
Đức Hồng Y Matteo Zuppi, người từng giữ vai trò là Đặc phái viên của Đức Thánh Cha tại Ukraine và Moscow (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Đức Hồng Y Matteo Zuppi, người từng giữ vai trò là Đặc phái viên của Đức Thánh Cha tại Ukraine và Moscow, đã nhắc lại ưu tiên chính yếu là đưa trẻ em Ukraine trở về nhà của chúng, và đồng thời xác nhận rằng ngài đã hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình ở Ukraine và Moscow, Đức Hồng Y Matteo Zuppi cho biết rằng việc đưa trẻ em Ukraine trở về nhà là ưu tiên hàng đầu.
Điều này đã được nhấn mạnh bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý (CEI), Đức Hồng y Zuppi, người đã trả lời các câu hỏi của các nhà báo vào tối hôm thứ Ba. Đức Hồng y Zuppi cũng xác nhận rằng ngài đã hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến viếng thăm gần đây của mình tới cả Ukraine lẫn Nga để theo đuổi hòa bình và hướng tới việc giải quyết các vấn đề nhân đạo.
Những bình luận của Đức Tổng Giám mục Bologna được đưa ra bên lề buổi giới thiệu cuốn sách Il grido della pace (Tiếng kêu của Hòa bình) của tác giả Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio tại trụ sở chính ở Rôma.
Ưu tiên hiện tại, Đức Hồng y Zuppi giải thích, là “nỗ lực làm việc vì những người thiệt thòi nhất, như trẻ em”.
Đức Hồng y Zuppi đã bày tỏ sự quan tâm đến việc bắt đầu một cơ chế để giúp đỡ họ và đồng thời nhắc lại cam kết nhân đạo mạnh mẽ. “Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu với những người trẻ nhất, những người mong manh nhất”, Đức Hồng y Zuppi nói.
“Những đứa trẻ phải có thể trở về Ukraine. Do đó, bước tiếp theo trước tiên sẽ là kiểm tra bọn trẻ và sau đó xem xét cách thức đưa chúng trở về, bắt đầu từ những người mong manh nhất”.
Sự gần gũi với Ukraine
Đức Hồng Y Zuppi đã kết thúc sứ mệnh từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 6 tại Ukraine sau một lịch trình dày đặc bao gồm các cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự và tôn giáo, cũng như thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện và suy tư, tại quốc gia bị tàn phá bởi cuộc chiến đang diễn ra do cuộc xâm lược của Nga gây ra vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 .
Trong chuyến viếng thăm, Đức Hồng Y Zuppi đã cầu nguyện tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Sophia ở Kiev, và gặp gỡ Tổng thống Volodymyr Zelensky, cùng các đại diện chính trị khác. Chuyến viếng thăm thị trấn Bucha thể hiện một khoảnh khắc vô cùng xúc động đối với Đức Hồng Y Zuppi khi ngài cầu nguyện trước mộ của hàng chục thường dân đã bị quân đội Nga giết hại khi họ rút khỏi thủ đô vào tháng 3 năm 2022. Nhiều người trong số họ đã bị tra tấn và bị chôn trong những ngôi mộ tập thể.
Sau đó, Đức Hồng Y Zuppi đã có cuộc hội đàm với Dmytro Lubinets, Ủy viên Quốc hội Ukraine về Nhân quyền, để thảo luận về vấn đề trẻ em Ukraine ở các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng và tình trạng của các tù nhân, bao gồm cả thường dân.
Đức Hồng Y Zuppi cũng đã gặp đại diện của Hội đồng các Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo.
Khi kết thúc sứ mệnh vào ngày 6 tháng 6, một tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Kết quả của những cuộc hội đàm này, giống như những cuộc trò chuyện với các đại diện tôn giáo cũng như kinh nghiệm trực tiếp về sự đau khổ tàn bạo của người dân Ukraine do hậu quả của cuộc chiến đang diễn ra” sẽ được thông báo cho Đức Thánh Cha”. Sứ mệnh, tuyên bố tiếp tục, “chắc chắn sẽ hữu ích để đánh giá các bước tiếp theo sẽ được thực hiện cả ở cấp độ nhân đạo lẫn trong việc tìm kiếm con đường dẫn đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Như đã nêu trong một tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh trước ngày khởi hành đến Kyiv, Đức Hồng y Zuppi đã thực hiện sứ mệnh nhằm “đạt được một nền hòa bình công bằng và ủng hộ các cử chỉ nhân đạo vốn sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng”.
Chuyến viếng thăm Moscow
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Zuppi từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 6 tới Moscow, với tư cách là Đặc phái viên của Đức Giáo hoàng, là chuyến viếng thăm nhằm “xác định các sáng kiến nhân đạo có thể mở ra những con đường nhằm đạt được hòa bình”.
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh lưu ý rằng “Đức Thánh Cha đã được thông báo về kết quả của chuyến viếng thăm để xem xét các bước tiếp theo sẽ được thực hiện, cả ở cấp độ nhân đạo lẫn trong việc tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình”.
Trong thời gian ở đây, Đức Hồng Y Zuppi đã tham dự các cuộc gặp gỡ quan trọng, chẳng hạn như các cuộc gặp gỡ với Yuri Ushakov, Trợ lý của Tổng thống Liên bang Nga về các Vấn đề Chính sách Đối ngoại, và với Maria Lvova-Belova, Ủy viên Quyền Trẻ em của Tổng thống Liên bang Nga.
“Trong các cuộc gặp gỡ này”, tuyên bố viết, “khía cạnh nhân đạo của sáng kiến đã được nhấn mạnh mạnh mẽ, cũng như tính cấp bách để có thể đạt được nền hòa bình rất được mong muốn”.
Trong một chuyến viếng thăm ngắn đến Nhà thờ Thánh Nicholas ở Tolmachi, một phần của Phòng trưng bày Tretyakov, Đức Hồng y Zuppi, một thông cáo tiếp tục, “đã dừng lại để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Vladimir, Đấng mà ngài đã trao phó sứ mệnh của mình”.
Đặc phái viên của Đức Thánh Cha cũng đã có một cuộc gặp gỡ “hiệu quả” với Đức Thượng phụ Kirill của Moscow và Toàn nước Nga, người mà ngài “đã chuyển lời chào của Đức Thánh Cha cũng như thảo luận về các sáng kiến nhân đạo có thể tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình”.
Đức Hồng Y Zuppi, thông cáo của Tòa Thánh kết luận, cũng đã gặp gỡ các Giám mục của Hội đồng Giám mục Công giáo Nga, cùng với một nhóm đông đảo các linh mục và với sự hiện diện của các Đại sứ và Đại diện của Bộ Ngoại giao. Đặc phái viên của Đức Thánh Cha cũng đã chủ sự Thánh lễ đồng tế long trọng tại Nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Moscow.
“Đây là cơ hội để truyền đạt sự gần gũi, lời thăm hỏi và những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho cộng đồng Công giáo”, thông cáo cho biết.
Những bài học từ lịch sử
Trong buổi giới thiệu cuốn sách của tác giả Andrea Riccardi vào tối thứ Ba, Đức Hồng Y Zuppi đã nhấn mạnh việc “cuốn sách này hữu ích như thế nào cho đến ngày nay vì nó giúp chúng ta phát triển nhận thức về thời điểm chúng ta đang sống (..) và nhận thức rằng các giải pháp cho chiến tranh phải được tìm kiếm trong sự phức tạp của thực tế”.
Trên thực tế, Đức Hồng Y Zuppi cho biết thêm, chiến tranh “luôn là một sự thất bại đối với tất cả mọi người”. Chính vì lý do này, Giáo hội ngày nay cần phải có khả năng giúp đỡ “xã hội thực hiện con đường đi từ cái ‘tôi’ đến ‘chúng ta’ vĩ đại hơn”.
Tác giả Andrea Riccardi nhấn mạnh rằng về phía chính trị “chúng ta cần những suy nghĩ dài hơn và tầm nhìn rộng hơn, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực ngoại giao. Chúng ta cần tiếp thu lịch sử và ký ức, chẳng hạn như Chiến tranh thế giới thứ hai và Shoah (Nạn diệt chủng Holocaust )”.
Ông Riccardi kêu gọi nuôi dưỡng “văn hóa hòa bình”, đồng thời nhấn mạnh rằng nó “phải được phổ biến giữa tất cả mọi người”.
Thiên Ân (theo Vatican News)