Những nỗ lực của các nhà ngoại giao Vatican để đạt được một thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc sẽ biến các giám mục thành các quan chức chính phủ, những người không thể chăn dắt đàn chiên của mình một cách xứng hợp, Đức Hồng y Joseph Zen cho biết.
“Tốt hơn hết là không nên có một thỏa thuận nào hơn là một thỏa thuận tồi tệ”, ĐHY Zen phát biểu với ông Raymond Arroyo của EWTN trong chương trình ‘The World Over’.
Vị Hồng y đầy cương trực đã cáo buộc rằng trong những năm gần đây, chính sách của Vatican đã khiến cho Giáo hội tại Trung Quốc trở nên “suy yếu hơn nhiều so với trước đây”. Điều này gây tổn hại cho khả năng thương thuyết, bởi vì “từ một vị thế yếu kém, chúng ta không thể có được bất cứ điều gì trong cuộc đàm phán”, ĐHY Zen cho biết hôm 8 tháng 3.
Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc được chia thành Giáo hội “hầm trú” bất hợp pháp, vốn trung thành và hiệp thông với Rôma, và Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc, mà các Giám mục được bổ nhiệm bởi chính phủ. Các thành viên của Giáo hội hầm trú thường bị đàn áp bởi chính quyền Trung Quốc.
Theo quan điểm của Đức Hồng Y Zen, Tòa Thánh sẽ tha thứ cho hành vi không hay của Giáo hội chính thức cũng như các Giám mục được bổ nhiệm bất hợp pháp.
“Họ kiêu căng ngạo mạn, họ khinh thường và chống lại Tòa Thánh. Và Tòa Thánh tiếp tục giữ im lặng”, ĐHY Zen nói. “Và kế đó Tòa Thánh luôn khuyến khích các tín hữu thuộc Giáo hội hầm trú cũng như các tín hữu thuộc Giáo hội chính thức đầu hàng và thỏa hiệp. Họ đang làm suy yếu Giáo Hội của chúng ta. Điều đó không khác gì một hình thức của việc tự sát”.
Đức Hồng y Zen là một trong hai vị cựu Giám mục của Địa phận Hồng Kông. Đức Hồng y John Tong Hon, một Giám mục đã nghỉ hưu, đã phần nào tán thành hơn đối với những thay đổi được đề xuất trong mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc.
Một hiệp định hiện đang trong quá trình thảo luận sẽ hợp thức hóa đối với các Giám mục thuộc Hiệp hội Yêu nước Công giáo, yêu cầu hai vị Giám mục của Giáo hội hầm trú hoặc là phải nghỉ hưu hoặc là chỉ đảm đương vai trò thấp hơn với tư cách là Giám mục phụ tá tại Giáo phận của mình.
Trong khi những người Công giáo ủng hộ đề xuất này biện minh cho điều này trên cơ sở của sự cần thiết phải duy trì hàng giáo phẩm tại Trung Quốc, Đức Hồng y Zen đã viện dẫn trưởng hợp của Trung Âu dưới chế độ Cộng sản. Những thỏa thuận như vậy không đề cập đến việc bổ nhiệm các vị Giám mục, những người chống lại chính phủ một cách có hệ thống, thế nhưng, ĐHY Zen tranh luận, điều này đồng với việc lựa chọn những người thuộc kiểu người cơ hội vốn phục tùng chính phủ.
“Họ là những quan chức của chính phủ hơn là những mục tử của đàn chiên của mình”, ĐHY Zen nói. “Mọi người có thể không nhận ra ngay tức khắc, thế nhưng sớm hay muộn họ cũng sẽ nhận ra điều này. Và làm sao họ có thể tin tưởng Giáo hội được nữa?”.
Khi một thoả thuận bí mật của Vatican với chính quyền cộng sản Hungary đã được tiết lộ sau đó, Đức Hồng y Zen nói, điều đó cho thấy rằng nó đồng nghĩa với việc bất kỳ linh mục nào chỉ trích chính phủ sẽ bị tố cáo với Giáo hội để bị kỷ luật.
“Đó là một sự cộng tác tất cả vì lợi ích của chính phủ, và không hề có ích lợi đối với Giáo hội”, ĐHY Zen nói.
Trong những tuyên bố trước đó, ĐHY Zen đã đổ lỗi cho những vị cố vấn của Đức Giáo Hoàng, đồng thời cho biết rằng họ đã chấp nhận giải pháp thỏa hiệp “Ostpolitic” từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngài đặc biệt chỉ trích Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, người mà ĐHY Zen nói rằng đã học được lối tư duy này từ vị tiền nhiệm của mình, Đức Hồng y Agostino Casaroli, người đã phục vụ với cùng vai trò của ngài trong thập kỷ đầu tiên của Triều đại Giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II.
Gần đây, bảy Giám mục bất hợp pháp đã gửi một lá thư tới Vatican nhằm tìm kiếm việc khôi phục lại sự hiệp thông trọn vẹn với Rome, nhưng điều này không nhất thiết phải được tin tưởng, Đức Hồng Y Zen phát biểu với EWTN.
“Tất cả các Giám mục này đều nằm trong tay của chính phủ. Làm sao chúng ta có thể tin vào sự hối cải thực sự của họ?”, ĐHY Zen chất vấn. Trong khi Giáo Hội vẫn luôn luôn sẵn sàng để tha thứ và ân xá cho việc họ bị dứt phép thông công của họ, song lại có những vấn đề khác.
“Làm sao chúng ta có thể công nhận họ là những vị Giám mục? Hoặc là những vị mục tử? Để khiến cho người ta phải vâng phục và tôn trọng những người này, làm sao chúng ta có thể làm điều đó?”, Đức Hồng y Zen chất vấn.
Một động thái như vậy sẽ khiến cho các vị Giám mục này được tha thứ vì áp lực của chính phủ chứ không phải vì Toà Thánh tin tưởng vào sự ăn năn hối cải chân thành của họ.
“Tôi thiết nghĩ điều sẽ xảy ra chính là một bi kịch, một bi kịch thực sự”, ĐHY Zen nói, đồng thời coi thỏa thuận đề xuất này chính là “một sự phản bội đối với đức tin”.
Có khoảng 60 Giám mục Trung Quốc được công nhận bởi cả Vatican và chính phủ Trung Quốc, trong khi 30 Giám mục khác chỉ được công nhận bởi Giáo hội Công giáo.
Nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã công nhận nhiều Giám mục được bổ nhiệm bởi Giáo hội do chính phủ điều hành là “những người cơ hội”, ĐHY Zen nói, đồng thời cho biết rằng điều này là hoàn toàn chính xác thậm chí đối với những Giám mục đã được tấn phong chức với sự chấp thuận của Tòa Thánh.
“Họ biết rằng họ phải dựa vào chính phủ để thực hiện một sự nghiệp”, ĐHY Zen nói.
Ông Arroyo đã tóm lược chi tiết về việc đề xuất bổ nhiệm các Giám mục, trong đó chính phủ Trung Quốc đề nghị ba ứng cử viên Giám mục để được Vatican thông qua. Tuy nhiên, đây chính là điều ngược lại đối với những thỏa thuận như vậy. Thông thường, Vatican sẽ đề xuất ba ứng viên mà từ đó chính phủ có thể chọn một.
“Họ nói rằng thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng là điều chắc chắn bởi quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Đức Giáo Hoàng. Vấn đề là điều gì có thể trở thành quyết định cuối cùng?”, Đức Hồng Y Zen chất vấn.
Trong trường hợp không có một thỏa thuận, chính phủ cảm thấy áp lực khi phải thỏa hiệp và chú ý đến sự lựa chọn của Vatican.
“Nhưng khi quý vị trao cho họ thẩm quyền trong tay, họ sẽ tận dụng điều đó một cách triệt để”, ĐHY Zen nói. Ngài đặt vấn đề rằng liệu những điều khoản đối với quyền phủ quyết của Giáo Hoàng đối với sự lựa chọn của chính phủ sẽ có hiệu quả hay không.
Đức Giáo hoàng không cần chính phủ Trung Quốc thừa nhận Ngài chính thức là người đứng đầu của Giáo Hội, Đức Hồng y Zen gợi ý.
“Họ công nhận Đức Giáo hoàng! Họ sợ Đức Giáo hoàng! Nhưng hiện nay các vị cố vấn của Đức Giáo Hoàng đang đưa ra lời khuyên để từ bỏ thẩm quyền này”, ĐHY Zen nói.
Đức Hồng Y Zen nhấn mạnh rằng Tòa Thánh đã không bao giờ đề nghị một Giám mục hợp pháp từ bỏ chức vụ của mình để nhường chỗ cho một Giám mục bị vạ tuyệt thông.
Đối với những người phỉ báng mình, những người cho rằng Ngài có ít kinh nghiệm về Trung Quốc đương đại, Đức Hồng y Zen đã trích dẫn kinh nghiệm giảng dạy bảy năm của mình trong các Chủng viện thuộc Giáo Hội chính thức Trung Quốc từ năm 1989 đến năm 1996.
“Từ kinh nghiệm trực tiếp của tôi, tôi biết rằng Giáo Hội hoàn toàn lệ thuộc vào chính phủ”, ĐHY Zen nói, đồng thời cho biết rằng Ngài vẫn tiếp tục cập nhật tình hình từ những du khách khôn ngoan.
Đức Hồng y Zen cho biết rằng không có một bức tranh rõ ràng về những gì sẽ xảy ra. Trong khi hai Giám mục bất hợp pháp, những người có thể thay thế các vị Giám mục hợp pháp, đã chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận, còn có năm vị Giám mục bất hợp pháp khác. Trong số này, ĐHY Zen cáo buộc, hai nhân vật nổi tiếng vì đã có vợ con trong nhiều năm, nhưng những người bảo vệ họ hiện nay lại khẳng định rằng không có chứng cớ về điều này.
“Họ sẽ được phép hoạt động như các Giám mục hầm trú?”, ĐHY Zen chất vấn. “Chắc chắn là không. Họ đang đẩy họ vào một cái lồng! Điều đó quả thực hết sức kinh khủng. Họ sẽ huỷ hoại Giáo Hội hầm trú”.
Nhiều Giám mục hoàn hảo trong Giáo hội chính thức đang phải chịu đựng và tranh đấu, và chính phủ phải chấp nhận họ.
“Nhưng hiện tại với thỏa thuận này họ đánh mất mọi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn!”, ĐHY Zen nói.
ĐHY Zen cho biết các nhà bình luận nói rằng Ngài đang thúc đẩy người ta phải trở thành những anh hùng tử đạo, mặc dù Ngài đã chưa bao giờ cầu nguyện về việc sẽ chịu tử đạo.
“Nhưng nếu Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành những chứng nhân cho đức tin, điều đó quả thực là một ân sủng, và Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh”, ĐHY Zen nói.
Ông Arroyo đã xin ý kiến của ĐHY Zen đối với những bình luận vốn nhận được nhiều sự chỉ trích của Đức Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo rằng Trung Quốc chính là người thực hiện học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo một cách tốt nhất.
“Xin hãy để cho Ngài được bình an. Chúng ta đừng phí thời gian để nói về điều đó … Điều đó sẽ khiến mọi người chê cười, phải không? Và đó là một sự chê cười chẳng mấy tốt đẹp”, ĐHY Zen trả lời.
Minh Tuệ chuyển ngữ