Đức Tổng Giám mục Manila đã ca ngợi Caritas vì tất cả những công việc của tổ chức này trong việc giúp đỡ những người Hồi giáo Rohingya, những người chạy trốn khỏi cuộc đàn áp tại Myanmar
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế, liên đoàn toàn cầu của các tổ chức từ thiện Công giáo, đã đến thăm một trại tị nạn Rohingya ở Bangladesh và đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục giúp đỡ những người Hồi giáo thiểu số bị bao vây và bị buộc phải di tản.
Đức Hồng Y Tagle, 61 tuổi, Tổng Giám mục Manila, đã khởi động chuyến thăm hai ngày tới Bangladesh vào ngày 3 tháng 12 bằng cách tới thăm các gia đình tị nạn, các nhân viên cứu trợ bao gồm các nhân viên Caritas và các viên chức chính phủ ở huyện Cox’s Bazar.
Cox’s Bazar nằm ở phía đông nam Bangladesh trợ giúp cho hơn một triệu người Hồi giáo Rohingya, hầu hết trong số họ đã bỏ trốn khỏi cuộc đàn áp đẫm máu tại bang Rakhine của Myanmar vào năm 2016 và 2017.
Đức Hồng y Tagle đã nói chuyện với một số gia đình tại trại tị nạn Kutupalong, trại tị nạn lớn nhất trong số 30 trại tị nạn ở Cox’s Bazar. Ngài cũng đã đến thăm các điểm phân phối viện trợ, các không gian thân thiện với trẻ em và nhà mẫu do Caritas thiết lập.
Sau đó, Đức Hồng y Tagle đã nói chuyện với các nhân viên cứu trợ và các tình nguyện viên bao gồm các quan chức đến từ Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) và cũng đã có cuộc điện đàm với ông Muhammad Abul Kalam, người đứng đầu Ủy ban cứu trợ và hồi hương tị nạn (RRRC), cơ quan chính phủ giám sát người tị nạn và các hoạt động cứu trợ.
Chuyến viếng thăm đã mang đến cả niềm vui và nỗi buồn cho Đức Hồng Y Tagle, người đã “nhìn thấy những tin tức và những cảnh quay về cuộc di dân của hàng trăm ngàn người” và trái tim ngài “rướm máu vì sự đau khổ của họ”.
“Giờ đây, khi đến thăm trại tị nạn này, một phần tôi lấy làm vui mừng khi họ đã được chú ý, đặc biệt là phẩm giá của họ, họ xứng đáng được như vậy. Nhưng đồng thời, một phần tôi cảm thầy đau buồn vì tôi tự hỏi rằng liệu đây có phải là tình trạng lâu dài và thường xuyên xảy ra với họ hay không hay điều này chỉ là tạm thời”, Đức Hồng y Tagle phát biểu với ucanews.com
“Tôi không thể tưởng tượng được việc liệu cha mẹ sẽ trả lời như thế nào nếu con họ hỏi họ tương lai của sẽ ra sao. Nếu tôi có con cái ở đây, tôi cũng sẽ không biết trả lời chúng thế nào”.
Cặp vợ chồng tị nạn Jahid Hossain, 35 tuổi, và Rehena, 30 tuổi, cho biết họ rất vui mừng khi được gặp Đức Hồng y Tagle.
“Chúng tôi đã nói với Đức Hồng y Tagle rằng chúng tôi rất vui mừng khi được gặp ngài. Chúng tôi chia sẻ với ngài câu chuyện về sự đau khổ và những khó nhọc của chúng tôi, và chúng tôi xin được giúp đỡ để chúng tôi có thể trở về quê hương một ngày nào đó với tư cách là những công dân Myanmar”, anh Hossain chia sẻ với ucanews.com
Đức Hồng y Tagle cho biết ngài đánh giá cao sự hỗ trợ của Caritas cho những người tị nạn.
“Tôi rất vui khi thấy công việc của tổ chức Caritas Bangladesh quả là hết sức tuyệt vời. Nó thực sự là hiện thân của Caritas. Nhưng tôi cũng vui mừng khi thấy rằng Caritas Bangladesh, vốn rất nhỏ bé, đã có thể thực hiện sứ mạng của mình vì sự cộng tác của nhiều thành viên Caritas khác. Điều này thực sự mang lại cho tôi hy vọng rằng nếu chúng ta đến với nhau, chúng ta có thể tạo ra một sự khác biệt”, Đức Hồng y Tagle nói.
Caritas đã hoạt động tại trại tị nạn Kutupalong kể từ khi dòng người Rohingya di cư mới nhất bắt đầu đến vào tháng 8 năm 2017.
Cho đến nay tổ chức Caritas Bangladesh đã chi khoảng 750 triệu taka (8,92 triệu đô la Mỹ) để giúp những người tị nạn từ quỹ kêu gọi khẩn cấp của tổ chức này được tạo ra với sự đóng góp từ các thành viên Caritas trên toàn cầu.
Chương trình Phản hồi chung của tổ chức Caritas đã tập trung vào việc hỗ trợ toàn diện cho những người Rohingya, theo James Gomes, giám đốc khu vực của tổ chức Caritas Chittagong.
Khoảng 40.000 hộ gia đình hoặc 240.000 người tị nạn đã được hưởng lợi từ việc hỗ trợ thực phẩm của Caritas, trong khi 10.000 gia đình đã nhận được các mặt hàng phi thực phẩm và đã xây dựng hơn 1.000 mái ấm, ông Gomes cho biết.
Caritas cũng đã phân phối bình gas và bếp cho 20.000 gia đình nhằm giảm nhu cầu chặt phá cây cối cho việc nấu nướng, đồng thời, Caritas cũng đã cung cấp cây giống và cây rau cho hơn 26.000 gia đình tị nạn.
“Trong năm 2019, trọng tâm chính của chúng tôi sẽ chính là việc quy hoạch đất đai, phát triển và cải thiện đường sá, xây dựng cầu, trồng cây và xây dựng những mái ấm kiên cố hơn”, ông Gomes cho biết.
Minh Tuệ chuyển ngữ