
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức Hồng y Matteo Maria Zuppi (giữa) tham dự Công nghị tấn phong các tân Hồng y tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 8 năm 2022, tại Vatican (Ảnh: Franco Origlia/Getty Images)
Đức Hồng Y Matteo Zuppi, vị Giám chức người Ý được Đức Thánh Cha Phanxicô giao nhiệm vụ lãnh đạo sứ mệnh hòa bình giữa Ukraine và Nga, sẽ đến Washington D.C. trong tuần này, Vatican thông báo.
Chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Zuppi diễn ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Biden thông báo rằng họ sẽ gửi thêm 800 triệu đô la vũ khí để hỗ trợ cuộc phản công của Ukraine – bao gồm cả “bom chùm” có vấn đề về mặt đạo đức đã bị hầu hết các quốc gia cấm, kể cả Tòa Thánh.
Đức Hồng Y Zuppi, người đã đến thăm cả Ukraine lẫn Nga, sẽ có mặt tại thủ đô Hoa Kỳ từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 7 và sẽ được tháp tùng bởi một quan chức từ Phủ Quốc Vụ Khanh của Vatican.
“Chuyến viếng thăm diễn ra trong bối cảnh sứ mệnh thúc đẩy hòa bình ở Ukraine và nhằm mục đích trao đổi ý kiến và quan điểm về tình hình bi thảm hiện nay, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến nhân đạo nhằm xoa dịu nỗi đau của những người bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em”, theo nội dung tuyên bố của Vatican thông báo chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Zuppi.
Vatican chưa tiết lộ Đức Hồng Y Zuppi sẽ gặp gỡ ai trong chuyến viếng thăm ba ngày của mình.

Vào ngày 6 tháng 6 năm 2023, Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ukraine, Đức Hồng y Matteo Zuppi đã kết thúc chuyến viếng thăm hai ngày “ngắn nhưng căng thẳng” tới Kyiv, trong đó có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy (Ảnh: Vatican News/ YouTube)
Hoa Kỳ là nhà cung cấp hỗ trợ quân sự chính cho Ukraine kể từ khi nước này bị Nga xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã gửi 41,3 tỷ đô la viện trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu này, theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Đợt hỗ trợ mới nhất đã vấp phải sự chỉ trích từ Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB), cũng như các Hội đồng Giám mục từ các quốc gia khác, vì đưa bom chùm vào gói quân sự. Bom chùm là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với dân thường do chúng tạo ra tác động bừa bãi vào các khu vực rộng lớn và thường không phát nổ cho đến một thời gian dài sau khi va chạm.
123 quốc gia đã ký Công ước về Bom chùm năm 2008, trong đó cấm rõ ràng việc sử dụng, vận chuyển, sản xuất và tàng trữ bom chùm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, cùng với Nga và Ukraine, không phải là các bên ký kết công ước.
Trong một tuyên bố sau thông báo của chính quyền Biden, Đức Giám mục David Malloy, người đứng đầu Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng các Giám mục Hoa Kỳ từ lâu đã ủng hộ chính phủ Hoa Kỳ ký kết công ước.
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến các công ước về mìn sát thương và bom, đạn chùm, đồng thời khuyến khích tất cả các quốc gia cam kết tuân thủ các công ước này ‘để không còn nạn nhân của bom mìn nữa’”, Đức Giám mục Malloy viết.
“Trong khi công nhận quyền tự vệ của Ukraine, chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện cho đối thoại và hòa bình”, Đức Giám mục Malloy cho biết thêm. “Tôi cùng với Đức Thánh Cha ủng hộ và chia sẻ sự bận tâm và nguyện vọng đạo đức của ngài”.
Đức Hồng Y Zuppi đã đóng một vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy hòa bình giữa Ukraine và Nga kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu ngài lãnh đạo một sứ mệnh hòa bình thay mặt cho Vatican vào tháng 5. Đức Hồng Y Zuppi, là Tổng Giám mục Địa phận Bologna và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng xây dựng hòa bình có tầm ảnh hưởng Sant’Egidio, một hiệp hội giáo dân Công giáo đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia bao gồm Mozambique, Nam Sudan, Congo, Burundi và Cộng hòa Trung Phi.
Là một phần trong sứ mệnh hòa bình của mình, Đức Hồng Y Zuppi đã đến thăm Kyiv từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 6, gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo khác. Đặc phái viên của Giáo hoàng sau đó đã đến thăm Moscow từ ngày 28 đến 29 tháng 6, một chuyến đi bao gồm cuộc gặp gỡ với ĐứcThượng phụ Kirill, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga.
Minh Tuệ (theo CNA)