Đó là giây phút Mẹ đại diện từng người một và tất cả lịch sử trần gian này trước lời hỏi của Thiên Chúa. Và Đức Maria thưa lên lời “Xin vâng” và liền lập tức Hội thánh tuyên xưng : “Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú ở giữa chúng ta”
Trong thư Do thái, tác giả đã nói : “Đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri : Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con, mà Người đã đặt làm Đấng thừa tự tất cả mọi sự…” (Hr 1,1-2)
Cả hai câu sách thánh này đều qui về một biến cố độc nhất vô nhị trong toàn lịch sử, biến cố ngang qua đó, tất cả những thân phận của trần gian chúng ta và ý định của Thiên Chúa Hằng có được thể hiện hay bị từ chối thì có lẽ cả thân phân chúng ta cứ ở trong sự tối tăm, tội lỗi để rồi chết mà không biết mình đi về đâu. Cái chết chấm dứt tất cả mọi sự. Nên Thiên Chúa làm ra công cuộc cứu độ chúng ta ngang qua những biến cố rất lạ lùng, xét về mặt thời gian thì tầm thường, không ai để ý nhưng lại vực dậy và cưu mang tất cả lịch sử trần gian này.
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Truyền tin cho Đức Maria. Truyền Tin là gì? Trước khi Sứ thần đến và ngỏ lời với Đức Maria, Hội thánh không biết gì về Đức Mẹ cả, thậm chí Kinh thánh cũng không nói tới. Đức Mẹ đã sống làm sao? Đã trải qua thời thiếu nữ như thế nào? Nguồn gốc của Đức Mẹ? Hạnh phúc hay bất hạnh trong gia đình?
Nhưng lời chào của Thiên sứ khiến cho Hội thánh cảm nhận ngay từ khởi đầu, đó là : ơn của Thiên Chúa đã bao trùm thiếu nữ này “Hỡi Maria đầy ơn phúc”. Nghĩa là từ khởi đầu của định mệnh, Thiên Chúa đã can thiệp và đã bao trùm lên thân phận Đức Mẹ cách thế nào khiến cho con người này được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa. Như thế, tất cả lòng xót thương và ưu ái của Thiên Chúa đậu lại ở nơi Mẹ, để cuối cùng chuẩn bị cho việc Thiên Chúa gặp gỡ đích danh Mẹ và hỏi ý kiến Mẹ về chương trình của Ngài.
Với thân phận con cháu Eva, chúng ta không thể hiểu được đặc sủng đó là gì, bởi vì nơi chúng ta đầy ắp những ý nghĩ bất chính, những thao túng, những hắc ám trong tâm trí, những đổ vỡ mà chúng ta kinh nghiệm hàng ngày. Maria đau khổ, chắc chắn có điều đó, nhưng Maria không bao giờ kinh nghiệm cái đổ vỡ là gì, cái hắc ám, tối tăm trong tâm hồn là làm sao, vì ơn của Thiên Chúa đã bao bọc khiến cho người phụ nữ ấy luôn trong sáng nơi ân sủng và lòng mến thương của Thiên Chúa cách thế nào, làm cho người phụ nữ ấy như thể kết tinh công trình mà Chúa dựng nên.
Tạo thành và ý thức tự do là gì? Ấy là Thiên Chúa dựng nên người ta để người ta tìm kiếm và sống cho người mà thôi. Khi chúng ta mới mở mắt chào đời, Hội thánh và cha mẹ đã dạy chúng ta như vậy. Đức Maria trong thân phận làm người luôn luôn hướng về Thiên Chúa như vậy, vì ân sủng của Thiên Chúa đã đi trước Mẹ. Nhưng ân sủng đó không phải dành riêng cho Mẹ mà dành cho giây phút chúng ta mừng lễ hôm nay. Đó là giây phút Mẹ đại diện từng người một và tất cả lịch sử trần gian này trước lời hỏi của Thiên Chúa. Và Đức Maria thưa lên lời “Xin vâng” và liền lập tức Hội thánh tuyên xưng : “Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú ở giữa chúng ta”. Chúng ta bắt đầu được nhìn ngắm, được tiếp cận, được đối thoại vào trong chính gặp gỡ Thiên Chúa như Thiên Chúa muốn chứ không còn phải ngang qua môi giới nữa.
Vì thế, để chuẩn bị cho biến cố ngày hôm nay, thư Do thái đã gợi lại tất cả dòng lịch sử ngang qua đó, Thiên Chúa tìm hết cách để đến với người ta, dạm hỏi người ta. Kinh thánh đã nói rất đơn giản : đã nhiều lần, từ xưa kia, Thiên Chúa muốn tiếp cận với người ta. Ngài đã dùng các ngôn sứ là những môi giới để người ta nhận ra mối bận tâm bên trong của Người. Đó là Người muốn cứu độ tất cả chúng ta. Cái bận tâm đó không bao giờ Thiên Chúa nói ra hết được, bởi vì các môi giới chuyển đến cho nhân loại ý định của Thiên Chúa cũng chỉ là những mảnh phần đổ vỡ và yếu hèn như con người của chúng ta. Vì thế, người ta không bao giờ có khả năng đối thoại diện trực diện với Thiên Chúa được. Nên Thiên Chúa luôn can thiệp và mon men tới lịch sử để tìm hết cách mà gợi ý nơi lòng của người ta để người ta hướng về Ngài và tìm kiếm Ngài. Nhờ đó, khi nào Thiên Chúa can thiệp thì người ta nghe được đích danh lời của Người. Lời của Người từ nơi Cha và Con đến và lúc đó, người ta không còn nghe lời giới thiệu nữa mà là chính Thiên Chúa Hằng Có trở thành Lời ở giữa chúng ta.
Cho nên chúng ta hiểu : Maria là kết tinh của cuộc dọn đường đó, dọn đường từ khởi sự tạo thành ngang qua các ngôn sứ và lịch sử dân của Chúa cho đến ngày ơn của Thiên Chúa đến bao trùm lên người phụ nữ này. Điều đó hoàn toàn là tự do của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu mến và làm cho nhân loại đón nhận được lời của Người, nên Người đã ban ơn sủng đó cho Đức Maria. Thiếu nữ này đã luôn luôn hướng về Thiên Chúa bằng tất cả cuộc đời của Mẹ. Nên biến cố xảy đến hômnay trong cuộc đời của Mẹ là biến cố ngang qua đó treo lên tất cả vận mệnh của cuộc đời chúng ta. Và phải nói đến cái mong manh của việc Thiên Chúa được chấp nhận hay không, vì Thiên Chúa yêu mến trong tự do. Ngài muốn cho người ta đón nhận lòng yêu mến của Ngài cũng là tự do. Ngài không cưỡng ép ai bao giờ, vì Ngài đã dựng nên chúng ta là vậy.
Ơn của Đức Maria hôm nay không phải là ơn riêng cho ngài. Hội thánh không bận tâm về chức tước của Đức Mẹ. Chúng ta có khó khăn, vì hành trình của chúng ta có những kinh nghiệm đổ vỡ của thân phận làm người. Vì thế, chúng ta níu kéo những chức tước bên ngoài. Chúng ta lộ ra bên ngoài nhiều điều chúng ta không có bên trong. Bên trong trống vắng sự thiện, sự sáng, trống vắng Thiên Chúa. Ấy thế mà bên ngoài chúng ta thường bị cám dỗ níu kéo những chức tước bên ngoài.
Thiên Chúa lại không bận tâm các điều đó. Đức Maria cũng vậy. Ngài bận tâm việc trả lời Thiên Chúa. Nên chính lời thưa vâng đó đã nói lên tất cả con người thật của Đức Maria, nghĩa là Mẹ có đó để Chúa tự do hành động theo ý của Người. Mẹ có đó không có một chút đề kháng nào mà hoàn toàn là con người tự do thấy hết cả con người trong tâm linh, trong thể xác là luôn hướng về, đón chờ Thiên Chúa. Chúng ta gọi đó là điều Mẹ đã hoàn toàn bỏ ngỏ cho Thiên Chúa một cách tuyệt đối đến nỗi Thiên Chúa tự do làm theo ý của Người trên cuộc đời của Mẹ. Ý đó làm Mẹ liên đới với chúng ta để đón nhận lời Thiên Chúa thật sự. Từ đó, Lời Thiên Chúa đến ở với chúng ta trên mặt đất này. Mặt đất qua đi với hành trình của từng người, những vất vả, nhưng mau qua của nó, sống quá lắm là mấy chục năm. Chúng ta kinh nghiệm thân phận qua đi đó. Vì thế, Con Thiên Chúa muốn nói với chúng ta thì cũng phải nói bằng ngôn ngữ của con người. Do đó, ngang qua Maria, Thiên Chúa đã làm người.
Ngày hôm nay, chúng ta liên đới tất cả vào lời thưa “xin vâng” của Đức Maria. Lời xin vâng đó kéo Thiên Chúa đến với chúng ta thì cũng mời gọi chúng ta tiếp tục sống lời xin vâng đó cho đến khi Chúa hoàn tất cuộc sống của chúng ta trong vinh quang của Người. Nên tất cả căn cứ của lòng tin là nói lời “xin vâng” với Thiên Chúa. Xin vâng một cách không có gì cản trở nổi hoạt động tự do của Thiên Chúa. Khi con người xin vâng Thiên Chúa tận căn của mình và sống lời xin vâng đó thì con người trở thành lời thành tín với Thiên Chúa và sống trong ý định yêu thương của Người.Có lúc chúng ta làm nhiều công việc là chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng xét cho cùng, chỉ có một việc làm đẹp lòng
Thiên Chúa mà thôi : ấy là chúng ta vâng theo thánh ý của Thiên Chúa trong truyền thống của người Mẹ chúng ta là Maria đã “xin vâng”. Lời xin vâng đó đã đưa Mẹ tới chân thập giá, tới chỗ lãnh nhận chúng ta trong lời trối trăng của Con Mẹ. Lời xin vâng ấy nhất thiết cũng phải được thể hiện nơi những ai là con cái của Mẹ.
Nên chúng ta mừng lễ Truyền Tin cho Đức Maria thì chúng ta đọc được khuôn mặt đó, thay cho chúng ta, đã đón nhận Thiên Chúa. Qua khuôn mặt đó, Chúa thật sự ở với chúng ta ngày hôm nay. Vì thế, Thiên Chúa không còn là một Thiên Chúa xa vắng với chúng ta. Ngài đã đến thánh hóa chúng ta trong những biến cố hàng ngày. Thiên Chúa luôn ở cùng để chúng ta được sống trong tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta cám ơn Chúa vì Ngài đã yêu thương chúng ta. Chắc chắn chúng ta không quên cám ơn Đức Maria cách đặc biệt, vì chúng ta yêu mến cảm nhận “Mẹ nào con nấy”, “Con nhà nông, không giống lông cũng giống cánh”. Nếu Mẹ của chúng ta đã sống với Thiên Chúa như vậy, thì không có lý gì con cái của Mẹ lại sống theo lối khác được.
Với tình thương Thiên Chúa ban cho chúng ta, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta biết chiêm ngưỡng tâm hồn của Đức Maria. Nhờ vậy, tâm hồn chúng ta càng ngày càng nên giống Mẹ. Mỗi lần chúng ta đọc lời nguyện : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” là chúng ta lại nhắc nhớ tới biến cố căn bản này, biến cố đã làm cho Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Đó cũng là biến cố làm cho Chúa Yêsu trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng ta biết mình được Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, chúng ta lại nên chắc chắn hơn trên con đường nên thánh, con đường cứu rỗi. Chúa đã làm như vậy vì yêu mến và vì phần phúc đời đời của chúng ta.
Lm. Anphong Phạm Gia Thụy