
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Học Viện Giáo hoàng Thánh Kinh vào ngày 20 tháng 4 năm 2023, tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Trong khi thế giới ngày nay có thể coi bệnh tật và đau khổ là vô nghĩa, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn mọi người nhớ rằng Chúa Kitô có sức mạnh biến đau khổ thành tình yêu.
Đau khổ đặt con người vào ngã ba đường, Đức Thánh Cha chia sẻ hôm thứ Năm trong buổi tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh. “Anh ta có thể cho phép sự đau khổ dẫn anh ta đến chỗ tự nghi ngờ bản thân, đến mức tuyệt vọng và nổi loạn; hoặc anh ta có thể chào đón nó như một cơ hội để trưởng thành và nhận thức rõ ràng về những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, đến mức gặp gỡ Thiên Chúa”.
“Việc thể chào đón sự đau khổ là tầm nhìn của đức tin mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh đang nghiên cứu về “bệnh tật và sự đau khổ trong Kinh Thánh”, một chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài hết sức bận tâm.
Ngài bình luận về việc Cựu Ước chứa đầy những ví dụ về những người tín thác vào Thiên Chúa trong những giây phút đong đầy nước mắt (Tv 38), kêu cầu Ngài chữa lành bệnh tật (Tv 6:3; Is 38), và trở về với Ngài trong những giây phút thử thách với những hành động hướng tới việc hoán cải (Tv 38:5, 12; 39:9; Is 53:11).
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu “tỏ lộ tình yêu thương, lòng thương xót, sự tha thứ của Chúa Cha và việc Ngài không ngừng tìm kiếm những người tội lỗi, hư mất và bị thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.
“Không phải ngẫu nhiên mà hoạt động công khai của Chúa Kitô phần lớn được đánh dấu bằng việc Người tiếp xúc với những người bệnh tật”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Những phép lạ chữa lành bệnh tật là một trong những đặc điểm chính yếu trong sứ vụ của Chúa Giêsu (Mt 9:35; 4:23): Người chữa lành những người phong cùi và bại liệt (Mc 1:40–42; 2:10–12); Người chữa mẹ vợ ông Simon khỏi cơn sốt nặng và chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8:5–15); và Người giải thoát những kẻ bị quỷ ám và chữa lành mọi bệnh tật (Mc 6:56)”.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Học Viện Giáo hoàng Thánh Kinh vào ngày 20 tháng 4 năm 2023, tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Rất nhiều phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu cho thấy bản tính Thiên Chúa, sứ mạng và tình yêu của ngài dành cho những người yếu đuối đến mức đồng cảm với họ khi Người nói: ‘Ta đau yếu và các ngươi đã đến viếng thăm Ta’”, Đức Thánh Cha giải thích.
“Đỉnh điểm của sự đồng hóa này diễn ra trong Cuộc Khổ Nạn, để thập giá Chúa Kitô trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của sự liên đới của Thiên Chúa với chúng ta, đồng thời, khả năng để chúng ta kết hiệp với Người trong công trình cứu độ (Cl 1: 24)”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.
“Như vậy, trong Chúa Kitô, ngay cả sự đau khổ cũng được biến đổi thành tình yêu và sự kết thúc của mọi sự trên thế giới này trở thành niềm hy vọng về phục sinh và ơn cứu độ, như tác giả của Sách Khải Huyền đã nhắc nhở chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Về bản chất, đối với người Kitô hữu, ngay cả bệnh tật cũng là một hồng ân lớn lao của sự hiệp thông, mà qua đó Thiên Chúa làm cho họ thông phần vào sự tốt lành thánh thiện của Người một cách chính xác qua kinh nghiệm về sự yếu đuối của mình”.
Đức Thánh Cha nhắc đến Tông Thư Salvifici Doloris (Đau Khổ Có Giá Trị Cứu Độ) của Đức Gioan Phaolô II, như một bằng chứng cho thấy con đường của sự đau khổ có thể trở thành một con đường mở ra cho con người một tình yêu lớn lao hơn.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng “trong tư tưởng hiện đại, bệnh tật và sự hữu hạn thường được coi là một sự mất mát, một thứ không có giá trị, một mối phiền toái phải được giảm thiểu, phản đối và hủy bỏ bằng bất cứ giá nào”.
“Chúng ta không muốn đặt câu hỏi về ý nghĩa của chúng, có lẽ vì chúng ta sợ những hàm ý về luân lý và hiện sinh của chúng. Tuy nhiên, không ai có thể thoát khỏi việc tìm kiếm lời giải thích cho những câu hỏi ‘tại sao’ này”, Đức Thánh Cha cho biết thêm, trích dẫn số 9 của Salvifici Doloris.
“Trên thực tế, cách chúng ta trải qua sự đau khổ nói lên khả năng yêu thương và để cho mình được yêu thương, khả năng mang lại ý nghĩa cho các sự kiện của cuộc sống dưới ánh sáng của lòng bác ái, và khả năng sẵn sàng chấp nhận những giới hạn của chúng ta như một cơ hội để phát triển và để được ơn cứu độ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo CNA)