Đức Hồng YJean-Marc Aveline: Chuyến viếng thăm Marseille của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mang lại “Bức tranh khảm Hy vọng mới” cho khu vực Địa Trung Hải

Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline trong khu vườn thuộc Tòa Giám mục Marseille, tháng 8 năm 2022 (Ảnh: NICOLAS TUCAT/ AFP)

Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline trong khu vườn thuộc Tòa Giám mục Marseille, tháng 8 năm 2022 (Ảnh: NICOLAS TUCAT/ AFP)

Khoảng 70 Giám mục Công giáo từ khoảng 30 quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải sẽ tập trung tại thành phố cảng Marseille, miền nam nước Pháp vào ngày 17 tháng 9 trong cuộc họp kéo dài một tuần lễ để trao đổi quan điểm về các vấn đề chung ảnh hưởng đến quốc gia của họ, chẳng hạn như tình trạng di cư hàng loạt.

“Nhưng chúng tôi không muốn tách vấn đề về dòng người di cư khỏi những thách thức khác đặc trưng cho khu vực Địa Trung Hải”, Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline, người chủ trì phiên bản thứ ba của “Hội nghị Địa Trung Hải” do Giáo hội bảo trợ, cho biết.

Vị Tổng Giám mục 64 tuổi của Địa phận Marseille, người mới nhận mũ đỏ cách đây 13 tháng, chỉ ra rằng ngài và các anh em Giám mục tại “MED 32” cũng sẽ xem xét “sự chênh lệch kinh tế và nghèo đói, các vấn đề về môi trường và khí hậu, căng thẳng địa chính trị-tôn giáo và đối thoại liên tôn”.

Chủ đề của cuộc họp mặt kéo dài một tuần lễ là “Bức tranh khảm Hy vọng” và sự kiện sẽ bao gồm một lễ hội văn hóa Địa Trung Hải, cũng như sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong những ngày cuối cùng – từ ngày 23 đến 24 tháng 9.

Đức Hồng Y Aveline đã chia sẻ với Christophe Henning của La Croix về việc Marseille đã được chọn để tổ chức sự kiện độc đáo này như thế nào và sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các tham dự viên tham gia sự kiện và người dân trong khu vực.

Marseille sắp tổ chức cuộc họp lần thứ ba của các Giám mục Địa Trung Hải. Những thách thức cho cuộc họp này là gì?

Có rất nhiều thách thức, nhưng tất cả đều có thể được tóm tắt trong từ “hiệp thông”. Tại hai cuộc họp mặt đầu tiên của các Giám mục từ khắp Địa Trung Hải, tại Bari vào tháng 2 năm 2020 và sau đó ở Florence vào tháng 2 năm 2022, tôi đã có thể đánh giá cao tầm quan trọng của việc có thể trao đổi quan điểm với nhau về đặc điểm sứ mạng của Giáo hội ngày nay đối với mỗi địa phương của Địa Trung Hải.

Chúng tôi đã có thể nói về những thách thức mà chúng tôi chia sẻ, mặc dù chúng tôi trải nghiệm chúng theo những thực tế khác nhau, cũng như nhận thức được những nguồn lực chung mà chúng tôi có ở khu vực địa lý cực kỳ đặc biệt này. Bằng cách hiểu nhau hơn, chúng tôi cũng có thể tạo nên những mối liên kết chắc chắn sẽ phát triển. Cuộc gặp gỡ ở Marseilles sẽ giúp chúng tôi củng cố và thậm chí mở rộng sự hiệp thông này trong việc phục vụ công cuộc truyền giáo ở Địa Trung Hải, vì chúng tôi sẽ có gần 70 Giám mục.

Làm thế nào Marseille lại được chọn?

Marseille là một thành phố cảng Địa Trung Hải điển hình. Từ lâu, họ đã học cách chào đón tất cả các nền văn hóa và tôn giáo có thể tìm thấy ở Địa Trung Hải và hơn nữa. Trong các cuộc trò chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi đã có thể giải thích cho ngài về sự độc đáo của thành phố này, sự giàu có và nghèo nàn của nó, đồng thời thảo luận với ngài về những thách thức mục vụ mà chúng tôi phải đối mặt cũng như cách thức mà chúng tôi đang nỗ lực tiến về phía trước một cách khiêm tốn. Ngài hiểu rằng Marseille nằm ở một trong những vùng ngoại vi mà ngài vô cùng quan tâm, giữa Châu Âu và Địa Trung Hải, cửa ngõ phía Đông và cửa ngõ phía Tây, đặc trưng bởi cả sự nghèo đói cùng cực lẫn niềm hy vọng lớn lao.

Về phần mình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức Hồng Y Bassetti, người đã khởi xướng các cuộc họp ở Bari và Florence, nói với tôi rằng ngài muốn thấy tiến trình này tiếp tục diễn ra bên ngoài nước Ý. Vì vậy, cùng với người kế nhiệm ngài, Đức Hồng Y Zuppi, chúng tôi quyết định tổ chức những cuộc gặp gỡ này ở Marseille, và Đức Thánh Cha bảo đảm với tôi về sự ủng hộ và sự sẵn sàng của ngài.

Vấn đề người di cư có phải là trọng tâm trong các cuộc thảo luận của ngài không?

Tình hình của những người di cư rõ ràng sẽ xuất hiện trong tâm trí chúng tôi trong suốt tuần lễ của các cuộc thảo luận này. Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 109, mà chúng ta sẽ cử hành vào Chúa nhật, ngày 24 tháng 9, sẽ hướng dẫn công việc của chúng tôi.

Nó không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do di cư, mà còn của quyền tự do ở lại đất nước của mình. Và Đức Thánh Cha nêu rõ những sự hoán cải cần thiết để làm cho sự tự do kép này thực sự có hiệu quả. Chúng tôi sẽ phải suy nghĩ về điều này và chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một ý kiến hay nếu mời một số Giám mục đến từ châu Phi cận Sahara.

Nhưng chúng tôi không muốn tách biệt vấn đề về dòng người di cư khỏi những thách thức khác đặc trưng cho khu vực Địa Trung Hải: sự chênh lệch kinh tế và nghèo đói, các vấn đề về môi trường và khí hậu, căng thẳng địa chính trị-tôn giáo và đối thoại liên tôn.

Trong suốt tuần, chúng tôi sẽ có rất nhiều cơ hội để đề cập những thách thức này, đồng thời cùng nhau làm việc để tìm ra các nguồn lực có thể giúp chúng tôi giải quyết mọi thứ.

Marseille là một kiểu phòng thí nghiệm cho tất cả những vấn đề này, một mô hình thu nhỏ mang tính quốc tế cao, nơi tất cả những thách thức mà tôi vừa đề cập đều hiện diện. Tương tự như những gì Đức Gioan Phaolô II đã nói về Lebanon, tôi thường nghĩ rằng Marseille không chỉ là một thành phố: nó là một thông điệp, một nơi mang nặng sự đau khổ và niềm hy vọng cùng một lúc.

Chẳng phải cũng có một thách thức liên tôn mà ngài đang trải qua ở Marseille sao?

Vâng tất nhiên. Nhưng đó không chỉ là một thách thức, mà còn là một nguồn lực to lớn, khi những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, phải đối mặt với những vấn đề tương tự trong cuộc sống – đặc biệt là những vấn đề liên quan đến công việc, thất nghiệp, cuộc sống gia đình hoặc giáo dục con cái – mạo hiểm chia sẻ những lo lắng và hy vọng của họ, xây dựng những mối dây của sự tin cậy, học cách đối thoại, nuôi dưỡng tình bằng hữu và thúc đẩy tinh thần huynh đệ.

Đó không phải là một con đường dễ dàng, nhưng tôi có thể làm chứng rằng nó tồn tại và mang lại nhiều kết quả, trong khi vẫn khiêm tốn và mong manh. Như Đức cố Hồng Y Tauran thường nói, các tôn giáo là một phần của giải pháp thay vì là một phần của vấn đề, miễn là họ không để mình bị kéo xuống bởi những ý thức hệ lợi dụng họ.

Ngài mong đợi điều gì từ Đức Thánh Cha Phanxicô?

Với tư cách là Tổng Giám mục Địa phận Marseille, tôi rất vui mừng khi thấy thông báo về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tạo ra một phản ứng yêu mến rộng rãi. Và vì Đức Thánh Cha đã chọn chỉ đến Marseille trong chuyến đi này nên toàn thể nước Pháp sẽ đến đây để cầu nguyện cùng với ngài trong Thánh lễ tại sân vận động Orange Vélodrome. Và khi làm như vậy, Đức Thánh Cha sẽ thu hút sự chú ý của cả đất nước chúng ta về những thách thức mà bờ biển Địa Trung Hải đang phải đối mặt.

Nhiều hiệp hội, những người hoạt động chính trị, văn hóa và giáo dục xã hội làm việc ở Địa Trung Hải sẽ có mặt trong suốt tuần lễ này, đặc biệt là nhờ một lễ hội hoành tráng dành cho tất cả mọi người, và điều rất quan trọng là Giáo hội đóng góp vào công việc to lớn này.

Hơn nữa, các Giám mục Pháp sẽ có thể tạo dựng mối liên kết với các Giám mục huynh đệ của họ từ tất cả các Giáo phận ở Địa Trung Hải, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, cùng nhau lắng nghe lời mời gọi của Chúa Thánh Thần và hiệp thông trong sứ mệnh và hy vọng. Theo quan điểm của tôi, đây là những vấn đề then chốt liên quan đến sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Địa Trung Hải ở Marseille!

70 Giám mục sẽ tranh luận trong nhiều ngày: họ có biết nhau đủ rõ để tiến hành những cuộc đàm luận này không?

Một số người quen biết nhau, nhưng không phải tất cả. Đây là lý do tại sao chúng tôi sẽ dựa vào một phương pháp hiệp hành, để cùng nhau tiến bước bằng cách suy niệm Lời Chúa, bằng cách lắng nghe nhau về tình hình ở mỗi bờ biển của chúng tôi, bằng cách cố gắng nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng tôi, đặc biệt bằng cách thu thập những suy nghĩ của sinh viên và các chuyên gia trẻ tuổi từ khắp Địa Trung Hải, thuộc mọi quốc tịch và tôn giáo, những người cũng sẽ có mặt trong suốt tuần lễ.

Chúng tôi sẽ sẵn sàng đưa ra các đề xuất cụ thể bằng cách thảo luận các phương pháp hay nhất; chúng tôi cũng sẽ cố gắng cung cấp cho mình những phương tiện cho một quá trình suy tư và hành động trong những năm tới, nhằm phục vụ dân Chúa được ủy thác cho sứ vụ của chúng tôi.

Địa Trung Hải, “một bức tranh khảm trong đó mỗi phần đều cần thiết cho sự độc đáo và vẻ đẹp của bức tranh tổng thể” (Đức Thánh Cha Phanxicô, bài phát biểu tại Skopje, ngày 7 tháng 5 năm 2019), một khu vực giàu có về nhiều tài nguyên nhưng bị suy yếu bởi vô số mối đe dọa, được mời gọi để mang thông điệp hy vọng cho Giáo hội và thế giới.

Bằng cách quy tụ tất cả những người có tinh thần thiện chí, vũ đài Marseille của Hội nghị Địa Trung Hải sẽ nỗ lực tạo ra một bức tranh khảm hy vọng mới!

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết