Đức Hồng y Wuerl: ‘Chúng ta phải giải quyết thách đố của nạn phân biệt chủng tộc’

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 02-11-2017 | 17:50:49

Trong một bức thư mục vụ mới về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Đức Tổng Giám mục Washington đã khuyến khích các tín hữu Công giáo nhận thức về phẩm giá của mỗi con người và đồng thời giải quyết những thách đố – cả những thách đố rõ ràng ngay trước mắt lẫn những thách đố hết sức tinh vi không dễ nhận ra – được đặt ra đối với phẩm giá đó bằng nhiều hình thức phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử khác nhau tại Hoa Kỳ.

Cardinal_Donald_Wuerl_Credit_CBP_Photography_Public_Domain_CNA

Giáo hội Công giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc lên tiếng về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc – đặc biệt là trong Tổng giáo phận Washington, Đức hồng y Donald Wuerl, Tổng giám mục Washington, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với CNA. “Như tôi đã đề cập trong bức thư, vai trò đó thuộc về Giáo Hội để trở thành lương tâm của quốc gia. Đó chính là nhiệm vụ của chúng ta”.

“Khi nói đến những điều quan trọng như những gì đang xảy ra trong lãnh vực phân biệt chủng tộc, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng người dân của chúng ta, các linh mục của chúng ta, cần phải đưa ra một số chỉ dẫn về tâm linh và mục vụ”.

Quá trình viết bức thư, với tiêu đề “Thách đố của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày nay” đã bắt đầu từ nhiều năm trước, sau khi Thượng hội đồng Giám mục đã xác định chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự đa dạng như là những ưu tiên cần phải được Tổng Giáo Phận giải quyết, ĐHY Wuerl phát biểu với CNA. 

Ngoài ra, các phong trào nổi bật về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong nhiều năm qua, ngoài phong trào của các Giám mục Hoa Kỳ nhằm giải quyết nạn phân biệt chủng tộc trên khắp đất nước, đã chứng minh nhu cầu ban hành một lá thư mục vụ đề cập đến vấn đề này cho Tổng Giáo phận, ĐHY Wuerl cho biết. Bức thư này được gửi cho toàn thể hàng giáo sĩ, các tu sĩ và giáo dân trong Tổng Giáo Phận Washington.

Vào hồi tháng Tám, Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thành lập Uỷ ban đặc biệt chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhằm đối phó với nạn phân biệt chủng tộc trên toàn quốc, sau một vụ bạo lực xảy ra tại Charlottesville, Va. Các Giám mục cuối cùng đã ban hành một suy tư mục vụ chung về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vào năm 1979, “Anh chị em chúng ta với Hoa Kỳ” (Brothers and Sisters to Us).

Trong bức thư của mình, ĐHY Wuerl đã chỉ ra những hình thức “tinh vi” và “rõ ràng trước mắt” của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và đồng thời kêu gọi các tín hữu Công giáo nhận biết tất cả mọi hình thức phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong các cộng đồng Hoa Kỳ.

ĐHY Wuerl lưu ý rằng trong khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một vấn đề xã hội phức tạp, “có một điều gì đó chúng ta có thể làm được đối với vấn đề này thậm chí ngay cả khi chúng ta nhận ra rằng những điều chúng ta nói và những bước tiến chúng ta thực hiện sẽ không dẫn đến một giải pháp tức thời đối với một vấn đề vốn đã kéo dài nhiều thế hệ”. ĐHY Wuerl đặc biệt khuyến khích các tín hữu Công giáo nhận biết rằng có những bước tiến mà họ có thể thực hiện để có thể giảm thiểu nạn phân biệt chủng tộc.

ĐHY Wuerl đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã trải qua “tình trạng bóc lột và đàn áp các dân tộc bản xứ, những người châu Á, những người gốc La tinh, những người Mỹ gốc Nhật và những người khác, kể cả những người đến từ nhiều vùng khác nhau của Châu Âu”, nhưng đồng thời cũng lưu ý rằng những người Mỹ gốc Phi đã phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. “Ở quê hương chúng ta, bằng chứng sâu xa và bao quát nhất về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nằm ở tội lỗi của hàng trăm năm của nạn buôn người, nô lệ, phân biệt chủng tộc và những ảnh hưởng kéo dài mà nam giới, phụ nữ cũng như những trẻ em châu Phi phải hứng chịu”, ĐHY Wuerl viết. Ngày nay tình trạng phân biệt đối xử tiếp tục thông qua “sự thiếu hiểu biết”, “việc âm thầm ủng hộ những biểu hiện khác của sự kỳ thị” trong một số lĩnh vực của xã hội, cũng như việc thiếu tương tác với những người thuộc các tình trạng khác.

ĐHY Wuerl cho biết rằng những thành kiến về chủng tộc chính là “trở ngại cho sự thống nhất và đồng thời là gánh nặng đối với một số người phải gánh chịu. Nỗi đau mà nó gây ra đối với cuộc sống của người dân là rất thực tế”.

ĐHY Wuerl cũng chỉ ra “đời sống chứng nhân của những người Công giáo Mỹ gốc Phi, những người mà qua những thời kỳ nô lệ, phân biệt chủng tộc và kì thị chủng tộc xã hội vẫn trung thành một cách kiên định”, cũng như sự kiên trì đối với đức tin của các cộng đồng nhập cư “những người không bao giờ cảm thấy được chào đón trong các cộng đồng mà hiện nay họ gọi là quê hương”.

Để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc, ĐHY Wuerl nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rằng tất cả mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh và tương đồng với hình ảnh của Thiên Chúa, và đồng thời công nhận sự bình đẳng và phẩm giá cơ bản của họ như là một con người. ĐHY Wuerl cũng kêu gọi các giáo xứ và mọi tín hữu Công giáo chủ động chống lại việc phân biệt chủng tộc trong tất cả các Giáo xứ cũng như trong chính thâm tâm mỗi người, đồng thời khuyến khích những nỗ lực Phúc Âm hóa để “chào đón và tiếp cận với tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, văn hoá và quốc tịch”.

ĐHY Wuerl đã chỉ ra những sáng kiến trong Tổng Giáo Phận Washington, nơi tôn vinh sự đa dạng của Giáo Hội Công Giáo tại Tổng Giáo Phận Washington, chẳng hạn như việc cử hành Tháng Black History, các sự kiện về Đức Mẹ Guadalupe trong cộng đồng Latino, hoặc việc đào tạo các linh mục, các nhân viên Giáo hội và giáo viên về năng lực văn hoá cho hàng loạt những hòa cảnh khác nhau trong Tổng Giáo Phận.

ĐHY Wuerl cũng kêu gọi hành động xã hội nhằm giải quyết vấn đề tiếp cận nhà ở công bằng, việc không phân biệt đối xử tại nơi làm việc, và giáo dục vốn thực sự tôn trọng tính đa dạng và đồng thời cải cách hệ thống tư pháp hình sự.

“Việc bất khoan dung và phân biệt chủng tộc sẽ không biến mất nếu như không có một sự nhận thức chung và nỗ lực của tất cả mọi người. Chúng ta phải thường xuyên đổi mới cam kết để đẩy nó ra khỏi tâm hồn, đời sống và cộng đồng của chúng ta”, ĐHY Wuerl nói.

Trong khi Giáo hội và xã hội đã dần dần cải thiện phản ứng của mình đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong nhiều thế kỷ, thế những hiện vẫn còn rất nhiều công việc cần phải được thực hiện, ĐHY Wuerl nói. “Chúng ta đã làm điều này từ nhiều thế kỷ nay, nhưng mỗi thế hệ đều có thể xây dựng dựa trên những gì chúng ta đã học được”, ĐHY Wuerl cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNA. “Chúng ta không thể chỉ nói ‘cuối cùng chúng ta cũng đã hoàn tất tất cả mọi thứ’”.

ĐHY Wuerl cho biết rằng việc giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc, một cách nào đó, tương tự như những nỗ lực cần thiết đối với tính bất khả xâm phạm. “Chúng ta không thể nói tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của mình rằng ‘xem đây, tôi đã thực hiện điều này’, và xã hội không thể chỉ nói, ‘đây, chúng tôi đã thực hiện điều này’”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết