Thánh Anphongsô và Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa
(tiếp theo)
3. Đức Maria trong nghệ thuật, văn chương và âm nhạc của thánh Anphongsô
Trong văn hóa thành Napoli thời thánh Anphongsô, Đức Maria rất hay được mô tả theo hình mẫu xa cách, uy quyền và vương giả. Mẹ được đặt trên các bệ cao. Chắc chắn Mẹ là một hình mẫu cho người ta học theo, đặc biệt là giới thượng lưu, về văn hóa, vẻ đẹp và sự trinh tiết,… Tuy nhiên Mẹ được giới thiệu như một điều gì đó xa cách với cuộc sống hàng ngày của thường dân, đặc biệt là những người nghèo. Các ảnh tượng Đức Maria thường mang vương miện, mặc trang phục rực rỡ, và còn có cả ngai vàng. Đó là hình mẫu của một vị Nữ hoàng – như các “công chúa” trong hoàng tộc Tây Ban Nha hay vị Nữ hoàng vĩ đại trong giới Công giáo, Isabel.
Các bài thánh thi hát về Mẹ thường được soạn bằng tiếng Latinh, với những hệ thống âm nhạc phức tạp. Chúng ta có thể tưởng tượng đó là những tác phẩm tương tự như “Ave Maria” mà chúng ta vẫn dùng trong các buổi hợp xướng hiện nay. Tất cả đi theo một hình mẫu có sẵn, nhấn mạnh đến “tình yêu quy chuẩn”, sự trinh tiết, sự vâng lời và sự thụ động.
Thánh Anphongsô triển khai một cách tiếp cận rất khác về Đức Maria. Dựa vào những bức tranh ngài vẽ về Mẹ: Mẹ được họa lại như một cô gái trẻ, trong trang phục nông dân, với nụ cười dịu dàng. Chắc chắn không phải là một bức họa theo quy chuẩn. Hay là các bức tranh ngài đã chuẩn bị cho các cuộc đại phúc, như bức tranh Divina Pastora, mà tại Tu viện Sant’Agata vẫn còn giữ một bản sao rất lớn, là quà tặng thánh Anphongsô dành cho các nữ tu tại đây. Trong bức tranh này, Đức Maria đội một chiếc mũ rơm giống Con của Mẹ, Đấng Cứu Chuộc. Xung quanh là đàn chiên. Mẹ là một người mục tử – thực hiện một sứ vụ và một thừa tác vụ – và dường như Mẹ rất vui khi dẫn dắt đàn chiên đến với Con của Mẹ, như trong bức tranh, Người đang chơi đùa với chiên.
Nói đến những thánh ca mà thánh Anphongsô đã soạn, bằng tiếng Napoli hay tiếng Ý, là những bài mà người dân thường cũng có thể hát và vẫn đang hát cho đến ngày nay: Khúc hát ru hài nhi, ‘Tu scendi dalle stelle’, đây thực sự là một bài thánh ca nói về Đức Giêsu trong đó Đức Maria có một vai trò chính yếu, ‘O Bella Mia Speranza’ (Ôi Niềm Hy Vọng tuyệt đẹp của con), một bài thánh ca giáng vào những quan điểm bảo thủ của phái Jansen về niềm hy vọng – và thông truyền đến giới bình dân một cảm thức lạc quan tràn đầy hi vọng.
Thời đó, cũng như bây giờ, những ai yêu mến những người nông dân và những người nghèo khổ thì lại không có khả năng giúp họ, còn những người có khả năng thì lại không yêu mến họ. Thánh Anphongsô giới thiệu một Đức Maria, và một Đấng Cứu Chuộc, là những đấng yêu mến những người đó và còn có quyền năng giúp đỡ họ. Đây là một cuộc cách mạng. Một Đức Bà chăn chiên, gần gũi với đàn chiên, áo và khăn của Bà đầy mùi chiên – đó là một biểu tượng đầy quyền năng về một người phụ nữ mang một sứ vụ và một thừa tác vụ thường được coi là chỉ dành cho những người đàn ông. Một người mẹ hát ru đứa con trai đang rét run. Một thiếu nữ đón nhận Thánh Thần dù không hoàn toàn hiểu biết ý nghĩa của điều đó…
Michael Brehl CSsR – Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế
P.B. chuyển ngữ
(còn nữa)