Phỏng vấn với tờ Il Regno: “Hòa bình trên lợi ích quốc gia”. Về vấn đề Châu âu, “Thờ ơ vấn đề nhập cư” và “Chủ nghĩa dân tộc bỏ qua Châu âu với các giá trị của nó”. Về vấn đề Trump: “Thời gian là cần thiết để đánh giá”. Về vấn đề Trung Quốc: “Đối thoại tích cực”.
“Triển vọng cho một giải pháp hòa bình và dân chủ đối với cuộc khủng hoảng phải được đặt lên trên bất kỳ lợi ích quốc gia hay đảng phái nào”. Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ nguyệt san Il Regno của Ý, được tờ Il Sole 24Ore đăng tải trước vào ngày 24 tháng 7. “Thứ Trưởng” Vatican, người đã viếng thăm Belarus vào năm 2015 và Ukraine vào năm ngoái, sẽ đến thăm Moscow vào cuối tháng 8 tới, khẳng định sự quan tâm của Tòa Thánh đối với Đông âu. Sự chú ý đã được đưa ra kể từ những ngày đầu tiên trong Triều đại Giáo Hoàng của mình, như Đức Bergoglio đã luôn kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin, đó là việc cố gắng thương lượng các giải pháp đối với cuộc khủng hoảng.
“Điều làm cho Đông âu quan trọng không chỉ vì nó nằm cạnh Châu âu”, ĐHY Parolin cho biết, “mà còn do vai trò lịch sử của nó trong nền văn minh, văn hoá và đức tin Kitô giáo”. Một số người chỉ ra rằng khi Thánh Gioan Phaolô II tưởng tượng ra một Châu âu từ Đại Tây Dương đến dãy núi Ural, không phải Ngài đề cập đến kiểu “chủ nghĩa bành trướng phương Tây” mà là một xã hội thống nhất hơn trên toàn thể lục địa”.
Về việc Nga trở lại trên chính trường quốc tế, từ Ukraine cho đến Syria, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh cho biết: “Ngày nay, sự khác biệt giữa các nước Phương Tây và Nga thường được nhấn mạnh như hai thế giới khác nhau, mỗi quốc gia đều có những giá trị riêng, những lợi ích riêng của họ, niềm tự hào quốc gia hay quốc tế, và thậm chí cả sự khác biệt về khái niệm luật pháp quốc tế của riêng từng nước”. Trong bối cảnh tương tự, hỗ trợ cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa những quốc gia, có khả năng nổi lên như hai cực đối nghịch, thực sự là một thách đó lớn. Cuộc tranh đấu để hiểu nhau không đồng nghĩa với sự quy phục bên kia, mà là “sự đối thoại kiên nhẫn, mang tính xây dựng, thẳng thắn, và đồng thời, mang tính tôn trọng lẫn nhau”. Cuộc đối thoại như vậy thực sự trở nên cấp bách hơn đối với những vấn đề về nguồn gốc của các cuộc xung đột hiện tại. Theo nghĩa này, vấn đề hòa bình và việc tìm kiếm các giải pháp cho các cuộc khủng hoảng khác nhau đang diễn ra cần phải được đặt lên trên bất kỳ lợi ích quốc gia hay bất kì mọi đảng phái nào. Ở đây không có người chiến thắng hay thất bại. Việc lạm dụng những lợi ích riêng của mình, vốn là một trong những đặc điểm trong thời đại, hay sự trở lại với chủ nghĩa quốc gia, khiến chúng ta không thấy được khả năng của một thảm họa như thế nào. Tôi tin rằng đó là một phần trong sứ mạng của Tòa Thánh để nhấn mạnh vào khía cạnh đối thoại này”.
Về chính quyền mới của Mỹ do Donald Trump dẫn đầu, ĐHY Parolin mời gọi không vội vàng lên án, “Thời gian là hết sức cần thiết để có thể đánh giá”, “mọi thứ không thể vội vàng”. Một chính quyền mới, với những bất đồng và cá biệt, không chỉ vì những lý do chính trị, so với những điều trước đó, sẽ cần thời gian để tìm ra sự cân bằng của chính mình. Mọi phán xét hiện tại đều vội vã, thậm chí đôi khi sự biểu hiện không chắc chắn tự nó cũng có thể gây ra sự ngạc nhiên. Chúng ta hy vọng rằng Hoa Kỳ – và các quốc gia khác trên trường quốc tế – sẽ không từ bỏ trách nhiệm quốc tế của mình về những vấn đề đang thúc bách hiện nay. Chúng ta đang suy nghĩ đến những thách đố về khí hậu mới: việc giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu đồng nghĩa với việc cứu sống ngôi nhà chung, nơi mà chúng ta đang sinh sống, đồng thời giảm tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói mà hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tạo ra. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ về những cuộc xung đột đang diễn ra”.
Về tính hiệu quả hành động ngoại giao của Tòa Thánh, ĐHY Parolin cho biết, “hoạt động ngoại giao của Giáo hội Công giáo là hoạt động vì hòa bình. Đó hoàn toàn không phải là một hoạt động ngoại giao vì lợi ích cá nhân, cũng không mang tính chính trị, kinh tế, cũng không phải ý thức hệ. Đó là lý do tại sao Tòa Thánh có thể đại diện cho sự tự do lớn hơn những lý do của một bên đối với bên kia, cũng như cho thấy những rủi ro mà một tầm nhìn tự cho mình là điểm quy chiếu có thể gây ra cho tất cả mọi người”. Chuyến viếng thăm của ĐHY Parolin tới Belarus đã diễn ra trong khoảng thời gian có các lệnh trừng phạt, trong khi chuyến viếng thăm tại Ukraine đã xảy ra ngay giữa cuộc chiến tranh. Chuyến viếng thăm đó chính là dịp để mang lại sự liên đới của Giáo Hội và Đức Thánh Cha tới tất cả những người liên quan đến cuộc xung đột. Và để thể hiện điều này với thế giới, chúng ta đã trở nên gần gũi hơn với Donbass, nơi có nhiều người tị nạn, sử dụng “công cụ liên đới” với các nạn nhân của bạo lực, bất kể quốc tịch hay quan điểm chính trị của họ. ĐTC Phanxicô đã mở ra con đường bằng cách kêu gọi các Giáo hội Âu châu trợ giúp đất nước với một sự đóng góp mang tính cá nhân có giá trị thực sự. Nếu chúng ta bảo vệ phẩm giá của mỗi người và của tất cả mọi người, mà không chống lại bất cứ ai, thì “một cách nào đó” điều này là hoàn toàn có thể. Tòa Thánh không tìm kiếm gì cho chính mình. Tòa Thánh không ngừng nỗ lực truyền bá Phúc âm trước những thách đố và không thiếu những khó khăn, để các thế giới lân cận quay trở lại với việc đối thoại và chấm dứt việc để cho mình bị xé nát ra từng mảnh bởi thù hận hay thậm chí trước cả bom mìn”.
Đức Hồng Y Parolin cũng trả lời những câu hỏi liên quan đến chính trị gia Helmut Kohl, cựu Thủ tướng Đức vừa mới qua đời, và đã nắm lấy cơ hội để nói về châu Âu: “Chính trị gia Kohl nắm giữ ảnh hưởng mang tính lịch sử của việc tin vào lý tưởng Châu âu như một lý tưởng chính trị cụ thể”.
Sự sụp đổ của Bức tường Berlin và thống nhất nước Đức không phải là vấn đề chỉ liên quan đến nước Đức và lịch sử bi thảm của nó, mà còn là dấu hiệu của một đất nước đang phát triển, ở đó một quốc gia lớn như Đức có thể hoạt động một cách hợp pháp và thực sự có ích. Không phải là một Châu âu đã được Đức hoá, mà là một nước Đức đã được Châu âu hoá. Chính trị gia Kohl hiểu rằng, thậm chí cả việc hội nhập Châu âu, đến một mức độ nào đó, được sinh ra từ khối chính trị Đông-Tây. Châu âu phải tồn tại như một chủ thể chính trị chứ không phải chỉ là một chủ thể kinh tế ngoài những khối này. Ngày nay, có một ấn tượng cho rằng việc quay trở lại ý tưởng về Châu âu, vốn dường như đang hồi phục sau một thời gian dài của những cảm giác chống lại Âu châu, có thể sớm bị dừng lại. Rủi ro là chúng ta sẽ sử dụng Châu âu chỉ như là những mục đích quốc gia. Giống như nhiều người đang bàn tán, sau sự kiện Brexit, tốt hơn là nên ở lại ngôi nhà chung Châu âu, có lẽ mỗi nước đều có ngôi nhà riêng của mình. Chủ nghĩa dân tộc xuất phát từ cuộc khủng hoảng văn hoá và tôn giáo ở Châu âu, chấm dứt bằng việc bỏ qua Châu âu với các giá trị và triết lý của nó. Châu âu có một trách nhiệm không thể thay thế. Và khi lục địa này tỏ ra thờ ơ, như trong trường hợp vấn đề nhập cư, nó từ bỏ thực hiện một số việc tốt có thể thực hiện”.
Cuối cùng, ĐHY Parolin đã nói về Viễn Đông và về các cuộc đối thoại được tiến hành bởi Giáo hội Công giáo, đặc biệt với Trung Quốc, “Viễn Đông là một khu vực rộng lớn, phức tạp và đa dạng của thế giới. Trong nhiều thế kỷ, phần lớn nhân loại đã tiếp cận với Kitô giáo, và kết quả là với Giáo hội Công giáo. Những mối liên hệ văn hoá và tôn giáo cổ xưa với thế giới Á châu, ngày nay mang lại những dấu hiệu quan trọng cho cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hoá. Chắc chắn, ngày nay có những thách thức mới đã nảy sinh, đang chờ đợi các giải pháp mới và sáng tạo. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của Giáo Hội cũng giống như mọi khi, đó là một mục đích mục vụ: mang Thiên Chúa đến với con người và mang con người đến với Thiên Chúa. Cụ thể, Giáo hội Công giáo đòi hỏi quyền “tự do tuyên xưng đức tin của mình”, được đảm bảo vì lợi ích của tất cả mọi người và vì sự hòa hợp của toàn thể xã hội. Người Công giáo muốn sống một cách hòa bình đức tin của họ ở các quốc gia tương ứng với tư cách là những công dân tốt, tham gia vào sự phát triển tích cực của cộng đồng. Trong khuôn khổ này, tôi cũng nghĩ đến cuộc đối thoại kéo dài với các chính phủ của một số nước trong khu vực, bao gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đối thoại tự nó đã là một thực thể tích cực, mở ra cuộc gặp gỡ và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta đối diện với nó trong tinh thần của chủ nghĩa hiện thực lành mạnh, biết rõ rằng vận mệnh của nhân loại là, trên hết, nằm trong vòng tay quan phòng của Thiên Chúa”.
Minh Tuệ (theo lastampa.it)