Đức Hồng Y Tagle: Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ "tinh thần nhiệt huyết đối với công cuộc truyền giáo"

Đức Hồng Y Tagle đồng tế thánh lễ với Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Manila vào ngày 16 tháng 1 năm 2015

Đức Hồng Y Tagle đồng tế Thánh lễ cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Manila vào ngày 16 tháng 1 năm 2015

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, đã có cuộc phỏng vấn với Alessandro Gisotti, cộng tác viên Vatican News, để khám phá những yếu tố chính của Sứ điệp gần đây của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi các Hội Truyền giáo Giáo hoàng.

Thưa Đức Hồng Y Tagle, Sứ điệp của Đức Phanxicô gửi các Hội Truyền giáo Giáo hoàng (PMS) đã được công nhận rộng rãi là vượt xa tầm nhận thức của những người mà nó đề cập. Một lần nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh việc sứ mạng truyền giáo chính là trung tâm điểm của đời sống và bản sắc của Giáo hội. Điều gì đặc biệt gây ấn tượng đối với Đức Hồng Y với Sứ điệp này?

Có rất nhiều điều khiến tôi bị cuốn hút với Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi các Hội Truyền giáo Giáo hoàng. Hãy để tôi liệt kê một vài điểm. Đầu tiên, Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời để phát biểu chia sẻ với các Giám đốc Quốc gia của PMS trong hội nghị toàn thể của họ mà lẽ ra phải diễn ra vào tháng Năm năm nay. Do đại dịch, hội nghị này đã bị hủy bỏ. Nhưng thay vì đón nhận việc hủy bỏ cuộc gặp gỡ này như một cơ hội để nghỉ ngơi, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn quyết định viết và gửi Sứ điệp cho các Hội Truyền giáo Giáo hoàng. Đối với tôi, Sứ điệp này không chỉ chứa đựng những lời chia sẻ và sự hiểu biết sâu sắc của Đức Giáo hoàng mà còn là tinh thần nhiệt huyết đối với công cuộc truyền giáo và sự bận tâm của Ngài đối với PMS. Trong khi đọc tài liệu này, chúng ta nên lắng nghe tâm tư, sự nhiệt huyết, hy vọng và sự ưu tư của Ngài. Thứ hai, tôi tin rằng mặc dù Sứ điệp được gửi cách riêng cho các Giám đốc Quốc gia của PMS, Đức Giáo hoàng Phanxicô mong muốn toàn thể Giáo hội, toàn thể Dân Chúa, đọc, nghiên cứu và suy ngẫm về Sứ điệp này. Sứ điệp sẽ phục vụ như một sự chỉ dẫn cho các Giám đốc quốc gia. Nhưng nó cũng phục vụ như một công cụ để đánh giá lương tâm của toàn thể Giáo hội trong lĩnh vực tinh thần dấn thân truyền giáo.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh một cách mạnh mẽ rằng sứ mạng truyền giáo là một món quà nhưng không của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là kết quả của các chiến lược bắt chước “các mô hình về tính hiệu quả trần tục”. Theo Đức Hồng y, nên làm gì để tránh rủi ro của thuyết chức năng, của tính hiệu quả trong các dự án mới của PMS?

Điều quan trọng là cần phải nói rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô không phản đối tính hiệu quả và các phương pháp có thể làm cho sứ mạng truyền giáo của chúng ta trở nên sinh hoa kết trái và minh bạch. Nhưng Ngài đang cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của việc “đo lường” sứ mạng truyền giáo của Giáo hội chỉ bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn và kết quả được xác định trước bởi các mô hình hoặc trường phái quản lý, bất kể những điều này có thể tốt và hữu ích như thế nào. Các công cụ hiệu quả có thể trợ giúp nhưng không bao giờ có thể thay thế cho sứ mạng của Giáo hội. Tổ chức Giáo hội được điều hành hiệu quả nhất có thể sẽ trở thành nhà truyền giáo kém hiệu quả nhất. Bằng cách nhấn mạnh rằng truyền giáo là một món quà của Chúa Thánh Thần, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang hướng dẫn chúng ta quay trở lại một số chân lý nền tảng như: đức tin vào Thiên Chúa là một món quà từ chính Thiên Chúa; Nước Thiên Chúa được mở đầu và hoàn thành bởi Thiên Chúa; Giáo hội là công trình sáng tạo của Thiên Chúa; Giáo hội gợi lại sứ mạng của mình, loan báo Tin Mừng và đi đến tận cùng trái đất bởi vì Chúa Kitô Phục sinh đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến. Nguồn gốc và sứ mạng của Giáo hội là một món quà của Thiên Chúa, chứ không phải là một kế hoạch của con người. Chúa Giêsu đến để gặp gỡ chúng ta như là Tình yêu của Chúa Cha. Nhưng chúng ta có vai trò – để cầu nguyện, phân biệt món quà thiêng liêng, lãnh nhận nó trong đức tin và hành động theo Thánh ý của Thiên Chúa. Tách khỏi gốc rễ ân sủng này, các hoạt động của Giáo hội, chứ không chỉ riêng các dự án của PMS, bị hạp thấp chỉ còn là các chức năng và các kế hoạch hành động cố định. Những bất ngờ của Thiên Chúa và “những xáo trộn” bị cho là hủy hoại các dự án đã chuẩn bị của chúng ta. Đối với tôi, để tránh nguy cơ của chủ nghĩa chức năng, chúng ta cần quay trở lại mùa xuân của đời sống và sứ mạng của Giáo hội: Món quà của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Tách biệt khỏi nguồn mạch sống động đó, công việc khó khăn của chúng ta sẽ gây ra mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, sự ganh đua, bất an và tuyệt vọng. Bám rễ sâu vào món quà của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể đối mặt với sứ mạng của chúng ta và sự khó khăn của công việc này, với niềm vui và hy vọng.

Với một hình ảnh rất mạnh mẽ, Đức Phanxicô đã thúc giục PMS “phá vỡ mọi tấm gương trong nhà”. Những cám dỗ của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic) và tính tự phụ (self-sufficiency) là những “tệ nạn” khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô hết sức bận tâm. Làm thế nào để có thể tiêm vắc-xin phòng chống loại vi-rút này đang làm tổn hại Giáo hội?

Chứng rối loại nhân cách ái kỷ là kết quả của một quan điểm hoàn toàn thực dụng đối với sứ mạng truyền giáo. Truyền giáo dần dần trở nên quy hướng về tôi, tên tuổi của tôi, sự thành công của tôi, thành tích của tôi, danh tiếng và những người đi theo tôi nhiều hơn, và ngược lại, ít quy hướng về Tin Mừng về Lòng thương xót của Thiên Chúa, về lòng từ bi nhân hậu của Chúa Giêsu, về các hoạt động kinh ngạc của Chúa Thánh Thần. Và khi những kết quả tốt đẹp xuất hiện, chứng rối loại nhân cách ái kỷ hoặc tự quy hướng về bản thân dẫn đến tính tự phụ. Những thành tích tôi đạt được chứng minh rằng tôi có thể cậy dựa vào năng lực của chính mình. Việc cậy nhờ Thiên Chúa và người khác là một sự lăng mạ đối với khả năng vô hạn của tôi. Tính tự phụ làm cho chứng rối loạn nhân cách ái kỷ trở nên tồi tệ hơn. Chu kỳ tuần hoàn này gài bẫy một người hoặc một tổ chức trong thế giới hạn hẹp của sự tự cô lập, điều hoàn toàn ngược lại với sứ mạng truyền giáo. Đây là tấm gương mà Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn chúng ta phá vỡ – thái độ chỉ quan tâm đến bản thân mình. Tôi đề nghị rằng chúng ta nên sử dụng một chiếc kính trong suốt cho phép chúng ta nhìn xa hơn, vượt bản thân chúng ta, chứ không phải là một tấm gương mà tôi chỉ nhìn thấy khuôn mặt của tôi và môi trường xung quanh tôi. Hoặc tốt hơn nữa, như Đức Giáo hoàng gợi ý, chúng ta hãy mở hết các cửa sổ và cửa ra vào, nhìn ra bên ngoài, bước ra bên ngoài để đến gần với công tình sáng tạo của Thiên Chúa, với những người xung quanh, đến các góc phố, đến với những người đau khổ, những người đang rối trí, đến với giới trẻ, đến với những người bị tổn thương. Hãy nhìn vào họ, chúng ta hy vọng sẽ nhìn thấy chính mình. Họ là những tấm gương thực sự mà chúng ta nên nhìn vào đó. Vắc-xin chống lại chứng rối loạn nhân cách ái kỷ và tính tự phụ đó là thoát ra khỏi chính bản thân chúng ta. Vắc-xin này được gọi là “Giáo hội đi ra” (La chiesa in uscita). Chỉ sau đó chúng ta mới có thể tìm thấy chính mình. Đó là về việc thay đổi những chiếc gương, tôi thiết nghĩ thế.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đề nghị chúng ta nghĩ về những người nghèo nhất hơn là tự thể hiện hay quảng cáo mình. Đức Giáo hoàng đề nghị tiếp cận với mọi người để xem “họ đang ở đâu và hoàn cảnh của họ như thế nào giữa cuộc sống của họ” cũng như tin tưởng vào cảm thức Đức tin của Dân Chúa. PMS đã sẵn sàng để thử thách bản thân đối với một động lực mới trong sứ mạng nền tảng của họ trong việc phục vụ Giáo hội?

 Bằng cách đưa sứ mạng truyền giáo trở lại với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta về Giáo hội, Đền thờ của Chúa Thánh Thần, Dân Chúa, tác nhân truyền giáo tích cực. PMS và các nhóm định hướng truyền giáo khác được nhắc nhở rằng các trụ sở truyền giáo không phải là lãnh thổ độc quyền của họ, họ cũng không phải là người thúc đẩy sứ mạng truyền giáo duy nhất. Giáo hội với tư cách một cung điện sống động của Chúa Thánh Thần đã tích cực truyền giáo ngay từ khởi đầu lịch sử của nó. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhớ lại nguồn gốc của PMS trong sự bận tâm, cầu nguyện và các hoạt động từ thiện bác ái của một con người bình dị. PMS được sinh ra nhờ những con người sống thánh thiện trong đời sống bình thường hàng ngày của họ, một sự thánh thiện đã thúc giục họ chia sẻ món quà của Chúa Giêsu cho những người cần đến Ngài. Họ đã sử dụng các phương tiện được Chúa Thánh Thần ban cho họ: cầu nguyện và các hoạt động từ thiện bác ái. Đức Giáo hoàng Phanxicô đang khuyến khích PMS và Giáo hội đưa sự hiểu biết và thực hành truyền giáo trở lại với tính chất thông thường trong đời sống Kitô hữu, để biến sứ mạng truyền giáo trở thành một phần đơn giản, không phức tạp của đời sống Kitô hữu trong các gia đình, tại nơi làm việc, trongcác trường học, trong các trang trại, trong các văn phòng và tại các Giáo xứ. Tôi thiết nghĩ một thách thức lớn đó là làm thế nào để giúp các tín hữu của chúng ta nhận thấy rằng đức tin là một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa, chứ không phải là một gánh nặng. Nếu chúng ta hạnh phúc và được làm cho trở nên phong phú nhờ kinh nghiệm đức tin của mình, chúng ta sẽ chia sẻ món quà đó cho người khác. Sứ mạng truyền giáo trở thành việc chia sẻ một món quà, thay vì là một nghĩa vụ phải hoàn thành. Chúng tôi cùng đồng hành với anh chị em của mình trong cùng một hành trình gọi là sứ mạng truyền giáo. Sứ mạng truyền giáo và đồng hành tính (synodality) hội ngộ.

Một phần quan trọng của Sứ điệp được dành riêng cho các khoản quyên góp. Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, cần phải vượt qua sự cám dỗ để tìm kiếm các nhà tài trợ lớn biến các Hội Truyền giáo Giáo hoàng trở thành các tổ chức phi chính phủ tập trung vào việc gây quỹ. Làm thế nào để những lời kêu gọi này của Đức Giáo hoàng sẽ được thực hiện ở mức độ thực tế?

Trong tầm nhìn hết sức chặt chẽ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, các khoản quyên góp được xem như là những hy sinh của tinh thần bác ái đi kèm với những lời cầu nguyện cho sứ mạng truyền giáo. Quan điểm này làm cho các khoản đóng góp hoặc các cuộc lạc quyên trở thành một phần của món quà đức tin và sứ mạng truyền giáo. Khi tầm nhận thức về món quà này được thay thế bằng tính hiệu quả trong việc điều hành một tổ chức, thì lúc đó sự quyên góp chỉ trở thành các nguồn kinh phí hoặc nguồn lực được sử dụng, chứ không phải là dấu hiệu hữu hình của tình yêu, cầu nguyện, chia sẻ thành quả lao động của con người. Điều nguy hiểm là tiền bạc sẽ được quyên góp dưới danh nghĩa truyền giáo nhưng không trở thành một biểu hiện của tổ chức từ thiện truyền giáo về phía nhà tài trợ. Mục tiêu có thể chuyển sang chỉ đơn giản là đạt được một số tiền mong muốn hơn là làm thức tỉnh ý thức và niềm vui truyền giáo. Với cặp mắt chú trọng vào mục tiêu tiền tệ, sự cám dỗ để cậy dựa vào các nhà tài trợ lớn trở nên đáng kể. Tôi đề nghị rằng chúng ta cần dành nhiều thời gian và sức lực hơn để cung cấp cho mọi người cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài và đồng thời trở thành các môn đệ truyền giáo trong đời sống hàng ngày của họ. Các tín hữu trở thành những nhà truyền giáo dấn thân và vui mừng là nguồn lực tốt nhất của chúng ta, chứ không phải tiền bạc. Cũng rất tốt để nhắc nhở các tín hữu của chúng ta rằng thậm chí ngay cả những đóng góp nhỏ nhoi của họ, khi được tổng kết, trở thành một biểu hiện hữu hình của tổ chức từ thiện truyền giáo toàn cầu của Đức Giáo Hoàng cho các Giáo hội cần được trợ giúp. Không có món quà nào là quá nhỏ khi được trao tặng vì thiện ích chung.

Sẽ không có Giáo hội nếu không truyền giáo, Đức Phanxicô một lần nữa lặp lại với chúng ta với Sứ điệp mạnh mẽ này gợi lại Tông Huấn ‘Evangelii Gaudium’. Hy vọng của Đức Hồng y là gì với tư cách là Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc?

Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi cho các Giám đốc PMS lặp lại các chủ đề chính của Tông Huấn “Evangelii Gaudium”. Tôi tin rằng “Evangelii Gaudium” là cách giải thích rõ nhất của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với thời đại chúng ta về di sản Giáo hội và truyền giáo của Công đồng Vatican II. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng bày tỏ tầm ảnh hưởng của Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” (Evangelii Nuntiandi) của Đức Phaolô VI về tầm nhìn truyền giáo của Ngài. Trong sáu thập kỷ qua, chúng ta đã nghe thấy sự khẳng định mạnh mẽ rằng đặc tính và lý do tồn tại của Giáo hội đó là truyền giáo. Sứ mạng của Giáo hội đó là chia sẻ Món quà mà nó đã nhận được. Tôi nhớ lại Thư thứ nhất của Thánh Gioan, trong đó Ngài nói: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…Thật vậy, Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (I Ga 1: 1-4). Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể quay trở lại sự khởi đầu bình dị và vui mừng này của Giáo hội và sứ mạng tông đồ của mình.

Khoảnh khắc ngoại thường như chúng ta đang trải qua do đại dịch ảnh hưởng thế nào đến tất cả những điều này?

Đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều đau khổ và sợ hãi cho gia đình nhân loại. Chúng ta không thể và không nên bỏ qua tác động của nó đối với Giáo hội và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Chúng ta có thể mất nhiều năm nữa để hiểu rõ hơn về sự kiện này trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể tuyên bố rằng, thậm chí ngay cả giữa những sự bất ổn, các biện pháp cách ly xã hội, tình trạng thất nghiệp, mất thu nhập và nhiều ảnh hưởng khác của đại dịch, Chúa Thánh Thần vẫn tuôn đổ trào tràn những món quà của tinh thần bác ái bao dung, những cử chỉ anh hùng, tình yêu gia đình, những lời cầu nguyện thiết tha, việc tái khám phá Lời Chúa, sự khao khát đối với Bí tích Thánh Thể, trở lại với lối sống đơn giản, chăm sóc cho công trình sáng tạo, như là những ví dụ điển hình trong hoàn cảnh hiện tại. Khi Giáo hội cảm thấy bị hạn chế trong các hoạt động thông thường của mình, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục sứ mạng của Ngài mà không có bất kỳ sự giới hạn nào. Giáo hội được mời gọi để chiêm ngắm kinh ngạc trước những kỳ công vĩ đại của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đánh giá cao món quà này và chúng ta sẽ tường thuật lại những câu chuyện về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đại dịch trong nhiều năm tới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết