Đức Hồng Y Turkson mời gọi nhân loại "tái tạo và tái khởi động" nền kinh tế, xã hội hậu COVID-19

hong y turkson

Đức Hồng Y Peter Turkson mời gọi nhân loại “tái tạo và tái khởi động” nền kinh tế và xã hội hậu COVID-19.

“Các hệ thống của chúng ta không đủ mạnh. Các hệ thống của chúng ta cũng không thực sự bền vững”

Đại dịch coronavirus là “một lời kêu gọi để thừa nhận rằng các hệ thống của chúng ta chưa đủ mạnh. Các hệ thống của chúng ta, chung quy, cũng không thực sự bền vững”, Đức Hồng y Turkson, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, giải thích trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 28/8 vừa qua.

Đức Hồng y Turkson cũng là người đứng đầu Ủy ban COVID-19 của Vatican, một nhóm mà ngài nhắc lại đã được thành lập bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô “để trình bày, và kế đến để bày tỏ sự hiện diện và sự đồng hành của Giáo hội trong cuộc khủng hoảng này, thời khắc đầy khó khăn này trong lịch sử”.

Một phần khác trong công việc của Ủy ban COVID-19 của Vatican đó là dự đoán những thay đổi xã hội và kinh tế có thể xảy ra trong thế giới hậu coronavirus.

“Đó không chỉ là nghĩ về việc phục hồi hay quay trở lại một số hình thức của trạng thái bình thường, mà là… tạo ra một tương lai mới”, Đức Hồng y Turkson giải thích về khía cạnh đó trong công việc của Ủy ban.

Khi được hỏi liệu rằng dự án về một “tương lai mới” hậu COVID có quá cấp tiến và đầy tham vọng hay không, Đức Hồng y Turkson trả lời rằng từ Vatican “chúng tôi sẽ không viết lại các quy tắc” về kinh tế và xã hội, “nhưng đối với chúng ta, với tư cách là một Giáo hội… chúng ta luôn có sự chỉ dẫn của Kinh Thánh”.

“Sự thay đổi triệt để không phải là điều gì đó mà chúng ta với tư cách là Giáo hội hay Vatican đang áp đặt”, Đức Hồng y Turkson nhấn mạnh, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “chúng tôi chỉ mời gọi nhân loại nhận ra thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt, và những thách thức của COVID cho chúng tôi thấy với tư cách là một gia đình nhân loại”.

“Chúng tôi muốn rút ra nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh và cố gắng đề xuất những quỹ đạo hoặc những đường hướng mới mà nhân loại có thể thoát ra bởi vì… đại dịch này đang bộc lộ những giá trị nhất định trong xã hội đáng để chúng ta nhớ lại, làm sống lại và quay trở lại”, Đức Hồng y Turkson giải thích.

Chỉ trích chủ nghĩa dân tộc về kinh tế “khá hạn chế và ngắn hạn”

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất của mình, Đức Hồng y Turkson than phiền rằng cũng giống như đợt bùng phát dịch Ebola từ năm 2013-2016 ở Tây Phi, đại dịch coronavirus đã “dẫn đến sự sụp đổ của các cấu trúc kinh tế, sự sụp đổ của các giá trị xã hội, và sự sụp đổ của sinh kế xã hội”.

Đức Hồng Y Turkson cũng chỉ trích rằng đứng trước sự “sụp đổ” đó, một số quốc gia bao gồm cả Anh và Mỹ đã chuyển sang chủ nghĩa dân tộc về kinh tế “khá hạn chế và ngắn hạn”, “cuối cùng tự động chuyển gánh nặng của tất cả những điều này cho thế giới đang phát triển”.

Nhắc lại rằng trong suốt đại dịch, các nhân vật cấp cao của Vatican – bao gồm cả Đức Giáo hoàng Phanxicô – đã thúc đẩy việc xóa nợ hoặc hoãn lại các khoản nợ công của 2/3 các quốc gia, Đức Hồng y Turkson đã thúc giục sự cần kíp về “tinh thần liên đới giữa nhân loại”.

“Tinh thần huynh đệ vẫn cần phải hết sức thực tế bởi vì nếu Anh, Mỹ hoặc toàn bộ Châu Âu loại bỏ COVID nhưng vẫn còn một nơi nào đó trên thế giới còn trường hợp nhiễm COVID, thế giới của chúng ta vẫn không an toàn. Vì vậy, vì lợi ích của toàn thể gia đình nhân loại… cần phải đảm bảo rằng chúng ta xóa bỏ đại dịch này và xóa bỏ nó một cách hoàn toàn”, Đức Hồng y Turkson kêu gọi

Đức Hồng Y Turkson đã phát biểu trong loạt bài “Podcasts From The Future” (#PodcastsFromFuture) mới nhất của Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, trong đó cơ quan của Vatican giới thiệu quan điểm của một loạt các chuyên gia từ cả trong và ngoài Giáo hội Công giáo về các vấn đề đang được thảo luận bởi Ủy ban COVID-19 của Vatican.

Minh Tuệ (theo Novena)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết