Con người ngày nay tỏ ra vừa mạnh mẽ lại vừa yếu đuối, vừa có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất nhưng cũng có thể làm những việc xấu xa nhất; nó có thể cộng tác với ơn thánh Chúa để cứu linh hồn nó hoặc tự đày đọa linh hồn nó vào cõi chết muôn đời. Thân phận con người truân chuyên ngàn nỗi, ngày ngày ngụp lặn trong bể khổ trần ai, nó sẽ ra sao nếu không có ai yêu thương cứu giúp
Các cụ có nói: “Của đau, con xót”. Con cái và của cải là những thứ quan trọng nhất, nếu bị động chạm đến hoặc mất mát, ai cũng xót, cũng đau, huống chi là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và có cả một kế hoạch cho con người được hưởng sự sống và hạnh phúc của Người!
Vì thế, đứng trước những nguy cơ đang đẩy con người vào chỗ hư mất, Đức Giêsu đã mạc khải về Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót nơi chính bản thân mình. Lời quả quyết của Đức Giêsu: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) cho phép chúng ta “thấy” Thiên Chúa rất gần gũi con người, nhất là với những người đau khổ, những người mà phẩm giá và mạng sống đang bị đe dọa và đầy đọa.
Khởi sự đời sống công khai, tại Nazaret, trước những người đồng hương, Đức Giêsu trích dẫn lời tiên tri Isaia để công bố về sứ mạng của mình:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 16-19).
Sứ mạng ấy là giải thoát con người, là làm cho Chúa Cha hiện diện giữa loài người, giữa những người nghèo khó và bị bóc lột, những người bị tước đoạt tự do, những người đui mù cả về thể lý, tinh thần lẫn tâm linh, những người đau khổ vì bất công xã hội và đạo đức suy đồi, và sau cùng là những người tội lỗi. Chính vì đặc biệt ưu ái đối với những người như thế, như với tất cả thân phận con người biểu lộ tính chất hữu hạn và mong manh của con người trong lịch sử, cả về thể xác lẫn tinh thần, mà Đấng Cứu thế trở nên một dấu chỉ rất rõ ràng cho sự hiện diện yêu thương và chữa lành của Thiên Chúa, bao gồm tất cả những gì làm nên phẩm giá của con người. Đức Giêsu trở nên dấu chỉ của Chúa Cha, là hiện thân của lòng thương xót, và lòng thương xót là một trong những chủ đề giảng dạy chính yếu của Người.
Khi trở thành “Tình Thương nhập thể”, Tình Thương được biểu lộ với một sức mạnh và một sự trìu mến đặc biệt đối với những người đau khổ, những người bất hạnh và những người tội lỗi, Đức Giêsu mạc khải rõ ràng Chúa Cha là Thiên Chúa “giàu lòng thương xót”. Đồng thời, khi trở nên gương mẫu cho con người về tình thương xót đối với kẻ khác, bằng việc làm hơn bằng lời nói, Đức Giêsu công bố lời mời gọi hãy có lòng thương xót, bởi đó không chỉ là thực hiện một điều răn hay một đòi hỏi có tính đạo đức, mà còn là một trong những yếu tố cốt yếu của Tin Mừng, là chu toàn một điều kiện tối quan trọng để Thiên Chúa có thể tự bộc lộ qua lòng thương xót của Người đối với con người: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).
Như vậy, lòng thương xót mạnh mẽ hơn, cao cả hơn, có tính nền tảng hơn sự công bình. Tình thương là điều kiện tiên quyết của sự công bình và sự công bình phải phục vụ tình thương. Vị trí hàng đầu và trổi vượt của tình thương trên sự công bình được biểu lộ ngay trong lòng thương xót của Thiên Chúa.
Khởi đầu Tin Mừng theo thánh Luca, khi Đức Maria vào nhà ông Giacaria, Mẹ tôn dương Chúa hết tâm hồn mình vì Chúa là Đấng yêu thương cứu chuộc Mẹ và Chúa luôn nhớ tới lòng thương xót mà Người trải dài từ đời nọ tới đời kia, dành cho những ai biết kính sợ Người (Lc 1, 46-50).
Mẹ muốn nhấn đến ý nghĩa đặc biệt của lòng thương xót không chỉ hệ tại ở cái nhìn, cho dẫu có cảm thông sâu xa và đầy trắc ẩn, hướng về những đau khổ thể xác hay vật chất bên ngoài, nhưng lòng thương xót ấy biểu lộ trong khía cạnh chữa lành, khôi phục trở lại tình trạng thân nghĩa với Thiên Chúa, khi tình thương ấy được rút ra từ chính sự tốt lành của Thiên Chúa là Cha nhân từ và giầu lòng xót thương.
Hơn ai hết, Mẹ Maria hiểu lòng thương xót là nội dung căn bản sứ điệp Cứu Thế của Đức Giêsu và là sức mạnh của sứ mạng Người. Lòng thương xót không ngừng tỏa ánh vinh quang qua những lời giáo huấn và trong các hành động cứu độ của Đức Giêsu, như trong Tông chiếu của Đức Giáo hoàng Phanxicô ấn định Năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót đã nói: Đức Giêsu chính là “Khuôn mặt đích thực của lòng thương xót”. Lòng thương xót ấy không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một “khuôn mặt” để ta nhận biết, chiêm ngưỡng và tôn thờ, đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta, để thức tỉnh và thúc đẩy chúng ta trước sự sống mới và nhìn về tương lai với niềm hy vọng quyết tâm canh tân đời sống để trở nên dấu chỉ của Lòng Thương Xót cho con người thời nay.
Đức Maria là người đã có kinh nghiệm một cách đặc biệt hơn ai hết về lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu. Mẹ là chứng nhân của lòng thương xót mênh mông bao la đổ ra cho đến cùng nơi Thánh Tâm của Đức Giêsu, cũng chính Mẹ đã nhờ lễ tế lòng mình để góp phần vào việc mạc khải lòng Chúa thương xót, tức là về sự trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa đối với tình thương của Người, đối với Giao ước Người đã thiết lập với con người, bất chấp con người có bất trung và bội phản, Người vẫn không bỏ rơi con người.
Cuộc đời của Mẹ đã chiêm niệm sâu xa về lòng thương xót của Chúa thì cũng theo mức độ ấy, Mẹ xứng đáng hưởng lòng thương xót này trong suốt cuộc đời trần thế của mình, đặc biệt dưới chân Thập giá của Đức Giêsu, qua sự tham dự một cách vừa kín đáo vừa hiệu nghiệm vào công trình cứu thế của Con mình, Mẹ được kêu gọi để làm cho tình thương mà Đức Giêsu bày tỏ gần gũi với con người, nhất là đối với những kẻ đau khổ, những kẻ nghèo khó, những kẻ bị cầm tù, những kẻ đui mù, những kẻ bị áp bức và những kẻ tội lỗi, là đối tượng của lòng Chúa Thương xót.
Không ai có được trải nghiệm về lòng thương xót trắc ẩn trong trái tim của Mẹ trước sự đau khổ của Đấng chịu đóng đinh vì tội lỗi của con người. Vì thế Mẹ đã trở thành Mẹ Hằng Cứu Giúp, để yêu thương đoàn con khốn cùng và xót thương mọi nỗi khốn cùng của đoàn con Mẹ. Mẹ trở nên là Mẹ của Lòng thương xót do chính Con của Mẹ muốn thế (Ga 19, 26t), qua sự tế nhị đặc biệt của tấm lòng người Mẹ, trên sự mẫn cảm đặc biệt của Người, trên khả năng đặc biệt của Người biết tìm tới tất cả những ai đón nhận cách dễ dàng hơn tình thương xót từ một người Mẹ.
Công đồng Vatican II nói: “Kể từ sự ưng thuận bằng lòng tin của mình vào ngày Truyền tin và đã giữ nguyên không do dự ở dưới thập giá, Đức Maria vẫn không ngừng tiếp tục làm Mẹ như thế trong nhiệm cục ân sủng cho tới khi tất cả những kẻ được chọn đạt tới vinh quang đời đời. Quả thế, sau khi Mẹ lên trời, vai trò của Mẹ trong công cuộc cứu chuộc không bị gián đoạn, bằng việc chuyển cầu không ngừng, Mẹ tiếp tục chuyển tải cho chúng ta những ơn bảo đảm sự cứu thoát đời đời. Chính lòng Từ Mẫu khiến cho Mẹ luôn chăm lo cho các anh em của Con mình khi họ chưa đi hết con đường hành hương, hay khi họ còn ở giữa những gian nguy và thử thách, cho tới lúc họ về tới quê hương vạn phúc”.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.