Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn giữa muôn vàn người thế để đảm nhận trách nhiệm cộng tác vào việc Thiên Chúa giáng trần.
Mỗi chủ nhật và lễ trọng, chúng ta tuyên xưng lòng tin của chúng ta qua kinh Tin kính, chúng ta gọi là tín biểu của lòng tin Kitô giáo.
Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng về Đức Yêsu Kitô là Con Thiên Chúa hoàn toàn đồng bản tính với Chúa Cha, và Ngài đã đến, đã xuống trong thế gian này, nghĩa là Ngài đã nhập cuộc vào lịch sử của chúng ta để cứu chuộc chúng ta. Khi chúng ta tuyên xưng như thế chúng ta muốn nói gì?
Là tín hữu, tất nhiên là chúng ta tin Thiên Chúa có mặt. Nhưng chỉ nguyên việc nói là Chúa có mặt, cái đó không đủ, không nói lên được cái lõi tủy, cái trung tâm của lòng tin của chúng ta; nhưng lòng tin của chúng ta chính là ở chỗ Thiên Chúa có mặt đó đã can thiệp, đã dính dự vào lịch sử trần gian, vào cuộc sống của chúng ta sau khi Ngài đã tạo dựng nên chúng ta.
Vì thế khi chúng ta nói rằng Chúa Yêsu Kitô là Thiên Chúa thật, đồng bản tính với Cha của Ngài, mà lại đến làm người, mà lại là làm người trong tình trạng yếu hèn mong manh thật, thánh Yoan nói rõ : “Thành xác phàm”, và ở giữa chúng ta, thì không ngờ là chúng ta đã đụng chạm và thấu tới cái liên lạc lạ lùng mà chính Thiên Chúa đã quyết định muốn thiết lập với trần gian này.
Chúng ta biết là Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ, nên con người chúng ta, nghĩa là : Ngài đã kéo chúng ta ra từ hư vô để cho chúng ta có mặt trên thế gian này. Chỗ này, người tin nhận rằng Thiên Chúa khác hẳn chúng ta và Ngài là nguồn gốc độc nhất của sự có mặt của thế gian này. Thiên Chúa là Đấng có thật chứ không phải là một chuyện bịa đặt ra để mà ru ngủ người ta như thể một liều thuốc an thần. Nhưng Thiên Chúa không có mặt, không hiện hữu theo kiểu hình tượng sờ sờ ngay trước mắt để ta đụng chạm được. Thiên Chúa có mặt khác kiểu trần gian vật chất của chúng ta. Người hiện hữu, Người có mặt một cách mà giác quan của chúng ta chẳng thể nào tiếp súc được, Người có mặt một cách linh thiêng thế nào. Và chính Người mới cho trần gian và vũ trụ này ra có mặt một cách mà chúng ta sờ đụng được.
Kinh thánh gợi ý cho chúng ta biết là để tạo dựng nên con người chúng ta, Thiên Chúa như thể trầm ngâm. Ngài làm một công việc như thể liên can dính dự một cách mật thiết lạ lùng với chính bản thân Ngài. Ngài muốn cho có mặt một loài thụ tạo mà làm cách nào thụ tạo đó có thể dọi lại hoàn toàn hình ảnh của Ngài, nghĩa là có thể chia sẻ được đời sống nội tâm, mối bận tâm của Ngài : Ngài tạo dựng nên chúng ta có khả năng hoàn toàn tự do. Nghĩa là một thụ tạo mà có thể cho phép Ngài dính dự, liên lụy vào định mệnh của trần gian này. Như thế, chúng ta biết là Thiên Chúa đã đặt ở trong những thụ tạo này một khả năng vô biên để mở lòng ra mà có thể đón nhận và ứng đáp với tình yêu vô biên của Chúa được (cục đá, cái cây, con vật tự nó không có ứng đáp gì với nhau, chỉ có bản năng của sự tồn tại gắn liền với nhau thôi). Khả năng này, chúng ta gọi là khả năng thiêng liêng, nghĩa là thụ tạo như thế đó có thể tìm hiểu và trả lời với tình yêu của Thiên Chúa được. Nhưng khả năng thiêng liêng dó, cũng là một khả năng hoàn toàn tự do. Bởi vì nếu không hoàn toàn tự do, thì việc có thể ứng đáp trả lời với Ngài không thể có được, không còn có ý nghĩa gì nữa. Ngài tạo nên chúng ta là tinh thần, nghĩa là Ngài cho chúng ta được tự định đoạt đời sống của mình một cách độc lập, không thể có gì cưỡng ép được cả. Chính do đó mà con người chúng ta mới có toàn quyền ngay cả trong việc có chấp nhận Thiên Chúa hay là khước từ Ngài nữa. Tại sao? Bởi vì liên lạc thân nghĩa chỉ có thể có được là trong đối thoại tự do mà thôi. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nối một dây liên lạc thân nghĩa với con người. Kinh thánh tâm sự rất đơn giản : “Và chiều chiều, Thiên Chúa đến chuyện vãn cùng hai người tiên khởi của thế giới này” (Kh 3,8). Nhưng chính vì con người vẫn tự do nên một ngày kia, con người đã dùng tự do Chúa ban cho mình để hất bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Và từ đó đã khởi sự tấm thảm kịch vĩ đại nhất của trần thế, tấm thảm kịch giữa Thiên Chúa và chính thụ tạo của mình : Tạo vật đã khước từ Đấng đã tác sinh mình, cho mình có mặt để mà tìm kiếm Ngài : đó là tháp Babel muôn đời.
Đã đành Thiên Chúa có thể để mặc kệ con người, chúng ta sống trong tình trạng mà chúng ta đã tự chọn lấy cho mình : nghĩa là gì? là ngàn đời sống lang thang trên cái trái đất đầy đau khổ, lắm nỗi bất hạnh, cuộc sống vắn vỏi không được bao lăm để rồi cái chết vùi lấp tất cả trong hoang mang và trống vắng, nghĩa là con người chúng ta sẽ không còn thể nào có được Đấng tạo thành với mình nữa. Chúng ta tự giải quyết lấy một mình những gì là khắc khoải là phi lý của cuộc sống. Nhưng Thiên Chúa đã không làm như vậy. Ngài nhất định vẫn tiếp tục yêu thương và cứu vớt con người chúng ta để khỏi hư đi vĩnh viễn.
Và chúng ta biết là Chúa đã bắt tay vào chương trình của Người, nghĩa là cứu chúng ta ra khỏi thảm trạng và dẫn chúng ta vào trong phần phúc mà Người đã muốn ban khi tạo thành chúng ta. Nghĩa là gì? Là chia sẻ chính đời sống của Người cho chúng ta. Và muốn thực hiện cho được chương trình này, thì chẳng thể nào một người phàm chúng ta lại có thể đứng ra lãnh nhận được, mà phải chính Thiên Chúa can thiệp đính dự vào.
Nghĩa là Thiên Chúa nhất định cứu chúng ta, Thiên Chúa nhất định thực hiện chương trình yêu thương của Người : Người muốn đến chung sống với con người để có thể tâm sự kể lể cho chúng ta biết về chính Người. Từ đó mà chúng ta biết Người đã dính dự vào lịch sử trần gian này, chọn lựa một dân để Ngài có thể hun đúc huấn luyện để nhờ lòng tin mà họ có thể chuẩn bị cho việc Người bước chân vào trần gian này. Như vậy thì chúng ta phải nói chính chân đó, và cách riêng những ngôn sứ trong dân đó là những cột trụ để Thiên Chúa xây dựng chương trình cứu chuộc của Ngài.
Sau khi đã dùng các ngôn sứ của trần gian này để như thể có công việc dọn chương trình, dọn đường, thì cuối cùng Chúa gởi đến cho loài người Sứ giả đặc biệt có khả năng nói lên hết được ý định của Người cho chúng ta. Trước đó, chỉ là những giai đoạn dọn đường thôi. Bây giờ đây là giai đoạn quyết liệt thật của tình thương Thiên Chúa; vì Người mà Thiên Chúa sai đến lại chính là Con của Người, đồng bản tính với chính Người, là hiện thân của chính Người, vì thế mà là tất cả lời của Thiên Chúa muốn ngỏ với người ta, không thể có một ai nào khác có thể nói được.
Vậy chúng ta thấy việc Thiên Chúa cho Con của Người xuống để cùng sống với nhân loại chúng ta là một quyết định tối hậu, chung kết tất cả chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Đây là quyết định dứt khoát của Thiên Chúa. Và chúng ta biết là sau biến cố này, không còn có thể có biến cố nào quan trọng hơn nữa trong lịch sử cứu độ cả. Những gì mà Thiên Chúa chỉ gợi ra một phần nào cho nhân loại qua các ngôn sứ trần gian, bây giờ : Người nói hết trong người Con của Người. Bởi vì chỉ Con Thiên Chúa mới có thể nói cho chúng ta biết, và diễn tả đầy đủ về Thiên Chúa được. Người phàm chúng ta không thể nào nói một cách đầy đủ được. Như thế chúng ta mới hiểu là ai nghe lời Thiên Chúa mà cố gắng giữ lấy (lận đận vất vả thật) thì được cứu rỗi. Và nếu Lời Thiên Chúa không còn là một điều xa vời nữa, mà là chính Con Người Yêsu bằng xương bằng thịt, chúng ta mới biết là ai tin vào Người thì được cứu rỗi. Vậy chỗ này chúng ta biết lời Thiên Chúa, là chính Con Thiên Chúa đã đến trong xác phàm chúng ta, ở trong chính chất liệu xương thịt làm nên chúng ta. Và đây chính là vai trò và vị trí của Đức Maria trong chương trình của Thiên Chúa.
Chúng ta thấy là trong muôn ngàn cách giáng trần, Thiên Chúa đã muốn chọn cách “sinh ra từ lòng môt Nữ trinh”. Chính Maria đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa để đảm nhận trách nhiệm cộng tác vào việc Thiên Chúa đến trong trần gian của chúng ta. Nhưng chúng ta đã biết là Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người chúng ta trong tự do, và người không cưỡng ép ai bao giờ, để người ta có thể hoàn tòn tự do mà đối thoại với Người. Vậy đó chính là tâm hồn của Maria đứng trước chương trình của Thiên Chúa. Maria có chịu bước vào trong chương trình của Thiên Chúa không, Maria có nhận lời không? Bởi vì Maria cũng hoàn toàn có tự do để định đoạt như mọi người khác. Maria sẽ từ chối như hai nguyên tổ chúng ta đã từ chối hay Maria sẽ bằng lòng đón nhận?
Chúng ta biết là trước việc ngỏ ý của Thiên Chúa, Maria đã thưa “xin vâng” : một đời đã làm thay đổi nhân loại thật sự, và giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử nhân loại đã có thể bắt đầu, và cũng là giai đoạn mầu nhiệm hơn cả. Một người phàm trần ở giữa chúng ta đã được kêu mời cộng tác vào công việc của Thiên Chúa để cứu nhân loại, và người đó đã nhận lời. Như vậy, qua Maria và nhờ Maria, nhân loại chúng ta sẽ đón nhận được Thiên Chúa đến trong thế gian với chúng ta để nói cho chúng ta biết những gì mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết, tỏ bày cho chúng ta về Thiên Chúa, về mối bận tâm về tình thương của Người. Như vậy là trong việc này, phải có người cộng tác với Thiên Chúa, Maria đã nhận, đã bước vào con đường phiêu lưu của tình thương giữa Thiên Chúa và người ta, và Maria sẽ không bao giờ hối tiếc vì lời xin vâng đó dẫn Maria đi rất xa, tới tận Thập giá. Chính lịch sử chúng ta đã được xây dng trên lời thưa “xin vâng” : Nếu không có lời chấp nhận này, chúng ta không thể biết lịch sử nhân loại chúng ta ra thế nào, đi về đâu?
Chỗ này, chúng ta nhìn về vị trí Đức Mẹ như thế nào trong đức tin của chúng ta. Trong Kinh tin kính gồm tóm những điều căn bản của đức tin, chúng ta thấy có nhắc đến tên Maria. Với danh nghĩa là một người phàm như chúng ta, Maria đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc Thiên Chúa cứu chuộc trần gian, vì vậy mà Đức Mẹ có một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu chuộc. Chính Maria đã sinh ra Đức Yêsu Kitô, Người sẽ cứu nhân loại. Chúng ta có thể vì mất bén nhậy về Thiên Chúa là Ai, nên không đo lường ra được mầu nhiệm khủng khiếp này : Thiên Chúa mà lại đến chung sống, chung số phận với con người và lại phải nhờ một bà mẹ trần gian giới thiệu mình với trần gian để như thể khỏi bị lạc loài trong trần gian. Chính Maria như thể đã cho Ngài vay mượn một thân xác, một bản tính nhân loại để Ngài có thể sống giữa con cái loài người mà không sợ lạc loài, không bị lạc lỏng. Và chúng ta biết là chính qua thân xác đó, qua chính tiếng nói của loài người đó, của xác phàm đó mà Chúa Yêsu mới nói cho chúng ta về Thiên Chúa, mối tâm sự cho chúng ta về Thiên Chúa một cách mà chúng ta có thể nghe được và ứng đáp được với Thiên Chúa mà không thể nào nhầm lẫn hay sai lạc được.
Kết thúc suy nghĩ chiều nay : Chúng ta cũng vậy, tất cả đều là những người đã được Thiên Chúa “để ý” đến, mỗi người trong đường lối riêng của mình. Và vì yêu mến chúng ta, mỗi người một cách độc nhất, khác nhau, nên Thiên Chúa cũng đã hoạch định ra một chương trình để cứu chúng ta khỏi tình trạng thất vọng tuyệt đối, tức là cái thất vọng cuối cùng của con người không có ơn cứu rỗi (giải thích : khác với thất vọng hạnh phúc trần gian). Người tin chính là kẻ biết đón nhận ơn của Thiên Chúa muốn đối thoại với mỗi người chúng ta và Người mời gọi chúng ta đón chịu lấy Người trong cung cách riêng biệt của mỗi người chúng ta. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, trọn hảo của tín hữu là đón nhận Thiên Chúa, thì chính Maria đã là mẫu mực trọn hảo của một tín hữu. Maria trước và trên tất cả mọi sự là người đã tin vào Thiên Chúa, và để Thiên Chúa hướng dẫn đi đâu cũng được, hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Lời “Xin vâng” của Maria chính là cả một con người trọn vẹn đi theo Chúa bằng cả sự sống của mình, và đã xác tín Chúa là cùng đích và là cuối cùng của tất cả cuộc đời mình. Maria có thể nói là người tín hữu đầu tiên của Tân ước và là mẫu mực của người tin : một tín hữu trọn hảo. Như vậy, dù được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa một cách đặc biệt, Maria lại vẫn không tách khỏi cộng đoàn con cái loài người, nhưng trái lại, Maria là người đồng thuyền với chúng ta, và suốt đời phải đón nhận Thiên Chúa dẫn đưa từng bước cho đến thập giá. Người tin là người “Xin vâng” suốt cả cuộc đời : đó là căn bản của đời sống tín hữu và đó cũng là nền móng của cả đời Đức Mẹ.
Một tín hữu trọn hảo là gì? Chúng ta có thể nói thế này : là một con người khi con người đó gặp gỡ được “chính Thiên Chúa đã tự hiến thân cho con người” trong tự do hoàn toàn, gặp gỡ với tất cả thân xác và tâm hồn của mình, với tất cả năng lực, với tất cả những cái gì chúng ta có hằng ngày, những lo lắng cho đời sống kiếm của độ thân chật vật của chúng ta, với tất cả những cái gì chúng ta làm ra được xét về mặt trần gian, có thành có bại, với bao nhiêu những chịu đựng. Vâng, đón nhận Thiên Chúa là bao gồm tất cả một cuộc sống như thế đó mà lai qui hướng được hết về Thiên Chúa, có những lúc tối tăm mặt mũi mà chẳng hiểu Chúa dẫn đưa đi như thế nào : xin vâng.
Nếu như thế là một tín hữu hoàn hảo thì phải nói Maria là kết tinh, là hiện thân của một tín hữu hoàn hảo. Nếu tín hữu hoàn hảo là đón nhận Thiên Chúa tỏ hiện và đến với chúng ta trong Đức Yêsu Kitô thì Maria quả thật là người tín hữu hoàn hảo và trọn vẹn hơn hết trong cộng đoàn của mọi kẻ tin và đi theo Chúa. Vì thế Maria là hình ảnh và là tiêu biểu nhất giữa loài người chúng ta trong việc tuân phục trọn vẹn Thiên Chúa hoạt động trên đời của mình, dù có gặp phải đầy những cay đắng phiền não : Con người tin đó đã đứng dưới chân thập giá thay cho chúng ta đã có những lúc hèn yếu tháo lui tất cả. Xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Anphongso Phạm Gia Thụy CSsR