Đức Hồng y Turkson trao đổi về vai trò mới của ngài

  • Bác ái
  • Thứ Tư, 28-12-2016 | 08:11:48

Là Tổng trưởng của Thánh bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện, Đức Hồng y Peter Turkson từ Ghana sẽ coi sóc một cơ quan được hình thành từ sự kết hợp bốn hội đồng giáo hoàng.

“Siêu Thánh bộ” mới về Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 1 tháng Giêng năm 2017, do Đức Hồng y Peter Turkson của Ghana làm Tổng trưởng. Thánh bộ sẽ tập trung đặc biệt vào việc trợ giúp và đồng hành với anh chị em di dân, những người đang cần giúp đỡ, các bệnh nhân, anh chị em đang bị loại trừ và bị bỏ rơi bên lề xã hội, những tù nhân và người thất nghiệp, cũng như các nạn nhân của những cuộc xung đột vũ trang, thiên tai và tất cả những hình thức nô lệ và bị hành hạ.

Tất cả những nhiệm vụ trên đã được thực hiện bởi các Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Cor Unum, Chăm sóc Mục vụ cho Di dân, Chăm sóc Sức khỏe cho Công nhân, nay sẽ được Thánh bộ này thực hiện.

Trong buổi phỏng vấn vào ngày 1 tháng 12 năm 2016, Đức Hồng y Turkson đã trao đổi về vai trò của ngài như là Tổng trưởng của Thánh bộ mới này, cũng như bàn về các vấn đề khác, bao gồm hy vọng cùng làm việc với nội các của ông Trump, quan tâm về Những Mục tiêu Phát triển Lâu dài của Liên Hiệp Quốc, và việc làm thế nào để Thánh bộ mới này có thể gây được sự chú ý đặc biệt về những nguy cơ của nạn “thực dân hóa ý thức hệ”.

Kính thưa Đức Hồng Y, là Tổng trưởng của một Thánh bộ mới đang bắt đầu đi vào hoạt động, việc chuẩn bị và vai trò của Đức Hồng y là gì?

Đó là vai trò lãnh đạo Thánh bộ này. Thật sự tôi nghĩ cũng giống nhau, trước đây tôi được gọi là chủ tịch của một hội đồng giáo hoàng, bây giờ được gọi là tổng trưởng của một bộ. Tên gọi có thay đổi là để gọi người trông coi công việc.

Tầm nhìn của ngài là gì? Những vấn đề chính là gì? Và ngài sẽ thực hiện thế nào? 

Giống như các thánh bộ khác, nó phải có công việc và tầm nhìn. Vì Đức Thánh Cha đã thành lập Thánh bộ này trong hai ý hướng: Mối quan tâm của Hội Thánh về một trật tự xã hội được Tin Mừng hướng dẫn, và Thánh bộ này cũng là sự ứng đáp đầy quan tâm lo lắng của Đức Thánh Cha đối với anh chị em yếu đuối, dễ bị tổn thương và những ai đang cần sự giúp đỡ; một loạt những hiện trạng như di dân, nạn nhân của các vấn đề về nhân quyền. Tất cả những điều này cùng chung một bận tâm. Vì thế, một đằng Thánh bộ giúp anh chị em sống Tin Mừng cách triệt để, quan tâm đến một trật tự xã hội được Tin Mừng hướng dẫn. Đằng khác, Thánh bộ diễn tả mối quan tâm lo lắng của Đức Thánh Cha đối với những anh chị em đang cần sự giúp đỡ.

 Mặc dù nhắm đến hiệu quả công việc của Đức Hồng y, đối với một bộ lớn như thế này liệu có thể có những phản ứng ngược vì thường càng nặng tính bàn giấy càng kém hiệu quả?

Tôi nghĩ điều này tùy thuộc vào hình thức mà cơ cấu của bộ này có và những mô hình hoạt động nó sẽ dùng. Đối với chúng tôi, đây không đơn giản là việc sát nhập bốn hội đồng thành một. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đây không phải là một thứ tập đoàn, nối kết bốn lãnh vực lại với nhau và cố gắng cột chặt chúng lại để làm việc chung. Đối với chúng tôi, trước tiên từ lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng tôi xác định đây là sứ vụ của Hội Thánh trong trật tự xã hội, một Hội Thánh phục vụ của diakonia theo một cách thức mới; sau đó chúng tôi xét xem những dạng cấu trúc nào chúng tôi cần có để ứng đáp hay thực hiện sứ vụ này. Vì thế, đây không đơn thuần là gom các Hội đồng Di dân, Công lý Hòa bình lại với nhau.

Theo chỉ dẫn của Đức Thánh Cha nơi huy hiệu của Thánh bộ, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi nên hình thành một tầm nhìn mới của Hội Thánh về một trật tự xã hội theo một cách thức mới. Trong quá khứ, điều này được nhìn theo những mối quan tâm tách rời nhau, như chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân, chăm sóc mục vụ cho di dân, thuyền nhân và những đối tượng tương tự như thế. Tất cả những điều này dường như được xem như là các vấn đề hoàn toàn tách biệt. Tuy nhiên, nếu chúng ta lấy con người làm khởi điểm, làm trung tâm, và sau đó nhìn những hình thức khác nhau này đang cưu mang những người dễ bị tổn thương, những anh chị em thiếu thốn, nghèo nàn, thì cho dù ở dưới những hình thức nào, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng các công việc này thật sự thuộc về nhau.

Chẳng hạn như khi một anh em bị bệnh, chúng ta cần có sự kết hợp. Chúng ta tìm xem Hội Thánh thực hành việc chăm sóc mục vụ bệnh nhân thế nào, không chỉ dừng lại ở nơi bệnh viện, nhưng ở mức độ nào đó chúng ta còn cần phải biết khoa học kỹ thuật chữa trị ra sao, nghiên cứu thế nào, những hiểu biết mới về bệnh tình và tất cả những gì có thể xảy ra. Chúng ta phải quan tâm tất cả những điều đó.

Khi chúng ta nhìn thấy anh chị em di dân, những thuyền nhân mà chúng ta gọi là dân tị nạn, những người sống trong một môi trường không an toàn, hiềm thù và buộc phải ra đi – đó là thực chất của phong trào di dân. Phải chăng họ di chuyển để tìm một cuộc sống hơn, những di dân vì kinh tế? Phải di chuyển vì bạo động hay chiến tranh khiến họ chạy trốn khỏi nhà mình? Họ phải vượt biển? Điều gì xảy ra với họ khi một mình lênh đênh trên biển?

Đây đều là những điều Thánh bộ phải quan tâm đối với anh chị em mình, vì con người và những kinh nghiệm sống của con người giờ đây trở thành điểm trung tâm quy chiếu và học hỏi của Hội Thánh.

Đức Hồng y bảo con người là khởi điểm, nhưng ngài có thể gọi Đức Giêsu Kitô là khởi điểm thật không?

Vâng dĩ nhiên. Con người đạt được mạc khải trọn vẹn về bản chất và vinh quang của mình trong sự quy hướng về Chúa Kitô mà con người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Vì thế, quy hướng về Chúa Kitô là để tái khám phá định hướng; vì thế những hướng dẫn cho việc quan tâm và đối xử với con người cũng là chính Chúa Giêsu. Vâng, đặc tính quy Kitô này không thể chối từ. Đây là khởi điểm căn bản. Phương pháp là quy Kitô, nhưng đối tượng con người vẫn là đối tượng con người. Phương pháp ứng xử với con người là phương pháp quy Kitô.

Vì thế, thưa Đức Hồng y, liệu có phù hợp không nếu chúng ta làm rõ hơn nữa? Ví dụ thay vì gọi là Thánh bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện thì liệu chúng ta có thể gọi là Thánh bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Quy Kitô?

Thật đúng nếu bạn nhìn trong lăng kính Công giáo, nhưng bạn cũng biết công việc mục vụ xã hội của Hội Thánh không giới hạn cho Kitô hữu hay anh chị em Công giáo mà thôi. Trong quá khứ chúng ta gọi là Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Vậy đâu là đặc tính như Kitô trong tên gọi đó. Hay khi gọi là Cor Unum, đâu là đặc tính Kitô trong nên gọi này?

Đặc tính Kitô có xuất hiện trong phần giới thiệu về bản chất của Thánh bộ. Chính trong ý nghĩa đó Thánh bộ được hình thành. Vì thế, chúng ta có các tên gọi như Cor Unum, Mục vụ Chăm sóc Sức khỏe cho Công nhân và tất cả các tên gọi khác, và ngay lập tức người nghe có thể giải thích ý nghĩa tên đó từ quan điểm của Hội Thánh. Sau đó, chúng ta mới nói đến cơ cấu và các chức năng và vai trò của thánh bộ. Quả thật, tên gọi tự chính nó, nếu anh nhìn tất cả các thánh bộ của Tòa thánh Rôma, không có tên gọi nào có những từ nói về nguyên tắc hướng dẫn của nó.

Đức Hồng y nói gì về những tranh luận thường xuyên trong suốt 50 năm qua rằng Hội Thánh đã chuyển tập trung vào con người (chiều ngang) hơn là vào Chúa Kitô (chiều dọc)?

Chúng tôi cũng đã nghe điều này, nhưng theo tôi thật không phải chiều ngang hay chiều dọc. Chắc chắn, nếu anh nhìn vào các vấn đề mà Hội đồng Công lý và Hòa bình hiện nay đang thực hiện, một số người sẽ nói rằng chúng ta đang quan tâm đến các vấn đề trực tiếp chỉ liên quan đến những chuyển biến của xã hội. Nhưng thật sự trong tâm trí chúng tôi, đó không chỉ là những chuyển biến của xã hội. Trong cách thức chúng tôi phân tích và nghiên cứu các hiện tượng khác nhau trong xã hội, có thể có những chuyển biến khác nhau, nhưng điều gây cảm hứng cho công việc này đều đến từ Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Chính từ Hiến chế này, chúng tôi có những cảm hứng căn bản. Đó là một Hội Thánh luôn đồng hành với con người và những vấn đề của họ.

Hội Thánh hôm nay luôn đồng hành với con người mặc dù Hội Thánh cũng là một phần của nhân loại. Chính trong cách thức này chúng ta có thể nói: Bạn cho điều mà bạn thuộc về, và bạn thuộc về Hội Thánh. Điều này cũng giống như chúng ta nói rằng: người có tầm nhìn là người có sứ vụ.

Khi bạn có một cách thức khác để nhìn một sự việc, thì bạn có sứ mạng mang cách nhìn sự việc khác biệt ấy đến để biến đổi thực tại đó. Hội Thánh cũng thế: Hội Thánh là một phần của nhân loại, nhưng Hội Thánh lại được gọi và được mạc khải, Hội Thánh có một tầm nhìn mới khiến Hội Thánh có thể đồng hành cùng xã hội. Tuy nhiên, Hội Thánh không đơn thuần có chức năng đồng hành với xã hội hiểu theo nghĩa là trở thành một dạng năng động xã hội; Hội Thánh phải trở nên ở trong (immanent) xã hội. Đây chính là khía cạnh siêu việt hóa xã hội của Hội Thánh. Chúng ta có một tầm nhìn để từ đó đồng hành và siêu việt hóa xã hội. Bởi thế, trong tâm trí tôi, không bao giờ có sự tách biệt thế này hay thế kia, rằng trước đây chúng ta ở chiều dọc bây giờ chúng ta thuộc chiều ngang. Hội Thánh tự đặc tính của mình không bao giờ đơn thuần là ngang hay dọc.

 Về vấn đề công bằng xã hội của Hội Thánh, có một sự thay đổi thiên về chiều ngang và lãng quên chiều dọc, và điều này có nguy cơ trở thành một thứ tổ chức phi chính phủ hay giống như những tổ chức xã hội khác.

Tôi không chối từ khả năng này xảy ra, nhưng đối với tôi, lý do hiện hữu của một tổ chức của Hội Thánh là gì? Đó là tổ chức ấy phải mặc lấy đặc tính của nó trong một tầm nhìn mới của thực tại phát xuất từ mạc khải của Tin Mừng linh hứng mà nó có được. Vì nếu đánh mất tầm nhìn này, làm sao tổ chức ấy trở nên khác với những hình thức tổ chức xã hội mà chúng ta thấy?

Đó là một thách đố, giống như một trình thuật trong Kinh Thánh, khi dân Israel nói: “Hãy cho chúng tôi một vị vua vì chúng tôi muốn giống các vương quốc khác.” Trong thực tế, chúng ta không giống các quốc gia khác. Thách đố và khuynh hướng luôn có đó, trở nên giống người khác, nhưng… không có một tổ chức nào của Hội Thánh giống bất cứ một tổ chức nào ở bên ngoài xã hội, nếu không nó không còn là một tổ chức của Hội Thánh.

Bàn về vấn đề nhập cư, Đức Thánh Cha có một mối bận tâm đặc biệt cho Thánh bộ mới này. Đức Hồng y có tin rằng Tòa thánh sẽ có thể làm việc hiệu quả với nội các mới của ông Trump về vấn đề này cũng như các vấn đề công bằng xã hội?

Trong bất cứ trường hợp nào, Đức Thánh Cha đều đang giám sát đặc biệt về phần này của Thánh bộ, và tôi nghĩ đó là cách của ngài để cho thấy tầm quan trọng của vấn đề, sự thúc bách của vấn đề và sự cần thiết phải làm điều gì đó cách cụ thể. Chúng ta biết các nguyên nhân thật sự không giống nhau.

Trong phận sự của chúng tôi, ít nhất chúng tôi biết rõ gần đây có bốn làn di dân: từ Châu Mỹ Latin sang Hoa Kỳ, động lực chính là vì kinh tế; từ tiểu-Saharan Châu Phi sang Châu Âu, động lực chính cũng là kinh tế, trừ một vài trường hợp như Boko Haram, an ninh và xung đột ở Nigeria. Kế tiếp là làn sóng di dân từ Syria, Iraq, Afghanistan và Trung Đông sang Châu Âu. Vấn đề chính là an ninh và xung đột. Sau đó là làn sóng từ Đông Nam Á sang Châu Úc và Singapore, với hai nguyên nhân: đàn áp tôn giáo, các yếu tố Phật giáo và vấn đề kinh tế. Thật vậy, con người ngày nay đang phải di chuyển với nhiều lý do khác nhau.

Mối bận tâm của Đức Hồng y về tình trạng của Hoa Kỳ là gì? 

Về trường hợp Hoa Kỳ, chúng ta đang bắt đầu xem ông Trump vận hành vị trí của mình sau chiến thắng. Mọi sự thật không rõ ràng là đen hay trắng như ông đã từng phát biểu trong chiến dịch tranh cử của ông, và vì thế không ai biết công thức cuối cùng của ông sẽ là gì? Vì thế, ở giai đoạn này, tôi không nghĩ chúng ta có thể lấy bất cứ điểm tranh cử nào cách nghiêm túc, vì chúng có thể được xem xét lại và trình bày lại. Về việc xây dựng bức tường ngăn cách Mỹ và Mêxicô, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã làm một cuộc hành hương sang biên giới Mêxicô và Hoa Kỳ để bày tỏ tình liên đới của các ngài và quan tâm đến vấn đề này.

Cũng trong trường hợp này, khi ông Trump nói về bức tường, Đức Thánh Cha đã có lời bình luận về bức tường, và ông Trump đã xem như nói về ông. Có một điều không may là vào lúc Đức Thánh nói về vấn đề này, không chỉ có ông Trump đang nói về việc xây tường. Điều xảy ra ở Mêxicô cũng đang xảy ra ở Hungary và Ba Lan. Đức Thánh Cha nói về những ai đang xây tường chứ không chỉ nói về ông Trump.

Một số cố vấn của ông Trump ủng hộ một dạng “chủ nghĩa tư bản ánh sáng”, không thân thiện hay chủ nghĩa tư bản cộng sản, nhưng là một dạng “chủ nghĩa con người duy kinh tế” (economic humanism). Đức Hồng y và Thánh bộ của ngài có ủng hộ chủ nghĩa này không?

Xin giải thích cho tôi biết về “chủ nghĩa con người duy kinh tế” là gì – liệu có hiểu nó cùng một nghĩa mà người dân Châu Âu gọi là “kinh tế thị trường xã hội,” vì trong tư bản chủ nghĩa có yếu tố thị trường, có yếu tố tự do thương mại và cạnh tranh. Đó là những thành phần chính yếu của chủ nghĩa tư bản. Trong kinh tế thị trường xã hội của Đức, nó cũng có nghĩa rằng mọi sự trong kinh tế phải thúc đẩy đời sống xã hội của người dân trong xã hội đó – vì thế, theo công thức đó, nó có nghĩa là chinh phục tất cả dưới mối bận tâm về con người xã hội.

Đối với Kitô hữu, như chúng ta đã nói trên, khởi điểm là con người, duy nhất thụ tạo được dựng nên vì lợi ích của nó. Mọi sự cho hiện hữu và sự tốt lành của con người. Vì thế, nếu nguyên tắc này hướng dẫn mọi hoạt động con người, thì sẽ luôn luôn tâm điểm của mối bận tâm là con người, và con người sẽ luôn được tôn trọng.

Nhưng khi con người bị giảm thiểu thành những thứ khác và để chúng thay thế lợi ích con người, khi con người chạy theo lợi nhuận và chiếm đoạt, con người trở thành nạn nhân trong khuynh hướng làm mọi sự để đạt được thành quả. Chúng ta thấy điều này trong nạn nộ lệ, nạn buôn người, con người phải làm việc dưới mọi điều kiện lao động, nhờ đó lợi nhuận có thể đạt mức tối đa.

Hiện nay Hoa Kỳ và các nước Châu Âu chuyển các nhà máy sang các vùng trả lương thấp – Điều đó có nghĩa là gì? Để trả tiền ít hơn. Cũng cùng là con người, nếu anh ta xứng đáng với mức lương ở đây, tại sao anh ta không thể có cùng mức lương ở kia? Đó là vấn đề, mối bận tâm phát triển công nghiệp đã không thăng tiến tốt con người. Tất cả là lợi nhuận, lợi ích. Và chúng ta [Hội Thánh] bắt đầu nói rằng: chúng ta hãy xem chúng ta có thể thay đổi được chút gì chăng.

Về chủ đề “thực dân hóa ý thức hệ” (ideological colonization), đây có là một mối quan tâm lớn của Thánh bộ? Đây có phải là ưu tiên của ngài trong cuộc chiến chống lại nó? Ví dụ hiện nay các bảng quảng cáo hiện diện khắp Châu Phi, được tài trợ bởi UNFPA, cơ quan LHQ, kêu gọi kế hoạch hóa gia đình, bao gồm việc tránh thai, phá thai và triệt sản. Chúng ta có thể chống lại việc này bằng cách tìm tài trợ cho các bảng quảng cáo mang sứ điệp của giáo huấn của Hội Thánh?

“Thực dân hóa ý thức hệ” là một vấn đề lớn. Nó không chỉ là các bảng quảng cáo, cũng không phải chỉ là việc rầm rộ chiến dịch đồng tính. Nó còn có một số những hình thức khác.

Vì thế, câu hỏi bạn đặt ra cho văn phòng cho thấy một phần lớn công việc của Thánh bộ sẽ là làm sao cho các Hội Thánh địa phương có những chiến thuật khi đối mặt với tất cả các luồng tuyên truyền tiêu cực. Một phần nữa của công việc là có những hỗ trợ truyền thống cho hoạt động truyền giáo và đời sống thừa sai trong sứ vụ ở các nước … Nhưng Giáo Hội cần phải sống và hoạt động ngày càng trở nên mạnh hơn. Thách thức đầu tiên đến từ các nước Hồi giáo, nơi mà họ có rất nhiều tài nguyên, xây dựng đền thờ Hồi giáo ở khắp mọi nơi, khuyến khích và trả tiền cho việc cải đạo. Điều đó đang xảy ra khắp nơi. Có rất nhiều thách thức trong vấn đề này.

Một vấn đề khác là những gì bạn vừa đề cập: Các nước viện trợ và tạo điều điện cho các bảng quảng cáo về tránh thai, phá thai… Vậy chúng ta phải có chiến lược chống lại thế nào với nguồn lực ít ỏi mà chúng ta có. Chúng ta phải làm sao cho có hiệu quả?  Đó là thách đố lớn nhất của chúng ta. Tôi hy vọng văn phòng mới này sẽ có một dự án và một hoạt động bay xa.

Truyền thống của công lý và hòa bình là thúc đẩy học thuyết xã hội của Hội Thánh… nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ phải có một văn phòng lớn hỗ trợ các Hội Thánh địa phương đề ra những chiến lược, cũng như giúp họ vận dụng các nguồn. Chúng tôi sẽ tổ chức hai hay ba cuộc hội thảo về hiệu quả đầu tư, hoạt động từ thiện và những vấn đề khác nhằm thuyết phục các Hội Thánh địa phương về những điều họ cần phải làm để phát triển và thăng tiến con người.

Edward Pentin

Bảo Vinh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết