Đức Hồng y Matteo Maria Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, chia sẻ với Vatican News về lời mời gọi của Đức Thánh Cha Lêô XIV nhằm triển khai một đường hướng mục vụ hòa bình tại mọi Giáo phận.
Sau cuộc gặp gỡ với Đại sứ Nga cạnh Tòa Thánh, Đức Hồng y Matteo Maria Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý (CEI), đã đến thăm trụ sở của Vatican News để thực hiện một cuộc phỏng vấn xoay quanh chủ đề hòa bình.
Cuộc trò chuyện đề cập đến nhiều vấn đề mở đầu bằng những phát biểu của Đức Thánh Cha Lêô XIV với các Giám mục Ý trong buổi tiếp kiến tại Vatican ngày 17 tháng 6. Dịp ấy, Đức Thánh Cha đã đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng và hết sức kịp thời, trong bối cảnh thời đại chúng ta đang sống, mời gọi mọi Giáo phận triển khai một sứ vụ mục vụ đặt trọng tâm vào hòa bình.
Kinh thưa Đức Hồng y Zuppi, Đức Thánh Cha Lêô đã bày tỏ sự trân trọng đối với sáng kiến “các trường học hòa bình”, một kinh nghiệm đã hiện diện tại một số Giáo phận, nhưng ngài cũng nhấn mạnh rằng, theo một nghĩa nào đó, đây là một nhiệm vụ cấp bách dành cho tất cả mọi người. Ngài đã đón nhận lời mời gọi của Đức Thánh Cha như thế nào, và cụ thể điều gì đang được cân nhắc để hiện thực hóa lời mời gọi đó?
Điều quan trọng – và tôi xin cảm ơn vì câu hỏi này – là chúng ta cần có những khoảnh khắc đối thoại, để có thể thảo luận về những chủ đề mà hôm nay, tôi cho rằng mang tính quyết định và kịch tính; bởi lẽ chúng ta không thể giới hạn mình trong những cuộc thảo luận mang tính học thuật về hòa bình, mà cuối cùng sẽ là một cuộc đối thoại giữa những người đang an nhàn nói về cách làm sao để càng thoải mái hơn. Không, đây là một cuộc thảo luận bi thảm, đối diện với muôn vàn cuộc chiến, bạo lực tàn khốc, và thứ logic của tái vũ trang – nghĩa là nuôi dưỡng chiến tranh – và tư duy cho rằng chỉ có vũ khí mới là cách ngăn ngừa hoặc mang lại hòa bình.
Do đó, lời mời gọi của Đức Thánh Cha thực sự đối đầu với một hiện trạng mà chỉ những ai vô trách nhiệm mới có thể cho là có thể chấp nhận được, và đôi khi, tôi thấy hình như có những người vô trách nhiệm thực sự, chẳng hạn, những người luôn nghĩ rằng cuối cùng thì mọi sự sẽ ổn cả, mà không dám đối diện với thực tế. Như vậy, sẽ là vô trách nhiệm nếu không nêu lên vấn đề hòa bình, trong khi Đức Thánh Cha, với tinh thần trách nhiệm, đã yêu cầu chúng ta biến mọi cộng đoàn trở thành “ngôi nhà hòa bình”. Chính ngài đã dùng cách diễn đạt rất cụ thể và rất hiệu quả này: “ngôi nhà hòa bình”.
Vậy thì chúng ta cam kết gì? Trước hết, là cầu nguyện. Với tư cách là Hội đồng Thường trực của CEI, về điểm này, chúng tôi đã chọn dịp Lễ Hiện Xuống làm cơ hội để khởi đầu, và từ đó tiếp tục tìm kiếm những dịp khác để quy tụ mọi cộng đoàn. Hiện Xuống là thời khắc quy tụ muôn dân trong cùng một Thần Khí – hoàn toàn đối lập với Babel – và chúng tôi muốn dịp trở thành một lời kêu gọi hòa bình tuyệt vời.
Vì vậy, cầu nguyện, và rồi là chào đón và liên đới. Bởi chính trong việc chào đón, người ta tìm được phương dược chữa lành cho bạo lực, cho chiến tranh; và sự liên đới là điều không thể thiếu để nâng đỡ những người đang bị cuốn vào cơn bão chiến tranh. Tôi xin kể một ví dụ có sự tham gia của nhiều tổ chức Caritas đã đem lại niềm vui lớn lao cho cả người đón tiếp và người được đón tiếp: các em thiếu nhi đến từ Ukraine trong những “kỳ nghỉ hòa bình”, một thời gian ngắn để các em được sống trong yên bình, tránh xa chiến tranh. Cách riêng, tôi nghĩ đến các em đã được các em thiếu nhi khác tham dự chương trình Estate Ragazzi (Trại Hè Thiếu Nhi) của Vatican chào đón – một sáng kiến tuyệt đẹp đã hiện diện từ nhiều năm nay dành cho con cái của đội ngũ nhân viên, nhờ công việc của Cha Franco Fontana. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha vì sự tiếp đón này.
Giáo xứ với tư cách là một “ngôi nhà hòa bình”, đồng thời là “trường học hòa bình”: vậy thì giáo dục có phải là con đường nền tảng, không thể né tránh, để kiến tạo hòa bình?
Chắc chắn rồi, đây là một thông điệp tuyệt đẹp từ Ngày Thế giới Hòa bình: giáo dục như là “tên gọi của hòa bình”. Bởi vì – cần phải cảnh giác – hiện nay, đáng buồn thay, cũng có một thứ giáo dục dẫn đến chiến tranh: đó là giáo dục về bạo lực, về sự hận thù, về sự vô minh, về những thành kiến… Tôi nghĩ đến những “anh hùng bàn phím”: theo tôi, đó cũng là một hình thức về sự hiểu biết, nhưng là giáo dục về chiến tranh.
Chiến tranh, thực ra, không bao giờ là thứ xảy ra đột ngột, nó không phải là một tia sét – nếu nó là một tia sét, nó là thứ phát sinh trong một môi trường, và điều đó xảy ra vì môi trường đó đã quá nóng, đã bị điện khí hóa, bởi trước đó đã không nhận được sự giáo dục hướng về hòa bình – mà giáo dục hòa bình chính là hành động ngược lại: làm cho con người hiểu biết nhau, tạo ra các mối dây liên kết, sự tôn trọng, sự lưu tâm, mạng lưới gặp gỡ.
Tôi tin rằng điều rất quan trọng, để xây dựng một “ngôi nhà hòa bình”, là mỗi ngày chúng ta phải rèn luyện một chút, chống lại quá trình tạo ra các “anh hùng bàn phím”, và thay vào đó, mở ra những tiến trình ngược lại: tại trường học, các lớp phụ đạo, tại các Giáo xứ. Tôi nghĩ đến những ví dụ tuyệt đẹp từ các lớp học ngoại khóa hoặc các lớp dạy tiếng Ý. Rất nhiều Giáo xứ và cộng đoàn tổ chức những lớp học này, bởi vì ngôn ngữ chính là cách đầu tiên giúp người ta cảm thấy thoải mái như đang ở nhà, như thể trao cho họ chiếc chìa khóa để bước vào nhà.
Tôi cũng nghĩ đến những trẻ em và thanh thiếu niên, một cách nghịch lý, vẫn bị xem như người ngoại quốc, dù các em chính là bạn học của con em chúng ta. Do đó, bổn phận tự nhiên của chúng ta là giúp đỡ các em, bảo vệ các em, hỗ trợ các em vượt qua những thiệt thòi, vốn do hoàn cảnh gia đình mang lại. Những dấu chỉ này – mà tôi nhìn thấy ở rất nhiều nơi – tôi tin rằng chính là khởi điểm của “sự hiểu biết” cần thiết để kiến tạo những trường học hòa bình. Đó là những thực tại đang sống và nuôi dưỡng các cuộc gặp gỡ, giúp người ta hiểu điều gì đang diễn ra, bởi vì trên thực tế, có quá nhiều sự thiếu hiểu biết, và vì thế, cũng có quá nhiều sự chia rẽ. Vì vậy, chúng ta phải nhấn mạnh vào giáo dục, kiến thức và thông tin đúng đắn.
Chiến tranh không phải là một tia sét, nó không bắt đầu từ lúc bóp cò, nhưng bắt đầu từ trước đó rất lâu – nó khởi đi từ chính trái tim con người, và liên quan đến chính lòng hận thù đang lớn dần, đang được khơi dậy. Theo nghĩa đó, “trường học hòa bình” mở ra những khả thể cho đối thoại, cho các cuộc gặp gỡ, cho tình huynh đệ, cho sự tiếp đón lẫn nhau, cho việc không e sợ người khác – tóm lại, cho tất cả mọi con đường dẫn tới hòa bình. Đức Thánh Cha Lêô XIV, khi nói về hòa bình, đã đi vào lĩnh vực của Học thuyết xã hội của Giáo hội. Đôi khi, người ta vẫn nghe thấy những phê bình cho rằng thay vì bàn đến những đề tài đó, Giáo hội nên tập trung vào việc loan báo Tin Mừng, nên nói về Thiên Chúa – như thể việc dấn thân trong những lãnh vực này làm giảm đi sự tinh tuyền của đức tin và việc loan báo Tin Mừng. Tôi nghĩ đến sự dấn thân của các Đức Giáo hoàng, đến các Thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, cho đến vấn đề môi trường – điều mà Đức Thánh Cha Lêô gần đây đã nhiều lần nhấn mạnh – nhưng những điều đó lại bị xem như là những khía cạnh “tùy chọn”: Giáo hội có thể làm, hoặc cũng có thể không làm. Nhưng chẳng phải đó là cách làm cho đức tin bị tách rời khỏi thực tại hay sao? Chẳng phải đó là sự chối bỏ căn nguyên sâu xa mang tinh thần Tin Mừng của tất cả những dấn thân đó sao?
Căn nguyên ấy rất rõ ràng: đó là việc Tin Mừng đi vào trong lịch sử, chứ không kéo chúng ta ra khỏi lịch sử. Vậy Giáo hội có sứ mạng gì? Giáo hội làm gì? Giáo hội rao giảng về Đức Kitô. Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã làm gì? Ngài chẳng làm gì khác ngoài việc rao giảng về Đức Kitô – ngài đã nói điều đó ngay từ đầu trong Tông huấn Evangelii Gaudium, trong đó từ đầu tiên đã đề cập trực tiếp đến kerygma, nghĩa là lời rao giảng về Đức Kitô.
Và loan báo về Đức Kitô chính là đi vào trong lịch sử, bởi vì luôn có một mối dây liên kết rất chặt chẽ giữa việc loan báo Tin Mừng và việc thăng tiến con người, giữa bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc của người nghèo, giữa việc dọn bàn tiệc Thánh Thể và việc chuẩn bị các bàn tiệc chăm lo cho tha nhân. Sự kết hiệp giữa tình yêu và chân lý, giữa việc loan báo và việc thăng tiến con người, không bao giờ được phép thiếu vắng.
Đôi khi, việc thăng tiến con người được đặt trước, rồi người ta mới hiểu được Tin Mừng; đôi khi, Tin Mừng được đón nhận trước, rồi người ta mở mắt ra và tự nhủ: Nhưng tôi phải yêu thương người anh em bé nhỏ nhất, nhận thức rằng chính Chúa Giêsu hiện diện nơi người ấy – chính Người là Đấng mình phải thăm viếng, tiếp đón, cho áo mặc, và phải nỗ lực loại trừ nguyên nhân khiến người ấy ở trong tình trạng đó, không có quần áo. Giữa hai hành động này có một sự thống nhất sâu xa. Đôi khi hai tiến trình ấy không đồng bộ, và cần phải tìm cách kết hợp lại, nhưng chúng giống như hai nhịp đập của con tim – tâm thu và tâm trương – chúng song hành với nhau. Tình yêu và chân lý, việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người là hai nhịp đập của con tim Giáo hội.
Trở lại với lời mời gọi của Đức Thánh Cha Lêô XIV về việc biến các Giáo xứ thành “những ngôi nhà hòa bình”. Liệu lời mời gọi này cũng có thể là cơ hội để suy tư về bản chất của Giáo xứ, về sứ mạng của Giáo xứ, và về sự cần thiết của sự thay đổi vốn cũng phải ảnh hưởng đến Giáo xứ hay không?
Chắc chắn là có, và tôi tin rằng các Giáo xứ đã và đang thay đổi rồi, đặc biệt là tại khu vực miền trung và miền bắc đất nước chúng ta. Hiện nay, hình thức Giáo xứ đơn lẻ – theo nghĩa số ít – hầu như đã trở nên hiếm hoi; đúng hơn, hầu hết đều là các “Giáo xứ” theo nghĩa số nhiều, và điều này cũng góp phần làm gia tăng sự hiệp thông. Khái niệm “Giáo xứ của riêng tôi” hầu như không còn nữa.
Tuy nhiên, điều cốt lõi là Giáo xứ thực sự phải là một ngôi nhà, trong khi đôi khi – và chúng ta cần phải nhìn nhận điều này – Giáo xứ lại trở thành một nơi vô danh. Thách đố lớn là phải dệt nên tình huynh đệ, xây dựng cộng đoàn, khơi dậy sự hiểu biết lẫn nhau, và khả năng thiết lập các mối tương quan.
Chúng ta đã bao nhiêu lần nhấn mạnh đến chủ đề các mối tương quan. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những nhóm tự lực. Đó không chỉ là “dành thời gian bên nhau”, không phải một căn hộ, mà thực sự phải là một ngôi nhà. Tôi cố ý dùng một cách diễn đạt rất thân thuộc với Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: một ngôi nhà, nơi mọi người đều có thể cảm thấy mình đang ở nhà.
Tôi tin rằng đây là thách đố lớn của mọi thời đại, và hôm nay, tôi còn muốn nói là thách đó này còn lớn hơn bao giờ hết, trong một thế giới đang cô lập con người và đẩy chúng ta đối nghịch nhau. Ở Ý, cứ ba hộ gia đình thì có một hộ chỉ có một người – và con số này vẫn đang tăng – trong khi tỷ lệ sinh thấp khiến cho khái niệm “ngôi nhà” bị thu hẹp thành một căn hộ nhỏ hẹp.
Giáo hội, vì thế, phải là nơi mà bàn tiệc luôn rộng mở, và nơi mà mọi người – kể cả những ai sống đơn độc – đều có thể tìm thấy một chỗ ngồi, nơi họ khám phá ra rằng, trên thực tế, họ có thật nhiều anh chị em.
Đã hai tháng trôi qua kể từ khi Đức Thánh Cha Lêô đắc cử Giáo hoàng, một cuộc bầu cử theo một cách nào đó đầy bất ngờ. Ngay cả dưới góc nhìn thế tục, người ta cũng phải thành thực mà thừa nhận rằng có điều gì đó vượt ra ngoài khả năng giải thích của con người. Thật vậy, người ta phải đặt câu hỏi: Làm sao có thể có chuyện 133 vị – đến từ những xuất thân và ngôn ngữ khác nhau, phần lớn chưa từng gặp nhau – lại có thể, trong chưa đầy 24 giờ, chọn được Giám mục Rôma với số phiếu áp đảo như thế? Bắt đầu từ sự kiện mang tính lịch sử này, xin Đức Hồng y chia sẻ thêm về hai tháng đầu tiên của triều đại Giáo hoàng này…
Tôi cũng chia sẻ cảm nhận ấy – nếu được nói một cách dí dỏm: “thuật toán của chúng ta” luôn là thuật toán tuyệt hảo, không gì sánh được. Chính Chúa Thánh Thần là “thuật toán” tổng hợp tất cả. Đùa một chút thôi, nhưng tôi muốn nói rằng rõ ràng cuộc bầu cử này là nguồn mạch của niềm vui lớn lao – niềm vui vì đã có thể đáp lại sự chờ mong trong một thời gian rất, rất ngắn.
Hai tháng vừa qua, theo tôi, đã được ghi dấu bằng sự dịu dàng sâu sắc, một quyết tâm rõ rệt, và một khát vọng tiếp tục cuộc hành trình – như vẫn luôn xảy ra mỗi khi có một sự thay đổi. Truyền thống trong Giáo hội là một điều tuyệt diệu, bởi vì nó luôn tìm cách – và phải tìm cách – truyền đạt điều mình đã nhận được, trong sự liên tục, nhưng đồng thời cũng mở ra với những khác biệt riêng của từng vị Giáo hoàng. Tôi muốn nói với mọi người rằng: điều đúng với từng người trong chúng ta thì cũng đúng với từng vị Giáo hoàng.
Đó là lý do vì sao tôi thấy rằng đây thực sự là những tháng rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị cho các sự kiện của Năm Thánh – một thời gian đầy ắp những khoảnh khắc của sự sẻ chia, gặp gỡ, trong đó chúng ta cũng hiện diện với nhau cách thể lý, cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta đồng hành với Đức Thánh Cha Lêô bằng tình thân hữu, trước hết là bằng lời cầu nguyện, và bằng sự vâng phục. Bởi vì khi tôi nói rằng mọi người đều phải vâng phục Đức Giáo hoàng, thì tôi đang nói lên một điều vừa chân thật, vừa quan trọng. Rồi sẽ có người sống một thứ vâng phục –nói thế nào nhỉ – hơi lạ thường “Vâng, con đồng ý, nhưng chỉ với những gì con thấy đúng”. Nhưng như thế thì không ổn. Phải luôn luôn vâng phục Đức Giáo hoàng.
Phải vâng phục và đồng hành với ngài, làm cho ngài cảm nhận được sự gần gũi của chúng ta. Và tôi xin nhắc lại: trong bối cảnh của Năm Thánh này, đây là cơ hội để mọi người hiểu được vẻ đẹp của hành trình đức tin chúng ta đang sống, của một Năm Thánh được chuẩn bị để mang đến hy vọng, để trao ban niềm hy vọng.
Trong một thế giới như thời đại ngày hôm nay, tôi tin rằng Năm Thánh – Năm Thánh Hy Vọng – thực sự là một cơ hội lớn lao, một cơ hội phải được sống cùng với Đức Thánh Cha Lêô.
Minh Tuệ (theo Vatican News)