ gieo rắc chiến tranh, các Kitô hữu phải tránh các cuộc xung đột

“Ma quỷ luôn luôn gieo rắc cảnh chiến tranh. Sự đố kị, ghen tị, các cuộc xung đột, thói ngồi lê đôi mách …. là những thứ có thể hủy hoại hòa bình và do đó nhân loại không thể nào có được sự hiệp nhất. Và một Kitô hữu nên cư xử làm thế nào để có thể khuyến khích sự hiệp nhất và kiếm tìm sự hiệp nhất này? Thánh Phaolô đã quả quyết: ‘Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại’. Ba thái độ này: sự khiêm tốn – chúng ta  không thể gieo rắc hòa bình nếu không có sự khiêm tốn. Ở đâu có sự kiêu ngạo, ở đó luôn luôn có cảnh chiến tranh và ước muốn đánh bại người khác và luôn luôn có thái độ trịch thượng với người khác. Nếu không có sự khiêm tốn thì chẳng thể nào có được hòa bình và không có hòa bình thì chắc chắn sẽ không thể có  được sự hiệp nhất”.

Hãy tái khám phá sự hòa nhã và thực hành tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau

Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thắn về một thực tế rằng hình như ngày nay chúng ta đã đánh mất khả năng ăn nói hòa nhã với người khác, để rồi thay vào đó, chúng ta có khuynh hướng quát tháo hay nói xấu về người khác. Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu tái khám phá sự hòa nhà với người khác, có như thế, chúng ta mới có thể chịu đựng nhau, đồng thời thể hiện tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau, “hãy nhẫn nại chịu đựng những lỗi lầm của người khác hoặc những điều mà chúng ta không thích”.

Hãy chung ta xây dựng sự hiệp nhất qua những mối dây liên kết của hòa bình

“Trước hết: sự khiêm tốn, thứ hai: sự hiền hòa với tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau này, và thứ ba: sự khoan dung: một tâm hồn cao thượng, một trái tim rộng mở, có thể giúp đỡ tất cả mọi người và một tâm hồn không lên án, không trở nên nhỏ nhen ích kỉ vì những thứ tầm thường: một tâm hồn luôn luôn rộng mở, có chỗ cho tất cả mọi người. Và điều này tạo ra mối dây hòa bình; đây là cách xứng đáng mà qua đó có thể tạo ra mối dây hòa bình vốn là điều tạo nên sự hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất nhưng điều này khuyến khích và chuẩn bị việc tạo ra sự hiệp nhất”.

Ba thái độ này – Đức Thánh Cha cho biết – là những phương thế đúng đắn để có thể đáp trả lại lời mời gọi trước mầu nhiệm của Giáo Hội và của Chúa Kitô.

“Mầu nhiệm Giáo Hội chính là Mầu nhiệm Thân Thể Chúa Kitô: ‘Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người’:” đây chính là sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã nài xin Chúa Cha ban cho chúng ta và chúng ta phải cùng cộng tác để có thể tạo nên sự hiệp nhất này với những mối dây liên kết của hòa bình. Và những mối dây liên kết hòa bình sẽ phát triển với sự khiêm tốn, với sự hiền hòa và tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau và với sự khoan dung”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết