Đức Hồng Y Suharyo: ‘Chuyến viếng thăm Indonesia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ giúp chúng tôi đào sâu đức tin và tình huynh đệ’

Đức Hồng y Ignatius Suharyo, bên trái, với Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Imam của Đền thờ Hồi giáo Istiqlal (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y Ignatius Suharyo, bên trái, với Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Imam của Đền thờ Hồi giáo Istiqlal (Ảnh: Vatican News)

Sau chuyến Tông du kéo dài 3 ngày của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Indonesia, Đức Hồng y Tổng giám mục Địa phận Jakarta đã bày tỏ hy vọng về tương lai của “đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn” giữa những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau tại đất nước này.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kết thúc chuyến Tông du tới Indonesia vào sáng thứ Sáu khi ngài khởi hành cho chặng thứ hai của chuyến viếng thăm, đưa ngài tới Papua New Guinea.

Sau khi chuyến bay chở Đức Giáo hoàng Phanxicô cất cánh, Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám mục Địa phận Jakarta, đã ngồi lại với Vatican News để chia sẻ những suy tư của mình về chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng trong cuộc phỏng vấn sau đây:

Kính thưa Đức Hồng y, ngài tóm tắt thế nào về chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô và nó được người dân Indonesia, cả người Công giáo lẫn người không theo Công giáo, đón nhận như thế nào?

Tôi thiết nghĩ mọi thứ đều nằm trong chủ đề, bao gồm ba từ. Đó là đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn.

Trên thực tế, nó không được viết trên bàn, nhưng nó là tấm gương phản chiếu động lực của cuộc sống Giáo hội tại Indonesia. Nó đã được trao cho Vatican, và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đồng ý về chủ đề này.

Vì vậy, trong những dịp như vậy trong ba ngày ở Jakarta, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đào sâu ý nghĩa của ba từ đó.

Nói một cách đơn giản, tôi muốn nói thế này: Chúng tôi, không chỉ người Công giáo mà tất cả các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác, đều muốn phát triển đức tin của mình.

Và một trong những chỉ số quan trọng nhất của đức tin là tình huynh đệ. Nếu bạn nói rằng bạn là người sùng đạo và thuộc về một tôn giáo, nhưng không phát triển trong tình huynh đệ, bạn có thể đặt một dấu hỏi lớn về việc bạn có thực sự trung thành hay chỉ có đạo, nhưng không sùng đạo.

Hoa trái của tình huynh đệ là lòng trắc ẩn. Nếu bạn nói rằng bạn là người anh em của tôi, bạn là người chị em của tôi, và những điều tương tự như vậy, nhưng bạn không thể hiện thái độ trắc ẩn, thì khi bạn nói rằng bạn đang cố gắng trở thành một người anh em, một người anh em tốt, một người chị em tốt, hành động của bạn có thể đặt một dấu hỏi lớn đối với tuyên bố đó.

Nếu tôi có thể nói như vậy, đó là sự khởi đầu và kết thúc của tất cả sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Và mọi thứ, mọi từ ngữ, đều được phát triển, đôi khi trong các bối cảnh khác nhau.

Ví dụ, chúng tôi đã gặp gỡ các Linh mục, Giám mục, Giáo lý viên và Tu sĩ tại Nhà thờ Chính Tòa. Đức Giáo hoàng đã có bài phát biểu đặc biệt với các Giám mục, Linh mục và đặc biệt là các Giáo lý viên, những người giảng dạy tại các cộng đồng cơ sở hoặc các trường học, và theo như tôi nhớ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh những gì 2 Giáo lý viên đã nói trong cuộc gặp gỡ.

Khi chúng tôi đến dinh Tổng thống, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về Pancasila và về tình huynh đệ cũng như mối tương quan giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau. Sau đó, ngài Tổng thống cũng có một bài phát biểu ngắn, cảm ơn Đức Giáo hoàng vì cuối cùng đã đến thăm chúng tôi.

Chúng tôi có lịch sử lâu dài về quan hệ giữa Indonesia và Vatican, bởi vì ngay từ năm 1947, chúng tôi đã bắt đầu quan hệ ngoại giao, và sau đó vào năm 1950, Vatican đã thành lập Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại đây và Indonesia đã có Đại sứ quán tại Vatican. Vì vậy, chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia đó. Ngài Tổng thống thực sự rất vui và điều đó có thể dễ dàng thấy được qua cách ông tiếp đón Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Đức Hồng Y Suharyo phát biểu với Vatican News

Đức Hồng Y Suharyo phát biểu với Vatican News

Kính thưa Đức Hồng y, chúng ta đã có sự kiện liên tôn tại đây với việc ký kết thỏa thuận giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Imam. Theo ngài, điều này sẽ giúp tăng cường sự hòa hợp giữa các tôn giáo và sự khoan dung giữa các nhóm thực thể khác nhau trong đất nước như thế nào?

Văn bản được ký bởi tất cả các nhà lãnh đạo của 7 tôn giáo, bao gồm cả tín ngưỡng địa phương, tạo thành 7 tôn giáo. Vì vậy, mọi người đều ký vào đó.

Nếu bạn đến Đền thờ Hồi giáo, tôi thiết nghĩ bạn phải tìm hiểu lịch sử về vị trí mà ngôi Đền thờ Hồi giáo hiện tọa lạc. Vị Tổng thống đầu tiên đã chủ ý quyết định rằng Istiqlal, tức là Đền thờ Hồi giáo quốc gia, phải nằm gần Nhà thờ Chính tòa Công giáo; quyết định này được chủ ý đưa ra, vì đã có cuộc thảo luận giữa ngài Tổng thống và phó Tổng thống. Phó tổng thống đã đề xuất một địa điểm khác, nhưng Tổng thống nói rằng nó nên tọa lạc ở đó. Vì vậy, chúng tôi nằm bên cạnh nhau và gần nhau, để tượng trưng cho lý tưởng sống hòa hợp của chúng tôi.

 Hôm qua, sau khi ký kết văn bản, Đại Imam đã nói với tôi rằng, sau việc ký kết này, chúng tôi phải họp lại và thảo luận với nhau về những việc cần làm sau khi ký kết để văn bản này không chỉ là một văn bản đơn thuần mà còn trở thành khởi đầu cho nhiều hành động khác nhau do các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Indonesia cùng thực hiện.

Đây không phải là lý thuyết; nó đã được thực hành và chúng tôi hy vọng việc ký kết có thể củng cố con đường cùng nhau tiến tới tương lai.

Kính thưa Đức Hồng y, với tư cách là Hồng y Tổng Giám mục Jakarta, ngài có thể chia sẻ đôi nét về việc trải nghiệm với Đức Giáo hoàng Phanxicô tại đây sẽ giúp Giáo hội tiến lên và giúp đỡ cộng đồng cũng như xã hội, không chỉ ở Indonesia mà ở bất kỳ nơi nào khác?

Tôi xin quay lại chủ đề cơ bản của chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng tại Indonesia. Tôi nghĩ rằng điều đó có thể tóm tắt tất cả mong muốn hoặc hy vọng của chúng tôi cho tương lai: chúng tôi phát triển trong đức tin, trong tình huynh đệ và lòng trắc ẩn.

Tôi nghĩ rằng điều này không chỉ dành cho người Công giáo mà tất cả người dân Indonesia đều có thể hiểu được một cách dễ dàng.

Chủ đề tương tự sẽ được hiểu rất dễ dàng – trên thực tế thì đó lại là một vấn đề khác – bởi bất kỳ ai thực sự thuộc về bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết