Rõ ràng rằng các nhóm thiểu số chính là những người bị đe dọa nhiều nhất và các Kitô hữu là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria cho biết.
Syria đang trải qua “một thời khắc hết sức tồi tệ”, Sứ Thần Tòa Thánh,, Đức Hồng Y Mario Zenari, phát biểu với L’Osservatore Romano, đồng thời lưu ý rằng sự thất bại của ISIS đã không giải quyết được những vấn đề của quốc gia.
Trong khi đó, Giáo hội Maronite đã bày tỏ sự cảnh báo về “sự sụp đổ” của nó bởi vì số lượng ngày càng gia tăng những người dân Syria hiện đang tìm cách bỏ quê hương xứ sở của mình.
Tuy nhiên, cách đó khoảng 15 km về phía đông ở khu vực được gọi là Đông Ghouta, người ta nói về một trận chiến nảy nửa, bao gồm các cuộc bắn phá trên không và pháo binh liên tiếp, các cuộc giao tranh … Tình hình thực sự hết sức tàn phá”, ĐHY Zenari nói.
Chế độ Syria dường như đã quyết định chấm dứt cuộc kháng chiến ở các khu vực còn lại của quốc gia do các nhóm biệt lập của phe nổi dậy nắm giữ ở Đông Ghouta và Idlib ở phía bắc.
Khoảng 400.000 người sinh sống ở Đông Ghouta cùng với nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang vốn có liên quan chặt chẽ với Tổ chức Muslim Brotherhood hoặc Al Qaeda.
Các cuộc bắn phá chết chóc mới đây một lần nữa lại nổ ra vào ngày 26 Tháng Hai vừa qua bất chấp lệnh yêu cầu ngừng bắn từ LHQ và áp lực quốc tế.
Các cuộc không kích đã làm thiệt mạng hơn 550 người trong khu vực bị bao vây kể từ hôm 18 tháng Hai.
Mặc dù cường độ tấn công dường như đã giảm sút, nhưng những cáo buộc về các vụ tấn công hóa học đã được thực hiện sau khi 14 người đã thiệt mạng vì ngạt thở.
Vào tháng Giêng, phe nổi dậy cũng đã tái phát động cuộc oanh tạc của họ vào thủ đô, khiến cho nhiều người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Các khu phố của các Kitô hữu tại Bab Touma và Kassaa, vốn tiếp giáp về mặt địa lý gần nhất với Ghouta, đã đặc biệt bị ảnh hưởng.
“Các Kitô hữu hiện đang phải trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng đau khổ lại đang ảnh hưởng đến tất cả các nhóm”, ĐHY Zenari nói. “Có tới hàng trăm ngàn nạn nhân”.
“Mỗi nhóm đều đang than khóc vì những cái chết thương tâm của người thân của mình, đồng thời phải chứng kiến các trung tâm thờ phượng của mình bị phá hủy cũng như phải chịu đựng những hành động tàn ác. Các Kitô hữu không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng”, ĐHY Zenari cho biết thêm.
“mặc dù đã nói như vậy, đúng là một số khu vực đã bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Vì vậy, các Kitô hữu đã cảm thấy minhg bị nhắm mục tiêu. Có một cảm giác mạnh mẽ của sự sợ hãi và thất vọng”, ĐHY Zenari nói.
Nhìn về tương lai, “rõ ràng là các nhóm thiểu số chính là những người bị đe dọa nhiều nhất và các Kitô hữu là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất”, Đức Hồng y Zenari nói.
“Một số nhóm đã bắt đầu việc tổ chức để tự bảo vệ mình, nhưng các Kitô hữu đã lựa chọn việc không cầm vũ khí chiến đấu”, ĐHY Zenari cho biết thêm.
Trong vài tuần gần đây, cuộc sống đã trở nên chậm lại một cách trông thấy tại các khu vực của người Kitô hữu. Các vụ ném bom đạn thường bắt đầu vào khoảng đầu buổi chiều vào khoảng thời gian trẻ em đang rời trường học.
Một số học sinh đã bị giết hại hoặc bị thương tích và một số trường Công giáo đã đóng cửa.
Hơn nữa, người dân địa phương, những người dự đoán rằng cuộc giao tranh sẽ tăng cường gần Ghouta, đang tự hỏi liệu những khu vực nào sẽ an toàn hơn cho việc tạm trú.
“Các vụ ném bom hàng ngày đã giết hại nhiều người dân vô tội”, Đức TGM Maronite Samir Nassar Địa phận Damascus viết trong lá thư Mùa Chay của mình.
Đức TGM Nassar cũng đã đề cập đến một vụ tấn công tên lửa vào hồi tháng Giêng.
Do đó, một số lượng ngày càng tăng đối với những người dân Syria hiện đang cố gắng di cư sang nước ngoài “mặc dù điều này hiện đang ngày càng trở nên cực kì khó khăn”, một linh mục địa phương cho biết.
Đã có 12 triệu người Syri sống cảnh lưu vong. Cuộc di dân hiện vẫn đang tiếp diễn “với một tốc độ ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ và thanh niên [những người là đối tượng phải phục vụ quân đội]”.
“Do đó, có một sự thiếu hụt lao động trầm trọng”, Đức Tổng Giám Mục Nassar viết.
Khoảng 80% nhân viên bệnh viện đã rời khỏi nước này, trong đó có 90% là các bác sĩ”, Đức TGM Nassar cho biết. “60% những người bị thương đang chết dần chết mòn vì thiếu sự chăm sóc”.
“Tình hình hiện đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn và người dân đang bỏ đi mà chúng tôi không thể ngăn được họ hoặc thậm chí nói lời tạm biệt”.
“Hệ quả của nó quả thực hết sức đau lòng”, Đức TGM Nassar nói.
Tồi tệ hơn, triển vọng cho một “giải pháp hòa bình hiện vẫn còn xa xôi, và thậm chí đã bị đình trệ”, Đức TGM Nassar cho biết thêm.
“Thay vì phát triển lớn mạnh, hoạt động từ thiện hiện đang suy giảm do thiếu cơ sở hạ tầng và đội ngũ các nhân viên xã hội được đào tạo bài bản”, Đức TGM Nassar cảnh báo.
Tại Damascus, vào năm 2017, 828 gia đình đã được trợ giúp bởi Giáo hội Maronite so với con số 1.407 gia đình vào năm 2016.
“Sẽ có bao nhiêu gia đình sẽ ở đó vào năm 2018? Cảm giác tội lỗi đang bắt đầu áp đảo chúng ta”, Đức TGM Nassar cho biết.
“Thân thể Giáo hội đang dần suy sụp. Năm 2017, chỉ có 10 cuộc hôn nhân diễn ra thay vì con số 30. Chỉ có 7 người được rửa tội thay vì con số 40. Chúng ta sắp sửa bước sang một trang khác chăng?”, Đức TGM Nassar chất vấn.
Với tình hình kịch tính mà toàn bộ những người dân Syria hiện phải đối mặt, các nhà lãnh đạo Kitô giáo lại lắng nghe thấy sự báo động về sự sống còn của họ.
Trong cuộc phỏng vấn với L’Osservatore Romano, Đức Hồng y Zenari “một lần nữa lại đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ với giới truyền thông”.
“Mọi người thường nghĩ rằng chúng ta đang trở lại tình hình bình thường ở Syria sau sự thất bại của tổ chức ISIS, vốn đã bị đánh đuổi khỏi 90% lãnh thổ trước đây của nó.
“Tuy nhiên, ISIS chỉ là một phần, mặc dù là một phần cực kì nghiêm trọng, đối với vấn đề của Syria”.
“Vấn đề trọng tâm vẫn còn tồn tại. Các nhóm hiện diện tại Syria với tất cả những lá cờ của họ, các chiến binh và các quân chủng của họ không thể tự đồng ý với nhau”.
“Nhóm này thì chống lại tất cả các nhóm khác”, ĐHY Zenari nói. “Syria không thể bị lãng quên”.
Minh Tuệ chuyển ngữ