Đức Hồng Y Tobin DCCT: ‘Các nhà lãnh đạo đức tin có thể ảnh hưởng đến thế giới về vấn đề biến đổi khí hậu’

Mọi người đi qua địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP28 với hậu cảnh là Mái vòm Al Wasl tại Expo City, ngày 29 tháng 11 năm 2023, tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (Ảnh: Joshua Bickel/AP)

Mọi người đi qua địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP28 với hậu cảnh là Mái vòm Al Wasl tại Expo City, ngày 29 tháng 11 năm 2023, tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (Ảnh: Joshua Bickel/AP)

Khi các nhà lãnh đạo thế giới triệu tập tại Dubai để tham dự hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, hay COP28, một nhóm vận động mới sẽ có mặt để tác động đến các cuộc đàm phán. Lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị sẽ tổ chức một gian hàng đức tin, nơi các nhóm đức tin và các nhà lãnh đạo từ khắp các tôn giáo sẽ tụ tập để chứng minh vai trò then chốt của các cộng đồng đức tin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

COP28 mang đến cho cộng đồng đức tin một thời điểm thích hợp để cùng nhau tác động đến các cuộc đàm phán về khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng và những dấu hiệu không thể phủ nhận về tình trạng suy thoái môi trường là những biểu hiện cho sự sơ suất của chúng ta. Không chỉ gây hại cho hành tinh của chúng ta, cuộc khủng hoảng khí hậu còn gây nguy hiểm cho cuộc sống của con người. Nó đã tác động đến mọi khía cạnh của xã hội.

Phục vụ trong ban quản trị của tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, tổ chức viện trợ toàn cầu, tôi đã biết được những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã khiến cuộc sống của những người sống bên lề xã hội gần như không thể sống được như thế nào. Ví dụ, khu vực Sừng châu Phi chỉ mới bắt đầu hồi phục sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm, một trận hạn hán tàn sát vật nuôi và xóa sổ khả năng kiếm sống của người dân.

Vào năm 2022 ở Pakistan, trận lũ lụt thảm khốc đã khiến một phần ba đất nước chìm trong biển nước, một thảm họa mà chính phủ Pakistan cho rằng có liên quan trực tiếp đến vấn đề biến đổi khí hậu. Vào năm 2020, các cơn bão liên tiếp Eta và Iota – những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất tấn công Trung Mỹ trong hơn 20 năm – đã phá hủy sinh kế của hàng chục nghìn gia đình, dẫn đến nhu cầu nhân đạo lớn, bao gồm cả việc buộc phải di cư.

Thật dễ dàng để dự đoán rằng những quốc gia và những người dân nghèo nhất thế giới và ít đóng góp nhất vào cuộc khủng hoảng lại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất một lần nữa phải trả giá cho những lựa chọn của các quốc gia giàu có và hùng mạnh hơn. Trong công việc của tôi với tư cách là người lãnh đạo Tổng Giáo phận Newark, tôi đã lắng nghe những câu chuyện được kể bởi những người nhập cư từ nhiều nơi trên thế giới đang đến với các Giáo xứ và cơ sở Giáo hội của chúng tôi. Họ đến để tìm nơi ẩn náu khỏi những tình huống do người khác áp đặt lên họ, những quyết định làm suy yếu khả năng tồn tại trên mảnh đất của họ hoặc hỗ trợ gia đình họ.

Cộng đồng đức tin, với tầm ảnh hưởng rộng lớn và thẩm quyền luân lý, có vai trò then chốt trong việc tạo ra hình thức của sự thay đổi mà chúng ta cần thấy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra con đường với tư cách là một người ủng hộ nhiệt thành cho môi trường. Trong Thông điệp Laudato Si’ năm 2015 và Tông Huấn Laudate Deum, được phát hành đầu năm nay, Đức Thánh Cha đã kêu gọi một cuộc hoán cải môi sinh sâu sắc, trong đó chúng ta điều chỉnh niềm tin tâm linh và hành động của chúng ta hướng tới hành tinh này và hướng tới nhau.

Nước lũ bao quanh các ngôi nhà ở thành phố Sohbat Pur, một huyện thuộc tỉnh Baluchistan phía tây nam Pakistan, ngày 29 tháng 8 năm 2022 (Ảnh: AP/Zahid Hussain)

Nước lũ bao quanh các ngôi nhà ở thành phố Sohbat Pur, một huyện thuộc tỉnh Baluchistan phía tây nam Pakistan, ngày 29 tháng 8 năm 2022 (Ảnh: AP/Zahid Hussain)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên kế hoạch phát biểu tại COP28 nhưng đã hủy bỏ kế hoạch vì lâm bệnh. Nhưng Thông điệp của ngài về môi trường sẽ vang dội và rõ ràng ở Dubai. Như Đức Thánh Cha đã viết trong “Laudato Si”, “Mối tương quan của chúng ta với môi trường không bao giờ có thể tách rời khỏi mối tương quan của chúng ta với tha nhân và với Thiên Chúa”.

Tại COP28, các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả phái đoàn Hoa Kỳ, phải lắng nghe các nước đang phát triển, những nước cần sự giúp đỡ đáng kể để thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu, ngay cả khi họ đang phục hồi sau những tổn thất mà họ đã phải gánh chịu. Các nhà lãnh đạo thế giới phải giữ lời hứa cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho những cộng đồng này.

Đồng hồ đang điểm. Chúng ta phải hành động sớm và đoàn kết với nhau. Hội nghị thượng đỉnh COP28 phải biểu thị một sự chuyển đổi sâu sắc, đảm bảo hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời ban hành những thay đổi chính sách nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn.

Khi con cháu chúng ta nhìn lại thời điểm này, chúng sẽ phán xét chúng ta qua những hành động và quyết định của chúng ta. Với tư cách là những người có đức tin, chúng ta phải nắm bắt cơ hội, đảm bảo rằng di sản của chúng ta là di sản của sự đoàn kết, theo đuổi sự thịnh vượng và bình đẳng chung cũng như cam kết kiên định trong việc bảo tồn ngôi nhà chung của chúng ta.

Minh Tuệ (theo NCR Online)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết