Hôm thứ Hai, Đức Hồng y Matteo Zuppi đã trở lại Moscow để gặp gỡ các nhà chức trách Nga như một phần trong sứ mệnh hòa bình được Đức Thánh Cha Phanxicô giao phó.
Theo Vatican, chuyến đi của Đức Hồng y Zuppi tới Moscow là để “đánh giá những nỗ lực tiếp theo nhằm thúc đẩy việc đoàn tụ gia đình cho trẻ em Ukraine và trao đổi tù nhân, nhằm đạt được hòa bình mà nhiều người mong đợi”.
Phát ngôn viên Vatican, ông Matteo Bruni, đã xác nhận vào ngày 14 tháng 10 rằng vị Hồng y người Ý đã bắt đầu chuyến thăm Moscow vào thứ Hai sau khi Bộ ngoại giao Nga công bố bức ảnh Đức Hồng y Zuppi bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng y Zuppi làm Đặc phái viên Giáo hoàng để “khởi xướng con đường hòa bình” giữa Nga và Ukraine vào tháng 5 năm 2023.
Chuyến thăm Moscow của Đức Hồng y Zuppi diễn ra vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong buổi tiếp kiến riêng kéo dài 35 phút tại Điện Tông Tòa của Vatican hôm thứ Sáu tuần trước — cuộc gặp thứ ba của họ kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra.
Đây là chuyến đi thứ hai của Đức Hồng y Zuppi tới Moscow kể từ khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu. Đức Hồng y Zuppi cũng đã đến thăm thủ đô của Nga trong 48 giờ vào tháng 6 năm 2023, trong đó ngài đã thảo luận về các sáng kiến nhân đạo với Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill cũng như các quan chức chính phủ, bao gồm Yuri Ushakov, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin.
Trong chuyến đi trước tới Moscow, Đức Hồng y Zuppi cũng đã gặp gỡ bà Maria Lvova-Belova, Ủy viên của Tổng thống Putin về quyền trẻ em. Vatican News đưa tin rằng trọng tâm của cuộc gặp gỡ của Đức Hồng y Zuppi với bà Lvova-Belova là “vấn đề hơn 19.000 trẻ vị thành niên Ukraine bị cưỡng bức đưa sang Nga”, một vấn đề mà Tổng thống Ukraine Zelenskyy đã đề nghị Tòa Thánh giúp đỡ.
Cơ quan tin tức thuộc sở hữu của Vatican lưu ý rằng “nhờ kênh do Đức Hồng y Zuppi mở ra, một số trẻ em Ukraine bị lực lượng chiếm đóng đưa sang Nga đã có thể trở về nhà”.
Trong khi giữ vai trò Đặc phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y Zuppi đã thực hiện một số chuyến thăm ngoại giao khác trên khắp thế giới để thúc đẩy hòa bình giữa Nga và Ukraine, bao gồm các điểm dừng chân tại Kyiv, Bắc Kinh và Washington, D.C.
Đức Hồng y Zuppi có mối liên hệ chặt chẽ với Sant’Egidio, một hiệp hội giáo dân Công giáo đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Vatican cho biết sứ mệnh của Đức Hồng y Zuppi không có mục tiêu trước mắt là làm trung gian hòa giải.
Nga và Tòa Thánh đã khôi phục quan hệ ngoại giao toàn diện vào năm 2010 sau khi duy trì quan hệ ngoại giao hạn chế kể từ năm 1990.
Một ngày sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Đại sứ Nga sắp mãn nhiệm Aleksandr Avdeyev khi ngài thực hiện chuyến thăm bất thường tới Đại sứ quán Nga vào ngày 25 tháng 2 năm 2022. Vatican cho biết Đức Thánh Cha đã đến Đại sứ quán “để thể hiện sự bận tâm của mình đối với cuộc chiến”.
Sau đó, vào tháng 9 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã tham gia vào một cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, bao gồm việc gọi cho Đại sứ Avdeyev “để xem liệu có thể làm được điều gì đó, liệu có thể đẩy nhanh việc trao đổi tù nhân hay không”.
Đức Thánh Cha đã lên án chiến tranh và đồng thời nhiều lần kêu gọi hòa bình ở Ukraine nhưng cũng thỉnh thoảng bị người dân Ukraine chỉ trích vì cách ngài thể hiện. Vatican đã minh định vào tháng 8 năm 2023 rằng Đức Thánh Cha không có ý định ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga khi phát biểu ứng khẩu trong một cuộc gặp gỡ trực tuyến với giới trẻ Nga.
Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã phát biểu với Ủy viên Nhân quyền Nga Tatiana Moskalkova qua cuộc gọi video vào ngày 16 tháng 9, trong đó ngài cảm ơn thanh tra viên Nga về vai trò của bà trong việc trả tự do cho 2 Linh mục người Ukraine, thảo luận về việc trao đổi tù nhân và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ “các quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong các Công ước quốc tế”.
Vào cuối bài phát biểu trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phó thác Ukraine cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Fatima và đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến tranh.
“Tôi kêu gọi để người dân Ukraine không bị chết cóng. Hãy chấm dứt các cuộc không kích nhắm vào dân thường, những người luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hãy chấm dứt việc giết hại những người vô tội!”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu ngày 13 tháng 10.
Hoàng Thịnh (theo CNA)