
Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự phát triển Con người Toàn diện
Trước một cuộc hội thảo về Thông điệp “Caritas In Veritate” của Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, Đức Hồng Y Peter Turkson xem xét tác động của tài liệu trong các lĩnh vực sinh thái và phát triển con người toàn diện.
Cách đây 10 năm trước, Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã công bố Thông điệp thứ ba và cuối cùng của mình, rằng tối đa hóa lợi nhuận đối với phúc lợi của người đó, người ta có thể mô tả hai lĩnh vực chính trong đó Thư Thông điệp, Caritas xác minh, đã tạo ra một tác động lớn. (Bác Ái Trong Chân Lý) , “về sự phát triển con người toàn diện trong bác ái và chân lý”. Để đánh dấu dịp này, Thánh Bộ Cổ võ Sự phát triển Con người Toàn diện đã tổ chức một cuộc hội thảo “về lý thuyết và những ví dụ về sự phát triển”, diễn ra hôm thứ Ba 3/12 tại Vatican.
Trước buổi hội thảo, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự phát triển Con người Toàn diện, Đức Hồng y Peter Turkson, đã trình bày những suy tư của mình về tác động của Thông điệp “Caritas In Veritate”, đặc biệt là trong các lĩnh vực về “sinh thái học” và “sự phát triển con người toàn diện”.
Dưới đây là nội dung bài phát biểu của Đức Hồng Y Turkson:
Trình bày về tác động của “Caritas In Veritate”
Hiện tại và dưới ánh sáng của hai thách thức cấp bách mà gia đình nhân loại và ngôi nhà của nó, Trái đất, hiện đang phải đối mặt, cụ thể là, thách thức về mặt sinh thái học của hiện tượng nóng lên toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu cũng như thách thức về mặt kinh tế xã hội trong việc tạo ra sự bất bình đẳng trong một hệ thống kinh tế và sự phát triển vốn coi trọng việc tối đa hóa lợi nhuận hơn vấn đề phúc lợi của con người, người ta có thể mô tả hai lĩnh vực quan trọng mà trong đó Thông điệp “Caritas In Veritate”, đã tạo ra một tác động lớn.
Trước hết, “Caritas In Veritate”và sự phát triển của khái niệm “Hệ sinh thái Toàn diện”:
Được giới thiệu trước hết, như là “sinh thái học tự nhiên”, vào Giáo huấn xã hội của Giáo hội bởi Thánh Giáo hoàng Phaolô VI (Thông điệp Populorum Progressio), khái niệm sinh thái học được tiếp tục áp dụng vào đời sống con người, như là sinh thái học nhân văn, và thế giới lao động, như sinh thái xã hội , trong Huấn Quyền của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI tiếp tục đào sâu và mở rộng việc áp dụng khái niệm này vào đời sống xã hội của gia đình nhân loại và hòa bình; do đó, giờ đây, người ta xác định khái niệm này là “một hệ sinh thái toàn diện” trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội, bao gồm sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn, sinh thái xã hội và sinh thái hòa bình. Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã dành toàn bộ một Chương IV cho vấn đề môi trường và sự tồn tại của con người: “Phát triển các dân tộc, quyền và bổn phận đối với môi trường”, bởi vì “cách loài người đối xử với môi trường ảnh hưởng đến cách họ đối xử với chính mình và ngược lại” [1]
Do đó, có một mối quan hệ không thể tách rời giữa cuộc sống của con người và môi trường tự nhiên vốn ủng hộ nó như “một giao ước giữa con người và môi trường, vốn phản ánh tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa” [2]. Mối liên kết giữa con người và thế giới đã mở đường cho Giáo huấn rất nổi tiếng của Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, và nó không chỉ bao gồm môi trường, mà còn cả các cá nhân, gia đình và đạo đức xã hội. Khi Ngài tiếp tục giảng dạy rằng “nhiệm vụ của chúng ta đối với môi trường xuất phát từ nhiệm vụ của chúng ta đối với người khác” [3]. Do đó, “vấn đề mang tính quyết định” trong mối quan hệ giữa con người và thế giới: giữa hệ sinh thái tự nhiên và con người, chính là “tinh thần chung của xã hội” [4]. Do đó, sự cứu chuộc của con người ngụ ý muốn nói đến sự cứu chuộc của các loài thọ tạo đang rên siết và quằn quại (Rm 8: 22-24).
Đây chính là sự khai triển cuối cùng đối với khái niệm về “sinh thái học” của Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI trong “Caritas In Veritate” vốn sẵn sàng cho việc đề cập đến “một hệ sinh thái toàn diện” và tính chất liên kết và liên quan đến mọi thứ trong các văn kiện của ĐTC Phanxicô.
Thứ hai, “Caritas In Veritate” và ý thức về sự phát triển con người toàn diện:
Việc thừa nhận rằng sự phát triển của con người cần phải thực sự mang tính nhân văn, hoàn chỉnh và toàn bộ được thực hiện đầu tiên bởi Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII (Thông điệp “Mater et Magistra”). Với sự công nhận đó, Đức Gioan XXIII đã đưa vào Giáo huấn xã hội của Giáo hội khái niệm mới về “sự phát triển con người toàn diện”, vốn đã truyền cảm hứng cho các Nghị phụ Công đồng Vatican II nói về “sự phát triển đầy đủ (toàn diện)” của con người và “ơn gọi trọn vẹn” của họ mà qua đó văn hóa phải được đặt bên dưới (Hiến Chế Mục Vụ “Gaudium et spes”). Sau Công đồng Vatican II và dưới ánh sáng của sự phi thực dân hóa và sự xuất hiện của các quốc gia dân tộc mới ở các nước đang phát triển, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã định nghĩa “sự phát triển con người toàn diện” không chỉ bao gồm sự tăng trưởng về mặt vật chất và kinh tế. Đối với Đức Phaolô VI, “sự phát triển con người toàn diện” đề cập đến sự phát triển liên đới của con người, vốn bắt nguồn từ chủ nghĩa nhân văn siêu việt, bởi vì nó đặt ý nghĩa thực sự của sự sống con người ở trung tâm và nuôi dưỡng ý nghĩa xã hội của tinh thần huynh đệ giữa con người. Do đó, việc vượt qua sự ngờ vực và sự sợ hãi giữa mọi người và việc nuôi dưỡng giá trị của sự liên đới, sự phát triển toàn diện của con người mang lại hòa bình và trở thành “tên gọi mới của hòa bình”.
Do đó, giữa vị Giáo hoàng người đã khai mạc Công đồng Vatican II và vị Giáo hoàng đã bế mạc nó, một ý tưởng mới về sự phát triển của con người đã nảy sinh, sẽ được khai triển trong các Triều đại Giáo hoàng tiếp theo của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI để trở thành tên gọi của một Thánh Bộ thuộc Giáo triều Rôma dưới thời của ĐTC Phanxicô, do đó tái khẳng định lại sự phát triển của con người như một mối bận tâm trọng yếu và sứ mạng của Giáo hội (Thông điệp “Sollicitudo rei socialis”, số 1).
Xác định “sự phát triển con người toàn diện” với việc hiểu rõ phẩm giá của con người, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy rằng sự phát triển đó phải là toàn diện: “điều hiển nhiên là sự phát triển hoặc phải trở nên chung cho mọi nước trên thế giới, hoặc phải chịu một tiến trình thoái hóa ngay cả trong những miền vốn tiến bộ đều đặn. Đặc biệt hiện tượng này là triệu chứng của bản chất sự phát triển đích thực : hoặc là mọi nước trên thế giới đều được tham gia vào sự phát triển, hoặc là không còn sự phát triển đích thực nữa” (Thông điệp “Sollicitudo rei socialis”, số 17).
40 năm sau Thông điệp “Populorum Progressio” của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và trong bối cảnh của các tuyên bố chống tình trạng đói nghèo, bóc lột, các vấn đề về môi trường, hiện tượng toàn cầu hóa và sự tương thuộc của hành tinh, các phương tiện truyền thông mới, sự bất lực ngày càng gia tăng của hoạt động chính trị và chính phủ các quốc gia để đối phó với các cường quốc toàn cầu, các cuộc khủng hoảng tài chính, v.v., Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tái xem xét chủ đề về “sự phát triển con người toàn diện” trong Thông điệp “Populorum Progressio” và sự bắt nguồn của nó từ chủ nghĩa nhân văn siêu việt và tinh thần huynh đệ của gia đình nhân loại. Đối với Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict, “sự phát triển” thì luôn luôn đồng nghĩa với “sự phát triển của con người”; do đó, “các vấn đề xã hội” về cơ bản cũng chính là “các vấn đề về nhân chủng học” (Thông điệp “Caritas In Veritate”, số 75). Chúng liên quan đến “sự thật về con người”. Sự thật về con người như vậy có liên quan đến chân lý của Chúa Kitô, tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, vốn chính là “động lực thúc đẩy chính đằng sau sự phát triển đích thực của con người”, và đồng thời mở ra cuộc sống của mọi người để ban tặng và khiến họ có thể hy vọng về “một sự phát triển cho toàn thể nhân loại và cho tất cả mọi người”. Theo nghĩa này, Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã gọi sự phát triển của con người là “một ơn gọi”: một động lực nội tại bên trong mỗi người để hành động vì thiện ích chung chứ không chỉ vì lợi ích cá nhân. Đó chính là một động lực cho sự liên đới, như một biểu hiện về bản chất của con người với tư cách là “một hữu thể có mối tương quan”, bắt nguồn từ chính sự sống của Thiên Chúa và kiện toàn trong tinh thần huynh đệ. Nếu không, “sự phát triển” không đạt được mục tiêu của nó. Theo nghĩa này, sự toàn cầu hóa không nên được trải nghiệm chỉ như là sự gần gũi và thân cận, được tạo ra bằng cách loại bỏ những khoảng cách của sự chia rẽ thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Sự toàn cầu hóa sẽ biến sự tương thuộc giữa chúng ta trở thành một mối tương quan huynh đệ, không có chỗ cho sự loại trừ lẫn nhau và không để ai lại khu vực ngoại vi.
Vì vậy, sự toàn cầu hóa không chỉ đơn thuần là một hiện tượng xã hội và kinh tế, để phục vụ thị trường và nền kinh tế; đó chính là một lời kêu gọi đối với một lối suy nghĩ mới về con người được mời gọi để sống một cuộc sống yêu thương và liên đới qua việc phục vụ người khác vì sự thịnh vượng của họ, vốn chính là sự phát triển của họ!
Ở đây có một nguyên tắc chỉ đạo và hướng dẫn nền tảng của Kitô giáo đối với tất cả các sáng kiến và hoạt động vốn hướng tới sự phát triển con người đích thực và toàn diện!
[1] Caritas In Veritate, (năm 2009), số 51.
[2] Caritas In Veritate, số 50; x. Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2008, số 7.
[3] Caritas In Veritatis, số 51; Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2010.
[4] Caritas In Veritatis, số 51; Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2010.
Minh Tuệ (theo Vatican News)