Đức Hồng Y Sandri kêu gọi các tín hữu Công giáo ủng hộ cuộc lạc quyên giúp đỡ Thánh Địa hàng năm

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Giáo hội Đông phương, Đức Hồng y Leonardo Sandri, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc lạc quyên ‘Pro terra Sancta’ hàng năm, được thực hiện trong các Thánh lễ trên khắp thế giới vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Đức Hồng Y Sandri bắt đầu bức thư của mình khuyến khích cuộc lạc quyên ủng hộ Thánh Địa bằng cách trích dẫn cuốn sách Pensées (Suy tưởng) của Triết gia Blaise Pascal: “Chúa Giêsu sẽ hấp hối đau đớn cho đến ngày tận thế; chúng ta không được phép ngủ trong thời gian đó”. Câu văn này, Đức Hồng Y Sandri giải thích, “gợi cho chúng ta về Mầu nhiệm của Cuộc Khổ Nạn của Đấng Cứu Thế, mà năm phụng vụ cử hành và hiện diện một cách đặc biệt thông qua Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua”.

Nhắc lại lời cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô ở cuối Chặng Đàng Thánh Giá tại Đấu trường La Mã vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2019, Đức Hồng Y Sandri cho biết rằng “nó hồi tưởng đến những sự dữ và đau khổ của thế giới và đặt chúng bên cạnh Thánh Giá của Chúa Giêsu”.

Đức Hồng Y Sandri giải thích rằng Thánh địa là “một địa điểm về mặt thể lý, nơi mà Chúa Giêsu đã trải qua cơn hấp hối và đau khổ”, để rồi sau đó Ngài biến thành hành động cứu chuộc nhờ tình yêu vô hạn. Chính tại Vườn Cây Dầu, Đức Hồng Y Sandri tiếp tục, “vùng đất này đã được lãnh nhận những giọt mồ hôi máu của Người”. Dọc theo “Via Dolorosa” (Chặng Đường Khổ Đau), chúng ta vẫn có thể tưởng tượng ra “những địa điểm nơi diễn ra phiên tòa xét xử kép và lên án Chúa Giêsu”, Đức Hồng Y Sandri cho biết thêm.

“Thánh Địa và đặc biệt là cộng đồng Kitô giáo sống ở đó luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim của Giáo hội toàn cầu”, Đức Hồng y Sandri viết. Nhắc lại những lời của Thánh Phaolô, Đức Hồng Y Sandri giải thích rằng khi Giáo hội bày tỏ sự liên đới với Giêrusalem, “kể cả thông qua sự hỗ trợ về kinh tế”, Giáo hội đã thực hiện một hành động của sự phục hồi.

Đức Hồng Y Sandri tiếp tục đề cập đến “những thử thách khốc liệt mà Giáo hội ở Thánh địa và khắp Trung Đông đã phải chịu đựng trong nhiều thế kỷ. Những thử thách đó vẫn chưa kết thúc”, Đức Hồng Y Sandri nói.

“Các cuộc chiến tranh kéo dài và mệt nhoài tiếp tục tạo ra hàng triệu người tị nạn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương lai của toàn bộ các thế hệ. Họ tự thấy mình bị tước đoạt những nhu cầu cơ bản nhất như quyền có một tuổi thơ yên bình, quyền được có một nền giáo dục học đường hài hòa, quyền được cống hiến tuổi trẻ của mình để tìm kiếm công ăn việc làm và thành lập một gia đình, quyền khám phá ơn gọi cá nhân, quyền có được một cuộc sống trưởng thành chuyên cần và xứng hợp phẩm giá, và quyền có được một tuổi già yên bình”.

Đức Hồng Y Sandri cho biết rằng Giáo hội tiếp tục nỗ lực làm việc để bảo vệ sự hiện diện của Kitô giáo và đồng thời “trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói”. Đức Hồng Y Sandri cũng cho biết thêm rằng Giáo hội “hoàn toàn chắc chắn” về cấp độ mục vụ và phụng vụ, trong khi “tiếp tục nỗ lực làm việc một cách nghiêm túc để cung cấp giáo dục chất lượng thông qua các trường học, vốn là nền tảng để bảo vệ bản sắc Kitô giáo và xây dựng việc cùng tồn tại huynh đệ”.

“Nhờ sự quảng đại hào phóng của các tín hữu trên khắp thế giới, Giáo hội tiếp tục cung cấp chỗ ở cho những người trẻ tuổi muốn thành lập một gia đình mới, cũng như tạo điều kiện tìm kiếm việc làm. Tương tự, Giáo hội cũng tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ về mặt vật chất cụ thể ở những nơi có các hình thức nghèo đói đặc hữu, chẳng hạn như nhu cầu sức khỏe và tình trạng khẩn cấp nhân đạo liên quan đến dòng người tị nạn và những người lao động nhập cư nước ngoài”.

Đức Hồng Y Sandri kết luận bằng cách bày tỏ rằng việc chăm sóc các Thánh tích chỉ có thể nhờ vào cuộc lạc quyên ‘Pro Terra Sancta’. Những Thánh tích này, Đức Hồng Y Sandri nói, “gìn giữ ký ức về sự mặc khải thiêng liêng, Mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc” và đồng thời cung cấp cho cộng đồng Kitô giáo, “nền tảng của bản sắc của mình”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết