Đức Hồng Y Zen: "Dường như thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc không được tiến hành. Đó quả là một điều đáng mừng"

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 20-05-2017 | 05:14:07

Đức Hồng Y Joseph Zen nói rằng, trong sự tuyệt vọng để đạt được một thỏa thuận, các cố vấn của Đức Giáo Hoàng dường như muốn ‘thành công bằng bất cứ giá nào’

Học viện Salesian đã không thay đổi nhiều kể từ khi nó được xây dựng trên sườn đồi Hồng Kông vào những năm 1930. Nhưng thành phố xung quanh nó đã thay đổi đến nỗi không còn có thể nhận ra. Các dãy tòa nhà cao tầng, các trục đường chính và các trường học đã mọc lên dày đặc và lấn át Học viện này. Bản nhạc của một nơi tĩnh tâm tưởng chừng như yên bình tĩnh lặng như ngày nào giờ đây đã trở thành một bản giao hưởng của những tiếng khoan đinh tai nhức óc liên hồi, của những dòng xe cộ hối hả và tiếng la hét của những công nhân.

Cardinal Joseph Zen, 82, retired bishop of Hong Kong, addresses a rally outside government headquarters in Hong Kong, Sept. 24. Hundreds of students marched through the financial center chanting pro-democracy slogans and demands for free elections. (CNS photo/Liau Chung-ren, Reuters)

Đức Hồng Y Joseph Zen đã chào tôi ngay trước cửa Học viện Salesian. Tòa nhà khiêm tốn này là nơi ngài bắt đầu việc nghiên cứu vào năm 1948, khi ngài từ Thượng Hải đặt chân đến hòn đảo này chỉ một năm trước khi Mao Trạch Đông chiếm quyền kiểm soát đất liền. Sau khi ĐHY Zen từ nhiệm cương vị Giám mục Hồng Kông vào năm 2009, Ngài đã trở lại nơi mà ngài bắt đầu mọi thứ để nghỉ hưu.

 Đó không chỉ là khung cảnh xung quanh Học viện vốn đã có nhiều thay đổi trong suốt khoảng thời giant hi hành sứ vụ của ĐHY Zen. Vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, việc bàn giao lãnh thổ của Anh cho chính phủ Trung Quốc diễn ra theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”, cho phép Hồng Kông giữ lại nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và cơ cấu chính trị của mình.

“Tôi nghĩ rằng vào thời điểm bàn giao, đã có nhiều kỳ vọng khác nhau”, ĐHY Zen nói. “Một số rất lạc quan, một số lại bi quan. Cũng đã tồn tại lời hứa về ‘một quốc gia, hai hệ thống’. Nhưng tôi không bao giờ tin rằng nó có thể thực sự hiệu quả vì chế độ cộng sản đơn giản chỉ là không thể hiểu được hệ thống của chúng tôi. Thực tế là 20 năm kiểm soát của Trung Quốc cũng chính là 20 năm của những cuộc tranh đấu”.

Và ĐHY Zen – một người đã 85 tuổi phải đưa tay quanh tai để có thể nghe những điều người khác một cách rõ ràng hơn, luôn là một nhân vật đứng ở tiền tuyến cuộc chiến đó. 

Tính cách thẳng thắn của ngài tương phản với tính cánh của một nhân vật Kinh Thánh mà ngài yêu mến – Thánh Giuse, người mà Đức Hồng Y Zen mô tả là luôn trầm lặng và rất mực khiêm tốn. “Trong Kinh Thánh, Thánh Giuse đã chẳng nói một lời nào, nhưng tôi không thích như vậy. Tôi cảm thấy ghen tị với Ngài: vì tôi lúc nào cũng nói cả”.

Sau khi trở thành Giám mục Hồng Kông vào năm 2002, ĐHY Zen đã lãnh đạo Giáo phận trong việc lên án các đạo luật đề xuất ủng hộ sự kiểm soát của chính quyền trung ương từ Bắc Kinh. ĐHY Zen thậm chí đã tham gia một cuộc tuyệt thực nhằm phản đối việc cải cách giáo dục vốn có thể nhận thấy rằng Giáo Hội đã mất quyền kiểm soát đối với các trường học của mình. 

ĐHY Zen hối tiếc vì đã thất bại trong việc ngăn chặn việc thông qua luật giáo dục. “Thật không may, lúc đó người ta đã không nhận thức được những mối nguy hiểm”, ĐHY Zen nhấn mạnh. “Chỉ sau khi chính phủ bắt đầu thúc đẩy cái gọi là nền giáo dục yêu nước, mọi người mới nhận ra rằng: “À, việc kiểm soát giáo dục tách ra khỏi Giáo hội là bước đầu tiên, hiện nay bước thứ hai đang được tiến hành”.

Bất chấp thất bại này, ĐHY Zen vẫn tiếp tục vận động cho nền dân chủ và nhân quyền trong thành phố. Phản ánh về những tiến bộ đạt được thông qua hoạt động chính trị, ĐHY Zen nói: “Bằng cách nâng cao tiếng nói của chúng ta, tôi thiết nghĩ rằng chúng ta đã thành công trong việc cứu vãn một số thứ khỏi việc bị tổn hại bởi sự can thiệp của Bắc Kinh. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải từ bỏ thực tế rằng Hồng Kông rất suy yếu và tất cả những gì chúng ta có thể làm được đó chính là ngăn chặn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.

Là một người có những nguyên tắc rõ ràng, ĐHY Zen cho rằng việc đứng lên chống lại những bất công xã hội là một giáo huấn trọng tâm của Giáo hội Công giáo. ĐHY Zen cho biết ngài đã học được điều này từ một vị “giáo sư tài ba” trong suốt chín năm học tại Đại học Giáo hoàng Salesian ở Rôma vào những năm 1960. 

Một điều bất công mà ĐHY Zen đã luôn luôn lên tiếng phản đối đó chính là cuộc bách hại người Công giáo tại Trung Quốc. Sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải trước thời cộng sản, ĐHY Zen nhớ lại một thời thơ ấu không có những sự kì thị. “Ở Thượng Hải chúng tôi đã trải qua một cuộc sống đầy khó khăn trong thời kì chiến tranh với sự chiếm đóng của Nhật Bản, nhưng họ đã không can thiệp trực tiếp vào Giáo hội. Nhưng khi chế độ cộng sản tới thì chúng ta đã phải trải qua cuộc bách hại trong Giáo hội – một cuộc bách hại hết sức tàn khốc. “Khi cộng sản lên nắm quyền, tôi không thể trở lại Trung Quốc nữa. Tôi vẫn có thể liên lạc với gia đình nhưng phải rất cẩn trọng”.

Khi chế độ này bắt đầu trục xuất các nhà truyền giáo, giam giữ và hủy hoại các nhà thờ, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Rôma đã bị cắt đứt. Không có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào giữa hai bên kể từ năm 1951, điều mà ĐTC Phanxicô và Vatican đang mong muốn thay đổi.

Nhưng ĐHY Zen đã kịch liệt phản đối một thoả thuận đang diễn ra giữa Toà Thánh và chính quyền cộng sản, vốn nhằm thừa nhận tính hợp pháp của các Giám mục do chính phủ chỉ định thuộc Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) – Giáo hội chính thức.

“Theo lương tâm của tôi, tôi phải lên tiếng về những xã quyết của tôi”, ĐHY Zen nói, “bởi vì nó sẽ là một thảm hoạ nếu như họ chấp nhận một thỏa thuận sai lầm. Không có cải thiện nào đối với đời sống của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Chắc chắn nó sẽ đi ngược lại, và tôi không thể để điều đó xảy ra”.

Năm ngoái, ĐHY Zen đã phát biểu mạnh mẽ chống lại thỏa thuận này, ngài phát biểu với tờ Wall Street Journal rằng “với các Giám mục không danh chính ngôn thuận này, quý vị đang hủy hoại Giáo hội”. Nhưng đồng thời ngài cũng nhấn mạnh rằng ngài không phản đối cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Vatican. “Tôi chưa bao giờ phản đối việc đối thoại vì quý vị phải đàm phán thì mới có được một thỏa thuận. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh đó là hãy cẩn thận: kiểu thỏa thuận mà quý vị muốn đạt được đó là gì?”.

ĐHY Zen cũng khẳng định rằng ngài không chống lại tất cả mọi người thuộc Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc. “Không may là mọi người lại tạo ra sự phân biệt này giữa Giáo hội hầm trú và Giáo hội chính thức. Thậm chí ngay cả trong Giáo hội chính thức cũng có những người tốt trung thành với thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng”.

Điều dường như khiến cho ĐHY Zen nổi giận nhất đối với đề nghị được đưa ra đó chính là việc ngài và các Giám mục khác từ Trung Quốc đã bị bỏ quên khỏi cuộc thảo luận.

 “Tôi là một Hồng Y Trung Quốc”, ĐHY Zen nói. “Không có nhiều Hồng Y Trung Quốc. Chỉ có hai mà thôi – thế nhưng tôi lại chẳng hề biết gì!”.

Đức Benedict XVI đã bổ nhiệm ĐHY Zen, cùng với 30 vị khác, vào một ủy ban của Vatican về vấn đề Trung Quốc vào năm 2007. Tuy nhiên, ĐHY Zen cho biết rằng, kể từ khi Đức Phanxicô được bầu chọn làm Giáo Hoàng vào năm 2013, ủy ban này “đã biến mất”, mà không có bất cứ thông báo chính thức nào. ĐHY Zen đã gọi việc thiếu thông tin về vấn đề này của Rome “hoàn toàn là một sự bất chấp và đầy khiếm nhã”, đồng thời cáo buộc những người đã khuyên giải ĐTC Phanxicô trong vấn đề này vì đã không muốn lắng nghe người dân trong nội bộ dân chúng.

Đức Hồng Y Zen đã đập bàn khi ngài nói: “Làm sao họ có thể tin rằng họ hiểu rõ tình hình tốt hơn tôi được? Hay là họ cho rằng họ nắm tiinhf hình rõ hơn so với Đức Tổng Giám mục Savio Hon Tai-Fai, người đứng vị trí số hai trong Bộ Phúc Âm Hóa? Chúng tôi là những người Trung Quốc! Chúng tôi đã sinh sống tại Trung Quốc rất nhiều năm nay, giảng dạy trong các chủng viện, đã dành cứ sáu tháng mỗi năm ở đó và tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đó. Họ không tin tưởng chúng tôi. Họ không lắng nghe chúng tôi. Quả thực vô cùng khủng khiếp”. 

ĐHY Zen nói rằng các cố vấn của ĐTC Phanxicô dường như muốn “thành công bằng bất cứ giá nào” với một thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh. Nhưng ĐHY Zen nhấn mạnh rằng Giáo hội không được luồn cúi trước bất kỳ một chính phủ trần tục nào.

“Chúng ta vẫn còn rất nhiều sức mạnh trong Giáo Hội của chúng ta. Đó chính là sức mạnh về tinh thần. Vậy tại sao không tận dụng những sức mạnh này để củng cố vị thế của chúng ta? Tại sao họ không hiểu rằng nếu như chúng ta giữ vững lập trường của mình, chúng ta có thể làm được một điều gì đó, và chúng ta có thể đạt được điều gì đó?”. 

Bất chấp những lo ngại vào năm ngoái về thỏa thuận này, ĐHY Zen hiện tin tưởng một điều rằng viễn cảnh về một thỏa thuận với Bắc Kinh đã tan rã.

“Vào thời điểm này, dường như mọi việc không diễn ra”, ĐHY Zen nói. “Tôi đoán rằng thỏa thuận về việc lựa chọn các Giám mục đã sẵn sàng nhưng chưa ký kết. Tôi nghĩ rằng chính phủ muốn Tòa Thánh phải bằng lòng tất cả mọi thứ. Không chỉ về việc lựa chọn các Giám mục mà còn nhiều thứ khác để thực hiện việc kiểm soát Giáo hội. Nhưng những thứ khác lại là điều không thể. Vậy thì chính phủ từ chối ký kết. Vì vậy, đối với tôi đó là một chuyện đáng mừng”.

Sự cương quyết của ĐHY Zen đối với Bắc Kinh phản ảnh sự kiên định trong đức tin của bản thân ngài. Là một người Công Giáo kể từ khi sinh ra, ĐHY Zen cho biết ngài chưa bao giờ nghi ngờ về sự tồn tại của Thiên Chúa. “Tôi đã không phải chịu nhiều đau khổ vì đức tin của mình”, ĐHY Zen chia sẻ. “Mọi thứ đều suôn sẻ trong suốt cuộc đời của tôi. Chỉ trong thời giai vừa qua, thật đáng tiếc, tôi đã phải chiến đấu chống lại cả Vatican … Nhưng trong suốt cuộc đời tôi, đó là một quãng đời rất thoải mái, rất yên bình. Tôi thực sự không thể than phiền”.

ĐHY Zen đã tiết lộ lời cầu nguyện hằng ngày của mình cho khoảng thời gian 20 năm tới đối với đời sống của Giáo hội Công giáo tại Hồng Kông và lục địa. “Tôi cầu nguyện rằng, lạy Chúa, xin hãy củng cố những ai đang can đảm giữ vững đức tin của mình, xin thêm can cảm cho những ai đang do dự và cải hóa những người đã từ bỏ đức tin của mình trong thực tế”, ĐHY Zen chia sẻ với tôi.

“Có rất nhiều người Công giáo cần được trợ giúp. Những người mạnh mẽ cũng cần được trợ giúp, những người đang do dự cũng cần được trợ giúp và những người đang khủng hoanngr lại cần ơn hoán cải. Và rồi, cuối cùng đó chính là sự toàn thắng của Thiên Chúa”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết