Đức Hồng y Silvano Maria Tomasi nhấn mạnh vai trò của các cộng đồng tôn giáo trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân

Đức Hồng y Silvano M. Tomasi, Cựu Sứ thần Tòa thánh và Quan sát viên thường trực tại Liên Hợp Quốc (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y Silvano M. Tomasi, Cựu Sứ thần Tòa Thánh và Quan sát viên thường trực tại Liên Hợp Quốc (Ảnh: Vatican News)

Các cộng đồng tôn giáo có thể “góp phần vào cấu trúc toàn cầu của tiến trình giải trừ và kiềm chế vũ khí” bằng nhiều “cách thức cụ thể” nhằm thúc đẩy đối thoại, ngăn ngừa xung đột và gia tăng trách nhiệm giải trình, Đức Hồng y Silvano Maria Tomasi, nhà ngoại giao kỳ cựu của Vatican và là người ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân, khẳng định như vậy trong phần phát biểu của ngài tại hội nghị.

Đức Hồng y Silvano Maria Tomasi đã chia sẻ suy tư của mình tại Hội nghị Những người đoạt giải Nobel về Phòng chống Chiến tranh hạt nhân, được tổ chức tại Đại học Chicago từ ngày 14 đến 16 tháng 7.

Hội nghị kéo dài 3 ngày quy tụ khoảng 20 nhân vật đoạt Giải Nobel và 60 chuyên gia về hạt nhân cùng nhau thảo luận các khuyến nghị chính sách nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Sự kiện kết thúc bằng việc công bố một tuyên bố về “các hành động thực tiễn” hướng đến việc giải trừ vũ khí lâu dài, bao gồm cam kết toàn cầu chấm dứt các cuộc thử nghiệm hạt nhân mang tính hủy diệt. Tuyên bố cũng kêu gọi Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm lượng vũ khí hiện có và ngừng mở rộng kho dự trữ của họ.

Giới thiệu Đức Hồng y Tomasi và những diễn giả khác tại buổi công bố khuyến nghị công khai của hội đồng vào ngày 16 tháng 7 là nhà vật lý thiên văn Brian P. Schmidt của Đại học Quốc gia Úc, người đồng đoạt giải Nobel Vật lý năm 2011, và người đồng tổ chức hội nghị Daniel Holz, Giáo sư vật lý, thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học Chicago và là Chủ tịch hội đồng khoa học và an ninh của Tạp chí ‘Bulletin of the Atomic Scientists’ (Bản tin khoa học nguyên tử-BAS).

Tổ chức này cũng là đơn vị điều chỉnh Đồng hồ Tận thế (Doomsday Clock), được sáng lập vào năm 1947 để cảnh báo nhân loại về mức độ cận kề của sự tự hủy diệt do công nghệ gây ra. Hiện đồng hồ đang dừng ở mức 89 giây trước nửa đêm.

Masako Wado, Phó Tổng Thư ký của Nihon Hidankyo, tổ chức đại diện cho các nạn nhân sống sót sau các vụ tấn công hạt nhân tại Nhật Bản và là đơn vị được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2024, đã gửi một thông điệp video phát tại sự kiện ngày 16 tháng 7, cảnh báo rằng: “Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân chưa bao giờ cao như hiện nay”

 Bà cũng cho biết thêm: “Học thuyết răn đe hạt nhân – dựa trên việc đe dọa các quốc gia khác bằng cách sở hữu vũ khí hạt nhân – không thể cứu vãn nhân loại”.

Ngày cuối cùng của hội nghị trùng với kỷ niệm 80 năm vụ thử nghiệm Trinity, vụ thử hạt nhân đầu tiên diễn ra vào năm 1945 tại khu vực bãi thử bom Alamogordo, cụ thể là ở vùng sa mạc có tên lịch sử là Jornada del Muerto (tạm dịch: “Hành trình Tử thần”), cách Los Alamos, New Mexico khoảng 210 dặm về phía Nam.

Diễn giả chính của ngày hôm đó, ông Robert Floyd – Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử hạt nhân Toàn diện (CTBTO) – tập trung vào chủ đề “Hồi tưởng vụ thử Trinity nhân dịp kỷ niệm 80 năm”.

Vụ thử Trinity, đầu tiên thuộc loại hình này, đã kích nổ một thiết bị hạt nhân sử dụng cơ chế nổ nén plutonium mang tên “Gadget”, với áp lực tạo ra tại tâm vụ nổ lớn gấp 500.000 lần áp suất khí quyển trên bề mặt Trái Đất. Vài ngày sau, Hoa Kỳ đã ném hai quả bom hạt nhân xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, khiến tổng cộng ít nhất 210.000 người thiệt mạng.

Nhà vật lý Robert Oppenheimer – Giám đốc Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong ba địa điểm của Dự án Manhattan – đã đặt tên cho cuộc thử nghiệm này dựa trên hai bài thơ của John Donne: “”Hymn to God, My God, in My Sickness” (Thánh thi dâng lên Thiên Chúa trong cơn bệnh tật) và “Holy Sonnet XIV” (Thánh thi XIV), với câu mở đầu nổi tiếng: “Xin Ngài đập tan trái tim con, Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Vụ nổ gây ô nhiễm phóng xạ cho đất đai, vật nuôi và nguồn nước, kéo theo hàng loạt ca ung thư và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với cư dân khu vực, những người sau này được biết đến với cái tên “Downwinders” (những người bị ảnh ưởng bởi ô nhiễm phóng xạ).

Chỉ vài giờ trước sự kiện ngày 16 tháng 7, Đức Tổng Giám mục John C. Wester của Tổng Giáo phận Santa Fe, bang New Mexico, đã cùng với các Giám mục Công giáo tại tiểu bang này, các nhà lãnh đạo tôn giáo khác và giáo dân hiệp thông trong buổi cầu nguyện cho hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân, được tổ chức ngay tại địa điểm thử nghiệm Trinity trong sa mạc Jornada del Muerto. Cùng ngày, Đức Tổng Giám mục Wester cũng đã chủ sự Thánh lễ tại Tularosa, New Mexico, sau đó là buổi cầu nguyện thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ thử nghiệm Trinity.

Tại Hội nghị ngày 16 tháng 7 ở Chicago, phát biểu của Đức Hồng y Tomasi được mở đầu bằng một phút mặc niệm dành cho các nạn nhân của vụ thử nghiệm và tấn công hạt nhân, do Giáo sư Schmidt chủ trì. Ngài nói rằng khía cạnh “tôn giáo” của nguy cơ hạt nhân “có thể đem lại một số hiểu biết về tính phức tạp của vấn đề, cũng như về sự khó khăn trong việc truyền đạt cho công chúng nhận thức về hậu quả thảm khốc mà ngay cả chỉ một quả bom nguyên tử cũng có thể gây ra”.

Đặc biệt, ngài đề xuất ba hình thức cụ thể mà các cộng đồng tôn giáo có thể đóng góp vào nỗ lực ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân.

Thứ nhất, các chương trình “xác minh liên tôn” (interfaith verification) có thể “thiết lập một liên minh các tổ chức tôn giáo được đào tạo để hoạt động như các nhân chứng dân sự trong khuôn khổ các chế độ xác minh kiểm soát vũ khí”, ngài nói.

“Dù không phải là các thanh tra kỹ thuật, những nhân chứng tôn giáo này sẽ đồng hành cùng các nhóm của Liên Hợp Quốc, cung cấp sự giám sát luân lý, thúc đẩy tính minh bạch và gia tăng lòng tin công chúng đối với tiến trình giải trừ vũ khí, đặc biệt tại những khu vực phức tạp, nơi các quốc gia không tin tưởng lẫn nhau nhưng vẫn dành sự tôn trọng nhất định đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo”, Đức Hồng y Tomasi giải thích.

Thứ hai, các “nền tảng đối thoại cảnh báo sớm dựa trên đức tin” sẽ tạo ra “cơ chế xây dựng lòng tin liên tôn khu vực, nơi các vị lãnh đạo tôn giáo thường xuyên gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách, giới khoa học và các bên liên quan trong xã hội dân sự để xác định sớm các dấu hiệu chạy đua vũ trang, các học thuyết gây mất ổn định hay những thay đổi về học thuyết có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực”, Đức Hồng y Tomasi nói.

Thứ ba, một “hội đồng liên tôn toàn cầu” bao gồm “đại diện từ các tôn giáo lớn trên thế giới, các nhà đạo đức học, các khoa học gia và chuyên gia giải trừ vũ khí” có thể “đánh giá và công bố các báo cáo thường niên về các tác động đạo đức của những công nghệ mới nổi liên quan đến sự ổn định hạt nhân”, ngài đề xuất.

Đức Hồng y Tomasi kêu gọi các tham dự viên không chỉ coi dịp kỷ niệm vụ thử Trinity là một “sự tưởng niệm trang trọng”, mà còn là một “hành động đổi mới”.

“Vụ nổ Trinity đã cho chúng ta thấy con người có khả năng hủy diệt đến đâu. Giờ đây, nhiệm vụ trước mắt là tái khám phá những gì chúng ta có thể gìn giữ và xây dựng”, Đức Hồng y Tomasi nhấn mạnh. “Mong rằng hội nghị này không chỉ là một cột mốc trong việc tưởng nhớ sự hủy diệt, mà còn là lời thức tỉnh lương tâm và cam kết vì hòa bình, vì sự liên đới với toàn thể gia đình nhân loại”.

Minh Tuệ (the UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết